Tag

giao tiếp

Browsing

Trong một nghiên cứu được tiến hành trên gần 300 người, những người tham gia được yêu cầu xem, nghe và đọc những tranh luận về các chủ đề gây tranh cãi như tình trạng nạo phá thai, âm nhạc và chiến tranh. Trong mỗi trường hợp, những người tham gia phải đánh giá tính cách của người nói và chất lượng của các lập luận của họ.

Kết quả cho thấy, người tham gia ít tùy tiện và ít tranh cãi hơn khi được nghe audio và xem video thay vì đọc văn bản. Thông qua những hình thức giao tiếp tự nhiên hơn, họ cũng thường ít có khả năng trở nên hung bạo và khinh thường các khả năng nhận thức và thuộc tính đạo đức mà họ phản đối.

2 mẹo nhỏ giúp bạn thuyết phục được sếp và đồng nghiệp khi có quan điểm trái chiều với đám đông - Ảnh 1.

Từ đây, chúng ta thấy rằng mọi người sẽ thể hiện những ý tưởng của mình hiệu quả hơn khi nói chuyện mặt đối mặt hoặc chí ít là có thể nghe được giọng nói của đối phương. Những kết quả này và cả những kết quả khác có liên hệ mật thiết với mọi loại giao tiếp, bao gồm cả giao tiếp ở nơi làm việc.

Vì thế, khi bạn giải thích hay bảo vệ ý kiến của mình trước sếp và đồng nghiệp, hãy sử dụng hai mẹo nhỏ này để ý kiến của bạn được lắng nghe và thấu hiểu:

1. Suy nghĩ theo quan điểm đối lập, tìm hiểu kỹ và vạch ra các biện pháp ứng phó

Có câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Vì vậy, nếu bạn biết được lý do tại sao những người phản đối bạn lại tin tưởng vào những gì họ làm, hãy biến điều đó thành lợi thế của bạn và nhìn nhận các vấn đề từ góc nhìn của họ. Tất cả những việc này sẽ giúp bạn có thể phán đoán được các lập luận mà họ sẽ đưa ra. Một khi bạn nắm được những gì bạn mong đợi từ người khác, bạn sẽ có thể lên kế hoạch cho cách tiếp cận của mình.

Bên cạnh đó, bạn càng nắm chắc và đầy đủ thông tin về hai mặt đối lập của vấn đề, bạn sẽ càng trở nên đáng tin hơn. Bằng cách bao quát các thông tin, các căn cứ và chuẩn bị cẩn thận, ý kiến của bạn chắc chắn sẽ trở nên hợp lý hơn dù bạn phải trình bày tranh luận của mình theo dạng văn bản hay trực tiếp bày tỏ ý kiến.

2. Gặp mặt trực tiếp

Lựa chọn đầu tiên của bạn nên là gặp mặt trực tiếp để thảo luận những vấn đề bất đồng. Việc nhìn thấy và nghe thấy người khác có thể truyền tải nhiều điều hơn so với việc chỉ viết ra những con chữ trên màn hình. Thông điệp được truyền tải cũng mang nhiều ý nghĩ hơn thông qua giọng điệu, cách thức thể hiện và những dấu hiệu, sự ám chỉ ngôn ngữ tự nhiên. Một tin nhắn văn bản có vẻ khô cứng sẽ trở nên sâu sắc, ý nghĩa và lôgic hơn khi được thể hiện bằng lời nói.

2 mẹo nhỏ giúp bạn thuyết phục được sếp và đồng nghiệp khi có quan điểm trái chiều với đám đông - Ảnh 2.

Các tác giả của nghiên cứu viết rằng chúng ta không thể trực tiếp biết được suy nghĩ của người khác mà phải suy ra từ các tín hiệu gián tiếp. Những dấu hiệu này bao gồm nhiều đặc điểm về giọng nói và thường không xuất hiện khi giao tiếp thông qua văn bản.

Nhờ khoa học – công nghệ tiên tiến, việc kết nối với mọi người, thậm chí là những người ở rất xa, trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nếu bạn không thể gặp trực tiếp, hãy tận dụng camera máy tính hay smartphone của bạn, yêu cầu một cuộc gọi video hay cuộc gọi điện thoại. Khi một người nhìn thấy mặt bạn, nghe thấy giọng nói của bạn, việc đưa ra những tranh luận có thể mang lại sự tác động lớn hơn bạn nghĩ. Email hoặc tin nhắn văn bản nên là sự lựa chọn cuối cùng.

Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải trình bày quan điểm dưới dạng viết, hãy chú ý thật kỹ tới những chi tiết có thể khiến câu từ của bạn bị hiểu sai. Kiểm tra ngữ pháp, sử dụng những câu đơn giản hơn để tránh nhầm lẫn. Bên cạnh đó, bạn nên tránh sử dụng các từ tiêu cực như “không bao giờ” cũng như những từ thể hiện cảm xúc và cố gắng bám sát các lập luận dựa trên thực tế rõ ràng, đơn giản và thẳng thắn. Như thế, những người khác sẽ dễ tiếp thu ý tưởng của bạn hơn.



