Tag

trách nhiệm

Browsing

Có một thứ rất đáng sợ ở nơi công sở. Nó không phải là một loại virus nguy hiểm khiến bạn chết ngay lập tức, mà là một loại thuốc độc mãn tính có thể nuốt chửng tiền đồ của bạn lúc nào không biết. Đó chính là “Cảm xúc nổi loạn” – thứ cảm xúc thường gặp ở những người mới đi làm và đang tập thích nghi với môi trường làm việc mới.

“Tại sao anh ta lại ít việc hơn tôi? Tại sao tôi lại phải ở lại tăng ca trong khi mọi người đều về hết? Anh không phải là sếp của tôi, anh dựa vào cái gì mà dám ra lệnh cho tôi? Cho dù anh là cấp trên của tôi đi chăng nữa, anh cũng không được quát tôi như thế?”

Hãy thử nghĩ xem, bạn đã từng có suy nghĩ tương tự như vậy chưa?. Cho dù bạn không nói ra, nhưng chắc chắn bạn đang chửi thầm trong bụng, và lâu dần, thứ “cảm xúc nổi loạn” ấy đang gây nguy hiểm cho bạn đấy.

Nếu bạn đã từng có suy nghĩ như vậy. Hãy bình tĩnh lại! Và nếu như bạn không thể bình tĩnh được, hậu quả sẽ ra sao? Sớm muộn gì, cảm xúc ấy cũng sẽ bị đối phương cảm nhận được. 

Bạn đặt nghi vấn: “Tại sao anh ta lại biết được nhỉ?”. Dù bạn không nói ra, nhưng chính biểu hiện, giọng nói và thái độ của bạn đã tố cáo bạn rồi. Người Trung Quốc có câu “Tâm sinh tướng”, nghĩa là cảm xúc thường thể hiện ngay trên khuôn mặt, tâm thế nào thì diện mạo như vậy. Giác quan giữa người với người rất nhanh nhạy, tinh thế, chỉ cần trong đầu bạn có suy nghĩ đó thôi, đối phương sẽ cảm nhận được ngay.

Có một thứ cảm xúc không được phép tồn tại nơi công sở: Nếu không biết kiềm chế, mất việc như chơi! - Ảnh 1.

Nếu đối phương là đồng nghiệp của bạn, họ sẽ nghĩ: “Tên nhóc này thái độ không hợp tác, lần sau không tìm nó nữa”

Nếu đối phương là khách hàng của bạn, họ sẽ nghĩ: “Tại sao mình có thể đầu tư tiền của cho người như vậy? Liệu cậu ta có biết làm ăn kinh doanh hay không?”

Nếu đối phương là cấp trên của bạn, họ sẽ nghĩ: “Tại sao tên này luôn tỏ thái độ khó chịu như vậy? Hay là nó có bất bình gì với mình”. 

Chỉ cần một trong số họ suy nghĩ về bạn như vậy, e rằng những ngày tháng của bạn ở nơi làm việc ấy không còn dài nữa đâu. Và nếu như một ngày nào đó, có ít nhất ba người đều nói ra cùng một suy nghĩ như vậy, thì coi như số phận của bạn đã được định đoạt. Hãy thu dọn đồ đạc và chuẩn bị ra đi nhé!

Ai trong chúng ta cũng đều đã từng trải qua một thời trẻ dại, cũng đã từng nổi loạn. Thậm chí, có một khoảng thời gian, chúng ta rất thích cụm từ “Không giống ai”, và cho rằng nó thật tuyệt, nó thể hiện được cá tính, sự khác biệt, lập dị của bản thân. 

Tuy nhiên, nếu mang tâm lý này đến chỗ làm việc, nó chỉ chứng tỏ rằng bạn chưa trưởng thành mà thôi. Và chính tâm lý nổi loạn ấy sẽ đảo ngược tất cả những việc bạn cần làm và hại chính bản thân bạn.

Có một thứ cảm xúc không được phép tồn tại nơi công sở: Nếu không biết kiềm chế, mất việc như chơi! - Ảnh 2.

Tôi phát hiện ra một điều rất thú vị: Những người sẵn sàng hợp tác với đồng nghiệp, con đường thăng tiến của họ ở nơi làm việc sẽ rộng mở hơn, những người luôn có tư tưởng chống đối, tiền đồ của họ cũng sẽ trở nên hẹp hơn. 

Bởi vì, một khi bạn không thích người khác, người khác cũng không thích bạn, bạn xa lánh người khác, những người khác cũng sẽ xa lánh bạn, khi bạn mặc một chiếc áo mang tên “chống đối” để bảo vệ chính mình, thì vô hình chung bạn đang dần dần gạt mình ra khỏi tập thể. 

