Tag

bận rộn

Browsing

Âu Dương Chấn Hoa là một nam diễn viên nổi tiếng của điện ảnh và truyền hình Hồng Kông . Anh bắt đầu được công chúng biết đến rộng rãi từ thập kỷ 90, với vai Ben Dư Tại Xuân trong serie phim “Hồ sơ công lý”. Song song với sự nghiệp thành công và danh tiếng được biết đến ở nhiều nước châu Á, anh cũng được biết đến là người đàn ông có một cuộc sống gia đình hạnh phúc với người vợ tỷ phú dù không có con.

Một người đàn ông đáng ngưỡng mộ như thế, nhưng đằng sau vỏ bọc hào nhoáng chắc chắn luôn che giấu đi những góc khuất, những câu chuyện buồn. Vì không biết quý trọng thời gian mà anh đã đánh mất đi những khoảnh khắc đáng quý bên cạnh những người mình yêu thương. Phải đến khi tự mình chạm đến ranh giới giữa cái chết và sự sống thì mới biết danh vọng, tiền tài chẳng thể nào so sánh được với cuộc sống ngập tràn yêu thương.

Bản thân bận rộn thực sự không có gì đáng trách cả vì mỗi chúng ta đều cần lấy một mục tiêu để theo đuổi, để nỗ lực chăm chỉ, học tập, làm việc làm cho gia đình cùng bản thân có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thật ra bản thân bận rộn không đáng sợ, điều đáng sợ là một ngày nào đó, chúng ta luôn lấy sự bận rộn đó làm cái cớ của bản thân để gạt bỏ những điều quan trọng nhất xung quanh ta, chỉ vì sự ích kỉ và tư lợi của bản thân. Clip chia sẻ những trải nghiệm của diễn viên Âu Dương Chấn Hoa hiện được rất nhiều người quan tâm.

Video gây bão MXH về câu chuyện của tài tử TVB Âu Dương Chấn Hoa: Đừng bao giờ nói ra 3 từ Tôi rất bận - Ảnh 1.

“Dạo gần đây, tôi gầy đi không phải tôi giảm cân, cũng không phải tôi làm việc nhiều quá mà là vì tôi đã trải qua hai trải nghiệm không bao giờ có thể quên được. Nhờ đó, tôi mới lĩnh hội được một vài đạo lí. Tôi muốn chia sẻ với mọi người hai câu chuyện của tôi.

Câu chuyện thứ nhất:

Vốn dĩ xuất phát là học viên thứ 11 của lớp huấn luyện nghệ sĩ đài truyền hình TVB năm 1981, khi mới tốt nghiệp, tôi nhận được rất nhiều công việc. Năm 1992, bộ phim “Nhất hào hoàng đình” ra mắt, hơn nữa tôi lại là diễn viên chính của bộ phim, đó là vai diễn chính đầu tiên trong cuộc đời tôi. 

Làm nam chính rất khó, có thể ăn không được no, ngủ cũng không được ngon, 1 ngày 24 giờ có thể không đủ dùng. Có những ngày phải tận dụng đến 22 giờ để làm việc, 1 giờ lái xe về nhà, 1 giờ lái xe quay lại, đến thời gian tẩy trang cũng không có. Khoảng thời gian này, dù có khó thế nào tôi cũng buộc mình phải cố gắng vươn lên mà thôi bởi vì đó chính là ước mơ, hi vọng của mình bấy lâu nay. 

Bây giờ đạt được rồi nên luôn nhắc mình phải nỗ lực, nhưng có điều, tôi chỉ tập trung vào công việc của bản thân, đấu tranh lợi ích cho bản thân. Mẹ tôi ở nhà, tôi cũng không quan tâm, hỏi han. Rất ít khi tôi gặp mẹ mình ở nhà vì thười gian làm việc như vậy, khi về mẹ đã ngủ rồi. Thời gian nói chuyện với mẹ gần như bằng không. 