Theo Nguyễn Nguyễn


Nhịp sống kinh tế

Làm việc nơi công sở, quan trọng nhất là phải chuyên nghiệp, có khả năng làm việc nhóm, nhanh nhạy trước cái mới và linh hoạt trong ứng xử. Bất kể là người đã đi làm lâu năm hay người mới đi làm, đều phải cẩn thận ghi nhớ 10 “quả bom hẹn giờ” dưới đây, đừng để bị “nổ” rồi mới hối hận.

1. Gặp khó khăn không biết mở miệng nhờ giúp đỡ

Từ nhỏ, thầy cô luôn dạy chúng ta rằng, không biết phải hỏi, muốn giỏi phải học. Vậy mà giờ vẫn có không ít các bạn mới đi làm, không hiểu không biết cũng chẳng chịu nói, cứ im ỉm tự đoán tự làm.

Bình thường người ta đuối nước còn biết vùng vẫy cầu cứu, nhưng nhiều người “đuối nước” nơi công sở lại lựa chọn im lặng, tự đày đọa mình. Cứ như thế, họ càng trôi càng xa, đợi đến khi sức cùng lực kiệt, ý chí tiêu tan, họ cũng chẳng còn cách nào trụ lại nơi đó nữa.

2. Không suy nghĩ kĩ càng trước khi hỏi

Không biết thì nên hỏi, nhưng cũng không thể cứ trực tiếp hỏi mà không hề suy nghĩ qua.

Thường trước khi đặt ra câu hỏi, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề đó, và có một số cách nhìn nhận riêng. Vì vậy khi hỏi, tôi hy vọng thông qua quá trình thảo luận, mình có thể đưa ra một đáp án tốt hơn, hoặc thử xem hướng đi của mình có thể thuyết phục được người khác hay không.

Nhưng khi tiếp nhận câu hỏi từ những người khác, tôi dần phát hiện ra, rằng khi đặt câu hỏi, có rất ít người đưa ra được ý kiến cá nhân cho thấy họ từng cố lý giải nó. Đa số bọn họ đều chỉ “ném” vấn đề ra, rồi chờ đợi câu trả lời từ tôi. Sau đó họ sẽ phản ứng kiểu: “Ok, em làm theo lời anh đấy nhé.”

Như vậy, nếu có vấn đề gì xảy ra thì trách nhiệm biến thành của tôi. Điều này khiến tôi không được thoải mái cho lắm. Vì thế, khi hỏi một vấn đề gì đó, đừng mang theo tâm thái “đùn việc” hoặc chối bỏ trách nhiệm.

Ít nhất phải đưa ra được cách nhìn nhận vấn đề của chính mình, rồi thảo luận cùng người ta, như thế vấn đề mới nhanh chóng được giải quyết. Dù sao vấn đề cũng là của bạn, đừng thản nhiên đẩy qua cho người khác.

Chuyện công sở cuối tuần: Nếu còn giữ 10 quả bom hẹn giờ này, không sớm thì muộn sự nghiệp của bạn sẽ bị nổ lúc nào không hay - Ảnh 1.

3. Thói quen kéo dài ‘deadline’

Khi đặt ‘deadline’, nên cho nhau thời gian hợp lý để có thể co dãn. Cho dù lượng công việc nhiều hay ít, tôi đều chia giai đoạn với đối phương trước, phân tích kĩ càng, sau đó mới đặt deadline. Nhưng vẫn có nhiều người nói nộp muộn liền nộp muộn mà không có bất kì một biện pháp “vớt vát” nào.

Hoàn thành công việc đúng thời hạn là nguyên tắc cơ bản của một người đi làm. Xin hãy có trách nhiệm với đồng nghiệp, công ty và chính bản thân bạn.

4. Chờ đợi bị động, tốc độ làm việc chậm chạp

Đúng ra, chúng ta nên làm việc theo trình tự thế này: cố gắng hoàn thành công việc càng sớm càng tốt, xong việc rồi tìm một đồng nghiệp liên quan để thảo luận, góp ý, bàn giao. Nhưng một số người lại không hiểu được điều này.

Họ làm xong việc thì bỏ đấy, chẳng buồn thảo luận hay báo cáo gì. Mỗi người đều phải hiểu rõ vị trí của mình ở đâu trong cả tiến trình, nắm được tiến độ làm việc của cả nhóm, chủ động truyền và nhận “bóng”. Không nên kéo dài thời gian, giúp cho từng giai đoạn của kế hoạch có thể hoàn thành thuận lợi theo đúng dự tính. Vậy mới có thể hoàn thành công việc theo như mục tiêu đã đề ra.

5. Không biết làm cũng không dám nói, chỉ vùi đầu vào làm

Không nên cứ nhận việc xong là bắt tay vào làm luôn, mà trước tiên phải suy nghĩ xem nên làm thế nào, sắp xếp lên kế hoạch hợp lý rồi hãy bắt đầu. Nếu vùi đầu đi làm, mất cả đống thời gian mới phát hiện ra đã làm sai, khiến chính mình không còn thời gian để thay đổi, đồng nghiệp không còn thời gian để sửa chữa, sẽ thành ra gây tổn thất cho công ty.

Không làm được thì nói không làm được, khi thời gian vẫn còn, mọi người có thể cùng nhau bàn bạc nghĩ cách, hoặc chia lại công việc chứ cứ ép bản thân mình thì vừa hại mình vừa hại cả công ty.

Chuyện công sở cuối tuần: Nếu còn giữ 10 quả bom hẹn giờ này, không sớm thì muộn sự nghiệp của bạn sẽ bị nổ lúc nào không hay - Ảnh 2.

