Tag

đọc sách

Browsing

Thời đại này, rất ít người quan tâm đến việc giữ gìn sức khoẻ. Họ không hiểu rằng, việc giữ sức khoẻ không phải chỉ có lợi cho mình họ, mà còn có lợi cho cả gia đình, bạn bè, người thân của họ nữa.

Dành cả đời kiếm tiền để sau này trả tiền viện phí, cuộc sống thế này liệu có đáng?

Trước 30 tuổi, có mấy người nhận thức được xung quanh mình có bao nhiêu người mắc những căn bệnh vô phương cứu chữa. Ngày xưa, những căn bệnh như ung thư, thoái hoá cột sống, thoát vị đĩa đệm là những căn bệnh nghe rất “lạ”. Còn bây giờ, số người mắc những căn bệnh đó ngày càng nhiều hơn, thoạt đầu ta choáng váng, sửng sốt, nhưng dần thấy quen thuộc đế nỗi dửng dưng, chẳng mấy bận tâm.

Đời sống của chúng ta ngày càng cao, ngày càng có nhiều người hướng đến “3 cao”: Cao huyết áp, hàm lượng mỡ trong máu cao, lượng đường huyết trong máu cao. Hệ quả, số lượng người mắc những căn bệnh về tim mạch tăng dần theo năm tháng. Một điều đáng e ngại là, căn bệnh nhồi máu cơ tim ngày càng có thể tiếp cận dễ dàng hơn với những người độ tuổi khoảng 30.

GIỮ SỨC KHỎE là khoản đầu tư sinh lãi và là trách nhiệm lớn nhất của con người: Chúng ta nói hay nhưng làm dở nên phải gánh bệnh tật cả đời - Ảnh 1.

Hỏi thế gian này, chiếc giường nào là đắt nhất? Không phải chiếc giường dát vàng Baldacchino Supreme (133,8 tỉ), cũng không phải giường ngủ lơ lửng của Janjaap Ruijssenaars (34 tỉ), câu trả lời nghe khó tin nhưng đó lại là sự thật: Chiếc giường đắt nhất thế giới mà không ai muốn rước về, chính là giường bệnh.

Chúng ta luôn may mắn có người tương trợ những lúc khó khăn.

Nếu chúng ta không biết lái xe, luôn có người sẵn lòng đèo chúng ta đi khắp mọi nơi.

Nếu chúng ta không tự mình kiếm được bạn trai hay bạn gái, luôn có những người “mai mối” sẵn lòng giúp đỡ.

Nếu chúng ta không kiếm được tiền, sẽ có người kiếm tiền giúp chúng ta.

Nhưng khi chúng ta bị bệnh, không ai có thể chịu căn bệnh đó thay cho bạn!

Cái gì mất cũng có thể kiếm lại được, chỉ duy nhất một thứ không thể lấy lại, đó là cuộc đời.

Khi lưng bị ép chặt trên giường bệnh, người ta mới nhận ra dù đã đọc sách cả đời, trên tinh thiên văn dưới tường địa lý, nhưng có quyển sách quan trọng nhất lại quên mất không đọc: Làm thế nào để giữ gìn sức khoẻ?

GIỮ SỨC KHỎE là khoản đầu tư sinh lãi và là trách nhiệm lớn nhất của con người: Chúng ta nói hay nhưng làm dở nên phải gánh bệnh tật cả đời - Ảnh 2.

Có rất nhiều người Việt Nam, vào vài năm cuối cuộc đời, dùng toàn bộ số tiền mình tích cóp được để mua thuốc nội, thuốc ngoại. Họ để lại cho con cháu họ những khoản nợ lớn, sau đó qua đời. Nếu ngay từ đầu họ biết yêu bản thân, biết trân quý sức khoẻ, cuộc đời của họ rất có thể đã rẽ được sang một trang mới tươi đẹp hơn.

Còn bạn, ngay từ bây giờ hãy lo mà chăm sóc cho sức khoẻ của mình. Hãy dành thời gian để tập thể dục thể thao, bớt thức đêm đi, bớt ra ngoài ăn những món đồ thiếu lành mạnh,…

Nếu bạn là một người đi làm, hãy dành nửa tháng lương của bạn để mua những món đồ hỗ trợ cho sức khoẻ và tận hưởng cuộc sống. Bạn phải lập kế hoạch rèn luyện sức khoẻ ngay từ bây giờ, đừng chần chừ không lại tốn tiền cho bệnh viện đấy! Khi đó, bạn không chỉ làm khổ cho bản thân, mà còn làm khổ cho gia đình, người thân, bạn bè của bạn.

Điều đáng sợ nhất trong cuộc sống là bạn có rất nhiều tiền nhưng căn bệnh của bạn lại không thể chữa lành. Khi đó, đồng tiền còn giá trị gì nữa không?

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, tại sao chúng ta lại tiếc tiền để phòng bệnh, để rồi sau đó hối hận tiêu một đống tiền hi vọng chữa khỏi bệnh?

Bệnh tật đến bất ngờ không báo trước. Khi bạn thấy mình vẫn còn khoẻ mạnh, đừng chủ quan mà hãy chú ý đến sức khoẻ của mình. Không khoản tiền đầu tư nào giá trị hơn khoản tiền đầu tư vào sức khoẻ. Hãy rèn luyện cho mình những thói quen tốt, mạnh dạn vứt bỏ những thói quen xấu để có thể cùng sức khoẻ tận hưởng trọn vẹn hạnh phúc của bạn.



Đình Trọng


Theo Trí Thức Trẻ

Theo một cuộc khảo sát do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện năm 2013, trung bình một người Việt Nam đọc 0,8 cuốn/năm. Từ điểm này, dễ dàng nhận ra một vấn đề văn hóa khá nghi ngại: người Việt Nam chỉ thích smartphone gắn bó với mình mà thôi. 

Người Nhật, tuy bây giờ đọc ít hơn so với trước kia nhưng trung bình một người vẫn giữ thói quen đọc 10 – 20 cuốn/năm, theo kết quả của một Bộ của Nhật Bản báo cáo.

Người Trung Quốc trung bình đọc 4,66 cuốn vào năm ngoái, theo một khảo sát của Viện Báo chí và Xuất bản Trung Quốc.

Năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chọn ngày 21 tháng 4 là Ngày sách Việt Nam để khuyến khích phong trào đọc sách của cộng đồng. Lý giải về việc lựa chọn ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tháng 4 là thời điểm phát hành cuốn sách “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam.

Nhưng nhiều người cho rằng dù có Ngày sách đi chăng nữa thì cũng không tách rời con người và điện thoại thông minh ra được. Năm 2017, 15 triệu chiếc smartphone được bán ra gấp 2 lần so với 7 triệu máy bán ra năm 2013.

Số lượng người Việt Nam sử dụng các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, ngày càng tăng trưởng nhanh. Không thiếu những hình ảnh trong các quán cafe, gặp gỡ bạn bè hay bất cứ nơi đâu, hoàn cảnh nào, dễ dàng bắt gặp người Việt chỉ luôn chăm chú vào màn hình điện thoại và tay lướt lướt xem thông tin.

Vì thế, tháng 5 năm 2017, UBND Hà Nội đã quyết định đưa khoảng 20 hiệu sách dọc theo con đường dài hàng trăm mét kế bên Tòa án Nhân dân và thành lập hẳn một con đường sách là đường 19/2 để người yêu sách vừa có thể thư thả đọc sách, vừa thưởng ngoạn không gian đẹp đẽ.

Năm 2016, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thành lập một con phố sách tương tự mà một năm sau đó đã thu hút 2,5 triệu lượt khách ghé thăm và mua tổng cộng 750.000 cuốn sách.

Các quán cà phê sách cũng là một phần trong chiến dịch cải thiện việc đọc cho người dân của chính phủ, và những cố gắng này ban đầu đã có những tiến triển tốt, đặc biệt là ở hai thành phố lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay có hàng trăm quán cà phê có mô hình tương tự trên khắp đất nước, ở các thành phố lớn và khu vực nông thôn.