Có một hôm, mẹ thấy tôi làm việc vất vả quá nên gọi tôi đi uống trà sáng cùng. Nhưng ngày hôm trước, tôi đi đóng phim đến khuya mới về, nên thời gian ngủ chưa được bao lâu, tôi từ chối luôn lời đề nghị của mẹ rằng mình rất mệt, để ngày mai đi. Mẹ tôi cũng đồng ý. Qua 2 ngày sau, tôi vẫn dành thời gian chủ yếu để ngủ, lâu ngày, tôi cứ lần lữa, tìm cớ không đi uống trà với mẹ. Mẹ tôi cũng quen dần. 

Rồi mấy năm trôi qua như vậy. Đến năm 2012, vào một buổi tối, đột nhiên, em gái gọi cho tôi bảo mẹ không được khỏe, đưa đi bệnh viện rồi. Tôi lập tức lái xe đến bệnh viện. Lái xe chưa được 20 phút, em trai gọi điện cho tôi thông báo mẹ qua đời rồi. Khi ấy lái xe mà tôi không ngừng tự vấn bản thân rằng buổi trưa còn nói với mẹ là hai hôm nữa, sinh nhật mẹ nên đi đâu, ăn gì. Bà vẫn còn rất tỉnh táo, khỏe mạnh, tại sao lại ra đi đột ngột như vậy. 

Tôi thật sự không dám tin. Khi đến viện rồi, tôi vẫn còn nhớ như in, khi nhìn mẹ, mẹ hình như chỉ giống đang ngủ trước mặt tôi, chỉ là đang ngủ thôi. Tôi vẫn không thể tin vào sự thật là mẹ mình đã đi rồi. Trong lòng tôi vẫn cố gắng gọi mẹ mình dậy, mẹ tỉnh rồi, hai mẹ con đi uống trà. Nhưng đó chỉ là những suy nghĩ của tôi thôi, còn sự thật là mẹ đã không thể nào tỉnh lại được nữa. Tôi đã tin, mẹ tôi nghiêm túc, bà thật sự đi rồi. 

Rất nhiều người đã từng nói là thời gian không chờ đợi con người, nhưng khi trải qua chuyện này, tôi mới lĩnh hội được một câu: Con người không thể chờ đợi thời gian, nhất là người già.

Video gây bão MXH về câu chuyện của tài tử TVB Âu Dương Chấn Hoa: Đừng bao giờ nói ra 3 từ Tôi rất bận - Ảnh 2.

Câu chuyện thứ hai:

Đây là câu chuyện của chính bản thân tôi. Sau khi mẹ qua đời, chưa đến nửa năm, tôi suýt chút nữa cũng không qua được cơn hoạn nạn. Vào tháng 2 năm 2013, lúc này tôi đóng phim “Tình nghịch tam thế duyên”, thời gian quay phim mới chỉ được 2, 3 tháng nhưng ăn cũng không đủ no, thời gian dành cho bản thân không có. 

Mồng 2 tết, tôi và em trai, em gái của mình đi ăn món lẩu cay tôi thích nhất. Tôi ăn rất nhiều, ăn rất no, ăn xong thấy thỏa mãn vô cùng. Nhưng vốn dĩ ăn quá nhiều rất nguy hiểm. Khi đi ngủ, ngủ được một lúc, axit trào ngược, tôi ý thức được điều đó nhưng không thể nôn ra vì đang ngủ và người cũng mệt. 

Tôi chỉ ý thức được nó đi vào cổ họng nhưng họng nghẹn lại, đi vào phổi thì chắn ở phổi, chắn ở khí quản. Còn may nhà có người nên đã lập tức đưa tôi đi bệnh viện cấp cứu. Cấp cứu được mấy giờ, tôi vẫn chưa tỉnh, vẫn hôn mê sâu, vì thế, tôi được đưa đi chăm sóc đặc biệt. Sau khi cấp cứu vẫn không tỉnh, bác sĩ nói rằng những gì họ cần làm đều đã làm rồi, phần còn lại phải dựa vào bản thân tôi mà thôi. Tỉnh hay không tỉnh chỉ dựa vào tôi mà khi ấy, tôi lại hôn mê. 