Đột nhiên tôi nhớ đến một câu nói nổi tiếng trên mạng, mặc dù không hẳn là đúng, nhưng rất phù hợp trong trường hợp này: “Bạn nghĩ rằng những người khác giống như một con bò, chưa chắc họ cũng nghĩ rằng bạn cũng giống một con bò, nhưng nếu bạn nghĩ người khác ngu ngốc, thì bạn mới thực sự là kẻ ngốc trong mắt họ.”

Nếu bạn muốn tạo sự khác biệt ở nơi làm việc, hãy mở rộng trái tim của bạn! Chân thành giao tiếp với mọi người, làm việc nghiêm túc và chăm chỉ. Khi sức mạnh của bạn và đồng nghiệp tạo thành sức mạnh tập thể, thì lúc đó bạn sẽ cảm thấy sự nghiệp của bạn đang lên như diều gặp gió.



Thu Hoài


Theo Trí Thức Trẻ

Vị trí trưởng phòng bạn phấn đấu nhiều năm trời mới có được, rồi một ngày nọ, sếp thông báo với bạn rằng, bạn sẽ phải chia sẻ vị trí với một nhân viên mới. Có vẻ như bạn đang tức giận và ở mức chịu đựng của bản thân. Bạn cảm thấy không được tôn trọng.

Thực tế là ông chủ thậm chí không thông báo với bạn một cách thẳng thắn rằng bạn sẽ phải chia sẻ văn phòng của bạn với người khác. Điều này cho thấy rằng, ông ta không coi trọng bạn và mặc định đó là một điều hiển nhiên. Mối quan hệ giữa bạn và người quản lý, công việc rất quan trọng. Nếu đó là một mối quan hệ tốt, bình đẳng, bạn sẽ cảm thấy bản thân có giá trị , được công nhận và tôn trọng. Và cũng giống như bất kỳ mối quan hệ nào, điều đó đòi hỏi bạn có một kỹ năng giao tiếp tốt.

Liệu có phải là khôn ngoan khi trao đổi thẳng thắn với sếp. Câu trả lời ngắn gọn: Chính xác là như vậy! Mọi quản lý đều bận rộn và họ cũng không thể tránh khỏi những thiếu sót, không đủ khả năng để hiểu hết nhân viên của mình. Mọi quản lý đều muốn lắng nghe nguyện vọng của nhân viên. Vì thế, cấp dưới cần biết cách truyền đạt nhu cầu và mục tiêu của mình cho họ.

Tất nhiên, sẽ là không chuyên nghiệp nếu bạn bước vào phòng sếp và tức tối, đòi hỏi phải biết tại sao một số người ngoài cuộc không xứng đáng lại có được vị trí bằng bạn, trong khi bạn làm việc chăm chỉ lại bị phớt lờ. Điều đó có lẽ sẽ giúp bạn giải tỏa nỗi tức giận tạm thời, nhưng đó là một ý tưởng khủng khiếp.

Thay vào đó, bạn nên trò chuyện trực tiếp với tư cách một người trưởng thành với sếp về những gì bạn muốn một cách cụ thể. Bạn có biết mình muốn gì không? Ví dụ, bạn đang tìm kiếm thêm công việc? Một văn phòng riêng? Vị trí mới? Tăng 10% lương?

Một khi bạn biết rõ bạn muốn gì, hãy sắp xếp một cuộc gặp với sếp và chuẩn bị cho cuộc trò chuyện. Như với bất kỳ cuộc thương lượng “khốc liệt” nào với nhà quản lí, tốt hơn hết là hãy loại bỏ yếu tố bất ngờ. Gửi email cho sếp của bạn và sắp xếp cuộc hẹn để thảo luận về “nguyện vọng nghề nghiệp và tương lai của bạn với công ty”. Sau đó, họ sẽ biết đó là vấn đề nghiêm trọng.

Các chuyên gia nhân sự khuyên bạn nên giữ cho cuộc trò chuyện tập trung vào bạn và con đường sự nghiệp của bạn thay vì nói về đồng nghiệp. Yêu cầu một mốc thời gian và thông tin phản hồi của sếp mà nhờ nó, bạn sẽ biết phải làm gì tiếp theo. Có thể sếp không coi trọng bạn vì bạn đã không nói lên vấn đề và yêu cầu thêm ở bạn nếu bạn không đặt ranh giới.

