Tag

mã siêu

Browsing

Năm 208 CN, Tào Tháo dẫn quân xuôi nam, tiến đánh Kinh Châu. Lưu Bị thua trận bỏ thành chạy trốn.

Trong trận Trường Bản năm ấy, Tào Tháo sai Tào Thuần dẫn năm ngàn binh sĩ tinh nhuệ đi truy kích Lưu Bị, khiến ông phải bỏ lại vợ con, dẫn theo Trương Phi, Gia Cát Lượng và mấy chục kỵ binh hoảng hốt tháo chạy.

Đội quân từng gây nên nỗi ám ảnh trong cuộc đời của Lưu Bị năm xưa chính là “Hổ Báo Kỵ” dưới trướng Tào Tháo.

Hé lộ bí mật về đội quân tinh nhuệ tập hợp toàn cao thủ

Tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa gần như không hề nhắc tới nhóm binh sĩ tinh nhuệ mang tên Hổ Báo Kỵ. Nhưng nhiều sử liệu vẫn lưu lại không ít thông tin, trong đó tiêu biểu là “Tam Quốc chí” và “Ngụy thư”.

Sở dĩ đội quân ấy có tên là Hổ Báo Kỵ, bởi nhóm binh lính này sở hữu sức chiến đấu vô cùng mạnh mẽ, khi tác chiến dũng mãnh chẳng khác nào hổ báo.

“Ngụy thư” ghi lại, đội quân này “đều là những người kiêu duệ trong thiên hạ, hoặc từ trăm người mới chọn được một”. Từ đó có thể thấy, Hổ Báo Kỵ là đội quân tập hợp toàn các cao thủ.

Đội quân đặc biệt của Tào Tháo từng khiến đối thủ như Lưu Bị, Mã Siêu khiếp đảm - Ảnh 1.

Hổ Báo Kỵ là đội quân tuyển chọn toàn các cao thủ. (Ảnh minh họa).

Những danh tướng mạnh nhất dưới trướng Tào Ngụy đều bước ra từ “lò đào tạo” nghiêm ngặt của Hổ Báo Kỵ.

Trong đó có 8 vị tướng nổi tiếng được mệnh danh là “Bát Hổ Kỵ” từng được nhắc tới trong “Tam Quốc chí”, bao gồm Hạ Hầu Uyên, Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Thượng, Tào Nhân, Tào Hồng, Tào Thuần, Tào Chân, Tào Tu.

Đây là minh chứng khẳng định Hổ Báo Kỵ sở hữu đội hình chiến đấu cực mạnh, thậm chí là nhóm quân đứng đầu Tam Quốc thời bấy giờ.

Đáng chú ý hơn, người nắm giữ vai trò thống lĩnh đội quân đặc chủng này từ trước đến nay đều xuất thân từ gia tộc họ Tào.

Không chỉ mang trong mình dòng máu Tào gia, những người đảm nhiệm chức này còn cần phải sở hữu năng lực vượt trội, cùng với đó là sự tín nhiệm và tin tưởng tuyệt đối từ quân chủ.

Chỉ truyền lại quyền thống lĩnh Hổ Báo Kỵ cho người có thực lực trong gia tộc, chỉ riêng điều này đã cho thấy đây là đội quân chủ đạo của tập đoàn chính trị Tào Ngụy.

Nỗi ám ảnh của các thế lực đối địch với Tào Ngụy

Mặc dù những trận chiến có sự tham gia của Hổ Báo Kỵ được ghi lại không nhiều, nhưng đội quân này vẫn lưu danh sử sách với 4 chiến tích nổi bật dưới đây.

Chiến tích đầu tiên của đội quân này được sử liệu ghi lại xảy ra vào năm Kiến An thứ 9, trong trận chiến tại Nam Bì cùng Viên Đàm. Khi đó, Tào Thuần đã “thống lĩnh Hổ Báo Kỵ bao vây Nam bì”, “tấn công chớp nhoáng, khiến Đàm bại trận. Binh sĩ dưới quyền chém đầu Đàm”.

Năm Kiến An thứ 12, Tào Tháo tiến lên phía bắc để chinh phạt các bộ tộc Ô Hoàn. Bấy giờ, Tào Thuần dẫn Hổ Báo Kỵ ra chiến trường, lấy thủ cấp của thiền vu Ô Hoàn là Thạp Đốn ngay tại trận.

Năm Kiến An thứ 13, quân Tào tiến đánh Kinh Châu. Đội quân khiến Lưu Bị phải bỏ lại vợ mình trong trận Trường Bản để tháo chạy cũng chính là Hổ Báo Kỵ”.