Nhưng có một điều gì đó trong lòng thôi thúc tôi phải tỉnh. Đến mười mấy tiếng sau, khi đó tôi đột nhiên dùng lực mở mắt, tôi tỉnh lại. Tôi cố gắng không nhắm mắt vì tôi rất sợ mình không tỉnh lại nữa. Lúc này, trên người tôi cài rất nhiều dây dợ, vẫn may có một bác sĩ ở đó, ông ấy nói rằng tôi thật sự rất may mắn vì tôi đã bước một chân vào quỷ môn quan. 

Mười mấy hôm nằm một mình trong bệnh viện, tôi đã nghĩ rất nhiều điều. Khi mọi người dốc sức làm điều gì đó, chắc chắn là sẽ đổ dồn hết tâm huyết vào, như thế sẽ bỏ qua rất nhiều điều quan trọng xung quanh mình. 

Nhưng hãy nhớ rằng, phải trân trọng thực tại, trân trọng gia đình, người thân của bạn, nhất định phải trân trọng người ở trước mắt bạn. Đừng bao giờ nói ra 3 từ này: Tôi rất bận.”

Nguồn: Facebook Khoái coi hài. Vietsub: Nguyên Hoài.



PV


Theo Trí Thức Trẻ

Bạn thường bị quá tải với việc có quá nhiều thứ để làm và quá ít thời gian dành cho chúng. Trong thời kỳ khủng hoảng, bạn sẽ thường xuyên phải bơi trong lượng công việc lớn hơn rất nhiều.  Tình huống này gần như khiến bạn không thể giữ được trạng thái bình tĩnh và kiểm soát cần thiết để tránh sự hỗn loạn cũng như thất bại. Bạn cần đơn giản hóa cuộc sống cá nhân và công việc bằng mọi cách. Điều này sẽ giúp ích cho bạn để vượt qua điểm khủng hoảng.

Cân nhắc câu hỏi lớn nhất

Tự hỏi bản thân một câu hỏi lớn: “Tôi thật sự muốn làm gì với cuộc đời mình?”

Khi 2.500 công dân 100 tuổi của thế giới được phỏng vấn, họ đều nói họ ước có nhiều thời gian để nhìn lại và suy ngẫm về việc họ thật sự muốn gì trong cuộc sống, hơn việc chỉ đơn giản là hành động và phản ứng lại trong suốt cuộc đời. Vì vậy, bạn nên bắt đầu suy nghĩ về câu hỏi này càng sớm càng tốt.

Đặt mục tiêu lớn nhất là giữ đầu óc thanh thản. Không nên để bất cứ thứ gì hủy hoại sức khỏe tâm sinh lý của bạn trên chặng đường dài. Một khi bạn đã đặt ra mục tiêu đó, hãy sắp xếp cuộc sống của bạn dựa trên nó. Tránh tự khiến mình trở nên lo lắng, buồn bã về bất cứ việc gì xung quanh. 

Luyện phương pháp 10 mục đích

Đây là cách dễ dàng để đơn giản hóa mọi chuyện và để quyết định bạn thật sự muốn gì. Lấy một tờ giấy và viết ra 10 mục tiêu bạn muốn hoàn thành trong năm tới hoặc vào lúc nào đó trong tương lai có thể dự đoán trước. Tự hỏi bản thân: “Nếu tôi có thể đạt được bất kỳ mục tiêu nào trong vòng 24 giờ, đâu là mục tiêu sẽ có ảnh hưởng tích cực nhất lên cuộc sống của tôi?”

Dù câu trả lời là gì, hãy đánh dấu vào mục tiêu đó và đặt nó làm mục tiêu chính của bạn.Từ đó, tổ chức quản lý thời gian và hoạt động của bạn xung quanh nó. Đặt hạn chót để đạt được mục tiêu, nếu cần thiết, đặt các thời hạn thay thế ngắn hơn. Lên danh sách mọi thứ bạn có thể làm để đạt được mục tiêu. Sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và liên tục. Xác định thứ tự quan trọng của các điều trong danh sách mục tiêu đó.