Mặt khác, họ có thể không thực sự nhìn thấy bạn và giá trị bạn mang lại – bây giờ hoặc mãi mãi. Nếu như vậy, đó có thể là thời điểm bạn nên tìm một môi trường mới tốt hơn, có thể là một bộ phận mới hoặc công ty mới.

Dù bằng cách nào, bạn cũng cần phải tách rời cảm xúc ra khỏi công việc. Đó là một điều nói thì dễ nhưng thực sự khó thực hiện, nhưng chính điều đó tạo nên một thế giới khác biệt. Thử tập trung vào bản thân, gia đình và những thứ bạn thích bên ngoài văn phòng thay vì bận tâm đến những nỗi bực tức từ công sở.

Hãy nhớ rằng – có nhiều điều để quan tâm trong cuộc sống hơn là công việc, ngay cả khi bạn yêu thích những gì bạn đang làm. Khi bạn tìm thấy sự cân bằng và sức mạnh đó trong chính mình, sếp và đồng nghiệp của bạn có thể bắt đầu chú ý và tôn trọng bạn hơn.



Theo Minh An


Infonet

Làm việc nơi công sở, quan trọng nhất là phải chuyên nghiệp, có khả năng làm việc nhóm, nhanh nhạy trước cái mới và linh hoạt trong ứng xử. Bất kể là người đã đi làm lâu năm hay người mới đi làm, đều phải cẩn thận ghi nhớ 10 “quả bom hẹn giờ” dưới đây, đừng để bị “nổ” rồi mới hối hận.

1. Gặp khó khăn không biết mở miệng nhờ giúp đỡ

Từ nhỏ, thầy cô luôn dạy chúng ta rằng, không biết phải hỏi, muốn giỏi phải học. Vậy mà giờ vẫn có không ít các bạn mới đi làm, không hiểu không biết cũng chẳng chịu nói, cứ im ỉm tự đoán tự làm.

Bình thường người ta đuối nước còn biết vùng vẫy cầu cứu, nhưng nhiều người “đuối nước” nơi công sở lại lựa chọn im lặng, tự đày đọa mình. Cứ như thế, họ càng trôi càng xa, đợi đến khi sức cùng lực kiệt, ý chí tiêu tan, họ cũng chẳng còn cách nào trụ lại nơi đó nữa.

2. Không suy nghĩ kĩ càng trước khi hỏi

Không biết thì nên hỏi, nhưng cũng không thể cứ trực tiếp hỏi mà không hề suy nghĩ qua.

Thường trước khi đặt ra câu hỏi, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề đó, và có một số cách nhìn nhận riêng. Vì vậy khi hỏi, tôi hy vọng thông qua quá trình thảo luận, mình có thể đưa ra một đáp án tốt hơn, hoặc thử xem hướng đi của mình có thể thuyết phục được người khác hay không.

Nhưng khi tiếp nhận câu hỏi từ những người khác, tôi dần phát hiện ra, rằng khi đặt câu hỏi, có rất ít người đưa ra được ý kiến cá nhân cho thấy họ từng cố lý giải nó. Đa số bọn họ đều chỉ “ném” vấn đề ra, rồi chờ đợi câu trả lời từ tôi. Sau đó họ sẽ phản ứng kiểu: “Ok, em làm theo lời anh đấy nhé.”

Như vậy, nếu có vấn đề gì xảy ra thì trách nhiệm biến thành của tôi. Điều này khiến tôi không được thoải mái cho lắm. Vì thế, khi hỏi một vấn đề gì đó, đừng mang theo tâm thái “đùn việc” hoặc chối bỏ trách nhiệm.

Ít nhất phải đưa ra được cách nhìn nhận vấn đề của chính mình, rồi thảo luận cùng người ta, như thế vấn đề mới nhanh chóng được giải quyết. Dù sao vấn đề cũng là của bạn, đừng thản nhiên đẩy qua cho người khác.

Chuyện công sở cuối tuần: Nếu còn giữ 10 quả bom hẹn giờ này, không sớm thì muộn sự nghiệp của bạn sẽ bị nổ lúc nào không hay - Ảnh 1.

3. Thói quen kéo dài ‘deadline’

Khi đặt ‘deadline’, nên cho nhau thời gian hợp lý để có thể co dãn. Cho dù lượng công việc nhiều hay ít, tôi đều chia giai đoạn với đối phương trước, phân tích kĩ càng, sau đó mới đặt deadline. Nhưng vẫn có nhiều người nói nộp muộn liền nộp muộn mà không có bất kì một biện pháp “vớt vát” nào.

Hoàn thành công việc đúng thời hạn là nguyên tắc cơ bản của một người đi làm. Xin hãy có trách nhiệm với đồng nghiệp, công ty và chính bản thân bạn.

