Ngày nay, kho tàng ẩm thực Việt Nam đã đạt đến trình độ tinh túy với sự đa dạng về thể loại cũng như hương vị. Để tìm kiếm một món ăn vừa ngon mà lại không quá nóng trong cái thời tiết “nóng chảy mỡ” thế này cũng không phải điều khó khăn gì. Vậy bạn đã bao giờ thắc mắc tự hỏi nhiều năm về trước, từ thời ông bà chúng ta sẽ thường ăn gì khi mùa hè đang ở độ “chín” chưa? Hãy cũng khám phá list món ăn giải nhiệt từ thời ông bà ta ngày xưa hay thưởng thức khi trời nắng nóng nhé!
Phụ Lục
Bánh đúc lạc chấm tương
Bánh đúc lạc là một món ăn giản dị, là nét đẹp trong nền ẩm thực cổ xưa. Từng miếng bánh trắng mịn được làm bằng gạo tẻ, điểm xuyết thêm lạc và dừa, xếp ngay ngắn trên một chiếc đĩa hoặc chiếc mẹt nhỏ, sau đó ăn kèm với tương, đậm đà và dân dã vô cùng. Nhiều năm về trước, món ăn này có lẽ là thứ bánh dễ mua và dễ bán nhất trong mùa hè bởi ăn rất chắc bụng, mát mẻ và giá cũng rẻ nữa.
Trải qua nhiều năm tháng, bánh đúc được sáng tạo, biến tấu dưới nhiều hình thức mới lạ. Từ bánh đúc nóng đến bánh đúc nộm với lạc, giá và rau thơm. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng dù có xuất hiện dưới hình dạng nào thì món bánh đúc lạc truyền thống chấm tương không chỉ nổi tiếng trong quá khứ mà sức hút của nó với hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt chút nào.
Ngô, khoai, sắn
Đời sống của ông bà khi xưa không được đủ đầy như chúng ta hiện tại, chính vì vậy những món ăn “thuần nông” như ngô, khoai hay sắn chính là giải pháp cứu nguy cho ngày nắng nóng đỉnh điểm. Thông thường các loại thực phẩm này thường được luộc chín, sau đó để nguội và thưởng thức. Ngô và khoai có thể luộc hay nướng để món ăn hấp dẫn hơn, nhưng trong mùa hè, phương pháp luộc lại được ưa chuộng hơn.
Sắn được gọt vỏ, sau đó rửa với nước cho sắn trắng sạch hoàn toàn, nghiền thành miếng nhỏ, lọc và sấy khô để tạo thành bột sắn. Bột sắn thu được có thể hòa với nước và đường để giải nhiệt hoặc nấu chín. Ngày nay, những món ăn từ ngô, khoai và sắn thường được biến tấu với nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên thì hương vị của chúng vẫn không hề phai mờ theo thời gian.
Bún ốc nguội
Có một món ăn đã có từ lâu đời mà khi nhắc đến nó ta như quay lại với hoài niệm xưa cũ về một cuộc sống bình dị và êm đềm. Bún ốc nguội có lẽ là một trong số ít những món vượt qua được khoảng cách thời gian giữa các thế hệ, tồn tại vững chắc đến tận bây giờ.
Một suất bún ốc nguội trước đây thường chỉ có nước chấm là nước luộc ốc thanh nhẹ, thêm chút giấm và khoảng dăm ba con ốc, ăn kèm với một đĩa bún nhỏ. Ốc thường luộc sẵn, khi nào có khách mới được khêu vào bát để tránh bị tanh. Không hiểu vì sao với những nguyên liệu tưởng như quá đơn giản như này lại có thể tạo ra một món ăn có sức bền về thời gian đến vậy?
Cơm nắm muối vừng
Cuộc sống hiện đại này không thiếu của ngon vật lạ, những món ăn từ thời cha ông ta đôi khi đã đi vào quên lãng, để lại bao lưu luyến về một thời chắt chiu, hoài niệm. Tuy vậy, có một món đã trở thành bất hủ và không ai có thể phủ nhận vị trí của nó trong nền ẩm thực Việt cổ đó chính là cơm nắm muối vừng. Xét về mức độ giản dị có lẽ sẽ chẳng có thứ nào đơn sơ và mộc mạc đến vậy, chỉ là cơm sau khi nấu chín nắm thành từng nắm ăn kèm với muối vừng.
Khi xưa, cơm nắm muối vừng xuất hiện như một thành phần chủ đạo, là món chính trong bữa cơm gia đình, là bữa trưa của người lao động trên cánh đồng lúa mùa gặt hay góp mặt trong hành trang của dân lữ hành. Ngày nay, món ăn này vẫn luôn gắn bó với con người trong bữa sáng thanh mát, nhẹ nhàng hay là bữa lót dạ lúc chiều về. Có thể nói, dù là quá khứ êm đềm hay hiện tại sầm uất thì cái hương vị ngọt bùi của cơm nắm muối vừng chưa bao giờ bị xóa nhòa trong tâm khảm của những người con đất Việt, để lại bao thương nhớ, thiết tha hoài niệm về quá khứ.
