Tag

tâm lý

Browsing

Trong xã hội ngày nay, cấu trúc hạt nhân của các gia đình truyền thống là điều không thể chối cãi. Thậm chí chính phủ nhiều nước thể chế hóa chúng thành luật. Tuy nhiên, nếu một con chó biết nói thì chúng sẽ nói rằng mình hoàn toàn bị sốc trước những gì mà con người làm với nhau.

Con chó chắc chắn sẽ kinh sợ khi biết con người có thể làm tình vào bất cứ khi nào, thậm chí khi phái nữ đã hết kinh nguyệt và không thể thụ thai. Thậm chí, con chó cũng khó hiểu sao con người có thể làm tình khi người phụ nữ đang có thai.

Thêm vào đó, những chú chó sẽ cảm thấy kỳ quặc khi con người thường làm tình trong các căn phòng kín thay vì công khai trước mặt những người khác như các con chó khỏe mạnh thường làm.

Bạn nghĩ rằng con chó nhà bạn có suy nghĩ kỳ quặc ư? Vậy nếu như bạn biết rằng trong 4300 loài động vật có vú, con người có thói quen tình dục kỳ quặc nhất, chắc bạn sẽ phải suy nghĩ lại.

Tình dục và sự kỳ quặc trong duy trì nòi giống của loài người - Ảnh 1.

Con người thật khó hiểu

Ví dụ những loài động vật có vú (Mammal Species) như sư tử, sói hay đười ươi thường làm tình công khai cũng như không sống chung hoặc cặp kè với nhau thành các gia đình truyền thống. Chúng sống thành những cá thể và gặp nhau chỉ để duy trì nòi giống.

Trong khi sự phát triển của từng bộ phận trên cơ thể con người, đặc biệt là bộ não giúp chúng ta chiếm ưu thế hơn so với những loài động vật khác thì hoạt động tình dục của chúng ta lại có vẻ lộn xộn. Trong khi nhiều nhà khoa học ủng hộ chế độ 1 vợ 1 chồng hiện nay thì một số bằng chứng lại cho thấy con người được thiết kế để “lăng nhăng” nhiều hơn.

Chế độ vợ chồng truyền thống giúp bảo vệ con cái

Một người phụ nữ có khoảng 400.000 trứng non trong lần có kinh đầu tiên và chúng mất dần qua mỗi lần kinh nguyệt, trong khi tinh trùng của đàn ông được sản xuất liên tục hàng giờ và hầu như không bao giờ hết trong suốt cuộc đời.

Hơn nữa, dù cả trứng và tinh trùng đều mang bộ gen di truyền cho con cái nhưng trứng lại cần nhiều tài nguyên của cơ thể hơn so với tinh trùng nhằm hỗ trợ sự phát triển của bào thai. Người phụ nữ cũng không có nhiều lựa chọn khi phải chăm sóc cho con khi mang thai cũng như sau khi đứa trẻ sinh ra, hệ quả là nhu cầu cần được chăm sóc của nữ giới và trẻ nhỏ là rất cao.

Trong khi đó, nam giới có thể ngay lập tức giao cấu với người khác để duy trì nòi giống và thường chỉ tập trung nguồn lực nếu biết chắc đứa con trong bụng phụ nữ là con mình. Tuy nhiên, sẽ rất khó để xác định đứa con này là con ai nên việc buộc người đàn ông chung thủy với vợ mình không chỉ giúp tăng nguồn lực chăm sóc cho con cái mà còn giúp các đáng mày râu không phải “đổ vỏ” hộ người khác.

Theo cuốn sách “Tại sao tình dục lại thú vị” (Why is Sex Fun) của tác giả Jared Diamond xuất bản năm 1998, việc một người đàn ông ruồng bỏ người phụ nữ khi cô ấy mang thai sẽ đặt cả người mẹ lẫn đứa con vào tình cảnh nguy hiểm hoặc thiếu thốn. Ngoài ra, việc tìm đối tác mới để quan hệ ngay sau khi đã làm tình với một người khác sẽ khiến khó nhận biết người nào đã thụ thai và đó có phải con của mình không.

