Đã không ít lần hẹn cà phê với thần tượng facebook, tôi bức xúc đến nỗi muốn về ngay lập tức, thậm chí có lần đã bực mình buột miệng thốt ra với nhân viên phục vụ một câu đùa không vui: “mang cho mình đĩa muối”. Như những con nghiện không thể cai được thuốc, nhiều người ngập trong thế giới ảo với một trang cá nhân sâu sắc, triết lý đến lạ kỳ nhưng đời thật thì nhạt nhẽo đến mức người ta không bao giờ muốn gặp lại.
Mạng xã hội là một lâu đài, còn mình là công chúa, hoàng tử, nhưng lâu đài sụp đổ tan nát khi chạm vào thế giới thật
Như một con người bình thường ở thế kỷ 21, tôi cũng dùng mạng xã hội, tôi cũng follow (theo dõi) nhiều người vì quan điểm sống hay, tích cực, những triết lý sống khá hay ho, thú vị, hoặc đôi khi chỉ đơn giản là họ đẹp mà thôi. Tôi hí hửng hẹn lên hẹn xuống để có cái lịch cà phê với một cô gái mặn mà như thế để rồi mới chết điếng người – cảm giác như mình bị lừa.
Chắc là thói quen thôi, tôi tự nhủ thế trong lần đầu tiên gặp khi cô ấy liên tục giơ điện thoại selfile bằng các ứng dụng từ camera 360, 720, vosco, b612, … cho đến khi đồ ăn được dọn lên bàn, tôi miễn cưỡng nhăn răng cười vì chẳng biết từ lúc nào cô ấy nhờ nhân viên chụp hộ cả 2 người chúng tôi cùng một bàn đồ ăn rất sang chảnh.
Chưa hết, cô ấy “bắt” tôi chụp cận mặt khi cô ấy bưng đĩa đồ ăn lên cùng các dáng điệu rất chuyên nghiệp, và như mọi người dễ dàng đoán được, cô ấy lập tức check-in facebook mà chẳng hề quan tâm đến tôi. Tôi thấy mệt và phiền quá nhưng vì phép lịch sự nên không hề tỏ ra khó chịu. Gặp nhau được chừng nửa tiếng mà nói với nhau chỉ loáng thoáng vài câu, thỉnh thoảng cô ấy lại hỏi: tớ đang nói đên đâu ấy nhỉ bởi những tiếng ting ting thông báo facebook, zalo xen vào giữa.
Tôi quyết định thay đổi không khí bằng cách gợi ra vài câu chuyện để chúng tôi tương tác nhiều hơn, biết cô ấy thích đi du lịch vì trang cá nhân của cô ấy một tuần phải xuất hiện hàng chục bức ảnh tại những địa điểm đang hot của giới trẻ, tôi hỏi: “Cậu mới đi Đà Nẵng về à, ở đó có gì hay ho kể tớ nghe đi”. Nhưng thật bất ngờ khi cô ấy đáp lại: “Nắng lắm, tớ chỉ check-in, chụp ảnh rồi lại vào khách sạn nằm thôi”.
Tôi nói chuyện về phim “Rolling to you” mới chiếu mà cô ấy và cả tôi đều xem rồi, cô ấy cũng cười trừ: “Phim Pháp lãng mạn phết nhỉ, diễn viên cũng xinh phết”.
Tôi càng ngán ngẩm hơn khi trò chuyện với cô ấy về những vấn đề xã hội, những thứ xung quanh đang hot, thật là thất vọng khi cô ấy chẳng hề quan tâm sâu sắc thứ gì, vấn đề nào cũng làng nhàng tưởng là biết thật đấy, hóa ra lại chẳng rành rõ cái gì. Ơ, sao lại thế nhỉ, cô ấy trên Facebook mà tôi biết đâu có thế này?
Tôi cố gắng tìm điểm chung trong câu chuyện nhưng lại cứ liên tục phải uống thứ nước ốc nguội, rất tanh, rất nhạt, chẳng hấp dẫn tí nào ấy trong 2 tiếng đồng hồ, tôi nói lời từ chối vội vã mắc bận để không tiếp tục đi chơi với cô ấy nữa.
Chỉ kẻ thất bại, yếu đuối mới khoác lên mình những thứ bóng bẩy màu mè
Từ hôm ấy, chúng tôi không liên lạc với nhau, trong tôi nỗi hoài nghi về người mà trên facebook lẫn ngoài đời thật khác nhau một trời một vực ấy vẫn còn. Và tôi nhận ra trong danh sách bạn bè của mình quá nhiều người như thế: khoe đi du lịch, khoe ăn ngon, khoe mỹ phẩm, quần áo, khoe người yêu, khoe thú cưng … thậm chí khoe cả hóa đơn thanh toán tiệc ở nhà hàng.
Nhìn nhận thẳng thắn, chúng ta có thể sẽ lý giải được vì sao lại có nhiều người lạ kỳ như thế khi trên mạng một đằng ngoài đời một nẻo. Đó là những người tự ti, kém cỏi và hèn nhát nên cần vỏ bọc đẹp đẽ.
Nhìn trên mạng xã hội nếu tinh ý một chút sẽ nhận ra người ta thiếu cái gì thì sẽ cố trưng ra cái đó, không chỉ là những tài sản vật chất, họ tự tô vẽ cho mình phong cách sống lý tưởng, hiện đại, muốn người khác ngưỡng mộ nhưng thực chất là để che giấu cái tôi sợ hãi, yếu đuối, thiếu bản lĩnh của mình. Họ không dám đối diện với thực tế, mạng xã hội trở thành vỏ ốc, nơi ẩn náu an toàn của họ, cố gắng bày ra những gì đẹp đẽ chau truốt để mọi người tán thưởng nhưng thực chất chỉ là “thùng rỗng kêu to”, chẳng có vị gì.