Chị Nhung, một giáo viên 39 tuổi dạy tiếng Đức sinh sống ở Hà Nội, mỗi tuần đều ghé qua phố sách với cô con gái 8 tuổi tên là Nhật Anh. Chị luôn giới hạn việc sử dụng điện thoại thông minh của con gái mình không quá hai giờ một ngày và Nhật Anh cũng được quy định phải đọc sách mỗi ngày.

Nhật Anh cho biết em đọc ít nhất một cuốn sách một tuần và rất thích tiểu sử của những người nổi tiếng, đặc biệt là nhà soạn nhạc người Đức Ludwig van Beethoven.



V.D


Theo Trí Thức Trẻ/Nikkei

Dù mới qua Mỹ học được 4 năm, nhưng chính Đỗ Đăng Khoa, một cậu du học sinh 19 tuổi, cũng không ngờ đến có ngày mình nhận được email của Elon Musk, vị CEO nổi tiếng mời về làm việc tại SpaceX với vị trí “kỹ sư phần mềm cấp cao” (software engineer – senior level).

Với vị trí này, SpaceX sẽ bảo trợ Khoa được nhập Quốc tịch Mỹ và làm việc tại trụ sở của SpaceX tại Hawthorne, California với mức lương “6 chữ số”. Ngoài ra, mức lương này còn chưa bao gồm những quyền lợi khác như bảo hiểm, tiền thưởng, chứng khoán 60.000 USD/năm, xe Tesla, nhà ở…

Đăng Khoa nhận được lời mời chính thức vào làm việc ở SpaceX từ ngày 12/4/2018, nhưng đến mãi tháng 8 vừa rồi, cậu mới gật đầu đồng ý. Lý do mà Khoa đưa ra là bởi cậu muốn tiếp tục chọn con đường học tập và bản thân đủ khả năng vừa học vừa làm dù gia đình ở Việt Nam sau khi biết tin đã hối thúc cậu nghỉ học để đi làm. 

Khi nhận được thư mời của Elon Musk, cùng lúc ấy, Khoa cũng nhận được thư chấp nhận vào chương trình cao học tại trường đại học UC Berkeley. Sau đó, Khoa tiếp tục nhận được thư mời của trường đại học Stanford. Tuy nhiên, cậu “để dành” Stanford để học tiến sĩ và chọn học thạc sĩ UC Berkeley.

Chắc hẳn, nhiều người rất ngạc nhiên khi mới chỉ 19, 20 tuổi mà Đăng Khoa đã chuẩn bị hành trang cho mình để học thạc sĩ. Nhưng với một người “tính toán” như cậu du học sinh Việt này thì mọi điều không thể với người khác nhưng luôn luôn là có thể với bản thân mình.

Đi học cả đông lẫn hè, Khoa đã rút ngắn quãng đường đại học từ 4 năm xuống còn 2 năm mà điểm số vẫn cao. Cậu chia sẻ, từ khi sang Mỹ, cậu đã tập thói quen lập thời gian biểu cho bản thân và đặc biệt hơn, thời gian ngủ mỗi ngày chỉ vỏn vẹn từ 2 đến 4 tiếng mà thôi. Dù biết là ngủ ít sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng Khoa luôn quan niệm phải có nỗ lực thì mới có thành công.

Du học sinh Việt 19 tuổi được đích thân Elon Musk viết thư mời về làm việc ở SpaceX: Rút ngắn ĐH còn 2 năm, ngày chỉ ngủ từ 2 - 4 tiếng, một năm đọc 80 đầu sách - Ảnh 1.

Khoa bắt đầu đi du học từ năm 2014 khi Khoa đang học chuyên Toán tại trường THPT Nguyễn Khuyến, Đà Nẵng. Khoa đi du học là hoàn toàn do ý muốn của cậu, không phải do gia đình thúc ép hay định hướng; hơn nữa, cũng chính cậu là người tự tìm học bổng cho 2 năm lớp 11, 12 của mình tại trường Boca Prep International School ở Florida, tự đọc rồi tự mày mò, từ ‘apply’ vào trường, I-20, tới visa.

Sau khi tốt nghiệp bằng tú tài quốc tế (International Baccalaureate) với số điểm cao nhất trường, Khoa nộp đơn vào nhiều trường đại học như: University of Michigan, UCLA, UC Berkeley, trong đó Đại học University of Miami trao học bổng 96.000 USD, trung bình mỗi năm được 24.000 USD. Nhưng, cuối cùng, lựa chọn vẫn ở Khoa, cậu chọn UCLA.

Năm 2016, Khoa chuyển qua California để học đại học và trong vòng 2 năm, cậu đã hoàn thành xong chương trình. Với những môn cơ bản, cậu học trường đại học cộng đồng Mt. San Antonio College ở gần đó để đỡ tốn tiền. Đối với một chàng trai mà đến thời gian đi chơi cũng “được” lên thời gian biểu thì chắc hẳn những thành quả này của Khoa chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả.

Khi kết thúc chương trình học ở UCLA, Khoa được ngay các trường UCLA, UC San Diego, UC Berkeley, Cal Poly Pomona, Cal State Long Beach, San Jose State University, Harvey Mudd College, Stanford University là những trường đại học hàng đầu chuyên về toán, khoa học, và kỹ thuật, mời học chương trình cao học. 

Du học sinh Việt 19 tuổi được đích thân Elon Musk viết thư mời về làm việc ở SpaceX: Rút ngắn ĐH còn 2 năm, ngày chỉ ngủ từ 2 - 4 tiếng, một năm đọc 80 đầu sách - Ảnh 2.

Nhà không thuộc diện khó khăn nhưng không muốn phụ thuộc vào gia đình nên Khoa cố gắng song hành cả hai việc đi học và đi làm. Khoa lên trang mạng MindSumo của Đại học Stanford  tìm các dự án để làm thêm. Năm 2017, cậu kiếm được kha khá tiền để trang trải cuộc sống và đủ cho các cuộc “ăn chơi”. 

Những dự án có giá 200 – 300 USD thì cậu làm cả trăm cái rồi, có cả những dự án hơn 1.000 USD. Riêng những dự án mất nhiều thời gian đầu tư như 11.000 USD của ngân hàng Wells Fargo, hay lớn nhất là 50.000USD của SpaceX, Khoa cũng giành được. Làm xong dự án của SpaceX trong gần 1 năm, và điều vui nhất của cậu là 2 tháng sau đó, Elon Musk đã chủ động liên lạc mời cậu về làm việc.

Về thói quen đọc sách của mình, Khoa chia sẻ, trước khi đi ngủ lúc nào cũng đọc ít nhất 30 phút đến 1 tiếng, duy trì rồi thành thói quen. Khi ở Việt Nam, cậu chưa hề có thói quen này nhưng sang đến Mỹ, được tự lập, cậu đã tập cho mình năm đầu tiên đọc 30 cuốn, đến năm thứ hai thì được 50 cuốn và hiện tại thì 80 cuốn một năm. Cậu đọc sách không chỉ phục vụ cho việc tìm hiểu cũng như tiếp thu kiến thức của mình mà còn đọc sách để học nấu ăn, học sách để hiểu tâm lý con gái, hiểu chuyện yêu đương…

Song hành tin vui này, còn có một tin vui khác đối với Đăng Khoa. Đầu năm 2019, Khoa và cô bạn gái của mình sẽ về chung một nhà. Khoa quen bạn gái của mình khi học ở Mt. San Antonio College. Thảo năm nay 23 tuổi, đang học tại UC Berkeley. Dù vấp phải nghi ngại của những người xung quanh nhưng Khoa cho rằng bình thường, không chênh lệch nhiều, cách suy nghĩ của hai đứa giống nhau, học trình độ cũng ngang nhau.

Du học sinh Việt 19 tuổi được đích thân Elon Musk viết thư mời về làm việc ở SpaceX: Rút ngắn ĐH còn 2 năm, ngày chỉ ngủ từ 2 - 4 tiếng, một năm đọc 80 đầu sách - Ảnh 3.

