Lã Bất Vi (292-235 TCN), từng giữ chức Thừa tướng, trọng phụ nước Tần. Xuất thân từ một thương gia nước Triệu, ông đã phất lên nhanh chóng nhờ thành công áp dụng đầu óc kinh doanh khôn khéo của mình để bước lên vũ đài chính trị.

Có giai thoại truyền lại rằng, Tần Thủy Hoàng thực chất là con trai ruột của Lã Bất Vi. Nếu điều này quả đúng là sự thật, thì thương vụ mua bán quyền lực và ngôi báu của Tần quốc đích thị là cuộc làm ăn thành công nhất trong cuộc đời của ông.

Để thương vụ ấy diễn ra thuận lợi, thương nhân họ Lã đã không tiếc tiền của, công sức, dồn hết mọi tâm tư, trí lực để biến các nhân vật trong hoàng gia nhà Tần trở thành “hàng hóa” kinh doanh của mình.

Hành trình khởi nghiệp của Lã Bất Vi: Công cuộc săn tìm “nguồn hàng” vừa rẻ vừa tốt

Buôn ngai vàng bán quyền lực và bài học kinh doanh táo bạo từ thương nhân Lã Bất Vi - Ảnh 1.

Hình tượng nhân vật mưu trí Lã Bất Vi đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật. (Ảnh minh họa).

Thương vụ buôn ngai vàng, bán quyền lực của Lã Bất Vi đã được nung nấu và tiến hành những bước đầu tiên từ thời ông cha của Tần Thủy Hoàng.

Năm 276 TCN, Thái tử Tần quốc qua đời, nhà vua lập con thứ là An Quốc Quân lên ngôi thái tử.

An Quốc Quân vốn nhiều thê thiếp, vì thế có tới hơn 20 người con. Trong số đó, người vợ được sủng ái nhất là Hoa Dương phu nhân lại không sinh được con nối dõi. 

Trong đó, Doanh Tử Sở (trên danh nghĩa là cha của Doanh Chính) là con của Hạ Cơ, vốn không được An Quốc Dân yêu thích nên phải làm con tin ở nước Triệu.

Nếu đánh giá dưới mắt nhìn của thương nhân bình thường, Tử Sở chính là loại hàng hóa không có sức cạnh tranh trên thị trường.

Nhưng đối với tay buôn lão làng như Lã Bất Vi mà nói, ông luôn coi chính trị và quyền lực làm lợi nhuận, xác định sứ mệnh của mình là giúp vua lập vị, thâu tóm quyền hành quốc gia, mà Doanh Tử Sở và quyền thừa kế ngai vị chính là mục tiêu của thương vụ kinh doanh này.

Đối với “mặt hàng” Tử Sở này, nếu trực tiếp mang ra chào hàng cho An Quốc Quân thì khó có thể tiêu thụ được. Vì vậy, Lã Bất Vi đã áp dụng một chiến lược nhạy bén khác, đó chính là mở rộng thị trường.

Ông tìm cách để Hoa Dương phu nhân nhận Tử Sở làm con nuôi, từ đó mới tác động đến khách hàng là An Quốc Quân.

Sau khi đã xác định được mục tiêu, chiến lược rõ ràng, bước tiếp theo chính là lập kế hoạch kinh doanh và thi hành đến nơi đến chốn.

Lã Bất Vi hành sự rất mực cẩn thận. Đầu tiên, ông cho người thu thập đầy đủ tin tức và phân tích rõ hoàn cảnh.

Họ Lã coi thương vụ lần này để “đầu tư kiếm lời”, tích trữ hàng khan hiếm và bán ra với mức giá cao.

Ở thời điểm đó, ông đã thành công đưa Tử Sở làm vốn của mình, giờ chỉ cần đợi thời cơ tung ra thị trường là có thể thu về cả danh lợi lẫn địa vị.

Sau khi đã hiểu rõ hoàn cảnh của Doanh Tử Sở, Lã Bất Vi tìm cách thuyết phục triệt để mặt hàng của mình, coi đó là “một mũi tên trúng hai đích”.

Giai đoạn thứ hai trong kế hoạch của Lã Bất Vi là tìm cách giúp Tử Sở cạnh tranh, chiếm ưu thế. Mà yếu tố mấu chốt đem lại ưu thế cho họ chính là Hoa Dương. Vị phu nhân này cần con trai để củng cố địa vị, còn Doanh Chính cũng cần một người ủng hộ để tranh quyền thừa kế.

Từ đó, Doanh Tử Sở trở thành một “món hàng” vốn ít, lời nhiều mà Lã Bất Vi nắm trong tay.

Chi phối ưu thế – Bước tiếp theo trong âm mưu buôn ngai vàng, bán quyền lực

Buôn ngai vàng bán quyền lực và bài học kinh doanh táo bạo từ thương nhân Lã Bất Vi - Ảnh 2.

Nhờ vận dụng khôn khéo sự mưu lược trong kinh doanh, Lã Bất Vi đã biến hoàng tộc nước Tần trở thành những món hàng trong thương vụ mua bán quyền lực do ông làm chủ. (Ảnh minh họa).

Doanh Tử Sở được Hoa Dương nhận làm con nuôi và có quyền thừa kế. Đây đích thị là ưu thế cạnh tranh.

Việc tiếp theo Lã Bất Vi cần làm là đem ưu thế cạnh tranh này chuyển thành ưu thế khách hàng. Ông phải nỗ lực hết sức nhằm tạo lập ưu thế khách hàng, để cho khách hàng hài lòng, từ đó gia tăng tỷ lệ lợi nhuận.

