Bởi vì hay phải gửi đồ cho bố mẹ nên tôi cũng trở nên quen thuộc với anh nhân viên ở bưu điện gần nhà.
Anh ấy cũng đã hơn 40 tuổi rồi, rất thân thiện, làm việc vô cùng có trách nhiệm, dù có thân thiết đến mấy cũng rất minh bạch, làm việc có trình tự, đảm bảo là trên hết.
Sáng sớm nay tôi lại đến gửi đồ, anh ấy cười nói với tôi: “Tháng sau cậu đến chắc không còn thấy anh nữa!”
“Anh định nghỉ hưu sớm ư?”, tôi đùa.
“Anh xin nghỉ việc”, anh ấy nói. Tháng sau anh ấy sẽ đến làm cho một công ty vận chuyển của một người bạn. Công ty đó tôi cũng biết, quy mô rất lớn, có nhiều chi nhánh trên cả nước.
“Vậy thì tốt quá rồi”, tôi chúc mừng anh ấy.
“Không còn cách nào khác cả”, anh ấy thở dài. Cha anh ấy đã mất vì bệnh, mẹ hiện nay cũng đang bệnh, chỉ nằm ở trên giường.
Vợ ở nhà chăm sóc mẹ, dạy con học bài, không có công việc chính thức. Con gái sang năm thì lên đại học, lương tháng hiện tại quả thực không nuôi nổi gia đình.
Mấy năm nay, nhiều hình thức giao hàng khác phát triển, phương thức thanh toán cũng đã được cách mạng hóa, nhiều ngành truyền thống bị ảnh hưởng, đơn vị của anh ấy cũng là một trong số đó: vật giá càng ngày càng cao, công việc càng ngày càng khó khăn vì vậy không thể tăng lương được.
Anh ấy nói mấy ngày nay, cứ sau khi tan làm là lại thấy bước chân nặng trĩu: gia đình còn không nuôi nổi, làm gì có mặt mũi nào về nhà.
Mấy hôm trước một người bạn cũ gọi điện kêu anh ấy qua bên công ty đó giúp đỡ, còn hứa là hàng tháng sẽ có cả lương thưởng.
Anh ấy năm nay đã hơn 40 tuổi rồi, cảm thấy nếu không nỗ lực một phen thì sẽ không còn cơ hội nữa, lúc hạ quyết tâm từ chức, lãnh đạo có khuyên anh ấy: “Anh không thể từ chức, làm nghề này bao năm rồi, anh nỡ lòng đi ư?”
Anh ấy nghe vậy khổ sở nói: “Đừng nói chuyện tình nghĩa nữa, giám đốc xem xem tháng này anh trả lương cho tồi được bao nhiêu? Ngần đấy lương có đủ để tôi đưa mẹ đi bệnh viện không?”
Vị giám đốc kia nghe xong im lặng không nói gì.
“Đến gia đình còn nuôi không nổi, cái gì mà nỡ với không nỡ.”
Anh ấy nói với tôi, thân là một người dân bình thường, cái tình nghĩa lớn nhất với anh ấy chính là dựa vào hai bàn tay để nuôi sống gia đình, mà ít nhất là kiếm đủ tiền để lo cho chi tiêu cơ bản trong nhà.
Công ty không thể khiến anh ấy làm được điều này thì dù có lôi kéo kiểu gì cũng vô dụng.
Câu chuyện của anh ấy khiến tôi nhớ đến Xuân Cẩm, một người bạn học của tôi.
Năm ngoái cô bạn ấy đã từ chức ở một tòa soạn mà cô ấy đã làm việc suốt 15 năm trời để tách ra làm CEO của một công ty truyền thông mới thành lập.
Là một trong những trụ cột của công ty đó, việc cô ấy quyết định nghỉ việc cũng gặp phải không ít trở ngại.
“Chị viết nhiều bài như vậy, lại rất được lãnh đạo coi trọng, giờ đi như vậy, mọi thứ đều phải bắt đầu lại từ đầu, chị phải suy nghĩ cho thật kĩ”, đồng nghiệp khuyên cô ấy.