4. Chờ đợi bị động, tốc độ làm việc chậm chạp

Đúng ra, chúng ta nên làm việc theo trình tự thế này: cố gắng hoàn thành công việc càng sớm càng tốt, xong việc rồi tìm một đồng nghiệp liên quan để thảo luận, góp ý, bàn giao. Nhưng một số người lại không hiểu được điều này.

Họ làm xong việc thì bỏ đấy, chẳng buồn thảo luận hay báo cáo gì. Mỗi người đều phải hiểu rõ vị trí của mình ở đâu trong cả tiến trình, nắm được tiến độ làm việc của cả nhóm, chủ động truyền và nhận “bóng”. Không nên kéo dài thời gian, giúp cho từng giai đoạn của kế hoạch có thể hoàn thành thuận lợi theo đúng dự tính. Vậy mới có thể hoàn thành công việc theo như mục tiêu đã đề ra.

5. Không biết làm cũng không dám nói, chỉ vùi đầu vào làm

Không nên cứ nhận việc xong là bắt tay vào làm luôn, mà trước tiên phải suy nghĩ xem nên làm thế nào, sắp xếp lên kế hoạch hợp lý rồi hãy bắt đầu. Nếu vùi đầu đi làm, mất cả đống thời gian mới phát hiện ra đã làm sai, khiến chính mình không còn thời gian để thay đổi, đồng nghiệp không còn thời gian để sửa chữa, sẽ thành ra gây tổn thất cho công ty.

Không làm được thì nói không làm được, khi thời gian vẫn còn, mọi người có thể cùng nhau bàn bạc nghĩ cách, hoặc chia lại công việc chứ cứ ép bản thân mình thì vừa hại mình vừa hại cả công ty.

Chuyện công sở cuối tuần: Nếu còn giữ 10 quả bom hẹn giờ này, không sớm thì muộn sự nghiệp của bạn sẽ bị nổ lúc nào không hay - Ảnh 2.

6. Bệnh nặng bệnh nhẹ không bệnh, đủ loại lý do xin nghỉ

Tôi từng nghe đến một nguyên tắc khiến tôi vô cùng kinh ngạc: “Sinh nhật có thể xin nghỉ.”

Đi làm bao nhiêu năm, chỉ khi bệnh không chịu được hoặc có việc quan trọng lắm tôi mới xin nghỉ. Bởi vì xin nghỉ chỉ khiến công việc đáng nhẽ là của tôi bị đẩy sang cho người khác, hoặc chất lượng công việc đi xuống mà thôi.

Nhiều năm nay, mỗi lần đồng nghiệp xin nghỉ, tôi thật sự muốn hỏi: “Sức khỏe của cậu thật sự kém hơn tôi sao?”

Bạn nghỉ rồi, cũng tức là phần việc của bạn hoặc sẽ do người khác gánh, hoặc sẽ bị dồn lại chờ bạn đi làm. Cho dù thế nào đi nữa, điều đó cũng sẽ gây phiền hà cho một vài người, có khi là rất nhiều người, thậm chí là tạo thành tổn thất cho công ty.

7. Chưa làm xong việc đã ung dung bỏ về

Trong công ty, mỗi một hạng mục công việc đều được phân chia và sắp xếp chặt chẽ, yêu cầu tiến độ nghiêm ngặt. Cho nên chỉ cần có ai đó xin nghỉ hoặc rời bỏ vị trí mà không nói rõ ràng, thì công việc sẽ bị tồn đọng.

Khi có ai khác phải đứng ra thay bạn đảm nhận phần việc đó, rất có khả năng họ sẽ chỉ làm qua quýt cho xong, vì họ cũng bận chẳng kém, và đấy dù sao cũng chẳng phải việc của họ. Hay thậm chí người thay thế có lòng muốn làm tốt, thì cũng chưa chắc họ đã quen việc được như bạn. Cuối cùng công việc sẽ không được hoàn thành với chất lượng tốt nhất.

Con người ta làm gì cũng phải làm cho tới nơi tới chốn. Việc đã giao cho bạn thì bạn phải có nghĩa vụ chịu trách nhiệm với nó từ đầu đến cuối, chứ không phải bắt đầu thì hồ hởi, làm được lưng chừng lại tùy hứng bỏ đi.

Chuyện công sở cuối tuần: Nếu còn giữ 10 quả bom hẹn giờ này, không sớm thì muộn sự nghiệp của bạn sẽ bị nổ lúc nào không hay - Ảnh 3.