6. Bệnh nặng bệnh nhẹ không bệnh, đủ loại lý do xin nghỉ

Tôi từng nghe đến một nguyên tắc khiến tôi vô cùng kinh ngạc: “Sinh nhật có thể xin nghỉ.”

Đi làm bao nhiêu năm, chỉ khi bệnh không chịu được hoặc có việc quan trọng lắm tôi mới xin nghỉ. Bởi vì xin nghỉ chỉ khiến công việc đáng nhẽ là của tôi bị đẩy sang cho người khác, hoặc chất lượng công việc đi xuống mà thôi.

Nhiều năm nay, mỗi lần đồng nghiệp xin nghỉ, tôi thật sự muốn hỏi: “Sức khỏe của cậu thật sự kém hơn tôi sao?”

Bạn nghỉ rồi, cũng tức là phần việc của bạn hoặc sẽ do người khác gánh, hoặc sẽ bị dồn lại chờ bạn đi làm. Cho dù thế nào đi nữa, điều đó cũng sẽ gây phiền hà cho một vài người, có khi là rất nhiều người, thậm chí là tạo thành tổn thất cho công ty.

7. Chưa làm xong việc đã ung dung bỏ về

Trong công ty, mỗi một hạng mục công việc đều được phân chia và sắp xếp chặt chẽ, yêu cầu tiến độ nghiêm ngặt. Cho nên chỉ cần có ai đó xin nghỉ hoặc rời bỏ vị trí mà không nói rõ ràng, thì công việc sẽ bị tồn đọng.

Khi có ai khác phải đứng ra thay bạn đảm nhận phần việc đó, rất có khả năng họ sẽ chỉ làm qua quýt cho xong, vì họ cũng bận chẳng kém, và đấy dù sao cũng chẳng phải việc của họ. Hay thậm chí người thay thế có lòng muốn làm tốt, thì cũng chưa chắc họ đã quen việc được như bạn. Cuối cùng công việc sẽ không được hoàn thành với chất lượng tốt nhất.

Con người ta làm gì cũng phải làm cho tới nơi tới chốn. Việc đã giao cho bạn thì bạn phải có nghĩa vụ chịu trách nhiệm với nó từ đầu đến cuối, chứ không phải bắt đầu thì hồ hởi, làm được lưng chừng lại tùy hứng bỏ đi.

Chuyện công sở cuối tuần: Nếu còn giữ 10 quả bom hẹn giờ này, không sớm thì muộn sự nghiệp của bạn sẽ bị nổ lúc nào không hay - Ảnh 3.

8. Mượn công việc để đi giải quyết việc riêng

Trong mấy năm làm việc của tôi, có ít nhất ba lần nhận được thông báo từ bên thứ ba rằng đồng nghiệp của mình không đến thăm hỏi khách hàng theo kế hoạch, mà lại đi xem phim, đi tụ họp bạn bè…

Thế mà khi tôi hỏi về phản ứng của khách hàng, anh ta lại có thể nói vanh vách như thật. Nếu thật sự cần thời gian để giải quyết việc riêng, cứ nói rõ, việc gì phải giấu giấu diếm diếm như thế?

9. Làm việc qua loa, không vận dụng kĩ năng chuyên nghiệp

Khi làm xong một việc gì đó, tôi thường kiểm tra lại rất nhiều lần, viết một bài luận cũng phải xem lại vài lượt mới yên tâm. Làm như thế, tôi sẽ có thể tìm ra những điểm chưa hợp lý và tìm ra cách sửa chúng để sản phẩm của mình hoàn hảo hơn.

Nhưng mấy năm gần đây khi làm việc cùng những đồng nghiệp trẻ tuổi, tôi thường xuyên bắt gặp tình trạng báo cáo sơ sài, qua loa. Tôi hỏi rốt cuộc các bạn có vận dụng kiến thức đã học để làm việc không, thì nhận được những câu trả lời rất mơ hồ.

Bạn học kiến thức chuyên ngành để làm gì nếu không vận dụng nó vào công việc. Làm việc thì cần nghiêm túc, không thể dùng trực giác hay bản năng để giải quyết cho xong được.

10. Làm việc không rõ ràng, gặp chuyện liền lập tức thoái thác trách nhiệm

Có một số người, rõ ràng là chưa nhận thức được đầy đủ vấn đề, lại cứ đổ cho công ty không tạo điều kiện. Tôi rất muốn hỏi mấy người đó, có thật là công ty không tạo điều kiện cho họ không, hay là chính họ làm việc còn chưa đâu ra đâu cả?

Chẳng công ty nào không muốn tạo điều kiện cho nhân viên, nhưng họ luôn mong rằng, cùng với những điều kiện thuận lợi họ cung cấp, nhân viên có thể cho họ thấy sự nỗ lực và hiệu quả công việc. Khi làm việc, hãy làm cho ra hồn trước, rồi hãy bàn đến chuyện nên có cái này cái kia thì sẽ tốt hơn.

Chuyện công sở cuối tuần: Nếu còn giữ 10 quả bom hẹn giờ này, không sớm thì muộn sự nghiệp của bạn sẽ bị nổ lúc nào không hay - Ảnh 4.

