Những chú “gà siêu nhân”
Hãy gạt đi những con số sửng sốt về số lượng bài thi, số điểm được nâng trong kỳ thi THPT quốc gia tại Hà Giang, ta đã bao giờ đặt mình vào vị trí của các em và hỏi: có phải đứa trẻ nào cũng “thèm” điểm không?
Có thể trong số chủ nhân của những điểm số trên trời ấy có em thích trở thành thợ cắt tóc, thành vũ công, thợ trang điểm… những nghề hoàn toàn không cần thiết phải bon chen vào không khí sôi sục dùi mài kinh sử của hàng triệu thí sinh cả nước. Nhưng làm sao các em có thể chống đỡ lại chiếc vung tư tưởng nặng nề úp lên đầu từng ngày từng giờ?
Xét cho tới cùng, các em chỉ là nạn nhân, nạn nhân của bệnh thành tích không chỉ trong giáo dục mà đã di căn đến mọi ngõ ngách trong cuộc sống. Các em bị biến thành công cụ để thoả mãn khao khát của các bậc cha mẹ về sản phẩm của họ: những siêu nhân tài giỏi.
Tôi đọc được nhiều bình luận, phê phán các em. Những lời sắc như dao nhọn ấy, đến người trưởng thành còn thấy tổn thương, huống hồ, đây chỉ là những cô cậu học trò chỉ quen với sân trường, sách vở, mới chập chững bước vào đời thì liệu sẽ choáng váng chừng nào.
Dư luận có quan tâm cảm xúc của các em không? Trộm nghĩ tới những đứa trẻ tự kết liễu đời mình ở độ tuổi đẹp nhất bởi những nỗi xấu hổ mà chúng vẫn nghĩ nguyên nhân do bản thân gây nên, tôi hoảng hốt. Không nhiều người nghĩ “hộ” những tâm hồn non nớt ấy có thể bị tổn thương sâu sắc, sang chấn tâm lý, hậu quả là những thứ dễ nhìn thấy, rất gần.
Ta thường khó chịu về tắc đường, về ô nhiễm môi trường, ta phàn nàn về những thứ lớn lao vĩ đại nhưng lại thoả hiệp với những thói xấu tưởng nhỏ bé mà vô cùng quan trọng trong ngôi nhà của mình: dối trá, áp đặt.
Những đấng sinh thành đã từng trải qua giai đoạn như các con: ôn luyện đến kiệt sức, thi cử cân não. Thế sao họ vẫn điềm nhiên áp đặt vào thế hệ sau của mình, thậm chí tìm mọi cách dù gian dối để đặt con mình vào nơi chúng không thuộc về?
Sống hộ con: thương con hay là hại con?
Nhỏ thì bố mẹ chọn sẵn cho con từ giày dép đến áo quần; lớn lên chọn cho con ngành học, trường lớp; ra trường chọn cho con việc làm. Câu nói nằm lòng mà đứa trẻ nào cũng thuộc: “trên đời chỉ có ba mẹ thương con vô điều kiện thôi” liệu có thật sự đúng?
Điểm cao của con là niềm vui của cha mẹ, làm nghề danh giá như gia đình muốn là niềm kiêu hãnh đối với xã hội; thành công là thước đo cho sự hiếu thảo mà con cái cần đền đáp lại công lao của người lớn, những điều kiện ấy mặc định tốt cho con nhưng ba mẹ không quan tâm con thật sự phù hợp và yêu thích hay không?
Liệu đứa trẻ ấy có đang sống cuộc đời như mình muốn? Có lẽ nhiều ba mẹ đang vuốt ve cái danh của mình, “cố tình không biết’’ con cái đang chật vật sống như một gánh nặng phải trả. Liệu rằng ai cũng sẵn sàng nói với con sau những kỳ thi căng như dây đàn như đợt THPT quốc gia vừa rồi rằng: con đỗ hay trượt không quan trọng, chỉ cần con chọn con đường như con muốn, con sống tử tế và lương thiện, ba mẹ luôn ủng hộ? Đừng để mất con trong chính ngôi nhà của mình: nơi mà lẽ ra chúng được yêu thương, được tôn trọng mọi sở thích dù chúng có làm giáo sư, bác sĩ hay đơn giản chỉ là một thợ làm móng hay phục vụ nhà hàng.
Kỳ vọng của cha mẹ thực sự đáng sợ, nó không giết chết những đứa trẻ ngay lập tức mà gặm nhấm dần dần, biến chúng thành những cỗ máy được lập trình sẵn.
Một gia đình, nhiều gia đình, một đứa trẻ, nhiều đứa trẻ được tạo ra như thế sẽ trở thành một thế hệ thất bại.
Những đứa trẻ khổ sở và chán nản khi phải học những thứ chúng không hề muốn, làm những thứ chúng không hề thích. Chúng sẽ phát triển thế nào nếu không có đam mê, không cần phải chịu trách nhiệm trước lựa chọn của mình?
Trước khi nói đến những nguyên nhân vĩ mô mà xã hội phải chịu trách nhiệm, hãy tự hỏi: chúng ta, bậc làm cha làm mẹ đã thương con như thế nào? Con đã thật sự được thoát khỏi cái bóng của cha mẹ chưa? Chúng ta đang yêu con hay yêu chính mình qua con cái? Hy sinh cho con hay ích kỷ? Hai khái niệm này có phải đang bị đánh đồng với nhau? Và nếu cha mẹ không si mê thành tích và cật lực biến con thành cỗ máy chạy đua thành tích, thì liệu những “bàn tay ma thuật” sửa điểm kia có xuất hiện hay không?
Rất có thể sẽ còn tiếp diễn nhiều những vụ việc “phù phép” điểm ở Hà Giang như thế trên đất nước này nếu vẫn còn tồn tại tư duy biến con cái thành công như mình muốn bằng mọi giá trong đầu các bậc làm cha làm mẹ. Cái giá phải trả có khi sẽ day dứt đằng đẵng cả một cuộc đời con người bởi những suy nghĩ u mê, tăm tối ấy. Chúng ta có đang lạm quyền “làm” cha mẹ không?
Chuyện tiêu cực ở Hà Giang khiến tôi nhớ ngay đến câu chuyện nhặt nhạnh được trên mạng: một ông vua sai giết hết trâu trên đất nước để lấy da trải mặt đất giúp mọi người không bị chảy máu chân khi giẫm vào đá. Rồi một vị hiền triết đến hiến kế rằng ông chỉ cần ra lệnh làm cho mỗi người một đôi giày để đi, sẽ chẳng ai bị đau chân nữa.
Thay đổi những điều lớn lao chưa bao giờ có thể làm ngay lập tức và dễ dàng nhưng nếu chắt chiu, thay đổi từ những việc nhỏ thì hoàn toàn có thể.
Chúng ta có thể làm người thầy tốt trong ‘’trường nhà’’ của mình đúng không? Bạn có đang thực sự thương con mình?
Theo Trí Thức Trẻ