Bánh đa kê
Trong list này không thể bỏ sót bánh đa kê. Nguyên liệu chính của món gồm có kê, đậu xanh đã bỏ vỏ, bánh đa, đường trắng và nước vôi trong. Những chiếc bánh giòn tan, ngọt ngào nơi đầu lưỡi hấp dẫn đến lạ lùng. Điều đặc biệt của món ăn là kê được nấu khá đặc và khô để giữ cho bánh đa giòn lâu hơn, hương vị bùi bùi của đậu xanh cộng hưởng với cái thanh mát của hạt kê đã tạo thành một món ăn ngon đến ngất ngây.
Bánh đa kê giúp xua đi cái nóng của mùa hè bằng tất cả sự mộc mạc vốn có. Chỉ cần thưởng thức một miếng bánh thôi thì ta như được sống lại với những năm tháng rực rỡ xa xưa, được trở về với cội nguồn gốc rễ, gặp lại người bạn ấu thơ thuở nào. Hiện nay, không còn nhiều địa chỉ bán món ăn này, đôi khi chỉ có thể bắt gặp nó trên những gánh hàng rong, tình cờ ngang qua phố phường tấp nập.
Bánh khoai sọ đậu xanh
Thời ông bà ta ngày trước, làm việc cả ngày quần quật mà khi trở về nhà có được chiếc bánh khoai sọ để lót dạ là một niềm vui khôn tả. Bánh làm đơn giản lắm, vỏ bánh là khoai được luộc chín, sau đó lột vỏ, nghiền nhuyễn và trộn thêm chút bột gạo để tạo độ dẻo. Nhân bánh là đậu xanh, trộn với muối và hạt tiêu rất thơm. Bánh khoai sọ được gói bằng lá dong, sau đó luộc chín là có thể thưởng thức rồi.
Bánh sau khi luộc có màu tím nhẹ, mềm nhưng không quá dẻo, dậy mùi thơm nức cuốn hút vị giác con người. Tuy là món bánh có từ khá lâu nhưng ngày nay món ăn này cũng không còn phổ biến như trước nữa, bạn chỉ có thể tìm thấy chúng trong một quang gánh, hay chiếc mẹt cắp ngang sườn ở góc phố hay trên vỉa hè tấp nập người qua lại.
Bánh nếp
Bánh nếp từ lâu đã chẳng còn xa lạ với chúng ta, với phần vỏ mềm, nhân bánh thơm lừng mùi đậu xanh, hành phi và hạt tiêu. Thậm chí, nó còn được biết tới là loại bánh truyền thống rất được ưa chuộng tại miền Bắc.
Hiện tại, ngoài bánh nếp nhân đậu xanh, hay nhân thịt thì ở Việt Nam còn có nhiều loại bánh nếp khác đổi mới hơn như bánh nếp nhân trứng kiến, bánh nếp nhân sầu riêng, bánh nếp nhân lá dứa…
Bánh cuốn Thanh Trì
Bánh cuốn từng được mệnh danh là món ăn tiến vua, điều gì ở nó đã tạo nên sức hút mạnh mẽ đến vậy? Ở mỗi địa phương khác nhau thường có cách chế biến riêng nhưng vẫn không làm mất đi “cái thần” của món ăn. Thông thường, bánh cuốn Thanh Trì được tráng mỏng, sau đó phết một lớp mộc nhĩ lên trên ăn cùng với nước chấm chua chua cay cay mà chỉ nhắc thôi đã thấy thèm. Ngoài ra, một số nơi còn cho thêm thịt nướng, thịt quay ăn kèm với bánh cuốn để món ăn đậm đà hơn.
Những ngày trời nắng nóng, ăn bánh cuốn Thanh Trì thì chuẩn quá rồi, vừa no bụng mà lại không khiến bạn khó chịu vì có độ mát lạnh của món ăn rất vừa phải. Quả thật, những món ăn được truyền từ đời cha ông thế này có hương vị ngon tuyệt vời phải không bạn?
Cháo đậu xanh
Giữa cái nóng “cháy da cháy thịt”, người ta thường hay nghĩ đến những món ăn mát lạnh, có công dụng giải nhiệt cao và cũng chẳng ai nghĩ rằng cháo lại là món ăn thích hợp ngay lúc này. Tuy nhiên, cháo đậu xanh là một ngoại lệ khi góp mặt trong danh sách món ăn mát lạnh cổ xưa này.
Đậu xanh có vị ngọt và tính mát, vì thế khi nấu thành cháo có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và đặc biệt tốt cho những người bị suy nhược cơ thể, căng thẳng, mệt mỏi. Với những công dụng tuyệt vời như thế, chả có lý do gì mà bạn lại không bổ sung thêm món này vào bữa ăn hàng ngày của mình ngay thôi.
Trí thức trẻ