Xác định bạn cần phải làm gì trước khi làm điều gì đó khác. Lên kế hoạch với danh sách hoạt động đã được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và liên tục. Bạn sẽ kiểm soát được tình hình.

Hành động liên tục

Một khi đã có mục tiêu chính và kế hoạch được vạch ra trên giấy, bước tiếp theo bạn cần làm là thực hiện kế hoạch đó. Hãy hành động. Làm bất cứ điều gì. Chỉ tập trung hành động liên tục mỗi ngày xoay quanh mục đích chính đó.

Nghĩ về nó mỗi sáng. Liên tục hình dung ra mục tiêu đó như thể nó đã được thực hiện. Nghĩ về nó cả ngày, ngay cả trong lúc ngủ. Việc tập trung toàn lực vào một mục tiêu sẽ tạo ra ý thức về hành động có trật tự, rõ ràng, giúp bạn tiến nhanh hơn đến việc đơn giản hóa và đạt được thành tựu lớn hơn.

Tưởng tượng ra 20 triệu đô-la

Đây là một cách khác để đầu óc được thanh thản và đơn giản hóa cuộc sống của bạn. Hãy tưởng tượng bạn đã có trong tay 20 triệu đô-la. Nhưng đến hôm nay, bạn lại biết được rằng bạn mắc phải một căn bệnh không thể cứu chữa và chỉ còn sống được vài năm. Câu hỏi là: Nếu bạn có 20 triệu đô-la trong tài khoản và vài năm để sống, bạn sẽ đơn giản hóa cuộc sống như thế nào? Đâu là thứ quan trọng nhất với bạn, và đâu là thứ ít quan trọng nhất?

Tưởng tượng rằng bạn có thể làm, có, hay trở thành bất cứ thứ gì. Tưởng tượng rằng bạn có tất cả tiền, thời gian, kiến thức, kinh nghiệm, bạn bè và những mối quan hệ. Tưởng tượng rằng bạn không gặp phải vấn đề hay khó khăn nào. Bạn sẽ làm gì để thay đổi tình trạng hiện tại?

4 cách để thay đổi cuộc sống

Thực tế, chỉ có 4 cách để thay đổi cuộc sống cá nhân và công việc của bạn:

1. Làm nhiều hơn một việc nào đó. Bạn nên làm điều gì để cải thiện cuộc sống và công việc của mình?

2. Làm ít đi những việc còn lại. Bạn nên bớt làm những gì để đơn giản hóa và kiểm soát được cuộc sống, công việc của mình?

Nếu đang cảm thấy ngập đầu trong công việc, cuộc sống bộn bề không còn chỗ để thở thì đây là bài viết dành cho bạn - Ảnh 1.

3. Bắt đầu làm gì đó mới. Bạn cần làm gì để kiểm soát và xử lý vấn đề, vượt qua trở ngại và đạt được mục tiêu? Bạn cần làm gì ngay để bắt đầu thực hiện hoạt động, nhiệm vụ mới? Thông thường, chỉ một bước đơn giản khi bắt đầu thực hiện hướng đi và mục tiêu mới đã có thể ngay lập tức đơn giản hóa cuộc sống của bạn.

4. Tạm ngừng làm một số việc. Có rất nhiều việc bạn đang làm có nghĩa trong quá khứ, nhưng ở hiện tại lại là trở ngại cho sự sáng tạo. Đôi khi, bạn có thể tiết kiệm hằng giờ trong ngày hay trong tuần chỉ bằng việc ngừng một vài hoạt động.

Loại bỏ những việc không quan trọng

Cách duy nhất để bạn có thể kiểm soát thời gian và đơn giản hóa cuộc sống là ngừng làm một vài việc. Đây là điều quan trọng trong lúc gặp khủng hoảng.

Đặt thứ tự ưu tiên đồng nghĩa với việc đặt thứ tự không ưu tiên. Thứ tự không ưu tiên là những việc bạn cần ngừng làm để có thêm thời gian làm nhiều việc khác quan trọng hơn cho bạn và tương lai của bạn. Với mỗi danh sách việc cần làm, bạn cần có song song danh sách việc không được làm.