Một chàng trai 19 tuổi chấp nhận việc vừa học Thạc sĩ vừa đi làm lại nắm cả trách nhiệm làm trụ cột cho gia đình, tất nhiên chẳng có chuyện gì dễ dàng cả. Nhưng Đăng Khoa luôn tin rằng: “Hôm nay mình làm điều không ai làm để ngày mai, mình có những điều không ai có.”



PV (Tổng hợp)


Theo Trí Thức Trẻ

01

Vào khoảng 10 giờ tối qua, một người bạn đã gửi cho tôi một bức ảnh: Trên xe bus đông đúc, các hành khách xung quanh đều có bộ dạng mệt mỏi, ai nấy cũng đều cuối đầu chơi điện thoại. Chỉ có một thanh niên đặc biệt nổi bật trong đám đông. Một tay của anh ta đang nắm tay vịn, tay còn lại thì cầm một quyển sách và đôi mắt thì chuyên chú nhìn vào nó. Xung quanh ồn ào như vậy, nhưng hình như lại không ảnh hưởng gì được đến việc đọc sách của anh ta.

Người bạn tôi nói rằng, anh thanh niên ấy rất đẹp trai, nhưng dáng vẻ anh ta đang tập trung đọc sách lại càng đẹp trai hơn.

Sau khi xem xong bức ảnh, trong lòng tôi lại rối bời bởi rất nhiều cảm xúc khác nhau: vừa giận vừa tiếc, vừa vui vừa buồn…

Tại sao vậy?

Có rất nhiều người đều nói không có thời gian để đọc sách. Thế nhưng cũng có những người tận dụng cả thời gian ngồi xe để mà đọc sách.

Đa số bọn họ đều thường nói một câu: “Thực ra tôi rất muốn đọc sách, nhưng bởi vì quá bận, nên không có thời gian để đọc.” Lý do của họ thường là như vậy.

“Công việc của tôi bận chết được, thỉnh thoảng còn phải tăng ca ban đêm, ngay cả thời gian nghỉ ngơi còn không đủ, lấy đâu ra thời gian để đọc sách.”

“Gần đây tôi vừa phải tham gia khóa huấn luyện vừa phải làm tổng kết. Tôi phải chuẩn bị rất nhiều số liệu và tài liệu, làm gì còn sức lực để mà đọc sách.”

“Sau khi tôi tan làm, còn phải về nhà nấu cơm cho con, không phải tôi không muốn đọc sách, mà vì thực sự không có thời gian rảnh.”

Nhưng điều kỳ lạ là những người nhìn như rất bận này, dù có bận rộn cỡ nào đi nữa cũng có thời gian lướt facebook, nhắn tin trò chuyện, đăng status… Trên thực tế, những người muốn đọc sách dù có bận đến đâu cũng đều có thể tìm thấy thời gian để đọc sách. Ngược lại, những người không thích đọc sách, dù có thời gian rảnh đi nữa cũng không muốn cầm quyển sách lên chứ đừng nói gì đến việc đọc nó.

Đừng viện cớ nữa, bạn không đọc sách không phải vì bạn bận, mà chỉ đơn giản là vì bạn không thích đọc sách mà thôi - Ảnh 1.

02

Những người bạn của tôi thường hay nhờ hoặc hỏi tôi chỉ giúp tên vài quyển sách hay. Mỗi lần như vậy, họ đều rất biết ơn tôi. Nhưng qua một thời gian dài sau đó, khi tôi hỏi họ cảm thấy quyển sách đó thế nào, bọn họ đều ngập ngừng trả lời rằng, gần đây bởi vì quá bận mà không có thời gian rảnh để đọc, để lần sau xem xong họ sẽ nói với tôi sau.

Nhưng cái gọi là “lần sau” đó là lúc nào đây? Chỉ biết nó thuộc về tương lai, còn về thời gian cụ thể thế nào, ngay cả họ cũng chẳng biết chứ đừng nói đến tôi.

Có vài người đọc sách chỉ vì nhất thời cảm thấy hứng thú. Bọn họ bởi vì nguyên nhân nào đó mà muốn đọc sách, chứ không phải vì nhận ra tầm quan trọng của việc đọc sách. Cho nên khi những thứ mới mẻ đó đã qua, khi đã đạt được kết quả mình muốn, bọn họ sẽ lập tức quên sạch những gì đã đọc được.

Vì vậy sau này, cứ mỗi khi có người đến tìm tôi nhờ giới thiệu cho họ sách hay, tôi đều sẽ hỏi họ trước: “Bạn có thời gian để xem không?”

Và câu trả lời tôi nhận được lúc nào cũng là không chắc lắm, thậm chí sau khi họ đã suy nghĩ rất lâu, mới phát hiện ra một vấn đề đó là họ không có thời gian rảnh để đọc.

Vì vậy, bạn thấy đấy, chỉ có khi bạn thực sự yêu thích việc đọc sách mới có thể cảm thấy khi đọc sách rất vui vẻ, đồng thời cũng cố tìm ra cách để có thời gian được đọc sách. Nhưng nếu như bạn không thích nó, bạn sẽ chỉ luôn tìm lý do để tránh né mà thôi.

“Nếu thực sự muốn, bạn sẽ tìm cách, còn nếu không muốn, bạn sẽ chỉ tìm lý do.”

Đừng viện cớ nữa, bạn không đọc sách không phải vì bạn bận, mà chỉ đơn giản là vì bạn không thích đọc sách mà thôi - Ảnh 2.

03

Từ trước đến nay, tôi cũng đã từng đọc qua rất nhiều quyển sách. Cũng may tôi là một người rất thích đọc sách, nên dù có đọc nhiều sách cũng không ngán. Dù có bận đến đâu đi nữa, tôi cũng đều bảo đảm mỗi ngày dành ra thời gian hai tiếng đồng hồ để bản thân đọc sách.

Đương nhiên, tôi cũng không phải là người rất rảnh rỗi, tôi cũng có công việc và cuộc sống của riêng mình. Có lẽ bạn rất thắc mắc, tại sao đôi lúc tôi bận đến nỗi ngay cả thời gian ăn cơm, nghỉ ngơi cũng không có, lấy đâu ra thời gian để đọc sách?

Thông thường, tôi sẽ sử dụng từng phút từng giây rảnh rỗi để đọc sách. Ví dụ sáng 5 giờ thức dậy, dậy sớm một chút để dành một tiếng ra đọc sách. Hoặc là trên đường đi làm hoặc tan ca, khi đi xe công cộng, trước khi ngủ… Nói tóm lại, chỉ cần tôi muốn thì lúc nào cũng có thể kiếm ra thời gian để đọc sách.

Rất nhiều người thường nói không có thời gian đọc sách, nhưng thời gian thực ra chính là thứ công bằng nhất, nó không phân biệt giàu nghèo, mỗi người đều chỉ có đúng 24 tiếng trong một ngày, không nhiều hơn cũng không ít hơn. Thông thường, bạn sẽ dành nhiều thời gian cho những việc mà bạn thấy là quan trọng, đáng để bạn làm. Còn những việc bạn thấy là ít quan trọng hơn, bạn đều chỉ dành chút ít thời gian. 

Vậy đối với bạn, đọc sách có ý nghĩa lớn cỡ nào?

Tôi thích đọc sách, không phải vì để lấy kiến thức trong đó ra khoe khoang, mà vì khi đọc sách, tôi có thể cảm thấy vui, thấy hài lòng, thỏa mãn. Sách vừa giống như người thầy, vừa giống như người bạn, luôn âm thầm hướng dẫn tôi đi đúng hướng. Sách cũng là nơi giúp tôi chữa lành những vết thương tâm hồn, ở đó tôi có thể tìm thấy những chân trời mới của riêng mình.

Đừng viện cớ nữa, bạn không đọc sách không phải vì bạn bận, mà chỉ đơn giản là vì bạn không thích đọc sách mà thôi - Ảnh 3.