Tất nhiên, quan điểm này thường không được các chị em chào đón cho lắm bởi chúng gián tiếp thừa nhận sự thua thiệt của đàn ông khi không được đi phát tán nòi giống của mình trong xã hội ngày nay.

Một nguyên nhân khác được các nhà khoa học đưa ra là chế độ gia đình truyền thống giúp con người chống lại những lần thụ tinh không đúng thời điểm, qua đó gia tăng tỷ lệ duy trì nòi giống.

Tình dục và sự kỳ quặc trong duy trì nòi giống của loài người - Ảnh 2.

Gia đình- cấu trúc cơ bản làm nên xã hội ngày nay

Không giống với các loài động vật khác chỉ giao phối khi có thể thụ tinh, con người có thể giao phối tại mọi thời điểm kể cả khi người nữ không thể mang thai. Nguyên nhân là đàn ông không có khả năng tự nhiên để phát hiện thời điểm chính xác nhất khiến phụ nữ mang thai cũng như có cơ chế ngắt nghỉ khi người nữ đã thụ tinh.

Hãy xem xét khỉ đầu chó, cả con đực lẫn cái của loài này đều có thể nhận ra khi nào con cái có khả năng mang thai do vùng da quanh âm đạo sưng đỏ lên và có thể quan sát từ xa. Con cái cũng tiết ra một mùi đặc trưng để hấp dẫn con đực. Trong trường hợp con đực vẫn không nhận ra, khỉ đầu chó cái sẽ nhảy xung quanh và chìa phần thân sau của mình ra nhằm thu hút con đực.

Tuy nhiên, do không thể biết chính xác thời điểm nào là lúc thụ tinh hoàn hảo nhất nên con người được thiết kế để có thể làm tình bất cứ lúc nào, có thể khơi gợi ham muốn mọi lúc mọi nơi để tăng khả năng duy trì giống nòi.

Dẫu vậy, đây là một hành vi cực kỳ mất sức cho nam giới bởi việc sản xuất tinh trùng cũng như làm tình cần rất nhiều năng lượng. Trong khi đó, khoảng thời gian làm tình và hồi phục sau đó có thể được tiết kiệm cho công cuộc kiếm ăn hàng ngày.

Bởi vậy, giải pháp hiệu quả nhất là 1 vợ 1 chồng khi người đàn ông chỉ cần quan hệ với người vợ của mình là đủ và không phải mất sức cho những người phụ nữ khác.

Bên cạnh đó, việc dễ dàng bị tấn công bởi kẻ săn mồi hay một người khác, hoặc làm ảnh hưởng quá trình duy trì nòi giống cũng là nguyên nhân khiến con người thích làm chuyện đó trong phòng kín hơn là trước mặt bầy đàn như bao loài động vật khác.

Loài người được thiết kế để “lăng nhăng”?

Trong khi tác giả Jared ủng hộ chế độ gia đình truyền thống thì tác giả Christopher Ryan và Cacilda Jetha trong cuốn “Tình dục thuở hồng hoang” (Sex at Dawn) xuất bản năm 2016 lại nhận định tổ tiên của chúng ta vốn sống theo kiểu lăng nhăng và cơ thể con người cũng được thiết kế để như vậy.

Con người có 4 họ hàng gần gũi nhất thuộc họ khỉ là Khỉ đột (Gorilla -2,3% sai khác ADN), Đười ươi (Orangutan- 3,6%), cùng Tinh tinh (Chimpanzee) và tinh tinh lùn (Bonobo) với 1,6%. Trong khi đười ươi cái lãnh hết trách nhiệm nuôi con và 2 con đười ươi đực và cái gặp nhau chỉ để làm tình thì loài khỉ đột lại phải cạnh tranh nhau khốc liệt cho việc duy trì nòi giống. Nhiều số liệu cho thấy có 95% số con khỉ đột con chỉ được thụ tinh bởi 5% số khỉ đột đực bởi những con cái thường bị 1 con đực bảo kê cũng như độc quyền giao phối trong mùa sinh sản .

Tình dục và sự kỳ quặc trong duy trì nòi giống của loài người - Ảnh 3.

