Chuỗi ngày “sống mòn” chốn công sở: Từ một nhân viên sống-để-làm-việc đến một quản lý sống-để-hỏi-mình-làm-việc-vì-cái-gì
Kieran từng là một kĩ sư phần mềm tài năng, yêu ngành yêu nghề. Bên cạnh công việc fulltime chính này, anh còn chạy thêm một vài dự án nhỏ và các công việc ‘freelance’ khác.
Sau một năm làm việc, anh được thăng chức lên vị trí trưởng nhóm để điều phối hoạt động của team mình. Ai cũng quan niệm, thăng chức là một dấu mốc chói lọi trong sự nghiệp mỗi con người, nhưng với anh, mọi chuyện không được suôn sẻ như vậy. Bởi bỗng vào một ngày đẹp trời, công việc thường ngày của Kieran không còn là cùng cả team chạy các dự án mà anh yêu thích, mà là học cách quản trị dự án.
Và cứ thế, anh dần nhận ra, mình đã đánh mất bộ óc sáng tạo tài hoa, bởi giờ nó chẳng còn quan trọng với sự nghiệp “làm sếp” của anh nữa. Anh cũng từ bỏ các dự án nhỏ, các công việc ‘freelance’ trước kia để tập trung toàn bộ năng lượng để quản lý và xây dựng team mình.
Một năm sau, Kieran đã “nhảy việc” sang một công ty khác nhưng anh vẫn trung thành với vị trí trưởng phòng quản lý sản phẩm. Và bạn biết đấy, là một trưởng phòng quản lý sản phẩm, công việc của bạn sẽ là tiếp cận khách hàng để tìm hiểu về nhu cầu của họ. Kieran cũng luôn lấy điều đó làm tôn chỉ làm việc của mình. Nhưng đáng buồn thay, công ty anh thì lại không nghĩ vậy. Theo lời anh, cả công ty cứ như một đám bù nhìn, họ cứ làm việc mà không cần quan tâm đến chân lý “khách hàng là thượng đế”.
Và câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó, vị giám đốc cũng từ chức và rời bỏ công ty, bỏ lại Kieran một mình đánh vật với một mớ dự án mông lung. Không một ai chỉ đạo cho Kieran về định hướng phát triển sản phẩm. Dần dần, anh không còn cảm nhận được khí thế hứng khởi mỗi khi bắt tay vào công việc như hồi trước nữa. Thậm chí, bây giờ, ngay cả việc tập trung toàn bộ trí lực vào dự án đối với anh cũng như một cực hình.
Anh không còn mặt mũi nào để đối diện với những đồng nghiệp luôn tin tưởng mình trong suốt thời gian qua. Tồi tệ hơn, anh còn không có tâm trạng để làm những việc đơn giản như trả lời mail, thiết kế sản phẩm. Nỗi chán chường trong công việc cũng bủa vây đến cả bàn ăn gia đình khiến Kieran thường xuyên bỏ bữa và mời căn bệnh tiêu hóa ghé thăm cái dạ dày của mình.
Thậm chí, những giây phút nô đùa cùng đứa con gái bé bỏng với Kieran cũng chỉ là một nghĩa vụ phải làm không hơn không kém khi vợ anh bận rộn chuẩn bị bữa tối. Và có những khi, anh vô tình làm tổn thương những người mình yêu quý nhất chỉ vì lỡ la mắng khi họ mắc phải những lỗi nhỏ nhặt. Anh nhận ra càng ngày mình càng trở nên yếu đuối, mà với một trụ cột gia đình, đó là điều không thể chấp nhận được, anh lại tiếp tục gồng mình lên để đánh vật với công việc.
Nhưng cố quá lại thành quá cố, anh cứ liên tục phạm sai lầm, và khi đồng nghiệp chỉ rõ sai lầm để anh chấn chỉnh và rút kinh nghiệm, anh lại càng cảm thấy xấu hổ về chính hình ảnh vô dụng, tội nghiệp của mình.
Kieran đã ngỏ lời với ban lãnh đạo xin được nghỉ phép vài ngày để lấy lại tinh thần. Nhưng những gì anh nhận lại được chỉ là cái lắc đầu ngao ngán của họ và câu trả lời đanh thép: “Chúng tôi đang thực sự cần một nhân viên làm fulltime”.
Và rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến, khi đôi vai yếu ớt của mình không thể gồng gánh từng ấy áp lực, anh nấp mình trong khu cầu thang bộ thoát hiểm, nơi vắng người qua lại nhất, và… òa khóc nức nở trong sự bất lực.
Thật may thay, vợ Kieran vẫn sát cánh bên chồng trong nghịch cảnh này, cô khuyên anh hãy dành kì nghỉ để xách ba lô lên và đi. Anh đã dành cả 2 tuần để đi du lịch nghỉ dưỡng, nhưng mọi thứ vẫn chẳng khá khẩm hơn.
Và sau khi lấy hết can đảm, anh đã đưa ra quyết định khó khăn nhất của đời mình, viết lá đơn nghỉ việc, tạm biệt những người đồng nghiệp tuyệt vời và không bao giờ quay lại nơi ấy.
Phải mất một thời gian dài để Kieran nhận ra anh đang mắc phải căn bệnh tiềm ẩn đang ngấm ngầm hoành hành chốn công sở ngày nay: brownout. Nói không ngoa, brownout chính là tên trộm xảo quyệt. Nó đánh cắp đam mê, năng lượng làm việc, nhiệt huyết của mỗi chúng ta, và chỉ để lại cho ta sự kiệt sức, cáu gắt, mệt mỏi, tự nghi hoặc chính bản thân mình.