04

Đọc sách có tác dụng gì? Đa số tất cả những người không thích đọc sách đều hỏi như vậy.

Đọc sách có lẽ không thể trực tiếp đưa bạn tài phú và địa vị, cũng không thể lập tức đưa bạn lợi ích nào đó, nhưng nó có thể giúp bạn trở nên lạc quan và tích cực hơn, có thể khiến bạn trở nên kiên cường hơn, mở mang kiến thức và tầm nhìn của bạn.

Cũng có người đã từng trả lời vấn đề này như vậy. Riêng bản thân tôi, tôi không nói ra được rốt cuộc đọc sách có lợi ích gì, chỉ là cảm thấy mỗi lần đọc sách đều giống như được ăn đồ ngon, tâm trạng thoải mái như đang ngồi dạo chơi trong vườn hoa, ngắm nhìn cảnh vật tươi đẹp rực rỡ xung quanh vậy. Nên dù có gặp chuyện khó khăn gì đi nữa, chỉ cần được đọc sách, tâm trạng tôi sẽ chuyển biến trở nên tốt hơn, không còn nặng nề hay phiền não.

Có rất nhiều người cho rằng đọc sách chỉ là việc của thời học sinh, không có liên quan gì đến người trưởng thành cả. Thế nhưng bạn đã quên rồi sao? Mỗi người đều sống đến già, sự học cũng theo ta đến già. Đọc sách không chỉ có thể giúp ta nâng cao khả năng giao tiếp, mà còn giúp chúng ta không ngừng nâng cao kiến thức và tầm nhìn, giúp chúng ta hoàn thiện bản thân, càng ngày càng trở nên lý trí, thông minh và trưởng thành hơn.

Cũng có người cảm thấy, họ đã bỏ lỡ thời gian tốt nhất để đọc sách, Nhưng thực ra bất cứ việc gì khiến chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, chỉ cần bạn bắt đầu đều không tính là muộn. Chúng ta đọc sách không phải vì muốn cho qua thời gian vô vị, cũng không phải vì để tranh đấu thắng thua với người khác. Chúng ta đọc sách chỉ đơn giản vì trong sách có thứ có thể khiến ta càng trở nên hoàn thiện hơn. Chỉ cần mỗi ngày bạn đều bền chí, kiên trì đọc sách không gián đoạn, đây chính là một việc ý nghĩa rồi.

Đọc sách là việc mà mỗi người đều nên kiên trì trong cuộc đời mình. Bạn nhận ra lợi ích của việc đọc sách càng sớm, tương lai cuộc sống sau này của bạn càng tốt đẹp hơn.

Đừng lại nói không có thời gian đọc sách nữa, nếu bạn có thể hi sinh một chút thời gian nói chuyện phiếm, lướt facebook, coi phim truyền hình dài tập, hoặc ít nhất dậy sớm một tý, ngủ muộn một chút… có thể bạn đã tìm ra thời gian để đọc sách. Tôi cũng tin rằng cuộc sống của bạn có thể trở nên đầy màu sắc và thú vị hơn rất nhiều.



Thiên Tuyết


Theo Trí Thức Trẻ

1 – Học cách từ bỏ

Độ tuổi này không còn cho phép bạn bồng bột, không chín chắn, khi bạn không đủ năng lực để nắm giữ một đoạn tình cảm, một sự việc, hiện thực nào đó, cần học cách từ bỏ. Cho bản thân một khởi đầu mới, chỉ cần còn niềm tin, còn dũng khí, còn nỗ lực, thành công sẽ đến.

2 – Coi trọng bằng hữu

Tình bằng hữu chân thành được xem như chiếc áo khoác ấm ấm áp nhất đời người. Nó được hình thành dựa trên nhân phẩm và tính cách của bạn, ở độ tuổi này nhất định càng phải trân trọng nó, dùng cả tâm tình để nắm giữ.

3 – Gieo tâm hồn lương thiện

Làm những việc thiện trong khả năng của bạn, khiến những người khổ hơn bạn, khó hơn bạn cảm nhận được thế giới này vẫn ngập tràn ánh sáng và tươi đẹp. Sự lương thiện như vậy thường tự được hình thành, không suy nghĩ tính toán, như vậy cuộc đời bạn sẽ tươi đẹp như hoa nở.

4 – Yêu âm nhạc

Âm nhạc có thể nuôi dưỡng tâm tình, nó sẽ giúp gột rửa thể xác và tinh thần, tăng trí nhớ và sức tưởng tượng, đem đến sự yên tĩnh hiệu quả ngoài sức tưởng tượng. Nó cũng như gia vị của cuộc sống, từng chút từng chút làm cuộc sống của chúng ta có thêm phần hương vị.

32- 47 tuổi, bạn có 15 năm hoàng kim, nhất định phải làm những điều này - Ảnh 1.

5 – Tránh 2 loại khổ

Cuộc đời có 2 loại khổ, một là khổ do ham muốn mà không đạt được, hai là khổ vì chung tình.

Trong trường hợp bạn đã nỗ lực, cố gắng, hãy xem tất cả những gì mong muốn đạt được giống như một lần cá cược, thắng ở bình tĩnh, thất bại do thờ ơ. Dù sao ở độ tuổi này chúng ta có vốn liếng nhất định, còn có thể quay đầu.

Sự đau khổ nhất của cuộc đời có lẽ là khổ vì chung tình, nếu còn có cảm giác như vậy vào độ tuổi này, nhất định phải loại bỏ nó khỏi trái tim.

6 – Học cách chấp nhận

Có một số chuyện cần lặng lẽ quên đi, trải qua một lần, cả đời khắc cốt, có những đau khổ và phiền não bắt buộc phải chấp nhận, tất cả đến cuối cùng sẽ chỉ còn là trải nghiệm đã qua.

7 – Giữ lòng biết ơn

Luôn giữ được lòng biết ơn, nó sẽ giúp bạn trân trọng từng hạt cát hay từng nhánh cỏ, làm giải tỏa những áp lực vô hình trong bạn, giảm bớt những ham muốn và tranh đấu, và đôi khi, những cảm giác hạnh phúc cũng đến từ đây.

8 – Yêu công việc

Mặc dù nó không thư thái như cùng nhau uống trà  đàm đạo nhưng nó lại giúp chúng ta có thể tra kiến thức và năng lực, là một trong những thứ bắt buộc để biết giá trị và chỗ đứng của bản thân. Vì vậy, bất kể là công việc gì, bạn nhất định phải toàn tâm yêu quý nó, nó giúp bạn có việc để làm, có cơm để ăn!

9 – Không ngừng trau dồi kiến thức

Học tập, đọc sách giúp bạn tăng cường trí nhớ, tăng khả năng hiểu biết. Nhiều tư tưởng, cách nhìn trong bạn cũng sẽ được hình thành từ đây, đồng thời nó còn có thể duy trì lâu dài được sức hấp dẫn riêng, nét đẹp của bạn – thứ mà dù có luyện tập hay cố gắng làm đẹp bạn cũng không thể có được, nét đẹp từ tâm hồn.

32- 47 tuổi, bạn có 15 năm hoàng kim, nhất định phải làm những điều này - Ảnh 2.

10 – Yêu vận động

Rất nhiều người cho rằng mình béo, mình xấu… vậy là có người ra sức ăn kiêng để giảm cân, phẫu thuật thẩm mỹ. Đa phần thời gian của bạn đều lãng phí trong những suy nghĩ và tình trạng này, không bằng chúng ta hãy yêu quý và tích cực vận động, và cảm  nhận hiệu quả đến một cách tự nhiên

Như vậy cân nặng của bạn sẽ không còn vì lười biếng mà tăng lên, dung mạo của bạn không còn vì năm tháng mà giảm đi phong thái. Từ một góc độ nào đó bạn sẽ lưu giữ được thanh xuân, niềm vui riêng, sức khỏe riêng thuộc về chính bạn

11 – Biết rõ, thứ gì nên giữ, nên buông 

Khi về già, hãy cùng với người thương của bạn tìm về một thôn nhỏ, sống cuộc sống yên tĩnh, mỗi sáng đứng đầu con ngõ nhỏ xem mặt trời mọc, chiều tối chống gậy nhìn ngắm hoàng hôn….