Khỉ đột-Đười ươi-Tinh tinh-Tinh tinh lùn

Với việc cạnh tranh khốc liệt như vậy, kích thước cơ thể của loài khỉ đột và đười ươi đực đóng vai trò quan trọng cho việc chúng có thể đánh bật được các con đực khác để lấy quyền giao phối hay không cũng như di truyền gen tốt lại cho đời sau. Không khó để nhận ra cơ thể các con đười ươi và khỉ đột đực thường to gấp đôi con cái.

Đối với loài tinh tinh, việc giao phối giữa con đực và con cái thoải mái hơn. Bởi vậy, kích thước dương vật và tinh hoàn mới là yếu tố sống còn giúp chúng thành công duy trì nòi giống bởi một con cái có thể quan hệ với nhiều con đực và dương vật của con đực nào tốt hơn sẽ dễ gây thụ tinh hơn. 

Do không phải cạnh tranh, đánh nhau để giành giao phối nên kích thước tinh tinh đực chỉ nhỉnh hơn con cái khoảng 10-20%, nhưng dương vật của loài này lại dài gấp 3 lần so với khỉ đột.

Thậm chí, rất nhiều bầy đàn tinh tinh lùn do con cái nắm quyền và chúng có thể giao phối với rất nhiều tinh tinh lùn đực để có khoái cảm.

Rõ ràng, loài tinh tinh là loài giao phối hỗn hợp, khác với kiểu bảo kê đánh nhau của đười ươi và khỉ đột nên việc cạnh tranh di truyền giống nòi diễn ra bên trong ở cấp độ tế bào khi con đực phát triển dương vật to khỏe hơn để có thể phóng nhiều tinh trùng hơn qua mỗi lần giao phối.

Quay lại với cơ thể con người, bộ phận sinh dục của đàn ông cũng được thiết kế cho cuộc cạnh tranh di truyền giống nòi bên trong như tinh tinh. Dương vật của nam giới thuộc top dài và dày nhất so với bất kỳ loài linh trưởng nào. Chúng cũng được thiết kế sao cho hành động “thò ra thụt vào” sẽ hút chân không trong đường sinh sản của nữ giới và đẩy tinh trùng của người khác ra khỏi đó.

Tình dục và sự kỳ quặc trong duy trì nòi giống của loài người - Ảnh 4.

So sánh kích cỡ cơ thể và bộ phận sinh dục của con người (human) và các loài khỉ

Thông thường, nam giới thường bắn khoảng 3-9 lần trong mỗi lần xuất tinh. Những lần bắn đầu chứa các chất ức chế bạch cầu và kháng nguyên, vốn có vai trò giúp cơ thể miễn dịch với tế bào lạ, để hỗ trợ tinh trùng tiếp cận trứng. Thêm vào đó, những chất trong lần bắn đầu này còn ức chế chất hóa học từ những tinh trùng của người khác còn ở trong đường sinh sản nữ.

Trong các lần bắn cuối, tinh trùng của nam giới có kèm theo các chất làm chậm sự di chuyển của những con tinh trùng của người khác nếu chúng còn ở trong đường sinh dục nữ.

Nếu như cơ thể chúng ta được thiết kế để thích hợp cho lối quan hệ “bảo kê” như ở đười ươi hay khỉ đột chứ không phải hỗn hợp như tinh tinh thì tại sao bộ phận sinh dục của con người lại tiến hóa nhiều hơn kích thước cơ thể?

Không dừng lại ở đó, bạn có thấy lạ không khi nam giới thường buồn ngủ sau xuất tinh trong khi nữ giới có thể kéo dài sự lên đỉnh cũng như hưng phấn ngay trở lại sau thời gian ngắn. Liệu đây có phải là bằng chứng cho sự tiến hóa của nữ giới nhằm quan hệ được với các anh chàng khác khiến gia tăng khả năng mang thai hay không?

Nông nghiệp đã làm thay đổi thói quen tình dục

Con người đã sống theo kiểu săn bắn hái lượm từ thời kỳ cổ xưa nhất, khi các bằng chứng khoa học cho thấy loài người đã tồn tại cách đây 5 triệu năm, cho đến trước khi nền nông nghiệp ra đời cách đây 10.000 năm.