8. Mượn công việc để đi giải quyết việc riêng

Trong mấy năm làm việc của tôi, có ít nhất ba lần nhận được thông báo từ bên thứ ba rằng đồng nghiệp của mình không đến thăm hỏi khách hàng theo kế hoạch, mà lại đi xem phim, đi tụ họp bạn bè…

Thế mà khi tôi hỏi về phản ứng của khách hàng, anh ta lại có thể nói vanh vách như thật. Nếu thật sự cần thời gian để giải quyết việc riêng, cứ nói rõ, việc gì phải giấu giấu diếm diếm như thế?

9. Làm việc qua loa, không vận dụng kĩ năng chuyên nghiệp

Khi làm xong một việc gì đó, tôi thường kiểm tra lại rất nhiều lần, viết một bài luận cũng phải xem lại vài lượt mới yên tâm. Làm như thế, tôi sẽ có thể tìm ra những điểm chưa hợp lý và tìm ra cách sửa chúng để sản phẩm của mình hoàn hảo hơn.

Nhưng mấy năm gần đây khi làm việc cùng những đồng nghiệp trẻ tuổi, tôi thường xuyên bắt gặp tình trạng báo cáo sơ sài, qua loa. Tôi hỏi rốt cuộc các bạn có vận dụng kiến thức đã học để làm việc không, thì nhận được những câu trả lời rất mơ hồ.

Bạn học kiến thức chuyên ngành để làm gì nếu không vận dụng nó vào công việc. Làm việc thì cần nghiêm túc, không thể dùng trực giác hay bản năng để giải quyết cho xong được.

10. Làm việc không rõ ràng, gặp chuyện liền lập tức thoái thác trách nhiệm

Có một số người, rõ ràng là chưa nhận thức được đầy đủ vấn đề, lại cứ đổ cho công ty không tạo điều kiện. Tôi rất muốn hỏi mấy người đó, có thật là công ty không tạo điều kiện cho họ không, hay là chính họ làm việc còn chưa đâu ra đâu cả?

Chẳng công ty nào không muốn tạo điều kiện cho nhân viên, nhưng họ luôn mong rằng, cùng với những điều kiện thuận lợi họ cung cấp, nhân viên có thể cho họ thấy sự nỗ lực và hiệu quả công việc. Khi làm việc, hãy làm cho ra hồn trước, rồi hãy bàn đến chuyện nên có cái này cái kia thì sẽ tốt hơn.

Chuyện công sở cuối tuần: Nếu còn giữ 10 quả bom hẹn giờ này, không sớm thì muộn sự nghiệp của bạn sẽ bị nổ lúc nào không hay - Ảnh 4.

Công sở chưa bao giờ là một môi trường dễ tồn tại, thế nhưng thật ra nó cũng chẳng khó chịu và mệt mỏi như bạn nghĩ. Chỉ cần có ý thức làm tốt việc của mình, cộng thêm một chút khéo léo trong ứng xử, sẽ chẳng văn phòng nào khó dễ bạn mãi đâu.

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, được trích từ YBOX.VN |Youth Confession.



PV


Theo Trí Thức Trẻ/Youth Confessions

Mới đi làm có một năm nhưng Quốc Huy đã trở thành “tội đồ vương” tại công ty, ngay cả một số đơn vị đối tác giờ đây cũng không mấy tin tưởng cậu ta.

Quốc Huy làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu, có thể do tính tình hiền lành thật thà nên vừa mới vào làm trong công ty, cấp trên của cậu ta cứ thích đổ đủ loại trách nhiệm với những tội không đâu vào đâu lên đầu cậu ta. Quốc Huy còn nhớ, lần đầu tiên cậu ta phải chịu tội oan vào tháng 10 năm ngoái, khi đó công ty vừa ký kết một hợp đồng lớn với một đối tác lớn là công ty nước ngoài. 

Trong hợp đồng lần đó, có ghi rõ cuối tháng là phải gửi cho bên đối tác xem hàng mẫu, thế nhưng mãi mà khách hàng vẫn không thấy hàng mẫu được gửi đến. Và khi khách hàng gửi mail cho lãnh đạo công ty hỏi nguyên nhân thì cấp trên của cậu ta đã đổ hết trách nhiệm lên đầu Quốc Huy, nói do cậu ta chưa quen với quy trình làm việc, gửi nhầm hàng mẫu cho một công ty khác. Nhưng thực ra là hàng mẫu này không được chuyển đi đúng thời hạn trong hợp đồng, và nguyên nhân là do cấp trên của Quốc Huy đã nhầm lẫn thời gian lấy hàng mẫu.