Thế gian có 2 kiểu tình cảm: một là dường như chán ghét mỗi ngày nhưng lại có thể cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, nắm tay nhau đến gìà, loại khác yêu thương tưởng chừng có thể hi sinh tất cả vì nhau, nhưng ngoảnh đầu nhìn lại chỉ có thể hoài niệm trong nước mắt.

Rời khỏi 1 nơi, khung cảnh đấy không còn thuộc về bạn; để lỡ mất một người, người đó mãi không trong tầm nhìn của bạn nữa.

Đời người chính là như vậy, từng nắm giữ, từng phiền não, từng tự do, từng bị trói buộc; khi bước ra khỏi quãng thời gian này, ngoảnh đầu nhìn lại, có sống động, có tươi đẹp, có người bạn yêu và có cả người yêu bạn, có cả những việc bạn thích và bạn cần hoàn thành, có cả người nắm lấy tay bạn và người bạn đã từng nắm tay.

Đời người ngắn ngủi, vì vậy cần khiến cho bản thân luôn mạnh khỏe, vui vẻ, hạnh phúc và đôi lúc cần biết tự khiến cho mình “say” với cuộc đời!



Vũ Đình


Theo Trí Thức Trẻ

Gần đây, một bài viết có tên “Người Trung Quốc không đọc sách, thật đáng lo ngại” của một người kỹ sư Ấn Độ đã lan truyền rộng rãi trên các trang mạng. Người kỹ sư này lo lắng rằng nếu như thế thì Trung Quốc tương lai có thể sẽ phải trả giá lớn. Nhưng ngẫm sâu hơn, đó không chỉ là hiện trạng tại Trung Quốc mà xảy ra ở nhiều quốc gia khác… 

Bài viết kêu gọi, nếu bạn không bận việc thì hãy cùng bạn bè đến thư viện một chuyến, chứ không phải là rạp chiếu phim hay đi dạo phố! Đọc sách có thể làm thay đổi vận mệnh của một con người, một thế hệ, thậm chí một dân tộc. 

Nội dung bài viết như sau:

Trên chuyến bay đến Thượng Hải, vào giờ ngủ, khoang máy bay đã tắt đèn, tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện những người còn thức chơi IPad hầu hết là người Trung Quốc, hơn nữa họ đều đang chơi game hoặc xem phim, không ai có dáng vẻ đang đọc sách cả. Hình ảnh này cứ in mãi trong tâm trí tôi. 

Thật ra ngay từ khi ở sân bay quốc tế Frankfurt, Đức, tôi đã thấy phần lớn hành khách người Đức đang yên tĩnh đọc sách hay làm việc. Còn đa số khách Trung Quốc đi lại mua sắm hoặc cười nói so sánh giá cả. Nhiều người Trung Quốc hiện nay dường như không thể kiên nhẫn ngồi yên đọc sách. 

Lá thư của kỹ sư người Ấn: Một thế hệ không đọc sách là một thế hệ không có hy vọng - Ảnh 1.

Có lần tôi và một người bạn Pháp cùng đợi xe ở trạm tàu hỏa Cầu Vồng, người bạn lần đầu tiên đến Trung Quốc này hỏi tôi: “Tại sao người Trung Quốc đều gọi điện thoại hoặc lướt internet chứ không ai đọc sách thế nhỉ?”. Tôi nhìn quanh, quả thật là như vậy. Mọi người đang nói chuyện điện thoại, cúi đầu đọc tin nhắn, lướt Weibo hoặc chơi game. Họ bận nói chuyện ồn ào hoặc tự tỏ ra bận rộn, điều duy nhất không có là cảm giác thư thái tĩnh lặng.

Theo truyền thông đưa tin, trung bình hàng năm mỗi người Trung Quốc chỉ đọc 0,7 quyển sách, Hàn Quốc là 7 quyển, người Nhật Bản đọc 40 quyển, người Nga là 55 quyển. Đem ra so sánh thì người Trung Quốc đọc sách ít đến mức đáng thương.

Ở các thành phố và thị trấn lớn nhỏ tại Trung Quốc, loại hình giải trí phổ biến nhất phải kể đến là quán mạt chược và tiệm internet, một thị trấn nhỏ hơn 10.000 người có đến mấy chục sòng mạt chược, năm sáu tiệm net là chuyện thường. Người lớn tuổi tham gia mạt chược, thanh niên lên mạng, trẻ con thì xem tivi.

Đời sống tinh thần giải trí của người Trung Quốc gần như giới hạn trong mạt chược, internet và tivi. Bất kể trong tiệm net hay phòng vi tính của nhà trường, chúng tôi đều thấy phần lớn sinh viên chơi game, một số ít nói chuyện. Số học sinh tra cứu tài liệu trên mạng hoặc đến thư viện rất ít ỏi.

Lá thư của kỹ sư người Ấn: Một thế hệ không đọc sách là một thế hệ không có hy vọng - Ảnh 2.

Trẻ em Isael rất ham đọc sách

Đọc sách giờ trở thành thói quen riêng của các học giả, có lẽ rất nhiều học giả giờ đây cũng ít đọc sách. Điều này quả thật đáng lo ngại.

Trong tác phẩm “Xã hội chỉ số thông minh thấp” của ông Kenichi Ohmae, bậc thầy quản lý người Nhật Bản bất ngờ đã động chạm đến dây thần kinh nhạy cảm của người Trung Quốc. Ông nói trong sách của mình: “Khi du lịch ở Trung Quốc phát hiện, khắp mọi ngõ ngách trong thành phố đều là tiệm mát-xa, còn cửa hàng sách thì chỉ lèo tèo thưa thớt. 

Người Trung Quốc đọc sách mỗi ngày không đến 15 phút, trung bình chỉ bằng một phần mấy chục của Nhật Bản, Trung Quốc là “quốc gia chỉ số thông minh thấp” điển hình, trong tương lai khó có thể trở thành một quốc gia hiện đại!”

Nguyên nhân người Trung Quốc không thích đọc sách có 4 phương diện:

– Một là trình độ văn hóa của người dân trong nước thấp

– Hai là từ nhỏ không được dưỡng thành thói quen tốt trong việc đọc sách

– Ba là “giáo dục kiểu thi cử”, khiến cho trẻ nhỏ không có thời gian và tinh lực để đọc các loại sách bên ngoài

– Bốn là sách hay càng ngày càng ít.  

Lá thư của kỹ sư người Ấn: Một thế hệ không đọc sách là một thế hệ không có hy vọng - Ảnh 3.

Người Nhật tranh thủ đọc sách mọi nơi, mọi lúc

Trên thế giới có hai quốc gia thích đọc sách nhất là Israel và Hungary. Ở Israel, trung bình mỗi năm người dân đọc đến 64 quyển sách. Ngay từ khi trẻ nhỏ bắt đầu biết nhận thức, hầu như mỗi bà mẹ đều nghiêm túc dạy bảo con: “Sách là nơi cất giữ trí tuệ, còn quý hơn tiền bạc, châu báu, và trí tuệ là thứ mà không ai có thể cướp đi được”.

Người Do Thái là dân tộc duy nhất trên thế giới không có người mù chữ, ngay cả người ăn xin cũng luôn có quyển sách bên cạnh. Trong mắt họ, đọc sách báo không chỉ là một thói quen mà còn là một phẩm chất tốt.

Một ví dụ điển hình nhất, trong ngày lễ Sabbath (ngày lễ nghỉ ngơi), tất cả người Do Thái đều dừng các hoạt động buôn bán, vui chơi. Các cửa hàng, quán ăn, những khu vui chơi đều phải đóng cửa, các phương tiện giao thông cũng ngừng hoạt động, ngay cả các công ty hàng không đều ngừng bay, người dân chỉ có thể ở nhà nghỉ ngơi hoặc cầu nguyện. Nhưng có một ngoại lệ, tất cả nhà sách trên toàn quốc vẫn được mở cửa hoạt động. 