Xã hội thời kỳ cổ xưa này thường được phân bố theo những bộ lạc nhỏ không quá 150 người và tất cả các thành viên đều chia sẻ tài sản cũng như gánh nhiệm vụ như nhau. Bởi vậy, tình dục tại thời kỳ này không mang tính sở hữu và việc chăm sóc con cái là nghĩa vụ chung của toàn thể bộ lạc.

Nói cách khác, thời kỳ này là thời kỳ đa phu đa thê khi cả nam lẫn nữ đều có thể ngủ với bất kỳ ai mà họ thích.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, việc chia sẻ bạn tình khiến giải tỏa tâm lý cho toàn thành viên trong các bộ tộc cổ đại. Hơn nữa, do không biết chính xác đứa con là của ai nên trách nhiệm nuôi nấng được phân đều cho toàn tộc đàn, qua đó nâng cao khả năng sống sót cũng như chăm nuôi cho đứa trẻ.

Tuy nhiên, cuộc cách mạng nông nghiệp đã làm thay đổi mọi thứ. Nhiều nền văn hóa và tôn giáo đã cổ súy cho chế độ 1 vợ 1 chồng cũng như ban hành những chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử và trừng phạt nghiêm khác cho thói lăng nhăng.

Việc khẩu phần thức ăn và tài sản tăng lên khiến con người có ý thức về tư hữu hơn, tạo nên nhiều tật xấu như tham lam, ghen tỵ và thói chiếm hữu. Nếu trước đây con người sống theo bộ lạc và du cư nên không nặng về chiếm hữu thì nay vời nền nông nghiệp và định canh định cư, họ có tư tưởng sở hữu tài sản nhiều hơn.

Tình dục và sự kỳ quặc trong duy trì nòi giống của loài người - Ảnh 5.

Nông nghiệp là nguyên nhân gián tiếp khiến thói gia trưởng, bạo lực gia đình xuất hiện?

Kể từ đây, nam giới bắt đầu có ý thức chỉ truyền tài sản và tốn tài nguyên chăm sóc cho con cái mình, nhưng họ lại không thể biết đâu là con mình nếu giữ chế độ “chịch xã giao” như thời nguyên thủy. Bởi vậy, chế độ đơn thê đơn phu ra đời để đảm bảo cho ý thức tư hữu của nam giới.

Bên cạnh đó, do không phải hái lượm nữa nên vai trò của người phụ nữ bị suy giảm trong xã hội và các chuẩn mực đạo đức, văn hóa áp đặt tư duy rằng ham muốn của nữ thấp hơn nam. Điều này hoàn toàn không chính xác nếu xem xét sinh hoạt của các cộng đồng nguyên thủy. Nói cách khác, người nữ có thể bị kích thích không kém gì nam giới nhưng họ có thể kiềm chế ngọn lửa tình dễ dàng hơn và ép chúng vào khuôn khổ đạo đức.

Dẫu vậy, bản năng tình dục của con người không vì thế mà mất đi khi nam giới vẫn bị thúc đẩy quan hệ với nhiều nữ giới khác ngoài vợ của mình. Dù nhiều nền văn minh cổ đại đã lụi tàn, nhưng một số bộ lạc cổ như Warao ở Venezuela có nghi lễ cho phép người lớn tạm đình chỉ cuộc hôn nhân chính thức để ngủ với bất kỳ ai họ muốn.

Trên thực tế, những bài học trong phim ảnh như yêu 1 người thì sẽ cảm thấy thú vị khi quan hệ với người đó cả đời là một lời nói dối trắng trợn. Việc yêu 1 người suốt đời và giữ nguyên ham muốn quan hệ với người đó là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau.

Theo Christopher và Cacilda, bạn yêu 1 người thì vẫn sẽ có ham muốn với người đó, nhưng mức độ ham muốn sẽ không còn như trước. Do cơ thể người được thiết kế để duy trì nòi giống như bao loài động vật khác nên thông thường các hormone kích thích ham muốn của các cặp đôi sẽ giảm sau khoảng 3-6 tháng quan hệ nhằm thúc đẩy cá thể tìm đối tượng khác mở rộng nòi giống..