Công sở chưa bao giờ là một môi trường dễ tồn tại, thế nhưng thật ra nó cũng chẳng khó chịu và mệt mỏi như bạn nghĩ. Chỉ cần có ý thức làm tốt việc của mình, cộng thêm một chút khéo léo trong ứng xử, sẽ chẳng văn phòng nào khó dễ bạn mãi đâu.

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, được trích từ YBOX.VN |Youth Confession.



PV


Theo Trí Thức Trẻ/Youth Confessions

01

Vào khoảng 10 giờ tối qua, một người bạn đã gửi cho tôi một bức ảnh: Trên xe bus đông đúc, các hành khách xung quanh đều có bộ dạng mệt mỏi, ai nấy cũng đều cuối đầu chơi điện thoại. Chỉ có một thanh niên đặc biệt nổi bật trong đám đông. Một tay của anh ta đang nắm tay vịn, tay còn lại thì cầm một quyển sách và đôi mắt thì chuyên chú nhìn vào nó. Xung quanh ồn ào như vậy, nhưng hình như lại không ảnh hưởng gì được đến việc đọc sách của anh ta.

Người bạn tôi nói rằng, anh thanh niên ấy rất đẹp trai, nhưng dáng vẻ anh ta đang tập trung đọc sách lại càng đẹp trai hơn.

Sau khi xem xong bức ảnh, trong lòng tôi lại rối bời bởi rất nhiều cảm xúc khác nhau: vừa giận vừa tiếc, vừa vui vừa buồn…

Tại sao vậy?

Có rất nhiều người đều nói không có thời gian để đọc sách. Thế nhưng cũng có những người tận dụng cả thời gian ngồi xe để mà đọc sách.

Đa số bọn họ đều thường nói một câu: “Thực ra tôi rất muốn đọc sách, nhưng bởi vì quá bận, nên không có thời gian để đọc.” Lý do của họ thường là như vậy.

“Công việc của tôi bận chết được, thỉnh thoảng còn phải tăng ca ban đêm, ngay cả thời gian nghỉ ngơi còn không đủ, lấy đâu ra thời gian để đọc sách.”

“Gần đây tôi vừa phải tham gia khóa huấn luyện vừa phải làm tổng kết. Tôi phải chuẩn bị rất nhiều số liệu và tài liệu, làm gì còn sức lực để mà đọc sách.”

“Sau khi tôi tan làm, còn phải về nhà nấu cơm cho con, không phải tôi không muốn đọc sách, mà vì thực sự không có thời gian rảnh.”

Nhưng điều kỳ lạ là những người nhìn như rất bận này, dù có bận rộn cỡ nào đi nữa cũng có thời gian lướt facebook, nhắn tin trò chuyện, đăng status… Trên thực tế, những người muốn đọc sách dù có bận đến đâu cũng đều có thể tìm thấy thời gian để đọc sách. Ngược lại, những người không thích đọc sách, dù có thời gian rảnh đi nữa cũng không muốn cầm quyển sách lên chứ đừng nói gì đến việc đọc nó.

Đừng viện cớ nữa, bạn không đọc sách không phải vì bạn bận, mà chỉ đơn giản là vì bạn không thích đọc sách mà thôi - Ảnh 1.

02

Những người bạn của tôi thường hay nhờ hoặc hỏi tôi chỉ giúp tên vài quyển sách hay. Mỗi lần như vậy, họ đều rất biết ơn tôi. Nhưng qua một thời gian dài sau đó, khi tôi hỏi họ cảm thấy quyển sách đó thế nào, bọn họ đều ngập ngừng trả lời rằng, gần đây bởi vì quá bận mà không có thời gian rảnh để đọc, để lần sau xem xong họ sẽ nói với tôi sau.

Nhưng cái gọi là “lần sau” đó là lúc nào đây? Chỉ biết nó thuộc về tương lai, còn về thời gian cụ thể thế nào, ngay cả họ cũng chẳng biết chứ đừng nói đến tôi.

Có vài người đọc sách chỉ vì nhất thời cảm thấy hứng thú. Bọn họ bởi vì nguyên nhân nào đó mà muốn đọc sách, chứ không phải vì nhận ra tầm quan trọng của việc đọc sách. Cho nên khi những thứ mới mẻ đó đã qua, khi đã đạt được kết quả mình muốn, bọn họ sẽ lập tức quên sạch những gì đã đọc được.

Vì vậy sau này, cứ mỗi khi có người đến tìm tôi nhờ giới thiệu cho họ sách hay, tôi đều sẽ hỏi họ trước: “Bạn có thời gian để xem không?”

Và câu trả lời tôi nhận được lúc nào cũng là không chắc lắm, thậm chí sau khi họ đã suy nghĩ rất lâu, mới phát hiện ra một vấn đề đó là họ không có thời gian rảnh để đọc.

Vì vậy, bạn thấy đấy, chỉ có khi bạn thực sự yêu thích việc đọc sách mới có thể cảm thấy khi đọc sách rất vui vẻ, đồng thời cũng cố tìm ra cách để có thời gian được đọc sách. Nhưng nếu như bạn không thích nó, bạn sẽ chỉ luôn tìm lý do để tránh né mà thôi.

“Nếu thực sự muốn, bạn sẽ tìm cách, còn nếu không muốn, bạn sẽ chỉ tìm lý do.”

Đừng viện cớ nữa, bạn không đọc sách không phải vì bạn bận, mà chỉ đơn giản là vì bạn không thích đọc sách mà thôi - Ảnh 2.