“Năm đó bao nhiêu người tranh nhau muốn vào đơn vị của con, bây giờ bỗng dưng lại bỏ cái bát cơm ngon lành đó đi làm mấy chuyện vớ vẩn, không đâu, con có bị làm sao không hả?”, người nhà mắng cô ấy.
“Mấy năm nay tôi đều nghĩ cô là người hiểu đạo lý, có tình có nghĩa, không ngờ cô lại coi trọng tiền đến vậy….”, giám đốc vừa duyệt đơn từ chức vừa nói với cô ấy.
Cuối cùng, Xuân Cẩm vẫn chấp nhận từ bỏ 2 tháng lương chưa được nhận mà không do dự từ chức.
“Lương là 1, tình nghĩa là 0, không phải tôi coi trọng tiền bạc hơn mà là mức lương tôi được nhận phải tương xứng với sức lao động mà tôi bỏ ra.”
Cô ấy cũng nhiều lần động viên tôi nghỉ việc, một người mà đến quần áo cũng không mua nổi, gia đình nuôi cũng không xong, đến ngày mai cũng không biết sẽ ra làm sao thì không xứng nói đến chuyện tình nghĩa.
Lấy tình nghĩa để níu giữ, che đậy một cuộc khủng hoảng không thể giải quyết được chẳng khác nào vẽ ra một chiếc bánh lớn để thỏa mãn cơn đói của một kẻ ngốc.
Hai hôm trước tôi có gặp được một chủ doanh nghiệp về quê làm từ thiện.
Ông ấy xuất thân ở nông thôn, đi làm chưa được bao lâu thì đơn vị thực hiện cải cách, cắt giảm nhân công, vì vậy ông ấy trở thành người thất nghiệp. Ông ấy không chấp nhận số phận như vậy, bắt đầu từ công việc lái xe bây giờ đã trở thành ông chủ của ba công ty với quy mô hàng nghìn nhân viên.
Sau khi sự nghiệp thành công, ông ấy không hề quên quê hương, mấy năm gần đây đều quyên góp ủng hộ người nghèo, quyên góp tiền sửa đường cho thành phố.
Một phóng viên trong lúc phỏng vấn đã khen ông ấy là một người có tình có nghĩa, ông ấy nói: “Đừng quá lạm dụng từ “tình nghĩa” này. Ít nói chuyện tình nghĩa lại mà thay vào đó hãy làm việc. Khi đã tách ra khỏi nỗ lực và thực lực thì tình nghĩa chẳng qua chỉ là lừa dối bản thân thôi.”
Ông ấy chưa bao giờ nhắc chuyện tình nghĩa với nhân viên của mình mà thay vào đó nỗ lực hết sức đi phát triển doanh nghiệp, và quan trọng là luôn cố gắng duy trì phát lương đúng hạn cho nhân viên.
Ông ấy nói rằng đối với một vị lãnh đạo thì cách hay nhất để thể hiện sự tôn trọng với nhân viên của mình đó là phát lương đúng hạn và luôn có một chế độ phúc lợi dành cho họ. Đây không chỉ thể hiện sự tôn trọng của mình đối với nhân viên mà còn giúp khẳng định giá trị của một lãnh đạo trong mắt mọi người.
Nhân viên khi được công nhận, họ sẽ có cảm giác có thành tựu và cảm giác tự tin, như vậy họ tự nhiên sẽ hết mình với công việc, tự nhiên sẽ “có tình có nghĩa” đối với công việc mà họ đang làm.
“Lấy chuyện tình nghĩa ra để vắt sức lao động của nhân viên, chẳng khác gì muốn cảnh cáo nhân viên của mình rằng đứng có nói chuyện tiền bạc, kiểu ông chủ như vậy không xứng để nhân viên bán mạng vì mình”, ông ấy nói.
Vì vậy, đối với nhân viên mà nói, việc ông chủ không tôn trọng những gì họ bỏ ra, không khiến họ trong quá trình làm việc cảm giác được mình được công nhận mà suốt ngày chỉ nhắc chuyện tình với nghĩa quả là một chuyện đáng buồn.
Bởi vì, cái được gọi là tình nghĩa đối với họ mà nói chẳng qua chỉ là mong sao giữa cái xã hội bận rộn này có thể cùng gia đình sống thật tốt, thật hạnh phúc.
Theo Trí Thức Trẻ