Khi đó, Quốc Huy cảm thấy rất tủi thân, thế nhưng là một nhân viên mới, đôi khi chịu tội thay cấp trên là chuyện bình thường, hơn nữa mình cũng không mất mát gì, có khi lại lấy được lòng cấp trên nên tội này cậu ta cam tâm tình nguyện nhận thay cấp trên của mình.

Và kể từ đó về sau, cứ xảy ra chuyện gì với khách hàng là cấp trên của cậu ta luôn có thói quen đổ hết lên đầu Quốc Huy. Mà mỗi lần như thế Quốc Huy lại ngậm bồ hòn làm ngọt, và cũng không để ý đến chuyện đó nữa, cuối cùng chỉ trong vòng một năm cậu ta phải chịu tội oan những 6 lần. 

Những “kẻ chịu tội thay” chốn công sở, nỗi khổ khó nói của người mới đi làm - Ảnh 1.

Và cậu ta trở thành “tội đồ vương” trong công ty. Nhưng cũng nhờ thế mà quan hệ của cậu ta và cấp trên trở nên gần gũi hơn. Quốc Huy nói, cấp trên của cậu là người cẩu thả, nói trước quên sau nên từ khi có cậu làm người chịu tội thay thì bất cứ việc gì cấp trên của cậu cũng sẽ thương lượng với cậu một chút, và dần việc cậu ta nhận tội thay cấp trên cũng dần trở thành một hiệp ước ngầm giữa hai người.

Quốc Huy cho rằng, việc cậu ta chịu tội thay cấp trên giúp cậu ta kéo gần mối quan hệ hơn với cấp trên, còn công việc của bản thân Quốc Huy cũng luôn hoàn thành tốt, như vậy sự nghiệp trong chốn công sở của cậu cứ thuận lợi mà phát triển. Thế nhưng, sự việc không đơn giản như Quốc Huy tưởng, tháng trước công ty có ký được một hợp đồng lớn, cấp trên của Quốc Huy muốn cho cậu cùng tham gia, thế nhưng phía đối tác khi biết Quốc Huy chịu trách nhiệm về đơn hàng, họ đã lập tức gửi công văn phản đối. 

Lý do họ đưa ra là Quốc Huy không đủ nghiêm túc trong công việc, họ sợ rằng sản phẩm nếu giao cho cậu ta sẽ không đảm bảo được về chất lượng. Quốc Huy vô cùng tủi hổ, cậu ta nghĩ rằng cấp trên của cậu ta sẽ giúp cậu ta giải thích với khách hàng, thế nhưng không, sếp cậu ta lại quen để cậu ta làm “kẻ chịu tội thay”.

Hình tượng cá nhân mỗi người chốn công sở cần phải dựa vào trình độ nghiệp vụ, và tác phong làm việc. Nhận lỗi thay cấp trên vô tình làm giảm giá trị hình tượng mà bạn đã cố gắng xây dựng được, vì vậy nếu có trường hợp đó xảy ra bạn hãy thẳng thắn nói với cấp trên của bạn là chỉ một lần và không có lần sau.



Hằng Phương


Theo Trí Thức Trẻ

Chốn công sở từ trước tới giờ luôn là một nơi rất tàn khốc, vì ở đó họ không nhìn vào sự vất vả của bạn mà chỉ nhìn vào thành quả mà bạn tạo ra.

Có một câu chuyện xảy ra như sau:

Một thực tập sinh mới đến bị ông chủ la, tức giận quá, cậu thanh niên đó “bật lại”, đòi dạy ông chủ cách làm người. Ông chủ chê thiết kế của cậu ta quá quê, màu sắc không được bắt mắt, muốn cậu ta thiết kế lại.

Cậu thanh niên tức giận:

“Sao ông nói chuyện khó nghe, nói chuyện thẳng thắn như vậy? Ông nói như vậy ảnh hưởng rất lớn đến tâm trạng của tôi. Rõ rằng ông có thể nói là cậu làm rất tốt ở điểm này, điểm này tuy nhiên có vài chỗ vẫn cần phải thay đổi. Nếu ông nói như vậy tôi lập tức sẽ đi sửa ngay…”

Ông chủ cũng tức giận:

“Tôi là người phát lương cho cậu, không cần cậu phải dạy tôi nên nói năng như thế nào. Làm được thì làm, không làm được thì đi!”

 “Đi thì đi”, thực tập sinh đó nói. Sau đó đi luôn.

Thực ra, ở nơi làm việc thì bị mắng là chuyện bình thường, nói chuyện thẳng thắn cũng là chuyện thường thấy. Ở chốn công sở thì quan trọng nhất chính là hiệu suất.