03

Từ trước đến nay, tôi cũng đã từng đọc qua rất nhiều quyển sách. Cũng may tôi là một người rất thích đọc sách, nên dù có đọc nhiều sách cũng không ngán. Dù có bận đến đâu đi nữa, tôi cũng đều bảo đảm mỗi ngày dành ra thời gian hai tiếng đồng hồ để bản thân đọc sách.

Đương nhiên, tôi cũng không phải là người rất rảnh rỗi, tôi cũng có công việc và cuộc sống của riêng mình. Có lẽ bạn rất thắc mắc, tại sao đôi lúc tôi bận đến nỗi ngay cả thời gian ăn cơm, nghỉ ngơi cũng không có, lấy đâu ra thời gian để đọc sách?

Thông thường, tôi sẽ sử dụng từng phút từng giây rảnh rỗi để đọc sách. Ví dụ sáng 5 giờ thức dậy, dậy sớm một chút để dành một tiếng ra đọc sách. Hoặc là trên đường đi làm hoặc tan ca, khi đi xe công cộng, trước khi ngủ… Nói tóm lại, chỉ cần tôi muốn thì lúc nào cũng có thể kiếm ra thời gian để đọc sách.

Rất nhiều người thường nói không có thời gian đọc sách, nhưng thời gian thực ra chính là thứ công bằng nhất, nó không phân biệt giàu nghèo, mỗi người đều chỉ có đúng 24 tiếng trong một ngày, không nhiều hơn cũng không ít hơn. Thông thường, bạn sẽ dành nhiều thời gian cho những việc mà bạn thấy là quan trọng, đáng để bạn làm. Còn những việc bạn thấy là ít quan trọng hơn, bạn đều chỉ dành chút ít thời gian. 

Vậy đối với bạn, đọc sách có ý nghĩa lớn cỡ nào?

Tôi thích đọc sách, không phải vì để lấy kiến thức trong đó ra khoe khoang, mà vì khi đọc sách, tôi có thể cảm thấy vui, thấy hài lòng, thỏa mãn. Sách vừa giống như người thầy, vừa giống như người bạn, luôn âm thầm hướng dẫn tôi đi đúng hướng. Sách cũng là nơi giúp tôi chữa lành những vết thương tâm hồn, ở đó tôi có thể tìm thấy những chân trời mới của riêng mình.

Đừng viện cớ nữa, bạn không đọc sách không phải vì bạn bận, mà chỉ đơn giản là vì bạn không thích đọc sách mà thôi - Ảnh 3.

04

Đọc sách có tác dụng gì? Đa số tất cả những người không thích đọc sách đều hỏi như vậy.

Đọc sách có lẽ không thể trực tiếp đưa bạn tài phú và địa vị, cũng không thể lập tức đưa bạn lợi ích nào đó, nhưng nó có thể giúp bạn trở nên lạc quan và tích cực hơn, có thể khiến bạn trở nên kiên cường hơn, mở mang kiến thức và tầm nhìn của bạn.

Cũng có người đã từng trả lời vấn đề này như vậy. Riêng bản thân tôi, tôi không nói ra được rốt cuộc đọc sách có lợi ích gì, chỉ là cảm thấy mỗi lần đọc sách đều giống như được ăn đồ ngon, tâm trạng thoải mái như đang ngồi dạo chơi trong vườn hoa, ngắm nhìn cảnh vật tươi đẹp rực rỡ xung quanh vậy. Nên dù có gặp chuyện khó khăn gì đi nữa, chỉ cần được đọc sách, tâm trạng tôi sẽ chuyển biến trở nên tốt hơn, không còn nặng nề hay phiền não.

Có rất nhiều người cho rằng đọc sách chỉ là việc của thời học sinh, không có liên quan gì đến người trưởng thành cả. Thế nhưng bạn đã quên rồi sao? Mỗi người đều sống đến già, sự học cũng theo ta đến già. Đọc sách không chỉ có thể giúp ta nâng cao khả năng giao tiếp, mà còn giúp chúng ta không ngừng nâng cao kiến thức và tầm nhìn, giúp chúng ta hoàn thiện bản thân, càng ngày càng trở nên lý trí, thông minh và trưởng thành hơn.

Cũng có người cảm thấy, họ đã bỏ lỡ thời gian tốt nhất để đọc sách, Nhưng thực ra bất cứ việc gì khiến chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, chỉ cần bạn bắt đầu đều không tính là muộn. Chúng ta đọc sách không phải vì muốn cho qua thời gian vô vị, cũng không phải vì để tranh đấu thắng thua với người khác. Chúng ta đọc sách chỉ đơn giản vì trong sách có thứ có thể khiến ta càng trở nên hoàn thiện hơn. Chỉ cần mỗi ngày bạn đều bền chí, kiên trì đọc sách không gián đoạn, đây chính là một việc ý nghĩa rồi.

Đọc sách là việc mà mỗi người đều nên kiên trì trong cuộc đời mình. Bạn nhận ra lợi ích của việc đọc sách càng sớm, tương lai cuộc sống sau này của bạn càng tốt đẹp hơn.

