“Trong một lần con phạm lỗi, tôi giận quá mà nói với con: “Mẹ không yêu con được nữa.” Con tôi sau khi nghe xong câu đó, không nói gì mà khóc rất lâu. Đến tối ngủ thì bạn ấy mới ôm mẹ và nói: Mẹ đừng nói thế, mẹ yêu con nhé.” Chia sẻ trên của một phụ huynh đã làm nhiều bậc cha mẹ tại tọa đàm “Kỷ luật trẻ – Đâu là giới hạn?” diễn ra tuần qua tại Hà Nội rớm nước mắt.

Tôi chợt nhớ chia sẻ của một người bạn trạc 20 tuổi. Bạn kể vẫn còn ám ảnh về hình phạt bị bố mẹ bỏ lại trong phòng một mình để “tự suy nghĩ về hành vi của mình” ngày nhỏ. “Đến bây giờ nhớ lại vẫn cảm thấy rất đáng sợ,” bạn tôi nói.

“Đánh con xong mình tự ứa nước mắt, nhưng lúc ấy không kiềm chế được vì con quá bướng,” là tâm sự chung của nhiều bậc phụ huynh. Những biện pháp kỷ luật cha mẹ dành cho con, làm thế nào để không thỏa hiệp nhưng cũng không trừng phạt, không để lại những tổn thương thể chất và tinh thần cho con sau này? Đó là câu hỏi mà những bố mẹ Việt trăn trở rất nhiều.

Cha mẹ hãy hiểu tâm lý của con…

Về tâm lý trẻ trong độ tuổi mẫu giáo (từ 0 – 6 tuổi), chuyên gia giáo dục Nguyễn Bảo Trọng – Giám đốc học thuật trường Mầm non Quốc tế Sakura Montessori chia sẻ: “6 năm đầu đời được xem như nền tảng, tạo dựng nền móng cho cấu trúc về nhân cách sau này của đứa trẻ.”

Chuyên gia Trọng cho biết, từ 0 – 3 tuổi là giai đoạn trẻ học tập vô thức, tự kiến tạo thông tin cho minh. Và “khóc” theo chuyên gia, là một hành vi hết sức tự nhiên của đứa trẻ trong khoảng thời gian này.

Còn từ 3 – 6 tuổi là giai đoạn trẻ phát triển bằng cách đặt câu hỏi. Khủng hoảng chống đối: trẻ muốn khẳng định cái tôi, bắt đầu tự đưa ra quyết định và thích nói “không” với bố mẹ cũng diễn ra trong độ tuổi này.  

Như vậy, những biểu hiện tiêu cực của trẻ khiến bố mẹ “tức lộn tiết” trong giai đoạn mẫu giáo là hoàn toàn tự nhiên và dễ hiểu.

“Trong giai đoạn từ 0 – 6 tuổi trẻ cần phát triển cảm giác tin tưởng bản thân mình, tin tưởng người khác và tin tưởng thế giới xung quanh.”

Trong khi đó, các bậc phụ huynh lại mắc 3 sai lầm sau đây, theo chuyên gia Nguyễn Bảo Trọng:

– Áp đặt, kiểm soát thái quá. Khi không có khả năng điều chỉnh trẻ, chúng ta thường làm trẻ cảm thấy xấu hổ vì những hành vi của chúng, khiến chúng có xu hướng nghi ngờ bản thân. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến tính cách trẻ khi chúng lớn lên: rằng chúng có xu hướng yêu hay ghét nhiều hơn, thích bộc lộ cảm xúc hay kiềm nén nhiều hơn.

– Thiếu niềm tin vào năng lực của trẻ, làm thay cho trẻ những gì chúng có thể làm được.

– Xét nét những lỗi sai của trẻ theo cách tiêu cực, khiến trẻ mất tự tin. 

“Đánh con xong ứa nước mắt, nhưng không kiềm chế được vì con quá bướng”: Cha mẹ nên kỷ luật như thế nào để không làm con trẻ tổn thương? - Ảnh 2.

Tọa đàm “Kỷ luật trẻ – Đâu là giới hạn?” diễn ra mới đây tại Hà Nội

Về tâm lý trẻ trong giai đoạn từ cấp 1 đến cấp 3, chuyên gia giáo dục Hoàng Anh Đức – Giám đốc học thuật trường Phổ thông liên cấp Gateway, cho rằng con trẻ có những áp lực nhất định khi bước vào một môi trường mới (lớp 1, lớp 6, lớp 10, thậm chí là đại học). 

Khi đó, nếu nhận được sự khích lệ của cha mẹ dù là nhỏ nhất thì trẻ sẽ tự tin hơn. Nhưng ngược lại, nếu cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con thì con sẽ càng lo sợ và không có đủ dũng cảm để khám phá môi trường mới.

Chuyên gia Hoàng Anh Đức chia sẻ thêm rằng, trong giai đoạn phổ thông, chương trình học của lớp 4, lớp 8, lớp 11 khá nặng và stress thường bắt đầu từ đây: “Khi gặp stress, trẻ có xu hướng không giao tiếp nói chuyện với ai, đi học xong về ngồi lỳ trong phòng, ai hỏi gì mới trả lời, thậm chí không trả lời.”

Trong khi đó, phụ huynh lại “nôn nóng” trong chuyện giáo dục cho con, khiến chính họ thất vọng về trẻ và ngày càng có hành vi thúc ép trẻ thay đổi nhanh hơn. Trừng phạt con tất yếu sẽ xảy ra nếu đứa trẻ không thực hiện đúng kỳ vọng của người lớn.

