Tag

rich kid

Browsing

Để đưa ra quyết định này, tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều. Thực sự trằn trọc suốt nhiều đêm xem có nên làm vậy không…

Tôi sẽ “ném” cậu con trai mình mới 11 tuổi, tính tình siêu ngây thơ và hồn nhiên vào nơi cực khổ nhất, một địa điểm ở tít tận miền núi Phú Thọ. Cuộc sống ở đây sẽ khác hoàn toàn những gì con được biết và đã trải qua nơi phố thị. Chắc nhiều người nghĩ mình “hâm”, nhưng thây kệ vì bản thân luôn hiểu là mình sẽ làm điều tốt nhất cho con!

Trẻ con như búp trên cành, cứ sống trong cảnh sẵn có liệu các con bao giờ mới hiểu, bằng bao sự khó khăn vất vả bố mẹ mới có thể lo lắng cuộc sống cho con và cho gia đình được như thế này. Nhưng làm thế nào để hiểu, là cả một vấn đề, cá nhân tôi đề cao sự trải nghiệm thực tế.

Và tôi càng quyết tâm thực hiện điều này, khi vô tình xem được clip về cuộc phỏng vấn chuyện ăn mặc hàng hiệu của các em nhỏ được dân mạng gọi là “Rich kid Việt Nam”.

Tôi là người làm về thời trang, cũng va đập cuộc sống nhiều, nhưng ở trên cương vị một người mẹ, tôi đã rất sốc. Đúng là phải dùng từ “choáng” với quan niệm sử dụng tiền của giới trẻ để phô trương hình ảnh hay để khẳng định bản thân một cách khủng khiếp đến như vậy.

Bà mẹ giám đốc sau khi xem clip Rich kid mặc quần áo chục triệu: Tôi sẽ ném con mình vào nơi khổ nhất xã hội! - Ảnh 1.

Sự chịu chơi của các em bé Việt xuất hiện trong clip thật không biết diễn tả sao. Bản thân tôi chưa bao giờ hoặc hiếm khi bàn luận, nhận xét gì những chuyện xã hội. Bởi suy cho cùng, mỗi người một lối sống, một cuộc đời riêng, mình không phải người trong cuộc nên không thể hiểu hết. Nhưng với gia đình tôi , với các con tôi thì khác, không thể dễ dãi với sự hưởng thụ như vậy được .

Tôi thật sự ấn tượng với một câu chuyện đã từng đọc “Trường đại học tốt nhất chính là trường nghèo khổ”. Phải có gian nan, vất vả, khó khăn con người ta mới có được những trải nghiệm sâu lắng để hiểu, để yêu và biết san sẻ về cuộc sống hơn. Con người càng đi qua sự khó khăn thì càng biết trân quý cuộc sống hơn nhiều .

Tôi giật mình khi thấy nhiều bạn trẻ còn quá nhỏ đã dùng trên người những sản phẩm trị giá bằng cả một gia tài của gia đình một nhà nông chỉ để thể hiện giá trị bản thân và thấy điều đó rất hiển nhiên. Sao lại có thể dễ dãi đến như vậy trong cách sử dụng tiền?

Cá nhân tôi cảm nhận thấy các bạn chưa có ý thức về đồng tiền, trong cách chi tiêu hoặc đó là sự nuông chiều của bố mẹ dành cho các con. Nếu tôi có quá nhiều tiền cũng không bao giờ chiều con như vậy. Thực tế đã chứng minh, cái gì dễ dãi quá sẽ không đáng để trân trọng. Sướng quá rồi khi khổ chịu làm sao?

Bà mẹ giám đốc sau khi xem clip Rich kid mặc quần áo chục triệu: Tôi sẽ ném con mình vào nơi khổ nhất xã hội! - Ảnh 2.

Bất chợt nhận thấy mình hơi khác người khi bắt con tập tành làm lụng, từ làm bánh, đóng bánh, đi ‘ship’ hàng toát mồ hôi mồ kê dưới cái nóng 42 độ C, người lớn còn hãi hùng. 

Nhưng cho đến ngày hôm nay tôi rất vui vì con học được nhiều bài học thật sự ý nghĩa, con hiểu rằng nếu làm sai sẽ bị trừ tiền lãi vào chính những số tiền con đi ‘ship’ bánh nhưng quên không thu, đây là bài học tự chịu trách nhiệm cho những việc mình làm. Rồi hàng ngày làm việc con quen dần thói quen dọn dẹp sạch sẽ những gì vừa vứt ra, mọi thứ cứ làm hiển nhiên như là một thói quen.