Đừng lại nói không có thời gian đọc sách nữa, nếu bạn có thể hi sinh một chút thời gian nói chuyện phiếm, lướt facebook, coi phim truyền hình dài tập, hoặc ít nhất dậy sớm một tý, ngủ muộn một chút… có thể bạn đã tìm ra thời gian để đọc sách. Tôi cũng tin rằng cuộc sống của bạn có thể trở nên đầy màu sắc và thú vị hơn rất nhiều.



Thiên Tuyết


Theo Trí Thức Trẻ

Các mối quan hệ – phép định nghĩa mỗi bản ngã con người

Khi bạn có được những mối quan hệ tốt đẹp, bền vững, không thứ gì có thể đánh gục bạn hay khiến bạn “thêm một lần đau”.

Nhưng khi phần lớn các mối quan hệ của bạn chỉ dừng lại ở mức “xã giao”, hời hợt, cho dù bạn thành đạt đến đâu, mọi thành tựu bạn đạt được sẽ chỉ như “mây mù giăng lối”, vô nghĩa lắm bởi khi ấy, bạn sẽ không có một ai bên cạnh để cùng nhau hoan hỉ và nâng cao chiếc cup vô địch.

Trong một nghiên cứu gần đây, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Hoa Kỳ (NSF) đã phỏng vấn 1500 người về việc họ có bao nhiêu người bạn để cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn.

Và thử đoán xem, kết quả họ thu được ra sao? 1/4 trong số những người được hỏi chia sẻ rằng họ không có lấy một người bạn thân để cùng trò chuyện. 2/3 trong số đó cho biết hơn 90% số “người thương” của họ “cũng hóa người dưng” chỉ sau 10 năm. Khá khẩm hơn, nhiều người lại cho hay họ có 2 người bạn thân (cũng có thể là ít hơn).

Tại sao phần lớn chúng ta lại có những mối quan hệ “dần chết yểu” đến vậy? Thậm chí, một số người còn không có cho mình lấy một mảnh tình (bạn) vắt vai.

Tại sao phần lớn chúng ta không thể xây dựng và gìn giữ được những mối quan hệ tốt đẹp?

Bởi cụm từ “học cách giao tiếp hiệu quả” nghe thì hay ho, mà lắm kẻ lại ngại khó khi tiếp thu và thực hành nó.

Đừng mặc định chỉ có người khéo giao tiếp bẩm sinh mới giỏi “chuyện quan hệ”, muốn giỏi “chuyện ấy” bạn phải nỗ lực đầu tư - Ảnh 1.

“Khi ai đó đang nói, hãy chú tâm lắng nghe. Đa số chúng ta chẳng bao giờ lắng nghe cả.” – Ernest Hemingway.

Khi vợ chồng tôi tham gia buổi tư vấn tiền hôn nhân, chúng tôi đã đọc cuốn sách với tựa đề “5 ngôn ngữ của tình yêu”.

Và 5 ngôn ngữ này chính là:

-Thời gian “chất lượng” dành cho nhau

-Cử chỉ thân mật

-Những lời nói chân thành

-Sự chiều chuộng

-Quà tặng

Mọi người luôn muốn yêu và được yêu theo 5 phương thức này. Nhưng tình trạng các mối quan hệ đang dần “chết mòn” của một số cá nhân đều bắt rễ sâu sa từ việc họ không hề nỗ lực tìm hiểu xem đối phương muốn được yêu thương theo cách nào.

Và khi không hề hay biết người thương của bạn muốn được yêu theo cách nào, đừng hỏi tại sao “chúng ta không thuộc về nhau”.

-Một người cha sống-để-làm-việc thay vì làm-việc-để sống, luôn mua cho con mình mọi thứ, mà không hề hay biết món quà mà chúng thực sự khao khát là thời gian cùng bố chơi một trận bóng chày.

-Một người chồng chẳng bao giờ có hứng trò chuyện cùng vợ trên bàn ăn, mà chỉ có hứng trên chiếc giường ái ân.

-Một người bạn luôn dán mắt vào smartphone thay vì người bạn thân của mình đang trút bầu tâm sự.

Đa số chúng ta đều tỏ ra ngần ngại khi phải học cách giao tiếp và bày tỏ tình yêu của ta đến bạn bè/ bạn đời theo cách họ muốn “được yêu”. Và khi đó, các mối quan hệ chỉ là đóa phù dung sớm nở tối tàn.

Việc giao tiếp vốn chẳng dễ dàng gì. Nó luôn đòi hỏi mỗi người chúng ta cần phải có sự cảm thông, sự chú tâm và nỗ lực để trao cho bạn bè ta thứ mà họ thực sự cần, chứ không phải thứ mà ta nghĩ họ sẽ cần.

Bởi như Jim Rohn đã từng chia sẻ: “Nếu bạn cứ tiếp tục duy trì lối sống cũ kỹ hiện tại, tương lai cũng chẳng thể khấm khá hơn.”

Đừng mặc định chỉ có người khéo giao tiếp bẩm sinh mới giỏi “chuyện quan hệ”, muốn giỏi “chuyện ấy” bạn phải nỗ lực đầu tư - Ảnh 2.

Hãy học cách “nói ra” để cứu sống một tình bạn đang ngắc ngoải

“Giọt nước mắt đắng cay nhất thường lăn dài trên gò má vì những lời chưa kịp nói, những việc chưa kịp làm.” – Harriet Beecher Stowe

Trong buổi tư vấn tiền hôn nhân, chuyên gia tư vấn cũng tặng chúng tôi một lời khuyên vô cùng quý giá:

Hãy luôn là người chủ động.