Trong ngày này, những người đến tiệm sách là đông nhất, mọi người đến đây đều yên lặng đọc sách.Một quốc gia khác là Hungary, diện tích và dân số đều không bằng 1/100 của Trung Quốc, nhưng lại có gần 20.000 thư viện, bình quân 500 người lại có một thư viện, còn ở Trung Quốc trung bình 459.000 người mới có một thư viện.

Hungary cũng là quốc gia có số người đọc sách nhiều nhất thế giới, hàng năm có đến hơn 5 triệu người thường xuyên đọc sách, vượt quá 1/4 dân số nước này.

Tri thức là sức mạnh, tri thức chính là tài sản. Một đất nước coi trọng đọc sách và tích lũy tri thức đương nhiên sẽ được hậu đãi. 

Lá thư của kỹ sư người Ấn: Một thế hệ không đọc sách là một thế hệ không có hy vọng - Ảnh 4.

Các cánh đồng và nông trại của nông dân Do Thái ở Israel giống như những ốc đảo trên hoang mạc khô cằn. (Ảnh: Internet)

Dân số Isael thưa thớt, nhưng nhân tài vô số. Lịch sử xây dựng đất nước tuy ngắn, nhưng đã có 8 người đoạt giải Nobel. Thiên nhiên Isael khắc nghiệt, phần lớn đất đai là sa mạc, nhưng họ lại có thể biến đất nước mình thành một ốc đảo xanh tươi, lương thực sản xuất không chỉ đủ cung cấp trong nước, mà còn xuất khẩu một lượng lớn đi các nước trên thế giới.

Các giải thưởng Nobel mà Hungary nhận được thuộc về nhiều lĩnh vực như: vật lý, hóa học, y học, kinh tế, văn học, hòa bình, v.v….Nếu so với dân số, Hungary quả thật không hổ thẹn là “quốc gia của những giải thưởng Nobel”. Phát minh của họ cũng rất nhiều, có thể nói là không sao đếm xuể, từ những vật phẩm nhỏ bé, cho đến những sản phẩm công nghệ cao. 

Một quốc gia nhỏ bé vì yêu sách mà có được trí tuệ và sức mạnh, dựa vào đó kiến thiết đất nước thành một “cường quốc” khiến cho thế giớ không thể không bội phục.

Một vị học giả đã từng nói: “Lịch sử phát triển tư tưởng của một người nên là lịch sử học tập của người đó, và trình độ tư tưởng của một dân tộc quyết định lớn ở trình độ giáo dục của họ. Một xã hội sẽ phát triển hay tụt hậu, là dựa vào trình độ học vấn có sâu rộng không, quốc gia có ai đang đọc sách, đọc những sách gì, sẽ quyết định tương lai của đất nước đó. Sách không chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân, nó còn ảnh hưởng đến toàn xã hội. 

Hãy nhớ: Một thế hệ không đọc sách là một thế hệ không có hi vọng. Một dân tộc không đọc sách là một dân tộc không có hy vọng”. 



P.V


Theo Trí Thức Trẻ

– 01 –

Mấy bữa trước, tôi hẹn cô bạn thân đi ăn, vì cô ấy không có xe nên tôi phải tự lặn lội lái xe xuống thành phố để hẹn gặp với cô ấy.

Vì tắc đường, nên vốn dĩ quãng đường chỉ mất hơn một tiếng mà nay biến thành hơn hai tiếng mới đến nơi. Hẹn cơm trưa thành hẹn cà phê chiều. Cũng may địa điểm hẹn là quán cà phê có kèm theo đồ ăn, chứ hẹn ở quán lẩu thì coi như xong.

Chờ đợi vốn là một chuyện hết sức phiền phức, những ai đã từng trải qua cảm giác chờ đợi chắc chắn sẽ hiểu được điều này, mà nhất là đợi trong nhà hàng. Một mình ngơ ngác ngồi đợi và đợi, chào đón bạn chắn chắn sẽ là vô vàn những ánh mắt khó chịu. Nếu là tôi chắc chỉ biết ngồi nghịch điện thoại cho đến khi sập nguồn thì thôi.

y vậy mà, cô bạn của tôi lại có cách cư xử hoàn toàn khác. Trong khi tôi vội vàng hấp tấp chạy đến nhà hàng, thì cô ấy đang an nhiên ngồi ở đó chăm chú đọc sách, thậm chí còn đang cầm bút viết viết vẽ vẽ gì đó. Nhìn thấy tôi, cô ấy liền gập sách lại, mỉm cười và điềm đạm nói: “Bạn đến rồi à?”

Tôi hết sức kinh ngạc trước sự cư xử đó của bạn tôi. Nếu là người khác chắc sớm đã bỏ về và cho tôi leo cây rồi. Tôi vô cùng bối rối, lúc đó, trong đầu tôi chỉ có một suy nghĩ đó là: “Cô bạn cùng tuổi này sao lại có thể điềm nhiên một cách đáng sợ như vậy nhỉ?”.

Không chết ở tuổi 25: Thay vì lên mạng đọc báo lá cải, lướt facebook, nghịch điện thoại, hãy đọc sách và chỉ đọc sách thôi - Ảnh 1.

– 02 –

Hai chúng tôi quen nhau đã gần 10 năm. 10 năm qua, bạn tôi đã thay đổi rất nhiều từ độc thân thành đã kết hôn, từ nhân viên quèn thành chân quản lý. Nhưng có một điều duy nhất mà không hề thay đổi đó là đi đâu cô ấy cũng mang theo sách.

Tôi còn nhớ, một lần hai chúng tôi cùng sang Mỹ du lịch, tôi mang theo cả một chiếc va li to đùng và trống rỗng dự định khi về sẽ mua, mua và mua, còn bạn tôi lại mang tới nửa va li là sách, có ấy thủ thỉ với tôi rằng: “mang đi để nhỡ lệch múi giờ không ngủ được còn có cái mà đọc”. Tôi chỉ cười nhạt và cảm thấy bạn tôi thật “dở”. Chuyến du lịch kết thúc, tôi trở về với hai va-li quần áo, giày dép và đồ ăn vặt, còn bạn tôi lại mua thêm cả một đống sách nguyên bản.

Hơn nữa số tiền mà cô ấy bỏ ra để mua đống sách đó còn đắt hơn cả số tiền mà tôi mua quần áo.

Từ trước đến nay, trong lòng tôi cô ấy vẫn luôn là một người bạn vô cùng đặc biệt, dù có bận như thế nào tôi đều cố gắng bớt chút thời gian để hẹn hò tâm sự với cô ấy bởi tôi sợ “xa mặt sẽ cách lòng”.

Có lẽ trong lòng mỗi chúng ta đều sẽ có một người bạn, vừa là tấm gương vừa là kẻ địch giả tưởng. Tôi thường hy vọng rằng mình có điểm nào đó hơn cô ấy, hoặc là ngang bằng thôi cũng đã là rất tốt rồi.

Cô ấy trông cũng sàn sàn như tôi nhưng lúc nào tôi cũng trong trạng thái không thể bắt kịp cô ấy. Cô ấy lúc nào cũng hiểu biết nhiều hơn tôi, có tầm nhìn rộng hơn tôi. Tôi nói gì cô ấy cũng đều phân tích có đầu có cuối, hễ tranh luận một vấn đề nào đó là cô ấy sẵn sàng thao thao bất tuyệt và sổ ra cả một tràng đạo lý, có những lúc cô ấy nói gì mà tôi nghe không hiểu.

Có một người bạn như vậy thật khiến người ta buồn vui lẫn lộn. Vui vì cô ấy có thể thôi thúc để bạn tiến bộ hơn, buồn vì cô ấy lúc nào cũng trong trạng thái thôi thúc bạn.