Tới năm Kiến An thứ 16, trong trận đánh với Mã Siêu, Tào Tháo áp dụng chiến thuật “trước dùng khinh kỵ binh, chiến đấu hồi lâu thì cho Hổ Báo Kỵ ra đánh giáp công để đại phá”, đánh bại quân đoàn “Tây Lương thiết kỵ” tinh nhuệ của vị tướng họ Mã.

Đối mặt với những trận chiến gian khó, chiến đấu với những đối thủ tiếng tăm, thành tích của Hổ Báo Kỵ như vậy phải nói là rất đỗi huy hoàng.

Đội quân đặc biệt của Tào Tháo từng khiến đối thủ như Lưu Bị, Mã Siêu khiếp đảm - Ảnh 2.

Đội quân Hổ Báo Kỵ của Tào Tháo từng ghi được nhiều chiến công oanh liệt, thậm chí đã lấy mạng nhiều nhân vật khét tiếng thời bấy giờ. (Tranh minh họa).

Từ những chiến tích của đội quân này, có thể thấy Tào Tháo tận dụng Hổ Báo Kỵ một cách rất thông minh. Vị quân chủ này thường tung ra nhóm binh sĩ tinh nhuệ nhất của mình ở vào thời điểm mấu chốt nhất.

Bên cạnh đó, sử liệu còn lưu lại một chi tiết khác chứng minh tầm quan trọng của Hổ Báo Kỵ. Sau khi Tào Thuần mất, Tào Tháo đã đích thân làm thống lĩnh của đội quân này cho đến lúc qua đời.

Việc này khẳng định, Tào Tháo rất mực coi trọng vai trò của Hổ Báo Kỵ nên mới đưa ra quyết định trực tiếp chỉ đạo đội quân tinh nhuệ nhất của mình.



Theo Trần Quỳnh


Thời đại

Nhắc tới nhân vật Tào Tháo, nhiều người sẽ không tiếc lời khen ngợi, thậm chí ví ông như một bậc kiêu hùng vào cuối thời nhà Hán và suốt thời kỳ Tam Quốc.

Vị quân chủ họ Tào không chỉ sở hữu mưu lược hơn người, lại yêu mến hiền tài, tán dương là “một đời minh quân” cũng không hề thái quá.

Thế nhưng giữa thời buổi hùng tài vô số lúc bấy giờ, người khét tiếng như Tào Tháo cũng không khỏi kiêng dè trước hai nhân vật đáng gờm dưới đây.

Thiếu niên anh tài từng khiến Tào Tháo không thể “kê cao gối mà ngủ”

Vì 2 nhân vật này, Tào Tháo ăn không ngon ngủ không yên, làm đủ trò nhục nhã để chạy trốn - Ảnh 1.

Thiếu niên 17 tuổi Chu Bất Nghi là một anh tài từng khiến Tào Tháo vừa ái mộ, lại vừa dè chừng. (Tranh minh họa).

Chu Bất Nghi tự là Nguyên Trực, người Linh Lăng (thuộc Hồ Nam sau này), xuất thân là cháu của Biệt giá Lưu Tiên dưới trướng Lưu Biểu.

Sinh trưởng trong một gia đình danh giá, thiếu niên họ Chu từ sớm đã bộc lộ tài trí hơn người. Sau này, ông được người cậu Lưu Tiên gửi gắm cho danh sĩ Lưu Ba – bậc kỳ tài mà ngay tới Gia Cát Lượng còn phải thú nhận “tự thẹn không bằng”.

Nhờ tài năng cùng xuất thân của mình, danh tiếng của Chu Bất Nghi đã nhanh chóng tới tai vị quân chủ họ Tào.

Tương truyền rằng, Tào Tháo còn đánh giá thiếu niên họ Chu thông minh chẳng kém người con thần đồng của mình là Tào Xung.

Vì vậy, ông không ngại tạo điều kiện cho Chu Bất Nghi cùng Tào Xung trở thành bằng hữu. Mối quan hệ tốt giữa hai người càng khiến Tào Tháo quý mến Bất Nghi.

Cũng xuất phát từ lòng ái mộ thiếu niên họ Chu, vị quân chủ họ Tào từng muốn gả con gái của mình cho Bất Nghi. Mục đích của hành động này thực chất xuất phát từ nỗi lo sợ trong tâm can ông.

Tào Tháo nghĩ rằng, người tài năng như Chu Bất Nghi không dễ lôi kéo, nếu bị kẻ khác thu phục thì quả là mối nguy.

Nhưng bất kể vì mục đích gì, việc Tào Tháo phải dùng tới hôn nhân để kết thân với người này đã cho thấy tài năng đáng nể của Bất Nghi.

Đối với mối hôn sự ấy, người khác có lẽ đã sớm cúi đầu tạ ơn, nhưng không ngờ Chu Bất Nghi lại thẳng thắn cự tuyệt.