Ở thời điểm bấy giờ, khách hàng lớn nhất của Lã Bất Vi đích thị là An Quốc quân và Hoa Dương Phu nhân. Làm cho khách hàng càng hài lòng chính là cách tăng tỷ lệ chiếm được quyền thừa kế.

Vì vậy, Lã Bất Vi đưa cho Doanh Tử Sở 500 cân vàng làm tiền vốn dùng để tiêu dùng và đãi tân khách.

Sau đó, ông lại thu mua nhiều báu vật lạ, nhờ chị của Hoa Dương dâng những thứ đồ quý giá ấy cho vị phu nhân này.

Để tạo dựng hình ảnh cho Tử Sở, Lã Bất Vi “quảng cáo” với Hoa Dương rằng đây là người tài giỏi, khôn ngoan, giao thiệp với người ở các nước, có bạn hữu khắp nơi trong thiên hạ.

Chưa dừng lại ở đó, vị quan họ Lã còn nhiều lần nhấn manh Doanh Tử Sở là người tình cảm, hiếu thuận, luôn hướng về phu nhân.

Nhờ cách “quảng cáo” thông minh và đánh trúng tâm lý khách hàng này, “mặt hàng” vốn không có nhiều ưu thế cạnh tranh như Doanh Tử Sở lại trở nên rất được lòng các vị khách tiềm năng.

Lấy tương lai làm cơ sở cạnh tranh, “thiên cổ kỳ thương” thành công thâu tóm quyền lực

Buôn ngai vàng bán quyền lực và bài học kinh doanh táo bạo từ thương nhân Lã Bất Vi - Ảnh 3.

Có nhiều giai thoại truyền lại rằng, Doanh Chính thực chất là con của Lã Bất Vi với Triệu Cơ chứ không phải hậu duệ của hoàng tộc Tần quốc. (Ảnh minh họa).

Trong các thương vụ về chính trị, Lã Bất Vi luôn không ngừng khai thác các sản phẩm mới, tìm kiếm các thị trường mới để tăng thêm thu nhập và nâng cao tỉ lệ lợi nhuận, từ đó tối đa hóa lợi ích mà mình nhận được.

Trên thực tế, sản phẩm mới là thứ sẽ quyết định tương lai của thương nghiệp. Do đó, thương nhân có đầu óc kinh doanh như Lã Bất Vi không chỉ dốc vốn vào duy nhất một “mặt hàng” là Doanh Tử Sở, mà còn mở rộng sang một sản phẩm mới. Đó chính là mỹ nữ.

Ông bỏ ra số vốn khổng lồ để tìm cho được một mỹ nữ xinh đẹp, giỏi ca múa tên Triệu Cơ, sau đó lại chung sống với nàng và để nàng mang thai.

Buôn ngai vàng bán quyền lực và bài học kinh doanh táo bạo từ thương nhân Lã Bất Vi - Ảnh 4.

Đây cũng là một sáng kiến mới của vị quan họ Lã. Bởi ông hiểu hơn ai hết “mặt hàng” mỹ nữ này có ưu thế nổi bật gói gọn trong một câu nói: “Anh hùng khó qua ải mỹ nhân”.

Hơn nữa khi đó, Tử Sở vừa mới trở thành người thừa kế, chưa có thời gian và sức lực để đi tìm mỹ nhân. Đây là điều khiến cho “mặt hàng” mới của Lã Bất Vi hoàn toàn không có đối thủ cạnh tranh trong hậu cung Tần quốc.

Trên thực tế, mục đích Lã Bất Vi vốn không phải là “tiêu thụ” mỹ nữ. Sản phẩm chân thật mà ông ta muốn tung ra thị trường thực chất là đứa con của mình trong bụng mỹ nữ họ Triệu.

Tuy nhiên hạng mục đầu tư liều lĩnh này vốn có lời cao, nhưng rủi ro cũng cao không kém. Tính rủi ro cao nằm ở chỗ, đứa trẻ kia hoặc có thể yểu mệnh chết non, hoặc có sinh ra đời cũng chưa chắc đã là con trai.

Nhưng nếu may mắn đứa trẻ ấy là con trai, thì món lợi nhuận khổng lồ mà Lã Bất Vi nhận được sẽ chính là giang sơn nhà Tần trong tương lai, đại nghiệp của họ Doanh sẽ chuyển sang tay con cháu họ Lã.

Sau khi cân nhắc về lợi nhuận và rủi ro, Lã Bất Vi quyết định thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng này bằng cách mời Doanh Tử Sở đến nhà uống rượu.

Cuối cùng, ông ta thành công đem Triệu Cơ tặng cho Tử Sở. Mà đứa con của Lã Bất vi trong bụng nàng quả nhiên sau này trở thành người kế thừa Tần quốc, hơn nữa còn nhất thống Trung Hoa, xưng bá thiên hạ. Đó không ai khác chính là Tần Thủy Hoàng.

Trở lại câu chuyện trước đó, Doanh Tử Sở sau khi lên ngôi, Lã Bất Vi đã trở thành Thừa tướng, chức vị dưới một người trên vạn người, phụ tá Hoàng đế cai trị đất nước.

Sau này Doanh Chính kế thừa ngai vị, ông lại được tôn làm “Trọng phụ”. Những năm Doanh Chính còn nhỏ, Lã Bất Vi mới là người nắm quyền chân chính ở Tần quốc.

Nhờ thương vụ mua bán quyền lực và ngôi báu kể trên, Lã Bất Vi từ một thương nhân đã thành công bước lên vũ đài chính trị, thậm chí còn leo lên tới chức Thừa tướng, Trọng phụ, quả xứng danh là “thiên cổ đệ nhất kỳ thương”.



Theo Trần Quỳnh


Trí Thức Trẻ

Write A Comment