Tôi lật giở Facebook của bạn gái kia và phân tích, những bài viết triết lý, những bài chia sẻ, những caption ảnh toàn là những trích dẫn của một ai đó trên mạng xã hội mà chẳng biết vô tình hay cố ý bạn kia bỏ đi dấu ngoặc kép nên nghiễm nhiên người ta tưởng tự viết ra. Nhiều bức ảnh của đẹp kỳ công được chụp lại nhưng nó chỉ đẹp trên facebook còn thực tế lại chẳng đọng lại ấn tượng gì. Màu mè phông bạt như vậy nhưng nội hàm con người thì rỗng tuếch.
Theo tháp nhu cầu của Maslo khi được đáp ứng mọi nhu cầu về ăn mặc, chỗ ở, .. thì con người luôn có nhu cầu về tự thể hiện bản thân cường độ cao. Nhưng có lẽ với một số người thang giá trị này đảo lộn khi họ chỉ sống bằng những giá trị sai lầm, mơ hồ như bong bóng xà phòng.
Tôi ngỡ ngàng nhận ra căn bệnh này có sức lây nhiễm khủng khiếp chẳng kém gì những đại dịch, nó không khiến người ta mất mạng nhưng lại khiến người ta u mê trong chính những lâu đài hào nhoáng bóng bẩy tự mình xây đắp bằng những giá trị ảo và chết một cách đau đớn, đáng thương.
Điều đó thật sự nguy hiểm khi một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ chỉ như tồn tại chứ không đang sống: lười lao động, lười học hỏi, thích sống ảo, … Thật buồn nếu ở thời đại 4.0 ngoài kia thế giới, những người trẻ đang hăng say lao động, học tập, sáng tạo với những thành quả xuất sắc mà lại có một bộ phận thế hệ Việt thất bại và cúi đầu.
Out facebook đi, hãy “ướp mặn” mình ngay lập tức đi
Làm gì có ai sinh ra đã “mặn”, Newton hay Leptonxtoi sinh ra cũng chỉ có 2 tai, 2 mắt, 1 chiếc miệng và bộ não như chúng ta nhưng tại sao chẳng cần phải nói gì về mình, họ cũng khiến cả thế giới nghiêng mình ngưỡng mộ? Con người ta khác nhau vì sao? Vì sự học hỏi, kiến thức, trải nghiệm, vậy bạn đã hiểu lý do mình nhạt nhẽo đến nỗi phải che đậy một cách tội nghiệp trên mạng xã hội như thế chưa?
Tôi cũng nghe đến nhàm tai câu nói của nhiều bạn trẻ: “mình chẳng quan tâm đến mấy vấn đề chính trị xã hội thế này đâu, mệt lắm”, sao chúng ta có thể vô cảm, vô trách nhiệm với cuộc sống của chính mình như thế nhỉ? Sao có thể bàng quan với khí hậu, rác thải xung quanh mình khi mình và người thân đang sống trong nó mà lại có thể vô tư tối nào cũng đi uống trà sữa, selfile, tán dóc những thứ nhảm nhí vô bổ và coi đó là lối sống thời thượng nhỉ?
Tôi cũng biết có hàng vạn bạn trẻ đua đòi chia sẻ những bài viết tưởng chừng như yêu nước nhưng lại không có não? Kịch liệt phản đối luật đặc khu, luật an ninh mạng thời gian vừa rồi thử hỏi trong các bạn mấy người đã tìm kiếm trên Google để đọc những dự thảo luật ấy? Vì sao vậy? Vì chúng ta nghèo nàn hiểu biết, kém cỏi trong tư duy, lười biếng học tập, tích lũy kiến thức. Chúng ta đang sống thế nào đây?
Thực ra, sự thú vị của bản thân không phải thứ gì to tát vĩ đại. Nó đơn giản vô cùng, giả như bạn có một niềm say mê đặc biệt với son chẳng hạn, bạn sẽ cực kỳ cuốn hút khi nói chuyện với người khác về ý nghĩa các tông màu son, các dòng son trên thế giới từ những ngày xưa tít tắp đến bây giờ, son nào dùng cho phong cách trang điểm nào… Nó sẽ khác hẳn so với việc bạn chỉ biết son là một thứ màu thoa lên môi. Hay đam mê phim ảnh, đam mê du lịch, ăn uống, nếu bạn không hờ hững với những hiểu biết nông cạn ai cũng biết mà tự tìm hiểu chiều sâu của nó, bạn đã “mặn” hơn nhiều lắm rồi đấy!
Hẳn bạn vẫn nhớ chuyện Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt chúng ta đã học hồi trung học phổ thông, có một câu mà tôi vẫn luôn ám ảnh đến tận lúc này của nhân vật Trương Ba: “Không thể sống bên trong một đằng bên ngoài một nẻo được, tôi phải là chính tôi”. Vài bức ảnh facebook với những bình luận vuốt ve mơn trớn Cái Tôi to đùng của bạn chỉ làm bạn mòn đi, mãi mãi là con ếch và chết già trong cái giếng bé tí tẹo của chính mình tạo ra thôi.
Đừng sống nhạt thế nữa, cuộc đời có biết bao nhiêu thứ hay ho thú vị đang chờ đợi phía trước, bung cái vỏ ốc và vùng vẫy khám phá đi nào. Thay vì kêu than và buồn bã vì mình nhạt nhẽo làng nhàng thì hãy bỏ điện thoại xuống, thoát facebook ra, hãy “ướp mặn” mình ngay bằng kiến thức, hiểu biết và chiêm nghiệm cuộc sống đi.
Theo Trí Thức Trẻ