Ở đây theo khía cạnh khoa học, giảm ham muốn không có nghĩa là hết yêu mà nó chỉ chuyển tiếp sang một giai đoạn mới của mối quan hệ khi các cặp đôi duy trì bằng tình cảm hơn là tình dục.

Tất nhiên, việc các chuyên gia Christopher và Cacilda phân tích cấu trúc lăng nhăng của cơ thể người không nhằm phản đối chế độ gia đình truyền thống mà muốn mọi người có giải pháp hữu hiệu nhằm tăng ham muốn trong quan hệ vợ chồng, thử những chuyến du lịch, những cảm giác mới và tránh việc chỉ trích vợ hoặc chồng bị thu hút bởi một người khác, gây ra những xung đột không đáng có.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc suy giảm ham muốn khiến giảm lượng Testosterone ở nam và Estrogen ở nữ, qua đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh trầm cảm, bệnh tim hay ung thư.

Bởi vậy, thay vì cấm đoán bạn đời của mình bị thu hút bởi người khác, điều vốn là bản năng duy trì giống loài, các cặp vợ chồng nên tìm cách làm cho cuộc hôn nhân và quan hệ “chăn gối” của bạn thú vị hơn, không chỉ để duy trì hạnh phúc mà còn nâng cao sức khỏe bạn đời.

*Bài viết có sử dụng tư liệu từ cuốn “Tình dục thuở Hồng hoang” (Sex in Dawn) của Christopher Ryan & Cacilda Jethá cùng cuốn “Tại sao tình dục lại thú vị” của Jared Diamond



AB


Theo Thời Đại

“Trong một lần con phạm lỗi, tôi giận quá mà nói với con: “Mẹ không yêu con được nữa.” Con tôi sau khi nghe xong câu đó, không nói gì mà khóc rất lâu. Đến tối ngủ thì bạn ấy mới ôm mẹ và nói: Mẹ đừng nói thế, mẹ yêu con nhé.” Chia sẻ trên của một phụ huynh đã làm nhiều bậc cha mẹ tại tọa đàm “Kỷ luật trẻ – Đâu là giới hạn?” diễn ra tuần qua tại Hà Nội rớm nước mắt.

Tôi chợt nhớ chia sẻ của một người bạn trạc 20 tuổi. Bạn kể vẫn còn ám ảnh về hình phạt bị bố mẹ bỏ lại trong phòng một mình để “tự suy nghĩ về hành vi của mình” ngày nhỏ. “Đến bây giờ nhớ lại vẫn cảm thấy rất đáng sợ,” bạn tôi nói.

“Đánh con xong mình tự ứa nước mắt, nhưng lúc ấy không kiềm chế được vì con quá bướng,” là tâm sự chung của nhiều bậc phụ huynh. Những biện pháp kỷ luật cha mẹ dành cho con, làm thế nào để không thỏa hiệp nhưng cũng không trừng phạt, không để lại những tổn thương thể chất và tinh thần cho con sau này? Đó là câu hỏi mà những bố mẹ Việt trăn trở rất nhiều.

Cha mẹ hãy hiểu tâm lý của con…

Về tâm lý trẻ trong độ tuổi mẫu giáo (từ 0 – 6 tuổi), chuyên gia giáo dục Nguyễn Bảo Trọng – Giám đốc học thuật trường Mầm non Quốc tế Sakura Montessori chia sẻ: “6 năm đầu đời được xem như nền tảng, tạo dựng nền móng cho cấu trúc về nhân cách sau này của đứa trẻ.”

Chuyên gia Trọng cho biết, từ 0 – 3 tuổi là giai đoạn trẻ học tập vô thức, tự kiến tạo thông tin cho minh. Và “khóc” theo chuyên gia, là một hành vi hết sức tự nhiên của đứa trẻ trong khoảng thời gian này.

Còn từ 3 – 6 tuổi là giai đoạn trẻ phát triển bằng cách đặt câu hỏi. Khủng hoảng chống đối: trẻ muốn khẳng định cái tôi, bắt đầu tự đưa ra quyết định và thích nói “không” với bố mẹ cũng diễn ra trong độ tuổi này.  