Trong một bộ phận gia đình Việt, tình trạng trừng phạt con cái về thể xác vẫn còn hiện diện. Chuyên gia giáo dục quốc tế Steven Foster cảnh báo: “Bạo hành thể xác gây hậu quả khôn lường, thay đổi cách não bộ của trẻ vận hành. Những đứa trẻ có lịch sử bị bạo hành sẽ sử dụng phần não để sinh tồn nhiều hơn phần não lý trí dùng để suy nghĩ.”

… nhưng cũng hãy thông cảm cho cơn nóng giận của mình

Bất lực, vô phương cứu chữa, vật lộn với con, nhiều lúc phải gào lên vì ức chế… là những từ ngữ phụ huynh dùng để miêu tả khúc mắc của mình với con tại tọa đàm.

Tuy nhiên, chuyên gia Steven Foster cũng đưa ra những thông tin khiến cha mẹ đỡ nặng nề về mình hơn.

Theo chuyên gia, cha mẹ cũng là con người, có cơ chế vận hành cảm xúc tức giận trong não như nhau. Khi cha mẹ tức giận, phần não “gây tức giận” hoạt động đồng thời phần não lý trí lại tự động… không làm việc. Để ngăn việc có thể “xả” vào con ngay thời điểm con mắc lỗi, chuyên gia khuyên các bậc phụ huynh hãy hít thở thật sâu ngay lúc đó.

Nói chuyện với con khi cơn giận đã qua là lời khuyên của chuyên gia Steven Foster. 

“Hãy ghi nhớ, khi chúng ta tức giận và cảm thấy muốn con mình giải quyết vấn đề ngay lập tức, chúng ta có thể hét lên: Bây giờ bố mẹ quá tức giận để giải quyết chuyện này, hãy giải quyết vấn đề này khi cả hai chúng ta cùng sử dụng phần não lý trí của mình.”

“Con người khắp mọi nơi, khắp nền văn hóa trên thế giới đều phải vật lộn với cơn nóng giận của mình,” chuyên gia nói thêm.

Các lời khuyên khác được đưa ra để bố mẹ có thể thương thuyết thành công với con bao gồm: 

Thành lập “mối quan hệ song phương” với con: Tôn trọng con nhưng không đội con lên đầu. “Chúng ta không có giá trị hơn các con vì chúng ta già hơn, lớn hơn. Hãy xem lại xem cách chúng ta đang làm có thể hiện sự tôn trọng với phẩm chất, phẩm giá của đứa trẻ hay không,” chuyên gia Hoàng Anh Đức nói.

Không thưởng cũng không phạt con mà để con được đóng góp. Giao tiếp, hợp tác, đóng góp (communication, collaboration, contribution) là 3 từ khóa chuyên gia Steven Foster đưa ra: “Hãy để các con được đóng góp, để trẻ cảm giác được rằng mình có năng lực, có khả năng.”

Và cuối cùng, hãy xin lỗi trẻ khi chính cha mẹ mắc sai lầm với con. “Xin lỗi là luôn là giáo án trong buổi dạy làm cha mẹ đầu tiên của tôi,” chuyên gia Steven Foster chia sẻ.

Kết

“Tạo hóa cho chúng ta thành cha mẹ, nhưng không phải tất cả các bậc cha mẹ đều tự nhiên biết cách dạy con.” Hơn nữa, tuy “”làm cha mẹ” là một trong những công việc quan trọng nhất của đời người, bậc phụ huynh lại không có được sự hỗ trợ rộng rãi từ xã hội. Cha mẹ ai cũng thực sự yêu con cái của họ, nhưng cần phải biết tự trang bị những kiến thức và kỹ năng để có thể yêu con đúng cách.

Theo ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục trẻ em, trên thế giới có khoảng 300 triệu trẻ em từ 2 đến 4 tuổi thường xuyên bị cha mẹ áp dụng các hình thức kỷ luật về thể chất hoặc tâm lý. Trên toàn cầu, khoảng 1,1 tỷ người chăm sóc trẻ cho rằng: trừng phạt về thể chất là phương pháp cần thiết để giáo dục trẻ.

Còn tại Việt Nam, 68,4% trẻ em từ 1 – 14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt về thể chất hoặc tinh thần từ các thành viên trong gia đình. Và con số trên cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Thực trạng bạo hành trẻ em xuất phát từ các hành vi kỉ luật thô bạo vẫn diễn ra âm thầm trong nhiều gia đình. Những tổn thương về mặt thể chất, tinh thần của trẻ đang bị bỏ ngỏ. Và câu chuyện về sự mâu thuẫn trong phương pháp giáo dục con khiến nhiều cha mẹ rơi vào bế tắc.

Tọa đàm “Kỷ luật trẻ – Đâu là giới hạn?” do Trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway và Trường Mầm non Quốc tế Sakura Montessori phối hợp tổ chức tuần qua tại Hà Nội. Trong tháng 8, 2 đơn vị trên cũng tổ chức chương trình đào tạo miễn phí về Phương Pháp Kỷ Luật Tích Cực dành cho giáo viên và phụ huynh. Đây là khóa học đầu tiên tại Việt Nam, do Steven Foster – chuyên gia 20 năm kinh nghiệm về đào tạo Kỷ luật tích cực và giáo dục sớm làm diễn giả.



Thảo Thảo


Theo Trí Thức Trẻ

Write A Comment