Bạn đã bao giờ trải qua những ngày nắng nóng đến mức cảm thấy trì trệ, mệt mỏi, đến nỗi bạn cảm giác não chảy thành nước?…
Các nghiên cứu trong phòng lab trước đây đã chứng minh rằng não không thể thực hiện chức năng như bình thường ở môi trường nhiệt độ cao. Cho đến bây giờ, nhóm nghiên cứu trường Y tế Công cộng, với người đứng đầu là Harvard T.H. Chan đã chứng minh thành công rằng điều này đúng với tất cả các trường hợp ở ngoài phòng thí nghiệm.
Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí PLOS Medicine. Họ đã theo dõi khả năng nhận thức của 44 sinh viên trong các phòng có và không có điều hòa của ký túc xá tại Boston, Anh. Cuộc nghiên cứu được tiến hành vào tháng 7 năm 2016, là tháng có nhiệt độ cao đạt kỷ lục trong lịch sử của Boston.
Họ cho các sinh viên làm bài kiểm tra trắc nghiệm qua điện thoại về các khả năng: lựa chọn, ghi nhớ, kiểm soát cảm xúc, và tập trung khi bị gián đoạn. Nhóm nghiên cứu cho biết những sinh viên ở phòng không có điều hòa có chỉ số khá thấp về các khả năng trên so với các sinh viên ở phòng có điều hòa.
Mặc dù nghiên cứu này chỉ xét trên một nhóm sinh viên nhỏ ở một khu vực nhất định trên toàn thế giới, nhưng nhóm nghiên cứu khẳng định trong bài báo rằng nghiên cứu của họ sẽ khiến người ta quan tâm hơn đến sự ảnh hưởng xấu thường bị bỏ qua mà thời tiết gây đến cho sức khỏe con người.
Cedeño-Laurent, tác giả chính cho biết: “Hầu hết các nghiên cứu trước đây về sự ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiệt độ chỉ được thực hiện trên người có sức khỏe yếu như người cao tuổi. Vì vậy mà dường như tạo ra một định kiến rằng con người nói chung không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ.”
Dữ liệu nghiên cứu được thu thập trong 12 ngày liên tục: 5 ngày đầu có nhiệt độ bình thường (15 – 31°C); 5 ngày sau nắng nóng bất thường (28 – 36°C); 2 ngày cuối nhiệt độ dịu xuống trung bình khoảng 28°C.
Hiệu suất nhận thức hàng ngày của các sinh viên được đánh giá thông qua bài kiểm tra màu sắc và cộng trừ nhân chia trên điện thoại mỗi buổi sáng lúc mới ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.
Ngoài ra để loại trừ các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ, các sinh viên phải mang bộ cảm biến sinh học để theo dõi hoạt động và giấc ngủ hàng ngày. Trong ký túc xá có thiết bị ghi lại nhiệt độ, độ ẩm, mức độ tiếng ồn, và lượng khí carbonic trong phòng.
Rõ ràng, các sinh viên ở trong phòng có điều hòa bị ảnh hưởng ít bởi yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, tiếng ồn trong suốt 12 ngày thử nghiệm. Kết quả là, trong 5 ngày có nhiệt độ bình thường, hiệu quả học tập của các sinh viên đều tương đương nhau.
Nhưng 5 ngày có nhiệt độ nóng bất thường, các sinh viên ở phòng không có điều hòa có phản ứng nhận thức chậm hơn 13,4% và điểm số học tập thấp hơn 13,3% so với các sinh viên ở phòng có điều hòa. Ngoài ra, đáng quan tâm hơn là sự chênh lệch này duy trì đến cả thời gian hạ nhiệt trong hai ngày cuối.
Đồng tác giả của bài nghiên cứu, Joseph Allen, giải thích: “Nhiệt độ trong nhà vẫn sẽ tiếp tục tăng ngay cả khi nhiệt độ ngoài trời đã giảm xuống. Vì thế mà gây ra quan niệm sai lầm rằng mối nguy hiểm đã qua đi. Nhất là ở các khu vực Có khí hậu lạnh trên thế giới, các tòa nhà thường được thiết kế để giữ nhiệt nên thời gian hạ nhiệt độ trong nhà lại càng kéo dài hơn.”
Allen và Cedeño-Laurent kết luận rằng, đối mặt với sự tăng nhiệt độ toàn cầu, các tòa nhà với thiết bị xử lý nhiệt độ thông minh tại Mỹ sẽ là một điều cần thiết cho sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là với những đối tượng dành phần lớn thời gian sinh hoạt trong nhà.
Trí thức trẻ