Không chết ở tuổi 25: Thay vì lên mạng đọc báo lá cải, lướt facebook, nghịch điện thoại, hãy đọc sách và chỉ đọc sách thôi - Ảnh 2.

– 03 –

Tôi từng đọc được một câu hỏi hết sức thú vị ở trên mạng đó là: “Trong một buổi tiệc, bạn gặp hai người phụ nữ, người phụ nữ số một mang theo chiếc túi xách bình thường nhưng ăn nói gãy gọn, nói chuyện toàn là dẫn dắt nội dung tạp chí “The Economist” và phân tích về cuộc bầu cử nước Anh; Người phụ nữ số hai mang theo một chiếc túi hàng hiệu sang chảnh và đắt tiền, nói đủ các loại chuyện phiếm trên mạng xã hội, báo lá cải… Theo bạn ai hai người họ ai là người có địa vị xã hội cao hơn?”

Tôi suy nghĩ giây lát, chưa nói gì đến địa vị xã hội, ít nhất đối với tôi mà nói, tôi sẽ thích nói chuyện và giao tiếp với người phụ nữ số một hơn. Trên thế giới này, kiến thức là thứ vô cùng đắt đỏ và quý giá. Nó là “vốn văn hoá” của một người, hay chính là vốn tài sản để giao tiếp, nói chuyện.

Nói đến vốn tài sản để giao tiếp với người khác, điều mà tôi cảm nhận sâu sắc nhất trong vài năm gần đây đó là càng nói chuyện với người khác tôi lại càng ngại thậm chí là không dám giao tiếp.

Điều đáng sợ nhất của việc “múa rìu qua mắt thợ” không phải là mất mặt mà là bạn không hề biết mình đã bị mất mặt. Có những lúc sẽ không ai chủ động nói với bạn rằng “họ sớm đã nhìn thấu bản chất của bạn rồi chỉ gật đầu mỉm cười”. Thậm chí có những lúc bạn cảm thấy mình biết rất nhiều thứ nhưng khi người khác vừa hỏi thì bạn lại miệng câm như hến.

Gần đây cụm từ “nguy cơ tuổi trung niên” thường xuyên xuất hiện. Thực ra không chỉ có tuổi trung niên mà tất cả các giai đoạn tuổi tác đều có nguy cơ của nó. Công việc trong thời đại hiện nay có tính thay thế hết sức mãnh liệt. Bạn vừa mới chân ướt chân ráo nộp đơn xin thôi việc, còn chưa hết bùi ngùi thì ngay lập tức đã có người thế chân bạn.

Tôi đã từng lăn lộn nhiều năm trong chức trường, điều khiến tôi cảm thấy khiếp sợ nhất đó là khi gặp phải người ngoài nghề mà còn hiểu biết hơn cả những người trong nghề như tôi. Khi người khác nói về lĩnh vực sở trường của bạn nhưng họ lại nói thông suốt, triệt để hơn bạn thì sao lại không có cảm giác nguy cơ được chứ?

Học tập là chuyện cả đời, bởi trên đời này, kiến thức là thứ không bao giờ ổn định nó sẽ luôn không ngừng thay đổi và mở rộng. Kiến thức là chìa khoá thành công, là nền móng để bạn tồn tại và phát triển trong tương lai. Chính vì thế chỉ có việc không ngừng đọc, không ngừng học, không ngừng tiếp thu kiến thức mới khiến bạn có thể vững bước trong tương lai mà thôi.

Không chết ở tuổi 25: Thay vì lên mạng đọc báo lá cải, lướt facebook, nghịch điện thoại, hãy đọc sách và chỉ đọc sách thôi - Ảnh 3.

– 04 –

Con người ngày nay đã sớm quen với việc rảnh tay là xem điện thoại, ipad, lướt facebook, đọc báo lá cải… Chẳng còn mấy ai ủng hộ hay ngưỡng mộ những người đam mê sách nữa, một số người thậm chí cho rằng những người thường xuyên mang theo sách bên mình kia đều là “lưu manh giả danh trí thức”, đều là giả bộ cả.

Tôi lại không cho là như vậy, đối với tôi mà nói đọc sách không có sự phân biệt về thời gian, địa điểm cũng như phương pháp hay cách thức đọc, mà chỉ có sự khác biệt giữa đọc sách và không đọc sách mà thôi. Đọc sách là một phẩm chất thái độ, có những người oai nghiêm ngồi trong thư viện nhưng chỉ để lướt facebook; Còn có những người khác ngồi bên cạnh thùng rác lại đọc các tác phẩm kinh điển.

Những người yêu thích và thường xuyên đọc sách ngoài việc gìn giữ được sức cạnh tranh bền vững thì họ còn có rất nhiều những ưu thế mà người thường khó lòng so sánh được đó là chuyện gì họ cũng đều nghĩ rất thoáng, họ nhìn đời bằng lăng kính màu hồng, họ rất ít khi phải phiền não.

Lại nói về cô bạn mọt sách kia của tôi, mùa hè năm ngoái khi hai chúng tôi cùng sang Ma Cao chơi. Khi trở về, máy bay bị delay phải đợi mất hơn 3 tiếng đồng hồ. Tôi bồn chồn lo lắng đi đi lại lại, lúc thì nhắn tin cho người này lúc thì gọi điện cho người kia, hỏi này hỏi nọ. Còn cô bạn của tôi lại thong dong nhàn nhã ngồi trên sô pha ở sảnh chờ vừa thưởng thức cà phê vừa đọc sách, không ca không thán, không ưu không tư trông dáng vẻ như kiểu có sách là có tất cả vậy.

Gặp phải chuyện phiền phức, cô ấy rất ít khi kêu ca, thay vì kêu ca cố ấy chỉ lẳng lặng cầm một quyển sách và ngồi lì trong quán cà phê, giống như những gì mà Romain Rolland đã từng nói: “Sống với sách, sẽ không bao giờ phải than ngắn thở dài”.

Tôi còn nhớ một tình tiết nhỏ trong một bộ phim Mỹ nói về cô gái tên là Miya vì lời đồn gia đình lừa đảo mà cô bị đám phóng viên nhà báo truy sát đến khủng hoảng. Bạn cộng sự của cô ấy, Lucca chỉ cho cô ấy một lời khuyên đó là: “Hãy tìm lấy một cuốn sách để đọc, đừng lên mạng cũng đừng xem thời sự, chỉ đọc sách thôi”.

Đây có lẽ là lời khuyên hay nhất mà tôi đã từng nghe.

Có người nói rằng, càng đọc sách, bạn càng thấy rõ sự vô tri của mình. Vì vô tri nên bạn mới càng kính nể người khác và sẽ trở nên rộng lượng với cuộc sống hơn.

Không vì sự xấu đẹp của ngoại vật và sự được mất của mình mà vui hay buồn. Dù đối diện với thất bại hay thành công, cũng đều phải giữ được tâm tư bình thản, những người như vậy có lẽ sẽ là đối thủ mà cả đời chúng ta không thể đánh bại được. Họ chính là những người “đi đến đâu cũng mang theo sách”.



Ngọc Thủy


Theo Trí Thức Trẻ

Nhà tâm kí học nổi tiếng William James đã viết: “Cuộc sống của chúng ta cho đến nay đều là một hình dạng nhất định được tạo nên từ thói quen.” Câu nói này đã vạch trần một sự hiểu lầm thường gặp là những việc chúng ta làm thường ngày đều là sản phẩm của việc ra quyết định và cân nhắc kĩ lưỡng. Nhưng không, đó chỉ là thói quen. Một nhà nghiên cứu từ Đại học Duke đã chỉ ra rằng hơn 40% hành động mọi người thực hiện mỗi ngày đều là thói quen.

Khi bạn thức dậy vào sáng nay, bạn đã làm gì đầu tiên? Đi tắm, kiểm tra e-mail hay lấy một chiếc bánh quy từ bếp thay cho bữa sáng?