Nơi làm việc trước giờ không phải một đại gia đình ấm áp tràn đầy tình yêu thương. Mọi người làm việc cùng nhau không phải là để dành thời gian ra dỗ dành, hay là nuôi dưỡng sở thích gì gì đó mà là để tạo ra giá trị, để kiếm về lợi nhuận cho công ty. Đừng hi vọng rằng công ty sẽ đem đến cho bạn sự ấm áp.

Vì vậy, lúc bị mắng, làm ơn hãy thu cái trái tim mong manh dễ vỡ của của bạn lại.

Thân làm việc trong môi trường công sở, đừng để cảm xúc chi phối bạn nhiều quá, mà hãy đi nghĩ xem người ta chỉ ra vấn đề gì ở bạn, từ đó nỗ lực đi khắc phục.

Những người mới đến, việc quan trọng nhất chính là học hỏi, rèn luyện bản lĩnh nơi công sở, có như vậy thì bạn mới có thể trở thành người không thể thay thế.

Còn có một số người mới đến xem nơi làm việc là trường học, luôn đợi có người đến dạy bạn, đợi người đến bảo bạn bây giờ nên làm gì. Anh trai à, công ty phát lương cho bạn, còn trường học thì thu tiền của bạn, vì vậy nên làm ơn hãy loại bỏ ngay cái tư tưởng vẫn đang ngồi trên ghế đó ra khỏi đầu, ở nơi làm việc, sẽ chẳng có ai thương xót những giọt nước mắt của bạn đâu.

Vậy ở trong môi trường làm việc khốc liệt như vậy, chúng ta nên làm sao để tự chủ?

Hãy nhớ, không bao giờ được để nước mắt rơi nơi làm việc: Hoặc là nổi bật, hoặc là chấp nhận bị knock-out! - Ảnh 1.

1. Kết quả dẫn đường

Ở nơi làm việc, quá trình không quan trọng, quan trọng nhất là kết quả

Đối với ông chủ mà nói, họ không hề quan tâm đến quá trình xảy ra sự việc, họ chỉ quan tâm là liệu bạn có thành công hay không. Đối với lãnh đạo, việc không thành công tức là chẳng có cái gì cả, không cần biết là chỉ thiếu một chút thôi hay còn thiếu sót rất nhiều, một khi đã không thành công thì tất cả đều như nhau.

Vậy rốt cuộc là bạn nên làm sao?

Khi làm việc, hãy hỏi mình những câu hỏi sau:

“Tôi cần thời gian bao lâu để đạt được kết quả?”

“Với tình hình trước mắt, liệu tôi có thể thành công hay không?”

“Nếu không thể thì làm sao mới có thể?”

“Nếu tôi không biết làm sao mới có thể thành công thì ai có thể sẽ biết?”

2. Không ngừng phủ định bản thân, chấp hành nhưng đồng thời cũng phải có suy nghĩ, chính kiến của riêng mình

Sự khác biệt giữa người ưu tú và người bình thường là ở chỗ: người ưu tú lúc nào cũng giữ bản thân tỉnh táo, có lập trường của riêng mình.

Chúng ta lúc nào cũng phải khiêm tốn, không ngừng phủ định bản thân, không ngừng hoài nghi, có như vậy mới có thể tìm ra được phương án tốt hơn. Trên thế giới này, không có tốt nhất, chỉ có tốt hơn.

Trong khi thực hiện một nhiệm vụ nào đó, bạn có thể tự đối thoại với mình theo trình tự sau:

“Phương án của tôi chắc chắn không phải là phương án tốt nhất.”

“Tôi suy nghĩ như vậy đã đúng đắn chưa, cần bổ sung thêm cái gì không?”

“Tôi có thể làm như chưa từng nhận nhiệm vụ này, đứng từ một góc độ khác đi nhìn nhận nó được không?”

“Trong các phương án của tôi, có phải công đoạn nào cũng nên thực hiện không? Liệu có thể tối ưu hóa nó hơn không?”

“Giả sử phương án này là do người khác làm, tôi là người ra lệnh thực hiện phương án này, vậy nhìn phương án này, tôi thấy nó có được không?”

Cuối cùng, tìm hoặc tổng hợp lại phương án tối ưu nhất rồi sau đó đi thực hiện nó không thừa không thiếu một bước nào.

Hãy nhớ, không bao giờ được để nước mắt rơi nơi làm việc: Hoặc là nổi bật, hoặc là chấp nhận bị knock-out! - Ảnh 2.