Như vậy, những biểu hiện tiêu cực của trẻ khiến bố mẹ “tức lộn tiết” trong giai đoạn mẫu giáo là hoàn toàn tự nhiên và dễ hiểu.

“Trong giai đoạn từ 0 – 6 tuổi trẻ cần phát triển cảm giác tin tưởng bản thân mình, tin tưởng người khác và tin tưởng thế giới xung quanh.”

Trong khi đó, các bậc phụ huynh lại mắc 3 sai lầm sau đây, theo chuyên gia Nguyễn Bảo Trọng:

– Áp đặt, kiểm soát thái quá. Khi không có khả năng điều chỉnh trẻ, chúng ta thường làm trẻ cảm thấy xấu hổ vì những hành vi của chúng, khiến chúng có xu hướng nghi ngờ bản thân. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến tính cách trẻ khi chúng lớn lên: rằng chúng có xu hướng yêu hay ghét nhiều hơn, thích bộc lộ cảm xúc hay kiềm nén nhiều hơn.

– Thiếu niềm tin vào năng lực của trẻ, làm thay cho trẻ những gì chúng có thể làm được.

– Xét nét những lỗi sai của trẻ theo cách tiêu cực, khiến trẻ mất tự tin. 

“Đánh con xong ứa nước mắt, nhưng không kiềm chế được vì con quá bướng”: Cha mẹ nên kỷ luật như thế nào để không làm con trẻ tổn thương? - Ảnh 2.

Tọa đàm “Kỷ luật trẻ – Đâu là giới hạn?” diễn ra mới đây tại Hà Nội

Về tâm lý trẻ trong giai đoạn từ cấp 1 đến cấp 3, chuyên gia giáo dục Hoàng Anh Đức – Giám đốc học thuật trường Phổ thông liên cấp Gateway, cho rằng con trẻ có những áp lực nhất định khi bước vào một môi trường mới (lớp 1, lớp 6, lớp 10, thậm chí là đại học). 

Khi đó, nếu nhận được sự khích lệ của cha mẹ dù là nhỏ nhất thì trẻ sẽ tự tin hơn. Nhưng ngược lại, nếu cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con thì con sẽ càng lo sợ và không có đủ dũng cảm để khám phá môi trường mới.

Chuyên gia Hoàng Anh Đức chia sẻ thêm rằng, trong giai đoạn phổ thông, chương trình học của lớp 4, lớp 8, lớp 11 khá nặng và stress thường bắt đầu từ đây: “Khi gặp stress, trẻ có xu hướng không giao tiếp nói chuyện với ai, đi học xong về ngồi lỳ trong phòng, ai hỏi gì mới trả lời, thậm chí không trả lời.”

Trong khi đó, phụ huynh lại “nôn nóng” trong chuyện giáo dục cho con, khiến chính họ thất vọng về trẻ và ngày càng có hành vi thúc ép trẻ thay đổi nhanh hơn. Trừng phạt con tất yếu sẽ xảy ra nếu đứa trẻ không thực hiện đúng kỳ vọng của người lớn.

Trong một bộ phận gia đình Việt, tình trạng trừng phạt con cái về thể xác vẫn còn hiện diện. Chuyên gia giáo dục quốc tế Steven Foster cảnh báo: “Bạo hành thể xác gây hậu quả khôn lường, thay đổi cách não bộ của trẻ vận hành. Những đứa trẻ có lịch sử bị bạo hành sẽ sử dụng phần não để sinh tồn nhiều hơn phần não lý trí dùng để suy nghĩ.”

… nhưng cũng hãy thông cảm cho cơn nóng giận của mình

Bất lực, vô phương cứu chữa, vật lộn với con, nhiều lúc phải gào lên vì ức chế… là những từ ngữ phụ huynh dùng để miêu tả khúc mắc của mình với con tại tọa đàm.

Tuy nhiên, chuyên gia Steven Foster cũng đưa ra những thông tin khiến cha mẹ đỡ nặng nề về mình hơn.

Theo chuyên gia, cha mẹ cũng là con người, có cơ chế vận hành cảm xúc tức giận trong não như nhau. Khi cha mẹ tức giận, phần não “gây tức giận” hoạt động đồng thời phần não lý trí lại tự động… không làm việc. Để ngăn việc có thể “xả” vào con ngay thời điểm con mắc lỗi, chuyên gia khuyên các bậc phụ huynh hãy hít thở thật sâu ngay lúc đó.

