Trong một nghiên cứu được tiến hành trên gần 300 người, những người tham gia được yêu cầu xem, nghe và đọc những tranh luận về các chủ đề gây tranh cãi như tình trạng nạo phá thai, âm nhạc và chiến tranh. Trong mỗi trường hợp, những người tham gia phải đánh giá tính cách của người nói và chất lượng của các lập luận của họ.
Kết quả cho thấy, người tham gia ít tùy tiện và ít tranh cãi hơn khi được nghe audio và xem video thay vì đọc văn bản. Thông qua những hình thức giao tiếp tự nhiên hơn, họ cũng thường ít có khả năng trở nên hung bạo và khinh thường các khả năng nhận thức và thuộc tính đạo đức mà họ phản đối.
Từ đây, chúng ta thấy rằng mọi người sẽ thể hiện những ý tưởng của mình hiệu quả hơn khi nói chuyện mặt đối mặt hoặc chí ít là có thể nghe được giọng nói của đối phương. Những kết quả này và cả những kết quả khác có liên hệ mật thiết với mọi loại giao tiếp, bao gồm cả giao tiếp ở nơi làm việc.
Vì thế, khi bạn giải thích hay bảo vệ ý kiến của mình trước sếp và đồng nghiệp, hãy sử dụng hai mẹo nhỏ này để ý kiến của bạn được lắng nghe và thấu hiểu:
1. Suy nghĩ theo quan điểm đối lập, tìm hiểu kỹ và vạch ra các biện pháp ứng phó
Có câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Vì vậy, nếu bạn biết được lý do tại sao những người phản đối bạn lại tin tưởng vào những gì họ làm, hãy biến điều đó thành lợi thế của bạn và nhìn nhận các vấn đề từ góc nhìn của họ. Tất cả những việc này sẽ giúp bạn có thể phán đoán được các lập luận mà họ sẽ đưa ra. Một khi bạn nắm được những gì bạn mong đợi từ người khác, bạn sẽ có thể lên kế hoạch cho cách tiếp cận của mình.
Bên cạnh đó, bạn càng nắm chắc và đầy đủ thông tin về hai mặt đối lập của vấn đề, bạn sẽ càng trở nên đáng tin hơn. Bằng cách bao quát các thông tin, các căn cứ và chuẩn bị cẩn thận, ý kiến của bạn chắc chắn sẽ trở nên hợp lý hơn dù bạn phải trình bày tranh luận của mình theo dạng văn bản hay trực tiếp bày tỏ ý kiến.
2. Gặp mặt trực tiếp
Lựa chọn đầu tiên của bạn nên là gặp mặt trực tiếp để thảo luận những vấn đề bất đồng. Việc nhìn thấy và nghe thấy người khác có thể truyền tải nhiều điều hơn so với việc chỉ viết ra những con chữ trên màn hình. Thông điệp được truyền tải cũng mang nhiều ý nghĩ hơn thông qua giọng điệu, cách thức thể hiện và những dấu hiệu, sự ám chỉ ngôn ngữ tự nhiên. Một tin nhắn văn bản có vẻ khô cứng sẽ trở nên sâu sắc, ý nghĩa và lôgic hơn khi được thể hiện bằng lời nói.
Các tác giả của nghiên cứu viết rằng chúng ta không thể trực tiếp biết được suy nghĩ của người khác mà phải suy ra từ các tín hiệu gián tiếp. Những dấu hiệu này bao gồm nhiều đặc điểm về giọng nói và thường không xuất hiện khi giao tiếp thông qua văn bản.
Nhờ khoa học – công nghệ tiên tiến, việc kết nối với mọi người, thậm chí là những người ở rất xa, trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nếu bạn không thể gặp trực tiếp, hãy tận dụng camera máy tính hay smartphone của bạn, yêu cầu một cuộc gọi video hay cuộc gọi điện thoại. Khi một người nhìn thấy mặt bạn, nghe thấy giọng nói của bạn, việc đưa ra những tranh luận có thể mang lại sự tác động lớn hơn bạn nghĩ. Email hoặc tin nhắn văn bản nên là sự lựa chọn cuối cùng.
Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải trình bày quan điểm dưới dạng viết, hãy chú ý thật kỹ tới những chi tiết có thể khiến câu từ của bạn bị hiểu sai. Kiểm tra ngữ pháp, sử dụng những câu đơn giản hơn để tránh nhầm lẫn. Bên cạnh đó, bạn nên tránh sử dụng các từ tiêu cực như “không bao giờ” cũng như những từ thể hiện cảm xúc và cố gắng bám sát các lập luận dựa trên thực tế rõ ràng, đơn giản và thẳng thắn. Như thế, những người khác sẽ dễ tiếp thu ý tưởng của bạn hơn.
Nhịp sống kinh tế