11 giờ đêm:

– “Sao anh còn chưa về? Anh có biết bây giờ là mấy giờ rồi không?”

– Ừ đây, anh đang chuẩn bị về rồi, em ngủ trước đi.

1h sáng:

– Anh có về không thì bảo, không về ngay, đừng trách tôi ác, chơi bời cũng phải có…

– Đây đây về ngay đây, làm gì mà căng. Tút tút…

Trong cuộc sống hiện đại, cuộc hội thoại trên chắc chẳng hề xa lạ với các cặp vợ chồng. Câu chuyện nhậu nhẹt vốn là một khái niệm quen thuộc với các đấng mày râu. 

Chỉ cần hỏi “chị Google” về vấn đề này, bạn sẽ bắt gặp không ít các câu chuyện dở khóc dở cười về phản ứng của các mẹ bỉm sữa trước “vấn nạn” chồng đi nhậu: người thì sốt ruột đến nỗi không chợp mắt nổi vì “chờ người nơi ấy”, chị thì đầu óc đang “nảy số” với 7749 mối nghi hoặc, bất an “Hay anh ta lại đi bia ôm, karaoke đèn mờ”, “Sao giờ này còn chưa về, hay lại xảy ra tai nạn trên đường về nhà”; chị lại giở bài “Ra mà đứng cửa cho chừa cái thói rượu chè” quen thuộc hay sẵn sàng tuyên bố ly dị vì thú vui của chồng… 

Thế nhưng, chừng ấy biện pháp liệu có giúp họ thu phục người đàn ông của mình khỏi nanh vuốt của con quái vật men rượu? Câu trả lời là không. 

Một người phụ nữ khôn ngoan sẽ giữ chồng theo cách “lạt mềm buộc chặt”, sẽ thì thầm bên tai đức lang quân của họ rằng: “Em không ngại đợi anh đi nhậu về khuya. Em chỉ cần một lý do (chính đáng) mà thôi.” 

Hãy thử tìm hiểu xem tại sao chồng bạn lại hay sa đà vào bàn nhậu đến vậy, hãy dùng giác quan thứ 6 trời ban cho nữ giới chúng ta để học cách lắng nghe, thấu hiểu và thông cảm.

Lời bênh vực dành cho các ông chồng dùng cả tuổi trung niên để nhậu nhẹt: Chồng nhậu thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa không đời nào khê - Ảnh 1.

Lời bênh vực dành cho các gã chồng dùng cả tuổi trung niên để nhậu nhẹt

Gửi các bà vợ, xin đừng nhìn chuyện rượu bia của chồng bằng ánh mặt hằn học.

Nếu chồng bạn thuộc giới kinh doanh, xin đừng dày vò anh ta bởi chuyện đi ăn nhậu là “luật bất thành văn”, là điều bất đắc dĩ khó tránh khỏi với họ rồi. Bạn biết đấy, phần lớn các bản hợp đồng được kí kết với đối tác làm ăn trên bàn nhậu. Công việc “chốt sale” với khách hàng cũng được thực hiện trên bàn nhậu. 

Là người phụ nữ thông minh, thay vì làm khó, hoạnh họe họ sau mỗi trận chiến chinh phục khách hàng, đối tác bằng rượu thịt đầy gian truân; hãy thông cảm, pha cho họ một bát canh giải rượu ấm nóng và chân thành thủ thỉ với họ rằng: “Cảm ơn anh vì đã vất vả kiếm tiền cho gia đình mình.”

Với một số ông chồng, nhậu nhẹt đơn giản chỉ là thú tiêu khiển giúp cuộc sống của họ bớt nhàm chán, vô vị. Nhưng ở đây, nhậu nhẹt không đồng nghĩa với việc bê tha, nát rượu, “rượu vào lời ra” để chửi rủa, bạo hành người khác. 

Tôi chợt nhớ đến lời răn dạy của cô giáo tôi: “Không có người đàn ông hoàn hảo. Người đàn ông sẽ có ít nhất một tật xấu: không rượu chè thì cờ bạc, gái gú. Nếu không có tật xấu nào, họ không phải là đàn ông.” 

Khi đấng nam nhi của đời bạn lỡ “bén duyên” vào ly rượu cay, hãy chấp nhận “tật xấu” ấy bởi đó là sở thích của họ. Hãy nghĩ đơn giản thế này: nếu bạn không thể giúp cuộc sống của họ bớt nhạt nhẽo, đơn điệu, hãy để men rượu cay nồng làm việc đó bởi uống rượu cũng là để giải sầu, và dù gì, rượu chè vẫn đỡ hơn cờ bạc, gái gú.