Khi vừa đến văn phòng, bạn đã làm những gì? Lén chơi một vài ván điện tử, tranh thủ mua hàng qua mạng hay cắt bớt vài phần việc cần phải làm?

Đó là những thói quen thông thường của người hiện đại. Chúng ta luôn lặp lại nó một cách vô ý, tưởng như không có điểm dừng. Tuy nhiên, thói quen nào là tốt, thói quen nào là xấu, thói quen nào cần được xây dựng để tạo nên sự thành công cho bản thân và cách để tạo dựng những điều tốt đẹp, loại bỏ những việc tiêu cực như thế nào? 7 cuốn sách thời đại dưới đây sẽ trả lời những câu hỏi trên.

1. “Sức mạnh của thói quen” của Charles Duhigg (The Power of Habit)

7 cuốn sách giúp người trẻ tìm ra thói quen tích cực giữa hàng trăm thứ việc vẫn làm hàng ngày trong vô thức - Ảnh 1.

Điều thú vị nhất là khi thực hiện những thói quen là chúng thường diễn ra một cách vô thức. Ví dụ, như khi bạn lùi xe ra khỏi gara, bạn hoàn toàn không để ý gì đến những hành động khác trong thời điểm đó. Điều bạn chỉ cần làm là lùi xe. Nói về mặt tiêu cực, thói quen hút thuốc cũng như vậy. Bạn chỉ việc hút trong vô thức, còn việc khói thuốc đang tàn phá cơ thể bạn và những người xung quanh như thế nào thì bạn hầu như không nghĩ tới.

“Sức mạnh của thói quen” dạy bạn cách xây dựng những thói quen tốt hơn để phục vụ bạn trong cả cuộc sống lẫn kinh doanh.

2. “Động lực” của Daniel Pink (Drive)

7 cuốn sách giúp người trẻ tìm ra thói quen tích cực giữa hàng trăm thứ việc vẫn làm hàng ngày trong vô thức - Ảnh 2.

Cuốn sách này sẽ trang bị cho bạn mọi thứ cần thiết để tự phát triển một thói quen. Nói cách khác, nó sẽ dạy bạn những bài học đỉnh nhất về leadership. Tác giả Daniel Pink đã đi ngược lại những nhận định chúng ta thường biết về điều thúc đẩy con người trong công việc. Thay vào đó, Pink giải thích cách tốt nhất để chúng ta có thể phát triển chính mình và những người khác là sử dụng các động lực nội tại.

Cuối cùng, đúc kết từ cuốn sách, Pink nhắn nhủ tới độc giả rằng, bạn không thể sống một cuộc sống thành công nếu không phát triển thói quen thúc đẩy bản thân. Và “Động lực” là nền tảng đầu tiên giúp bạn tìm ra điều đó.

3. “Tâm lí học thành công” của Carol Dweck (Mindset)

7 cuốn sách giúp người trẻ tìm ra thói quen tích cực giữa hàng trăm thứ việc vẫn làm hàng ngày trong vô thức - Ảnh 3.

“Tâm lí học thành công” là một cuốn sách rất hay về việc thay đổi bản thân. Nó nói về sự khác biệt giữa những người có tư duy “cố định” và những người có tư duy “phát triển”. Tư duy sẽ xác định cách chúng ta đối phó với những tình huống khó khăn và thất bại cũng như sự sẵn sàng của bạn thân trước những tình huống đó. Cuốn sách này sẽ chứng minh cách bạn đạt được những mục tiêu lớn lao bằng cách thay đổi tư duy và sau đó phát triển nó thành những thói quen lâu dài. Sau khi những thói quen được hình thành, chúng bắt đầu được nâng cấp thành tâm lí, tính cách.

4. “Điều ý nghĩa nhất trong từng khoảnh khắc của cuộc đời” của Gary Keller, Jay Papasan (The ONE Thing)

7 cuốn sách giúp người trẻ tìm ra thói quen tích cực giữa hàng trăm thứ việc vẫn làm hàng ngày trong vô thức - Ảnh 4.

Phỏng vấn tác giả của cuốn sách này, anh cho rằng, một trong những lí do lớn nhất khiến mọi người thất bại trong việc duy trì những dự định là vì họ đã đặt quá nhiều thứ để làm. Chìa khóa để tạo nên những quyết định thành công thực sự đơn giản: Tập trung vào một việc duy nhất và hoàn thành nó. Thành công đến một cách tuần tự, nó không phải là sự đồng thời.

5. “Suy ngẫm” của Marcus Aurelius (Meditations)

7 cuốn sách giúp người trẻ tìm ra thói quen tích cực giữa hàng trăm thứ việc vẫn làm hàng ngày trong vô thức - Ảnh 5.

Cuốn sách này đã được viết từ hơn 1.800 năm trước. Trong nó chứa các nguyên tắc có tính thời đại vẫn được áp dụng vào thời đại ngày nay.

“Làm sao chúng ta có thể làm những điều thuộc về công lí nếu chúng ta bị phân tâm vởi những thứ không quan trong, hoặc nếu chúng ta ngây thơ, cả tin, hay thay đổi?”

Hãy đọc câu quote trên và suy ngẫm về thói quen vừa lái xe vừa nhắn tin của bạn. Bạn thấy gì?

Marcus Aurelius là một người theo phái khắc kỉ – chủ nghĩa đề cao những kỉ luật nghiêm khắc, đặc biệt khi nói về việc duy trì sự ổn định trong cảm xúc. Sự ổn định trong cảm xúc không thể xây dựng trong ngày một ngày hai, mà nó được hình thành dựa trên thói quen.

Nếu muốn vận dụng Chủ nghĩa khắc kỉ vào các thói quen của mình, hãy tìm đọc ngay “Suy ngẫm”.

6. “Ý chí” của John Tierney, Roy Baumeister (Willpower)

7 cuốn sách giúp người trẻ tìm ra thói quen tích cực giữa hàng trăm thứ việc vẫn làm hàng ngày trong vô thức - Ảnh 6.

Cuốn sách nhằm nhắc lại một cuộc trò chuyện mà chúng ta thường bỏ qua: “Vai trò của ý chí trong việc giúp chúng ta đạt được mục tiêu là gì?” Câu trả lời trong cuốn sách sẽ khiến bạn thực sự ngạc nhiên.

John Tierney và Roy Baumeister sẽ cung cấp cho bạn các phương pháp để định hình lại thói quen, lối sống. Theo cách đó, nó giúp bạn khởi động lại ý chí, kích thích bản thân để nhanh chóng đạt được sự thay đổi, tiến bộ và thành công lâu dài.

Nhiều thập kỉ trôi qua cùng các kết luận khoa học rút ra cho chúng ta biết rằng chìa khóa để hình thành và duy trì thói quen là ý chí. Và nếu bạn muốn xây dựng sự tự kiểm soát theo cách của riêng mình thì đây là cuốn sách bạn cần đọc.

7. “Những kẻ xuất chúng” của Malcolm Gladwell (Outliers)

7 cuốn sách giúp người trẻ tìm ra thói quen tích cực giữa hàng trăm thứ việc vẫn làm hàng ngày trong vô thức - Ảnh 7.

Cuốn sách này sẽ chỉ đường cho bạn cách tạo dựng sự thành công từ những nguồn lực khác, thay vì chỉ có mỗi thông minh và chăm chỉ. Có thể bạn đã nghe về nguyên tắc 10.000 giờ nổi tiếng của Gladwell và cách nó liên quan đến thành công. Nguyên tắc này nói rằng, nếu bạn dành 10.000 giờ để làm bất kỳ một công việc gì, bạn sẽ trở thành bậc thầy trong công việc đó.

“Những kẻ xuất chúng” là một cuốn sách cần phải đọc với những ai đang có khát khao mở rộng trí tuệ và tìm hiểu về các yếu tố tạo nên thành công của các biểu tượng như Bill Gates hay Steve Jobs.



Châu Anh


Theo Nhịp Sống Kinh Tế