Ý nghĩa của câu nói này vô cùng dễ hiểu: nếu bạn có thể cứu sống mối quan hệ khi nó đang dần thoi thóp, đừng chần chừ, hãy hành động luôn đi. Tại sao phải đợi chờ cho tới khi đối phương chủ động ngỏ lời trước?

Đa số chúng ta vẫn có những mối quan hệ khá hời hợt, căng thẳng với gia đình hay thậm chí cả bạn bè. Đó chính là những tàn dư còn sót lại khi ta cứ luôn luôn chờ đợi người khác chủ động trước… chủ động cất lời chào trước, chủ động ngỏ lời hẹn hò trước và phổ biến nhất, chủ động xin lỗi trước.

Bạn cho rằng người phải chủ động xin lỗi trước là bạn chứ không phải đối phương tức là bạn đang phải hạ thấp cái tôi vĩ đại của mình hay sao? Và suy nghĩ đó chính là con dao tàn nhẫn cứa nát các cuộc hôn nhân, những tình bạn và thậm chí, là cả các gia đình.

Nếu bạn muốn xây đắp những tình bạn, tình thân trong gia đình sâu sắc, vẹn tròn ý nghĩa, hay thậm chí cả những mối quan hệ mới chớm nở với những người xa lạ, hãy chủ động, hãy mạnh mẽ lên. Hãy là người đầu tiên:

-Bắt đầu cuộc trò chuyện

-Gửi những dòng tin nhắn thân thương

-Thổ lộ rằng bạn thực sự nhớ họ hay yêu họ biết nhường nào

-Xin lỗi và xin được tha thứ

-Ngỏ lời mời hẹn hò

-Động viên, khích lệ họ

-Cảm ơn họ

-Nói cho họ biết rằng bạn trân quý những gì họ hi sinh vì bạn biết bao

Trước đây, mỗi khi tôi muốn thì thầm với mấy đứa em của mình rằng: “Anh yêu tất cả các em”, nỗi ngại ngùng khó tả đã chặn lưỡi tôi lại và tôi không thể thốt ra chính tâm tư của lòng mình.

Còn bây giờ, tôi sẵn sàng thổ lộ điều giản đơn mà khó thốt thành lời ấy bất cứ lúc nào, khi nhắn tin, lúc gọi điện, thậm chỉ cả khi cuộc khủng hoảng khắc nghiệt ập xuống đầu tôi. Tôi tâm sự với cả bạn bè, gia đình, đồng nghiệp để nói cho họ biết rằng họ trở nên đặc biệt với tôi như thế nào.

Cảm giác ngại ngần khi thổ lộ những điều “sến sẩm” ấy với người thương nghe có vẻ khó hiểu. Nhưng, ở ngoài kia, nhiều người vẫn không thể thốt lên nổi một “tiếng lòng” giản đơn mà có thể hàn gắn cả một mối quan hệ sắp rạn nứt.

-Anh yêu em.

-Vâng, em cũng yêu bản thân em.

Vâng, đa số chúng ta đều biết quan tâm đến người khác, nhưng họ còn bận quan tâm đến chính bản thân họ nhiều hơn.

Đừng mặc định chỉ có người khéo giao tiếp bẩm sinh mới giỏi “chuyện quan hệ”, muốn giỏi “chuyện ấy” bạn phải nỗ lực đầu tư - Ảnh 3.

Tác giả Stephen Pressfield đã từng viết: “Không ai trong chúng tôi muốn lắng nghe nhu cầu cần được quan tâm và chú ý của bạn cả. Tại sao? Bởi nó quá nhạt nhẽo. Bởi nó chỉ xung quanh bạn, chứ không phải chúng tôi.”

Cũng như một người nghệ sĩ chỉ có thể tương tác với khán giả của mình bằng cách trao cho họ một giá trị nào đó, để sở hữu những mối quan hệ sâu sắc, bạn phải biết học cách cho đi.

Cho những gì? Hãy cho đi vài giây phút trong quỹ thời gian của bạn, sự chú tâm, năng lượng, tình yêu nồng nhiệt của bạn để xây đắp và nuôi dưỡng mối quan hệ đó.

Không phải ai cũng đủ hào phóng để cho đi lắm cùng “tài sản” quý giá đến vậy. Nhưng “đắt xắt ra miếng”, bất cứ ai làm được điều đó đều sẽ nhận lại những mối quan hệ đẹp đẽ như ý.

Bởi, “Thế giới sẽ trao tặng cho những người sẵn sàng cho đi và sẵn sàng lấy đi bất cứ thứ gì của những kẻ chỉ thích nhận lại” – Adam Grant.

Trong các câu hỏi điển hình mà các chuyên gia trong “lĩnh vực quan hệ xã giao” thường tự hỏi chính họ, bạn tự hỏi mình được mấy câu?

“Người thành công thường sẵn sàng làm những thứ mà kẻ thất bại không dám làm” – Darren Hardy.

Và tương tự, những bậc thầy ngoại giao thường đối đãi với bạn bè theo cách hoàn toàn khác biệt. Họ thường tự hỏi chính mình những câu hỏi mà phần lớn chúng ta không hề nghĩ tới.