Nói chuyện với con khi cơn giận đã qua là lời khuyên của chuyên gia Steven Foster. 

“Hãy ghi nhớ, khi chúng ta tức giận và cảm thấy muốn con mình giải quyết vấn đề ngay lập tức, chúng ta có thể hét lên: Bây giờ bố mẹ quá tức giận để giải quyết chuyện này, hãy giải quyết vấn đề này khi cả hai chúng ta cùng sử dụng phần não lý trí của mình.”

“Con người khắp mọi nơi, khắp nền văn hóa trên thế giới đều phải vật lộn với cơn nóng giận của mình,” chuyên gia nói thêm.

Các lời khuyên khác được đưa ra để bố mẹ có thể thương thuyết thành công với con bao gồm: 

Thành lập “mối quan hệ song phương” với con: Tôn trọng con nhưng không đội con lên đầu. “Chúng ta không có giá trị hơn các con vì chúng ta già hơn, lớn hơn. Hãy xem lại xem cách chúng ta đang làm có thể hiện sự tôn trọng với phẩm chất, phẩm giá của đứa trẻ hay không,” chuyên gia Hoàng Anh Đức nói.

Không thưởng cũng không phạt con mà để con được đóng góp. Giao tiếp, hợp tác, đóng góp (communication, collaboration, contribution) là 3 từ khóa chuyên gia Steven Foster đưa ra: “Hãy để các con được đóng góp, để trẻ cảm giác được rằng mình có năng lực, có khả năng.”

Và cuối cùng, hãy xin lỗi trẻ khi chính cha mẹ mắc sai lầm với con. “Xin lỗi là luôn là giáo án trong buổi dạy làm cha mẹ đầu tiên của tôi,” chuyên gia Steven Foster chia sẻ.

Kết

“Tạo hóa cho chúng ta thành cha mẹ, nhưng không phải tất cả các bậc cha mẹ đều tự nhiên biết cách dạy con.” Hơn nữa, tuy “”làm cha mẹ” là một trong những công việc quan trọng nhất của đời người, bậc phụ huynh lại không có được sự hỗ trợ rộng rãi từ xã hội. Cha mẹ ai cũng thực sự yêu con cái của họ, nhưng cần phải biết tự trang bị những kiến thức và kỹ năng để có thể yêu con đúng cách.

Theo ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục trẻ em, trên thế giới có khoảng 300 triệu trẻ em từ 2 đến 4 tuổi thường xuyên bị cha mẹ áp dụng các hình thức kỷ luật về thể chất hoặc tâm lý. Trên toàn cầu, khoảng 1,1 tỷ người chăm sóc trẻ cho rằng: trừng phạt về thể chất là phương pháp cần thiết để giáo dục trẻ.

Còn tại Việt Nam, 68,4% trẻ em từ 1 – 14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt về thể chất hoặc tinh thần từ các thành viên trong gia đình. Và con số trên cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Thực trạng bạo hành trẻ em xuất phát từ các hành vi kỉ luật thô bạo vẫn diễn ra âm thầm trong nhiều gia đình. Những tổn thương về mặt thể chất, tinh thần của trẻ đang bị bỏ ngỏ. Và câu chuyện về sự mâu thuẫn trong phương pháp giáo dục con khiến nhiều cha mẹ rơi vào bế tắc.

Tọa đàm “Kỷ luật trẻ – Đâu là giới hạn?” do Trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway và Trường Mầm non Quốc tế Sakura Montessori phối hợp tổ chức tuần qua tại Hà Nội. Trong tháng 8, 2 đơn vị trên cũng tổ chức chương trình đào tạo miễn phí về Phương Pháp Kỷ Luật Tích Cực dành cho giáo viên và phụ huynh. Đây là khóa học đầu tiên tại Việt Nam, do Steven Foster – chuyên gia 20 năm kinh nghiệm về đào tạo Kỷ luật tích cực và giáo dục sớm làm diễn giả.



Thảo Thảo


Theo Trí Thức Trẻ