“Hôm nay, anh về muộn nhé, lâu lắm mới gặp thằng Đức tri kỷ từ hồi mẫu giáo, lâu rồi hai đứa mới được dịp hàn huyên tâm sự với nhau.” Gặp phải tình huống này, chắc hẳn một số chị vợ sẽ ức chế yêu cầu chồng gác lại cuộc vui để về đón con ngay lập tức: “Thế giờ bạn anh còn quan trọng hơn cả cái nhà này à?” 

Thưa các chị, giả sử, một ngày đẹp trời, các chị tình cờ gặp được cô bạn thân chơi với nhau từ hồi “cởi chuồng tắm mưa” trong quán trà sữa, họa hoằn lắm mới có dịp tái ngộ, liệu các chị có chắc là mình sẽ không ở lại để tán gẫu với người bạn đó ít nhất trong vòng 2 tiếng không? 

Lời bênh vực dành cho các ông chồng dùng cả tuổi trung niên để nhậu nhẹt: Chồng nhậu thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa không đời nào khê - Ảnh 2.

Hãy đặt mình vào vị trí của người đàn ông để thấu hiểu họ. Bên cạnh gia đình, công việc, đồng nghiệp, họ cũng có các mối quan hệ bằng hữu, tri kỷ để chăm sóc, nâng niu. Câu thành ngữ người xưa truyền lại đâu chỉ có vế “sang vì vợ”, còn có vế “giàu vì bạn” nữa mà.

Khi được hỏi về vấn đề nhức nhối muôn thuở mang tên chồng hay đi nhậu, chị tôi, người phụ nữ “nuôi đủ hai con với một chồng”, cho rằng: “Không rượu bia, không giao du với đồng nghiệp hay mượn rượu để “chém gió” tạo dựng mối quan hệ với sếp thì biết chơi với ai trong cơ quan”. 

Thật vậy, nhậu nhẹt cũng là dịp để thắt chặt tình đồng nghiệp, cấp trên – cấp dưới và thậm chí, nó còn giúp tạo dựng các cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.

Muốn vợ bớt lời, các ông chồng cũng cần hành động đáng mặt nam nhi sao cho vợ “tâm phục khẩu phục”.

Nếu trong và sau khi nhậu, bạn không thể giữ bản thân tỉnh táo, sáng suốt, hãy tỉnh táo từ trước khi bắt đầu cuộc vui. Nếu biết trước tửu lượng của mình không đủ tốt, dễ bị chuốc say, khi còn tỉnh táo, hãy ngỏ lời nhờ đồng nghiệp gọi taxi hoặc vợ bạn đến đón để tránh các trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Sau tiệc nhậu, trở về nhà, nếu cô ấy tra khảo, dày vò bạn, dù bực bội, ức chế đến mấy, xin hãy nhẫn nhịn và bình tĩnh nói với nàng một câu: “Để sáng mai anh tỉnh táo rồi chúng ta nói chuyện”. Nếu khi ấy, bạn cũng phản kháng lại, thử nghĩ xem, lời nói của một người ngà ngà say và lời nói của một người hoàn toàn tỉnh táo chỉ như hai thứ ngôn ngữ khác nhau, không hề có một điểm chung.

Hãy học cách từ chối một số lời mời không quá quan trọng để bù đắp, dành nhiều thời gian cho gia đình hơn. Mỗi người đàn ông trưởng thành cũng giống như một nghệ sĩ điệu nghệ, cùng một lúc, bạn phải tung hứng ba quả bóng thủy tinh dễ vỡ: gia đình – công việc – bạn bè. Hãy cố gắng đừng vì giọt rượu tràn li mà đánh rơi một trong ba quả bóng đó.

Lời bênh vực dành cho các ông chồng dùng cả tuổi trung niên để nhậu nhẹt: Chồng nhậu thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa không đời nào khê - Ảnh 3.

Hãy học cách cảm ơn vợ vì đã thông cảm cho câu chuyện bàn nhậu của bạn vì ở ngoài kia, biết bao người vợ sẵn sàng đoạn tuyệt, ly hôn vì người chồng “bê tha” của họ.

Hãy học cách cảm ơn vợ vì đã thức cả đêm mong ngóng bạn quay về vì ở ngoài kia, biết bao người vợ sẵn sàng khóa cửa trừng phạt cho chồng đứng ngoài trong đêm đông buốt giá.

Hãy học cách cảm ơn vợ vì đã chịu khó lau dọn “bãi chiến trường” của bạn vì ở ngoài kia, biết bao người vợ đã lạnh lùng tuyên bố: “Của ai người ấy dọn”.

Hỡi các ông chồng, muốn được vợ thông cảm và thấu hiểu cho thú vui của mình, bạn cũng phải biết cảm thông cho nỗi niềm, sự vất vả, hi sinh, nhẫn nhịn của họ đã chứ!



Bích Phượng


Theo Trí Thức Trẻ

Write A Comment