Chuyên gia hôn nhân Dave và Polly P. đã từng chia sẻ:

“Hãy tự hỏi chính mình: Đã bao giờ tôi cho rằng cô ấy và tôi là 2 cá thể đang hòa làm một trong một mái ấm chưa hay chỉ là 2 cá thể hoàn toàn tách biệt? Bởi sự ích kỷ, luôn tự cho mình là trung tâm chính là nguồn gốc của mọi vấn đề.

Trong tâm trí bạn, bạn có bao giờ nghĩ đến các từ ngữ như ngôi nhà của chúng ta, xe của chúng ta, đồ đạc chúng ta của chúng ta?

Hay chỉ là chiếc xe của tôi, tiền của tôi, đồ đạc của tôi.

Nếu mọi thứ chỉ xoay quanh 2 chữ “của tôi” thì bạn càng chẳng hề xứng đáng với một mối quan hệ đáng mơ ước có thể đem lại cho bạn niềm vui, sự hạnh phúc.”

Phần lớn chúng ta đều chằng bao giờ tự hỏi bạn thân những câu hỏi đáng suy ngẫm trên. Có một sự thật “đắng lòng” là, việc bạn chỉ có những mối quan hệ tồi tệ đồng nghĩa với việc bạn đang quá ích kỷ, luôn tự cho mình là trung tâm.

Nhưng bạn có thể nói rằng: “Tôi đỡ ích kỷ hơn tháng trước nhiều rồi” không?

Nhiều người không thể.

Nhưng tin vui là, hành trình thay đổi, lột xác luôn luôn đau đớn, nhưng sau đó, một hình hài đẹp đẽ sẽ xuất hiện.

Đừng mặc định chỉ có người khéo giao tiếp bẩm sinh mới giỏi “chuyện quan hệ”, muốn giỏi “chuyện ấy” bạn phải nỗ lực đầu tư - Ảnh 4.

Hành động – bạn phải thực hành, mọi thứ mới “động đẩy”, chuyển biến

Tác giả Grant Cardone từng viết:

“Phần lớn mọi vấn đề chúng ta gặp phải đều là hậu quả của việc hành động chưa đủ”

Nếu bạn muốn “nâng cấp”, “tăng hạng” mối quan hệ của mình từ tồi tệ lên “đỡ tệ”, bạn phải thể hiện những cử chỉ, hành động mà bạn chưa từng làm trước kia.

Hàn gắn những tổn thương trong tim bạn cũng là hàn gắn các mối quan hệ

“Hai ta đều không thể chạy trốn khỏi bức tường mang tên “nỗi khốn khổ” đang ngăn cách chúng ta.” – Arthur Golden.

Trong mối quan hệ, tất cả chúng ta đều có thể bị tổn thương, bị cười nhạo, bị cho “ra rìa”, bị nâng lên rồi lại đặt xuống, và bị lãng quên.

Nhưng điểm khác biệt giữa người thành công và người chưa thành công là, người thành công sẽ tự cố gắng chữa lành những vết cứa cảm xúc đó, thay vì chạy trốn với một vết thương đang rỉ máu.

-Khi tôi 7 tuổi, tôi từng bị bắt nạt chỉ vì tật nói lắp của mình.

-Khi tôi 10 tuổi, đứa bạn thân Donald của tôi đã kêu gọi cả nhóm tẩy chay và ném đá tôi.

Nhưng tôi vẫn phải đứng lên sau chừng ấy lần vấp ngã và tiếp tục đường hoàng bước đi. Và tôi tin tôi mạnh mẽ, bạn cũng vậy.

Và bí quyết của các bậc thầy ngoại giao chính là họ cũng gặp những nghịch cảnh trớ trêu trong khi đang kiểm soát các mối quan hệ, nhưng họ chọn cách tự mình xử lý, gỡ bỏ các “rào cản”, tổn thương về mặt cảm xúc có thể khiến họ dần mất niềm tin vào các mối quan hệ.

Và nếu bạn muốn sở hữu những mối quan hệ tuyệt đẹp, trước hết, hãy “làm đẹp” bạn đã, hãy đầu tư thời gian, năng lượng, sự tập trung để nâng cấp “hình ảnh” cũng như “nội dung” của bạn trong mắt đối phương.

Đừng mặc định chỉ có người khéo giao tiếp bẩm sinh mới giỏi “chuyện quan hệ”, muốn giỏi “chuyện ấy” bạn phải nỗ lực đầu tư - Ảnh 5.

Lời kết

“Ta cho đi theo cách nào, ta sẽ được nhận lại theo cách đó.”

Khi bạn nỗ lực dành càng nhiều thời gian, năng lượng, sự tập trung để “làm đẹp” chính bản thân mình “từ trong ra ngoài”, chất lượng mối quan hệ bạn nhận lại được càng tốt.

Nếu bạn không chau chuốt chính bản thân mình…

Nếu bạn không chịu khó học phương pháp giao tiếp tối ưu…

Nếu bạn không hề quan tâm đến việc người bạn thương muốn được yêu theo cách nào…

Bạn sẽ chỉ có những mối quan hệ tồi tàn.

Nếu bạn muốn sở hữu những mối quan hệ với tuổi thọ thách thức cả thời gian, hãy hành động và chữa lành những tổn thương trong quá khứ đang vướng chân bạn khi bạn muốn bay cao, bay xa để chinh phục các mối quan hệ tốt đẹp khác.



Bích Phượng


Theo Trí Thức Trẻ