Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) không phải là một cây cột bất định. Nó có thể là chiếc mỏ neo được cắm chặt xuống đất với mục đích ổn định nền tảng, ổn định vị trí nhưng khi cần thiết, doanh nghiệp buộc phải “rút” lên để di chuyển, để tiến bước phát triển mạnh mẽ, nếu không sẽ trở thành con rùa với chiếc mai nặng nề trên lưng.

Văn hóa doanh nghiệp cũng cần thay đổi để phù hợp với thời đại

Trong xây dựng VHDN, để xác định văn hóa đặc thù của một doanh nghiệp là việc không hề đơn giản và tốn nhiều công sức. Thương trường là chiến trường và cũng muôn hình muôn vẻ, khi mỗi doanh nghiệp cá thể độc lập với những mảng màu sắc khác nhau.

Thực tế khi hoạt động sản xuất kinh doanh, bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải lao đầu vào công việc trước mắt. Khi đó, trong các hoạt động thường ngày, các giá trị văn hóa của doanh nghiệp dần được hình thành, nuôi dưỡng bằng tâm tư, tình cảm, bằng sự ảnh hưởng của lãnh đạo, hay sự tác động qua lại giữa các thành viên với nhau. Trong quá trình đó, có thể xuất hiện sự lệch lạc và sẽ được điều chỉnh bởi đạo đức và các quy định đặt ra.

Có một câu nói rất nổi tiếng: “Gieo tư tưởng gặt suy nghĩ, gieo suy nghĩ gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách”, xây dựng VHDN cũng tương tự như vậy. Việc xây dựng các giá trị chỉ là bước đầu để tạo ra hệ tư tưởng của doanh nghiệp. Hệ tư tưởng này phải được truyền đạt đến mọi thành viên để họ có cùng một suy nghĩ đúng sai, sau đó cùng biến những suy nghĩ này thành chương trình hành động cụ thể cho từng cá nhân, từng nhóm và toàn doanh nghiệp. Cần nhớ rằng, các chương trình này phải được lặp đi lặp lại thường xuyên để chúng trở thành thói quen tự nguyện, một hành động tương tự như phản xạ có điều kiện. Để làm được điều đó, ban lãnh đạo phải giám sát, theo dõi để cải thiện các tính cách này cho đúng với hệ giá trị cốt lõi của doanh nghiệp nhằm tạo nên tính cách riêng biệt cho doanh nghiệp mình.

VHDN – Kỳ 2: Bí quyết “giữ lửa” văn hóa doanh nghiệp tại các công ty hàng đầu - Ảnh 1.

Trong xây dựng VHDN, không ít doanh nghiệp lớn có, nhỏ có đã đầu tư rất nhiều tiền của và công sức để xây dựng nên một bộ hồ sơ VHDN hoàn chỉnh. Nhưng cần nhớ rằng, bộ hồ sơ này không phải là chiếc đũa thần có thể hô biến và thay đổi một tập thể trong một sớm một chiều. Người ta thường nói “đường là do đi lâu ngày mà thành”, VHDN cũng vậy. Nó cần được triển khai cho mọi người và được thực hành trong một thời gian dài mới có thể tạo nên “hình dáng” cơ bản. Trong thời gian đó sẽ có không ít cản trở, không ít thành viên có những hành vi sai trái hoặc không phù hợp. Là chủ doanh nghiệp, bạn cần phải có những biện pháp điều chỉnh kịp thời nhưng nên nhớ, đừng bao giờ điều chỉnh hành vi mà hãy điều chỉnh nhận thức. Chỉ khi nhận thức được thay đổi thì thành viên đó mới có thể trở thành một mảnh ghép hoàn chỉnh của tập thể, giúp tập thể vững mạnh và ngày càng đi lên.

Xây dựng VHDN là một quá trình dài đòi hỏi sự nỗ lực của mọi người, nhưng thành quả gặt hái được chính là sự thành công của doanh nghiệp và điều đó đã được chứng minh qua thành công của những doanh nghiệp ở cả trong và ngoài nước. Một khi đã được xây dựng một nền VHDN mạnh mẽ thì dù doanh nghiệp có phát triển với đội ngũ nhân sự hàng nghìn người thì vẫn dễ dàng tiến bước dưới một mục tiêu chung và đó là bài học mà những doanh nghiệp còn xem nhẹ VHDN cần học hỏi.

Câu chuyện của Mắt Bão và bài học cho các doanh nghiệp

Ngay từ những ngày đầu thành lập, ban lãnh đạo của Mắt Bão đã luôn đặt VHDN song hành cùng chiến lược kinh doanh. Mỗi một lần công ty thay đổi chiến lược phát triển thì lúc đó, VHDN cũng được cải thiện để phù hợp với con người và môi trường doanh nghiệp tại thời điểm đó. Ngoài việc chú trọng vào các giá trị cơ bản như tôn trọng giá trị nhân viên, đề cao tinh thần đồng đội, tối ưu môi trường làm việc, tạo ra sự chuyên nghiệp và kích thích sáng tạo không ngừng nghỉ của nhân viên…. Mắt Bão cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động để duy trì và đẩy mạnh nền văn hóa của riêng mình, đặc biệt là hoạt động Team Building

VHDN – Kỳ 2: Bí quyết “giữ lửa” văn hóa doanh nghiệp tại các công ty hàng đầu - Ảnh 2.

Bàn về vấn đề này, ông Lê Hải Bình – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mắt Bão đã nói: “Nhân viên là linh hồn của mọi doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể phát triển kinh doanh bền vững và tồn tại lâu dài. Và để nâng cao giá trị đó, ban lãnh đạo cần tạo ra những cơ hội để nhân viên có thể hàn gắn tinh thần và hiểu thêm về VHDN thông qua các hoạt động teamwork mà điển hình là Team Building. Hằng năm, Mắt Bão đều tổ chức những buổi Team Building được đầu tư về cả tiền bạc, thời gian lẫn công sức giúp nhân viên xả stress, gắn kết với nhau, đồng thời hiểu rõ hơn về văn hóa Mắt Bão là gì, tinh thần của con người Mắt Bão như thế nào và định hướng tương lai của doanh nghiệp. Điều này không chỉ thúc đẩy VHDN phát triển mà còn có ảnh hưởng rất tích cực đến hiệu quả kinh doanh.”

Là một trong những đơn vị hàng đầu về tổ chức Team Building cho các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, ông Trương Hoàng Phương – Giám đốc điều hành EXOTIC Việt Nam chia sẻ: “Team Building là hoạt động có ý nghĩa rất lớn đối với việc xây dựng VHDN của một tổ chức. Bằng việc cho nhân viên tham gia vào các thử thách mô phỏng hoạt động của doanh nghiệp, họ có cơ hội khai phá năng lực của bản thân đồng thời rút ra được những bài học quý báu trong suốt cả quá trình. Thêm vào đó, tinh thần đồng đội cũng được cải thiện và từ đó giúp họ có thêm nhiệt huyết để chiến đấu, sẵn sàng vượt qua mọi đối thủ cạnh tranh.”



A.D


Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Write A Comment