Chưa bao giờ tôi dậy con là lớn lên không cần làm gì cứ có sẵn của bố mẹ để lại lấy đó mà tiêu. Không! Tôi luôn nói “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”, bố mẹ chẳng có gì cho các con ngoài bàn đạp giúp các con chạm tay vào ước mơ bằng sự cố gắng và nỗ lực từng ngày, nên luôn phải tự học, tự nghĩ lớn, đừng trông chờ, nếu có hư thì mọi thứ hoá giá đi làm từ thiện hết.

Vậy nên sắp đến ngày bạn ấy đi học, mẹ sẽ quyết tâm đưa bạn đi “đày ải” một cuộc sống vất vả ở miền núi, nơi hoàn toàn trái ngược với thành phố, một nơi mà bạn ấy phải chăn trâu, cắt cỏ, nấu bếp củi… như một người nông dân đích thực. Dù khó khăn, nhưng tôi tin, đó là một trải nghiệm vô cùng quý báu cho con. Có sướng phải có khổ, mà có khổ sau sướng mới thấy quý!

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác già là chị Hà Minh Phúc, hiện là nhà thiết kế và giám đốc sáng tạo tại May’s House Designer.



Hà Minh Phúc


Theo Trí Thức Trẻ

Thế giới người ta chia ra thành Cha giàu – Cha nghèo, mẹ Hổ mẹ Gấu, mẹ Nhật mẹ Hàn… còn trong thế giới tư duy giản đơn của tôi, tất cả phụ huynh trên thế giới đều có thể được chia thành hai nhóm: phụ huynh Boomerang và phụ huynh Mũi Tên, không phải dựa trên điều kiện kinh tế hay học vấn, mà dựa trên bạn muốn con bạn trở thành cái gì.

– Nếu bạn là phụ huynh Boomerang, không có nghĩa là bạn đang nuôi dạy con kiểu Úc, mà là cách giáo dục của bạn đang khiến các con trở thành những cái boomerang như của thổ dân Úc. 

Tức là dù bạn có dành cả tuổi thanh xuân, tiền bạc và của cải, thời gian và tâm huyết để “phóng” con vào đời, thì dù có gắng sức đến mấy, phóng sang Âu hay sang Mỹ, những đứa trẻ vẫn sẽ quay trở lại đúng điểm xuất phát: vòng tay bao bọc của bố mẹ và không mang gì về ngoài những nỗi thất vọng – thậm chí là sụp đổ niềm tin cho các bậc phụ huynh. Điều mà không ít người đã và đang gặp phải.

Một cô bạn của tôi, sau khi “đốt” đôi ba tỷ cho cậu con trai đi học trời Tây, là điển hình cho các phụ huynh Boomerang. Chàng trai 22 tuổi trở về, điều khác biệt duy nhất là chuyển từ ‘rich kid’ thành ‘big kid’ đúng nghĩa. Vẫn thức đêm ngủ ngày, cày ‘game’ cả tuần và không kiên nhẫn làm được việc gì ngoài chờ cơm mẹ nấu rồi gọi xuống ăn. 

Cả năm trời sau khi về nước, “niềm kỳ vọng” to lớn vẫn không hề tính đến chuyện ra khỏi nhà và làm một công việc gì đó để sống. Việc thì chê ít tiền, việc thì chê không xứng tầm, việc thì kêu quá sức… thế nên bạn ấy chỉ làm một việc vừa sức nhất đó là ở nhà: ăn và ngủ. 

Cười không được, khóc không xong, cô bạn tôi không biết phải ứng xử thế nào với cái boomerang mang tên “con nhà mình”, được bao bọc trong quần mấy chục “củ”, áo mấy trăm “chai”, còn giá trị cống hiến đối với xã hội thì đến nay vẫn còn là đáp án sai trong mọi phép tính. 

Chuyện rich kid mặc quần áo chục triệu: Là phụ huynh, nên yêu con vừa đủ, đừng yêu con vô điều kiện! - Ảnh 1.

