Đánh giá mức căng thẳng của bạn
Trong cuốn sách “Overworked”, Overwhelmed and Underpaid, tác giả Louis Barajas chỉ ra rất nhiều dấu hiệu cho thấy có thể bạn đang gần như kiệt sức với công việc.
– Bạn thường xuyên làm việc hơn 40 giờ một tuần.
– Trong một tháng qua ít nhất một lần bạn đã từng suy nghĩ nghiêm túc về việc bỏ công việc hiện tại để tìm việc mới.
– Trong vòng sáu tháng qua bạn để nhỡ ít nhất một lần kế hoạch hoàn thành một công việc lớn.
– Bạn chần chừ chưa đi khám bệnh vì không có thời gian cũng như tiền bạc.
– Bạn cảm thấy căng thẳng và bất an nhiều hơn về tình hình tài chính của bạn so với 5 năm trước đây.
Căng thẳng không chỉ làm bạn không vui với công việc mà còn có thể ảnh hưởng đến hiệu năng làm việc, vì stress lâu dài sẽ gây ra tổn thương về sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Tìm ra được nguyên nhân của những căng thẳng trong công việc là bước đầu giúp bạn tìm ra giải pháp xử lý chúng. Dưới đây là những nguyên nhân có thể gây ra căng thẳng cho bạn trong công việc:
1. Cạnh tranh nơi công sở và những trò tán gẫu
Việc phải hoàn thành các mục tiêu công việc theo đúng kỳ hạn đặt ra đã là một thách thức quá đủ, nhưng nếu đang làm việc trong môi trường có tính cạnh tranh cao, bạn buộc phải để mắt tới các đồng nghiệp khác. Nếu bạn là mục tiêu của các cuộc bàn tán hay đang ở trung tâm của những tranh chấp quyền lực thì mức căng thẳng của bạn có thể đã vượt ngưỡng cho phép rất xa.
2. Làm việc quá nhiều
Có thể bạn đang phải thực hiện một dự án lớn cho công ty và phải dành ra nhiều giờ làm việc, thậm chí còn mang việc về nhà. Nếu tình trạng này không liên tục xảy ra, có thể đó không phải là một vấn đề, nhưng nếu bạn luôn thường xuyên phải về muộn hoặc tiếp tục làm việc ở nhà đến khuya, một lúc nào đó bạn sẽ bắt đầu cảm thấy stress.
3. Công ty, công việc có thay đổi
Có thể công ty bạn đang cải cách một số những quy định về mức lương bổng, giờ giấc, giảm biên chế mà bạn không thấy hợp lý, sếp mới đến, một số hoạch định mới trong công việc… những biến đổi trong công ty, công việc này đều khiến bạn gặp áp lực không mấy thoải mái từ công việc.
4. Lựa chọn ngành nghề không phù hợp
Nếu công việc bạn đang làm không phù hợp với tính cách, năng lực, sở thích hay những giá trị liên quan công việc của bạn, bạn sẽ có xu hướng không hài lòng với công việc. Vì vậy, bạn cần cân nhắc thật kỹ những yếu tố trên trước khi chọn ra con đường sự nghiệp của mình.
5. Công việc không đúng với bạn
Phải làm việc với cấp trên không sử dụng trọn vẹn kỹ năng và năng khiếu của bạn sẽ phần nào tạo ra căng thẳng. Cũng có trường hợp bạn không có đủ khả năng để hoàn thành tốt công việc. Trước khi nhận lời vào làm việc ở một nơi nào đó, bạn cần đảm bảo rằng bạn và công việc này phù hợp với nhau về mọi mặt.
6. Môi trường làm việc khiến bạn nhàm chán
Đối với những người phải làm đi lặp làm những công việc mà ngày này qua ngày kia cứ lặp đi rồi lại lặp lại, lương bổng không thay đổi, bạn làm nhiều năm không thăng lương, cấp bậc… đây đều là những nguyên nhân khiến bạc chán ghét công việc và phát “ngấy” với nó nhưng vẫn không biết cách nào giải quyết tốt nhất.
7. Hay đơn giản là do áp lực từ chính bản thân bạn
Đối với những bạn có quá nhiều mong muốn từ công việc, làm việc quá cầu toàn, đơn giản là vì bạn tự ti, đánh giá quá tầm quan trọng của chính bản thân… thì đây cũng là những nguyên nhân khiến bạn đối mặt với stress vì công việc.
Vậy giải quyết những áp lực từ công việc này ra sao?
– Hoạch định kế hoạch làm việc thông minh, khoa học.
– Dành thời gian để nghỉ ngơi và hồi phục sức khoẻ.
– Sắp xếp các mức độ ưu tiên rõ ràng, tập trung cao độ vào công việc đang làm, tránh lãng phí thời gian và sức lực.
Theo Trí Thức Trẻ