Kieran chưa từng cảm thấy công việc mình đang làm bị quá tải, nhưng anh vẫn luôn cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi. Anh cũng không phải mẫu người đi sớm về muộn. Đội ngũ nhân viên dưới quyền anh cũng là các kĩ sư, nhà thiết kế tài năng, nhiệt huyết trong công việc. Cuối tuần với anh vẫn là dịp đặc biệt để sum họp và nghỉ ngơi. Vậy điều gì đã đẩy anh đến “bước đường cùng” này?
Truy tìm “vì sao đưa Brownout tới”
Trong cuốn sách “Sự thật về căng thẳng chốn công sở”, hai nhà nghiên cứu hàng đầu trong vấn đề brownout, Michael P. Leitner và Christina Maslach đã liệt kê 6 tác nhân gây ra nạn dịch này:
-Việc mất kiểm soát: Bạn vẫn mông lung không biết phải làm gì tiếp theo trong khi công việc vẫn ngổn ngang, chất đống. Hay nói cách khác, khả năng kiểm soát công việc của bạn vẫn còn hạn chế.
-Xung đột trong giá trị cốt lõi: Giá trị cốt lõi bạn đề ra mâu thuẫn hoàn toàn với tôn chỉ của công ty.
-Mức lương thưởng thấp: Bạn cảm thấy mức lương thưởng vẫn chưa bù đắp đủ công sức bạn bỏ ra. Hay nói cách khác, bạn đang cảm thấy bị đánh giá thấp, bị coi nhẹ.
-Công việc quá tải: Khối lượng công việc ngổn ngang, phức tạp, deadline dồn dập.
-Sự bất công: Bạn cảm thấy bị đối xử không công bằng, cấp trên thường chơi trò thiên vị, mọi quyết định phân chia công việc, thăng chức thường không được biểu quyết công khai.
-Các mối quan hệ rạn nứt: Đồng nghiệp không đứng cùng chiến tuyến với bạn, bạn không có ai để tâm sự về các vướng mắc mình đang gặp phải. Không ai đưa cho bạn feedback về công việc để bạn rút kinh nghiệm.
Trong trường hợp của Kieran, có lẽ anh đã gặp phải đến hơn nửa số tác nhân nguy hại gây bệnh brownout.
Bắt mạch, kê đơn điều trị “căn bệnh quốc dân” hoành hành chốn công sở mang tên Brownout
Brownout là thứ không mời mà đến, nhưng không phải là thứ không tiễn mà đi. Quá trình hồi phục và lấy lại cân bằng sẽ dai dẳng hơn bạn tưởng, và bạn sẽ phải kiên trì thử thuốc cho đến khi nào tìm ra được liều thuốc đặc trị nhất, phù hợp nhất với sức đề kháng của bạn. Và dưới đây là một vài liều thuốc hiệu nghiệm dành cho bạn:
Một mình bệnh nhân sao có thể tự chống chọi với bạo bệnh, người nhà bệnh nhân cần sát cánh bên họ trên hành trình tìm lại sự sống.
Quay lại với câu chuyện của Kieran, sau khi nghỉ việc, anh lại tiếp tục nghỉ dưỡng tại gia trong kì ‘gap month’. Trong suốt thời gian đó, vợ Kieran đã luôn sát cánh bên anh, họ tâm sự với nhau về tương lai, về những mục tiêu trong cuộc sống, và lên kế hoạch xem họ cần thay đổi những gì để chinh phục những ước mơ đó.
Và cứ thế, Kieran cảm thấy con người trước kia của anh đã dần trở lại, khả năng sáng tạo siêu phàm trước kia cũng đã quay về. Anh đã quay lại với các dự án nhỏ trong niềm đam mê đã ngủ quên suốt thời gian dài, đã trở về bên gia đình nhỏ, bên cô con gái bé bỏng của mình.
Và giờ đây, Kieran đã tự thành lập công ty riêng của mình, với sứ mệnh chuyên hỗ trợ cho các thương nhân có thể tự xây dựng doanh nghiệp của riêng họ.
Khi mọi thứ quá phức tạp, hãy tập trung vào những thứ đơn giản
Hãy ăn đủ bữa, lựa chọn các loại thực phẩm bổ dưỡng thay vì thức ăn nhanh hay đồ uống có cồn. Và hãy tập ngủ đủ giấc. Mỗi sớm thức dậy, hãy vươn vai tập vài động tác thể dục để chào ngày mới, dành thời gian bên những người thương của bạn.
Hay nói như Arianna Huffington, cô gái từng bị gẫy xương gò má và chịu 4 mũi khâu ở mắt do bị ngất trên bàn làm việc: “Tôi ước mình có thể quay lại khoảng thời gian tồi tệ đó, để thức tỉnh bản thân rằng, không hề có mối quan hệ đánh đổi khắc nghiệt giữa công việc và cuộc sống như người ta vẫn nghĩ. Hiệu suất công việc chỉ tiến triển khi ta biết dành thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo lại sức lao động, tận hưởng cuộc sống.”
Brownout – trong cái khó lại ló cái khôn – một cơ may giúp bạn tìm lại chính mình và kiến tạo nên bước ngoặt ngoạn mục
Với Kieran, hội chứng này cũng không hoàn toàn tiêu cực, khủng khiếp. Bởi sau cơn “bạo bệnh” ấy, anh đã nhận ra rằng, công việc lập trình thực sự là lẽ sống của đời anh, và đối tượng khách hàng anh muốn giúp đỡ là các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ, chứ không phải là các khách hàng lớn như trước kia.
Việc tự thân xây dựng sự nghiệp dù có gian nan nhưng vẫn khiến anh tìm lại niềm hứng khởi, say mê trong công việc năm nào. Nếu không vật lộn trong giai đoạn brownout, chắc anh cũng không bao giờ khám phá được chừng ấy chân lý của đời mình.
Bích Phượng
Theo Trí Thức Trẻ