Một khách hàng của tôi nhận ra anh ta đã dành nhiều giờ trong ngày để xử lý hàng trăm e-mail, anh ta bèn giao việc lọc e-mail cho thư ký của mình. Sau đó, họ phát hiện rằng anh ta không cần đọcđến 95% số e-mail đó. Anh ta nói với tôi với giọng rất ngạc nhiên rằng anh ta đã tiết kiệm được23 giờ mỗi tuần chỉ bằng việc sắp xếp, ủy nhiệm và xử lý e-mail một cách tốt hơn.

Xác định mức lương theo giờ của bạn

Cách tốt để đơn giản hóa cuộc sống là nghĩ về mức lương theo giờ của bạn. Bạn có thể hay muốn kiếm được bao nhiêu trong một giờ? Ví dụ, nếu mục tiêu thu nhập hàng năm của bạn là 50.000 đô-la, chia cho 2.000 giờ làm việc trung bình mỗi năm. Như vậy, mức lương theo giờ của bạn là 25 đô-la. Nếu đó là mục tiêu thu nhập của bạn, hãy từ chối làm những gì không mang lại cho bạn 25 đô-la/giờ. Không làm những việc chỉ mang lại cho bạn 5 đến 10 đô-la một giờ. Tôn trọng và làm theo tiêu chuẩn này, bạn sẽ có thể đơn giản hóa cuộc sống một cách nhanh chóng.

Trước khi bắt đầu một việc gì, hãy luôn tự hỏi: “Nếu không làm được việc này thì sao?” Nguyên tắc là: Nếu không cần phải làm ngay, thì hãy tạm gác lại, hoãn lại những việc bạn có thể làm trong tương lai, như vậy bạn sẽ có thêm thời gian để suy nghĩ và hành động cho hiện tại.

Chuẩn bị trước kế hoạch

Bạn có thể đơn giản hóa cuộc sống bằng cách lên kế hoạch trước theo từng tháng. Bạn cũng có thể lên kế hoạch cho tuần sau vào cuối tuần trước hoặc theo ngày vào mỗi tối.

Phương pháp lên kế hoạch theo ngày rất đơn giản. Hãy bắt đầu lên danh sách mọi việc bạn phải làm trong ngày tiếp theo. Sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Đánh số 1 bên cạnh việc quan trọng nhất, số 2 cho việc quan trong tiếp theo cho đến khi bạn xác định được 7 nhiệm vụ quan trọng nhất.

Khi bắt đầu làm việc vào sáng hôm sau, hãy làm việc số 1 trước và tập trung vào nó. Dành toàn lực để giải quyết việc đó, tập trung cao độ vào việc quan trọng nhất ngay lúc đó. Nếu bị phân tâm, bạn hãy lấy lại tinh thần và quay lại với việc đó càng nhanh càng tốt. Áp dụng cách giải quyết từng việc với các công việc khác trong danh sách của bạn. Quyết định chỉ tập trung vào danh sách công việc quan trọng sẽ giúp bạn đơn giản hóa cuộc sống và tăng năng suất làm việc.

Làm những việc ưu tiên trước

Đặc biệt, hãy đặt các mối quan hệ của bạn lên đầu. Dành thời gian riêng với vợ (chồng) hoặc con cái của bạn. Khi bạn ngồi vào bàn ăn tối, hãy tạm gác lại mọi thứ. Đừng bật tivi khi nói chuyện với những người quan trọng trong cuộc đời bạn.

Hãy chăm sóc tốt sức khỏe của bạn. Ăn uống điều độ và đúng giờ. Uống nhiều nước. Tập thể dục 30 phút mỗi ngày. Nghỉ ngơi nhiều, đặc biệt trong thời gian khủng hoảng.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng: Khi cảm thấy không có đủ thời gian để nghỉ ngơi và đơn giản hoá cuộc sống cũng chính là lúc bạn cần thời gian để làm những việc trên. Bạn là tài sản đáng quý nhất. Hãy chăm sóc bản thân thật tốt.



Yên Nhiên


Theo Trí Thức Trẻ