Yêu con hơn cả yêu mình, thương con hơn cả thương mình… thường vẽ đường chỉ lối cho những đứa con nhanh tiến đến cái thái độ sống vô ơn – bất cần và sống mòn ngay cả khi còn trẻ. Tôi nghĩ câu chuyện trên đây là tất yếu khi mà mặt bằng nhu cầu cuộc sống trung bình chỉ cần 1 đồng, con chưa kêu thiếu, bố mẹ đã cấp sẵn 2 đồng vì sợ con thiếu thốn. 

Và dần dần, đứa con sớm hay muộn cũng nghiễm nhiên đòi hỏi phải có được 3 đồng đơn giản chỉ vì nó là con của bố mẹ nó, chứ chẳng vì lý do gì khác. Khi bé không cần phải ra sức thực học, vì chưa thi bố mẹ đã lót sẵn đầu ra, khi lớn không phải lo thực làm vì bố mẹ đã trải sẵn ghế cho ngồi… và sốt sắng sống thay luôn mảnh đời con trẻ. Thậm chí đóng vai ông bà kiêm luôn bố mẹ của cháu nếu các con đã lớn mà chưa chịu khôn.

– Phụ huynh Mũi tên họ chọn khác. Họ cũng vất vả nuôi dạy con suốt cả thời tuổi trẻ như một cánh cung căng hết mình để bắn mũi tên phóng nhanh về phía trước – về tương lai. Mũi tên bắn ra không bao giờ quay lại được, và bọn trẻ “mũi tên” cũng vậy, hiếm khi nào làm phiền đến cha mẹ, sống tự trọng và trách nhiệm hơn hẳn thế hệ boomerang. 

Đơn giản là vì bố mẹ cung tên luôn chân thành với con, làm cho con nhận thức rõ hoàn cảnh và điều kiện thực tế của gia đình, giúp con xây dựng “hồng tâm” – tầm nhìn về cuộc sống tương lai dựa trên năng lực bản thân, và cổ vũ nhiệt thành cho sự cố gắng của con chứ không phải nài ép. 

Họ tập thành thục cho con kỹ năng nguyên thuỷ nhất của mọi loài động vật: lên kế hoạch và tổ chức cuộc sống, và sẵn sàng cho đời sống độc lập khi trưởng thành. Họ cũng sắt đá vượt qua chính mình, vượt qua tình cảm tự nhiên để chặt đứt mọi cơ hội – mầm mống của sự ỷ lại; không bao giờ lấy đời mình làm phương án dự phòng cho tương lai con trẻ. 

Họ hiểu rõ sự hữu hạn của thời gian, và sự cần thiết sống còn của tinh thần tự lực. Họ rạch ròi giữa tình cảm yêu thương và trách nhiệm giáo dục; để rồi những đứa trẻ “mũi tên” không dễ kiếm tìm được một điểm bấu víu dư thừa, buộc phải sống đời mình sao cho “chất” nhất, nỗ lực nhất, và đáng sống nhất. 

Chuyện rich kid mặc quần áo chục triệu: Là phụ huynh, nên yêu con vừa đủ, đừng yêu con vô điều kiện! - Ảnh 2.

“Yêu thương vừa đủ” bao giờ cũng bền vững hơn hẳn “yêu thương vô điều kiện.”

Có lần tôi hỏi thử bố: “Bố ơi nhà mình có giàu không?”. Bố trả lời: “Bố thì có, nhưng con thì chưa.” 

Tôi lại hỏi cố thêm câu nữa: “Bố có kỳ vọng gì ở con không?”. Bố nói: “Không, bố không có bất kỳ kỳ vọng nào hết, con chỉ cần sống cho tử tế”. 

Tôi tinh nghịch hỏi lại: “Thế nếu con không sống tử tế thì sao?”. 

Bố đáp lại: “Cũng không sao, con sẽ phải tự chịu trách nhiệm với cuộc sống về sự thiếu tử tế của mình. Đời con mà, bố có phải sống thay chịu thay đâu mà lo”. 

Sau câu nói đấy, tự nhiên tôi thấy mình tỉnh ngủ hẳn sau mười mấy năm ngủ quên và mơ màng về sự bao bọc sau này của bố, và tỉnh đến tận bây giờ luôn.

Boomerang hay mũi tên? Hãy dũng cảm lựa chọn vì một tuổi già được nghỉ ngơi.

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.



Hoàng Huy


Theo Trí Thức Trẻ