3. Bất kể lúc nào cũng phải xác định mục tiêu rõ ràng

Trong quá trình làm việc, bạn sẽ thường xuyên phải tiếp nhận nhiều sự thay đổi, hay những quan điểm, lập trường ý kiến khác nhau. Tất cả những thông tin này có thể đến từ chính bạn, từ ông chủ, từ khách hàng, đồng nghiệp, thậm chí từ những người qua đường.

Trong những trường hợp như vậy, phần lớn mọi người đều sẽ đưa ra quyết định vội vàng, sẽ thêm hoặc bớt trong kế hoạch mà mình đã đề ra trước đó, chưa kể trong quá trình thực hiện, bạn sẽ còn gặp phải những cạnh tranh không ngừng. những lúc như vậy, bạn phải làm sao?

Xuất hiện những trường hợp như này là bởi khi đó mọi người phần lớn đều đang chỉ nhìn trước mắt chứ chưa có cái nhìn và mục tiêu dài hạn, dù sao thì cúi đầu đi đường rất dễ đi sai, ngẩng đầu lên mà đi sẽ tốt hơn rất nhiều.

Làm sao để có thể duy trì mục tiêu rõ ràng?

Lúc đối sách gặp khó khăn, bạn có thể hỏi mình những câu hỏi sau:

“Mục tiêu của cả phương án này là gì?”

“Tính đến thời điểm này thì nguyên nhân của việc sửa đổi là gì?”

“Nguyên nhân này có phù hợp với mục tiêu hay không?”

“Phù hợp thì giữ, không phù hợp hãy dứt khoát từ bỏ.”

4. Biết rõ cái nào cần được ưu tiên

Trong cùng một khoảng thời gian thì chỉ có một chuyện là quan trọng nhất.

Chỉ có bản thân mình mới biết rằng chuyện nào nên cần được ưu tiên, có như vậy khi nhiệm vụ mới đến bạn mới không bị hoang mang, mới có thể kịp thời giải quyết được từng chuyện một. Tất nhiên đừng quá kì vọng vào lãnh đạo của bạn, lúc họ đưa việc cho bạn thì bản thân họ đôi khi cũng không rõ việc nào nên được làm trước, hoàn toàn phụ thuộc vào bạn thôi.

“Làm sao để xác định được cái nào cần được ưu tiên?”

“Lãnh đạo có từng nói qua việc nào nên được làm trước?”

“Trong tất cả các việc đang chờ thì deadline của việc nào gần nhất?”

“Việc nào mình có thể làm xong trước một cách nhanh chóng hơn?”

“Có việc nào mà deadline còn khá xa nhưng phải cần nhiều thời gian để hoàn thành nó không?”

Sau khi trả lời xong tất cả các câu hỏi đó thì hãy tiến hành làm việc A trước, rồi đến việc B, việc C. Cứ làm từng việc từng việc một, còn những việc còn lại cứ để nó thuận theo tự nhiên thôi.

Hãy nhớ, không bao giờ được để nước mắt rơi nơi làm việc: Hoặc là nổi bật, hoặc là chấp nhận bị knock-out! - Ảnh 3.

5. Tạm biệt chủ nghĩa anh hùng cá nhân

Không có một cá nhân hoàn hảo, chỉ có một nhóm hoàn hảo.

Đầu tiên, khi bạn cảm thấy bản thân mình rất mạnh, bạn sẽ vô thức thể hiện thái độ có phần khinh thường và ức hiếp những người yếu hơn, bởi vì bạn thông minh.

Tiếp theo, khi bạn hi vọng một mình mình có thể hoàn thành một chuyện gì đó, thì kết quả lại cho thấy thành quả của bạn luôn không bằng thành quả của một nhóm người chuyên nghiệp hơn.

Lại nói, ở nơi làm việc thì làm việc nhóm là một việc vô cùng quan trọng. Làm việc nhóm sẽ gúp bạn đạt được những thành quả mà có thể trước giờ bạn chưa tưởng tượng ra.

Không tồn tại sự công bằng tuyệt đối ở nơi làm việc, bất kể là bạn có than phiền ra sao, có không vui như thế nào, cảm thấy vẫn còn đang muốn ăn tiếp, vẫn còn muốn ngủ tiếp thì công việc cũng vẫn cứ phải làm. 

Những lúc như vậy hãy bình tĩnh lại, tích cực nâng cao giá trị bản thân, dùng hành động thực tế để chứng minh bản lĩnh của mình, chứng minh mình không thể thay thế, khiến người khác phải nhìn bạn bằng con mắt khác. Bởi lẽ, không có nước mắt ở nơi làm việc, hoặc là bạn nổi bật, hoặc là bị knock-out.



Như Quỳnh


Theo Trí Thức Trẻ