Vì 2 nhân vật này, Tào Tháo ăn không ngon ngủ không yên, làm đủ trò nhục nhã để chạy trốn - Ảnh 2.

Việc Chu Bất Nghi từ chối hôn sự với con gái mình chưa phải là lý do khiến Tào Tháo muốn hạ sát nhân tài. Mà động cơ thực sự để trừ khử thiếu niên họ Chu đến từ một sự việc khác. (Ảnh minh họa).

Dù vậy, lúc đó Tào Tháo vẫn chưa nổi dã tâm đối với anh tài này. Động cơ trừ khử Chu Bất Nghi bắt nguồn từ một sự kiện bất ngờ xảy ra vào năm 208 – Tào Xung qua đời vào năm 14 tuổi.

Cái chết của người con thần đồng vừa khiến Tào Tháo đau lòng, lại vừa làm ông nảy sinh lo sợ.

Người con tài giỏi nay đã mất, Chu Bất Nghi vốn “không thua Tào Xung”, nhưng bậc kỳ tài ấy lại nhất quyết chẳng chịu kết thân với ông. Chính điều này đã định sẵn kết cục của bậc hiền tài họ Chu.

Khi Tào Tháo quyết định lên kế hoạch trừ khử Chu Bất Nghi, Tào Phi biết tin vội ngăn cản phụ vương. Bấy giờ, ông chỉ nói: “Kẻ này vốn không phải người mà con có thể khống chế”.

Cuối cùng, Chu Bất Nghi bị Tào Tháo sai thích khách hạ sát.

Ngẫm lại, ngay cả nhân tài “bất kham” như Tư Mã Ý vẫn được Tào Tháo lưu lại một con đường sống, nhưng Chu Bất Nghi lại chỉ có kết cục bị giết. Nếu bậc kỳ tài như vậy còn sống trên đời, Tào Tháo e rằng ngay cả ngủ cũng không yên.

Danh tướng khiến Tào Tháo làm đủ chuyện nhục nhã để chạy trốn

Vì 2 nhân vật này, Tào Tháo ăn không ngon ngủ không yên, làm đủ trò nhục nhã để chạy trốn - Ảnh 3.

Mã Siêu là một trong số những danh tướng hiếm hoi từng khiến Tào Tháo bại trận một cách nhục nhã. (Ảnh minh họa).

Vị danh tướng khiến Tào Tháo không chỉ thua trận chạy dài mà còn làm ra đủ chuyện nhục nhã chính là Mã Siêu. Luận về mưu lược và võ nghệ, tài năng của Mã Siêu là điều không cần bàn cãi.

Trong trận chiến ở Đồng Quan, vị danh tướng này đã từng chỉ ra nhược điểm của quân Tào là quân lương không đủ, tiếp tế khó khăn, nhiều lần đề nghị cắt đứt đường chuyển lương của địch, chỉ tiếc rằng Hàn Toại không nghe.

Khi nghe được việc này, Tào Tháo từng vì khiếp sợ mà thốt lên rằng: “Thằng ranh họ Mã không chết, ta chết không có đất mà chôn”.

Cũng trong trận đại chiến Đồng Quan, tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa từng xây dựng nên chi tiết Tào Tháo phải “cắt râu, cởi áo” để chạy trốn khỏi Mã Siêu.

Theo đó, Tào Tháo bấy giờ có dịp giao chiến cùng danh tướng họ Mã, nhưng lại bị Mã Siêu đánh cho đại bại mà bỏ chạy.

Trong lúc truy tìm Tào Tháo giữa nơi hỗn chiến, Mã Siêu kêu lớn: “Kẻ khoác áo đỏ chính là Tào Tháo”.

Nghe thấy vậy, Tào sợ đến nỗi phải vứt bỏ chiếc trường bào ấy.

Mã Siêu thấy vậy, tiếp tục hét lớn: “Tên râu dài chính là Tào Tháo”.

Để có thể chạy thoát thân, Tào đành vội vàng cắt đi bộ râu của mình.

Mã Siêu lại lập tức nói lớn: “Kẻ râu ngắn chính là Tào Tháo”.

Lúc này, vị quân chủ khét tiếng kia chẳng thể làm ra chiêu nào khác, chỉ đành vội vã bỏ chạy. Nhưng dù như vậy, ông vẫn không thoát khỏi sự truy kích của danh tướng họ Mã. Bấy giờ, nếu không có Tào Hồng kịp thời giải vậy, chỉ e rằng Tào Tháo đã chẳng thể toàn mạng.

Người có thể khiến một bậc quân chủ kiêu hùng như Tào Tháo làm ra đủ loại hành động nhục nhã như vậy chỉ để chạy thoát thân vốn không nhiều, mà Mã Siêu chính là một trong số đó.



Theo Trần Quỳnh


Thời đại