Hãy nhìn vào một khung cảnh hỗn loạn, bạn sẽ thấy người nổi bật lên trên sự hỗn loạn và lập lại trật tự vốn có – đó chính là nhà lãnh đạo tài năng. Họ có năng lực khắc chế sự khủng hoảng, bởi dường như họ được sinh ra trong những tình huống khủng hoảng nhất. Bẩm sinh họ đã thích được thử thách và cảm thấy hưng phấn khi chiến thắng nên khó khăn càng lớn càng kích thích bản năng mãnh hổ trong họ.  

Đặc biệt, người lãnh đạo giỏi luôn giỏi trong việc quản lý từ cấp nhóm cho tới cấp công ty, tập đoàn… Việc dụng quân của họ vô cùng khoa học, trật tự, có tổ chức, có ý đồ. 

Hãy xem, nguyên tắc một vị sếp giỏi vận hành công ty và dùng người như thế nào:

1. Những ai thích đàn đúm, tụ tập, gặp gỡ thì đừng nên giao phó việc gì

Nghe có vẻ hơi cực đoan, nhưng rõ ràng nhà lãnh đạo cần có thái độ quyết liệt với những nhân viên lười lao động. Đàn đúm, tụ tập, buôn chuyện tầm phào… chắc chắn không bao giờ mang lại hiệu quả công việc tốt. Đây cũng là cách “đốt” thời gian lao động một cách bừa phứa, lãng phí, vô tội vạ của những nhân viên “hay ăn không hay làm”. Đương nhiên rồi, chẳng người sếp nào muốn bỏ tiền của mình trả lương cho những nhân viên kém cỏi, không mang lại lợi ích cho công ty. 

2. Bí quyết để trở thành nhà quản lí giỏi là tách những kẻ ghét mình xa khỏi đám đông đang chần chừ

Có một sự thật là, những kẻ ghét mình sẽ mãi mãi ghét mình. Trên thương trường, cuộc chiến giữa các phe đối lập càng khốc liệt, tinh vi. Có câu “kẻ thù của kẻ thù là bạn”, nhưng nếu không kéo thêm được cộng sự, đồng minh nào, tốt nhất hãy tách họ ra khỏi những kẻ ghét mình, kẻo những người ở phe “trung lập” sẽ đổ xô về phía “quân địch”. Lúc này, tương quan lực lượng thay đổi, rõ ràng bất lợi cho mình là điều khó tránh khỏi. “Thêm bạn bớt thù” là tốt, nhưng không thêm được bạn, thì hãy để những người trung lập ấy tránh xa kẻ thù của mình một chút. 

Nguyên tắc dụng quân của sếp giỏi: Đừng bao giờ xem thường sức mạnh những kẻ ngốc trong đám đông lớn - Ảnh 1.

3. Đừng bao giờ xem thường sức mạnh của những kẻ ngốc trong những đám đông lớn

Đừng bao giờ đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài. Có những người nhìn bề ngoài rất bình thường, thậm chí khù khờ, nhưng bên trong họ là nguồn nội lực mạnh mẽ. Là vị sếp giỏi, bạn phải có khả năng đánh thức năng lực tiềm ẩn ấy à phát huy nó. 

Theo một nghĩa khác, đám đông thường có sẵn sự nhiệt tình, thêm sự đóng góp của kẻ khờ, đủ hiểu kết quả sẽ “thê thảm” tới mức nào. Hẳn bạn còn nhớ công thức: Ngu dốt + nhiệt tình = phá hoại? 

Dù theo nghĩa nào, cũng không được ngó lơ những “kẻ ngốc” chốn công sở. Biết đâu, đó chỉ là một lớp ngụy trang tinh vi của kẻ thức thời. 

4. Chia để trị là nguyên tắc cai trị tốt nhưng tốt hơn là thống nhất để dẫn dắt

Người sếp giỏi thường có tầm nhìn xa và có khả năng kết nối tầm nhìn đó với những ý tưởng của những nhân viên cấp dưới. “Chia để trị” trong trường hợp này nên hiểu là cách chia đầu việc theo nhóm dưới sự quản lý, giám sát của team leader. Nhưng, việc “chia để trị” này là cách giám sát công việc có hệ thống, nhằm phục vụ cho toàn bộ máy vận hành thông suốt. 

“Thống nhất” trong tập thể tạo nên một tập thể đoàn kết, vững mạnh, tạo nền tảng vững chắc trong công việc. 

5. Khi anh không thể cho họ nhìn thấy ngọn lửa, hãy giúp họ cảm nhận được sức nóng

Biết cách truyền cảm hứng cho người khác và bạn sẽ nhận được những điều mà bạn mong đợi. 

Nhà tâm lý học Daniel Goleman, tác giả của cuốn sách: “Lãnh đạo: Sức mạnh của trí tuệ cảm xúc” chỉ ra rằng ở mọi cấp bậc, trí tuệ cảm xúc quan trọng gấp hai lần IQ và các kỹ năng chuyên môn trong việc tạo ra kết quả vượt trội. Trí tuệ cảm xúc là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của nhà lãnh đạo tốt. Nếu không có nó, những người thông minh nhất, có kỹ năng và tham vọng nhất cũng không thể thành công khi lãnh đạo. Khả năng truyền lửa, truyền nhiệt của người lãnh đạo tới nhân viên là cách tốt nhất để tìm được những nhân viên tận lực và trung thành. Đó cũng là cách sếp giỏi thúc đẩy năng suất lao động, tinh thần đoàn kết, óc sáng tạo, làm việc hết mình của nhân viên cấp dưới. 



Dũng Trần


Theo Trí Thức Trẻ

Write A Comment