Để đưa ra quyết định này, tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều. Thực sự trằn trọc suốt nhiều đêm xem có nên làm vậy không…
Tôi sẽ “ném” cậu con trai mình mới 11 tuổi, tính tình siêu ngây thơ và hồn nhiên vào nơi cực khổ nhất, một địa điểm ở tít tận miền núi Phú Thọ. Cuộc sống ở đây sẽ khác hoàn toàn những gì con được biết và đã trải qua nơi phố thị. Chắc nhiều người nghĩ mình “hâm”, nhưng thây kệ vì bản thân luôn hiểu là mình sẽ làm điều tốt nhất cho con!
Trẻ con như búp trên cành, cứ sống trong cảnh sẵn có liệu các con bao giờ mới hiểu, bằng bao sự khó khăn vất vả bố mẹ mới có thể lo lắng cuộc sống cho con và cho gia đình được như thế này. Nhưng làm thế nào để hiểu, là cả một vấn đề, cá nhân tôi đề cao sự trải nghiệm thực tế.
Và tôi càng quyết tâm thực hiện điều này, khi vô tình xem được clip về cuộc phỏng vấn chuyện ăn mặc hàng hiệu của các em nhỏ được dân mạng gọi là “Rich kid Việt Nam”.
Tôi là người làm về thời trang, cũng va đập cuộc sống nhiều, nhưng ở trên cương vị một người mẹ, tôi đã rất sốc. Đúng là phải dùng từ “choáng” với quan niệm sử dụng tiền của giới trẻ để phô trương hình ảnh hay để khẳng định bản thân một cách khủng khiếp đến như vậy.
Sự chịu chơi của các em bé Việt xuất hiện trong clip thật không biết diễn tả sao. Bản thân tôi chưa bao giờ hoặc hiếm khi bàn luận, nhận xét gì những chuyện xã hội. Bởi suy cho cùng, mỗi người một lối sống, một cuộc đời riêng, mình không phải người trong cuộc nên không thể hiểu hết. Nhưng với gia đình tôi , với các con tôi thì khác, không thể dễ dãi với sự hưởng thụ như vậy được .
Tôi thật sự ấn tượng với một câu chuyện đã từng đọc “Trường đại học tốt nhất chính là trường nghèo khổ”. Phải có gian nan, vất vả, khó khăn con người ta mới có được những trải nghiệm sâu lắng để hiểu, để yêu và biết san sẻ về cuộc sống hơn. Con người càng đi qua sự khó khăn thì càng biết trân quý cuộc sống hơn nhiều .
Tôi giật mình khi thấy nhiều bạn trẻ còn quá nhỏ đã dùng trên người những sản phẩm trị giá bằng cả một gia tài của gia đình một nhà nông chỉ để thể hiện giá trị bản thân và thấy điều đó rất hiển nhiên. Sao lại có thể dễ dãi đến như vậy trong cách sử dụng tiền?
Cá nhân tôi cảm nhận thấy các bạn chưa có ý thức về đồng tiền, trong cách chi tiêu hoặc đó là sự nuông chiều của bố mẹ dành cho các con. Nếu tôi có quá nhiều tiền cũng không bao giờ chiều con như vậy. Thực tế đã chứng minh, cái gì dễ dãi quá sẽ không đáng để trân trọng. Sướng quá rồi khi khổ chịu làm sao?
Bất chợt nhận thấy mình hơi khác người khi bắt con tập tành làm lụng, từ làm bánh, đóng bánh, đi ‘ship’ hàng toát mồ hôi mồ kê dưới cái nóng 42 độ C, người lớn còn hãi hùng.
Nhưng cho đến ngày hôm nay tôi rất vui vì con học được nhiều bài học thật sự ý nghĩa, con hiểu rằng nếu làm sai sẽ bị trừ tiền lãi vào chính những số tiền con đi ‘ship’ bánh nhưng quên không thu, đây là bài học tự chịu trách nhiệm cho những việc mình làm. Rồi hàng ngày làm việc con quen dần thói quen dọn dẹp sạch sẽ những gì vừa vứt ra, mọi thứ cứ làm hiển nhiên như là một thói quen.
Chưa bao giờ tôi dậy con là lớn lên không cần làm gì cứ có sẵn của bố mẹ để lại lấy đó mà tiêu. Không! Tôi luôn nói “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”, bố mẹ chẳng có gì cho các con ngoài bàn đạp giúp các con chạm tay vào ước mơ bằng sự cố gắng và nỗ lực từng ngày, nên luôn phải tự học, tự nghĩ lớn, đừng trông chờ, nếu có hư thì mọi thứ hoá giá đi làm từ thiện hết.
Vậy nên sắp đến ngày bạn ấy đi học, mẹ sẽ quyết tâm đưa bạn đi “đày ải” một cuộc sống vất vả ở miền núi, nơi hoàn toàn trái ngược với thành phố, một nơi mà bạn ấy phải chăn trâu, cắt cỏ, nấu bếp củi… như một người nông dân đích thực. Dù khó khăn, nhưng tôi tin, đó là một trải nghiệm vô cùng quý báu cho con. Có sướng phải có khổ, mà có khổ sau sướng mới thấy quý!
*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác già là chị Hà Minh Phúc, hiện là nhà thiết kế và giám đốc sáng tạo tại May’s House Designer.
Theo Trí Thức Trẻ