Chinh phạt tới một nửa thế giới, mở rộng sự bành trướng và sức ảnh hưởng trên khắp khu vực Âu-Á, đại quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn thực sự trở thành nỗi khiếp sợ của không ít quốc gia thời bấy giờ.
Thành Cát Tư Hãn là người sáng lập ra đế chế Mông Cổ hùng mạnh. Ảnh: Internet
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vừa phát hiện một nguyên nhân sâu xa làm chậm lại sức mạnh bành trướng của Đế chế Mông cổ trong hành trình chinh phạt, đó chính là biến đổi khí hậu .
Biến đổi khí hậu: Nguyên nhân sâu xa kìm hãm sự bành trướng của đại quân Mông Cổ
Theo đó, khu vực miền Trung và nhiều vùng khác ở Trung Quốc có khí hậu ấm lên bất thường vào thế kỷ 13, khiến cho năng suất lúa bỗng tăng vọt, lương thực dư thừa giúp nhà Nam Tống có điều kiện vững chắc để phát triển kinh tế và quân sự, ngăn chặn quân Mông Cổ đánh chiếm và kìm hãm sự bành trướng lớn mạnh của đế quốc này.
Vào thế kỷ 13, kinh tế của miền trung, miền đông và phía nam Trung Quốc rất phát triển, và giàu có tới mức chiếm tới hơn 60% GDP toàn cầu. Ngoài ra, nhiều phát minh quan trọng cũng ra đời và phát triển trong thời kỳ đó như thuốc súng và la bàn.
Điều này là minh chứng cho thấy biến đổi khí hậu đóng vai trò quan trọng giống như Vạn Lý Trường Thành ở phía Bắc Trung Quốc, giúp ngăn chặn quân Mông Cổ tấn công.
Nhóm chuyên gia chia sẻ trên tạp chí Biến đổi khí hậu: “Phát hiện quan trọng cho thấy một thời kỳ ấm áp đặc biệt với nhiệt độ gia tăng ở phần lớn Trung Quốc trong thế kỷ 13, đặc biệt là tại miền Trung, và miền Đông Trung Quốc“.
Dù không tham gia nghiên cứu nhưng Dong Guanghui, giáo sư chuyên ngành lịch sử địa chất học ở ĐH Lan Châu ở Cam Túc thuộc phía Tây Bắc của Trung Quốc, cho biết rằng, xã hội cổ xưa thường nhạy cảm hơn nhiều trước những tác động của biến đổi khí hậu do nền kinh tế lúc bấy giờ đa phần phụ thuộc vào nông nghiệp và các hoạt động kinh tế, giao thương có liên quan tới nông nghiệp.
Chính vì vậy, khí hậu ấm nóng bất thường đã vô tình đem lại lợi ích và năng suất vượt trội cho nhà Nam Tống, tạo tiền đề nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế và xây dựng quân đội vững mạnh.
Khí hậu dường như khá ưu ái và mang lại nhiều lợi ích cho nhà Nam Tống (1127-1279), giúp tạo vật cản thách thức cho Thành Cát Tư Hãn và những người kế vị ông sau này. Nhà Nam Tống sau đó chỉ bị quân Mông Cổ đánh bại khi bắt đầu suy yếu, kinh tế ngày càng kiệt quệ và nạn tham nhũng hoành hành.
Nghiên cứu đáng chú ý này do các chuyên gia bao gồm Giáo sư Shi Feng tại Viện Địa chất và Địa vật lý thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Trung Quốc dẫn đầu, kết hợp cùng các đồng nghiệp tới từ châu Âu, Nepal, Nhật Bản và Pakistan để tiến hành phân tích hàng trăm dữ liệu từ khắp thế giới, đồng thời so sánh về những biến đổi của nhiệt độ mùa hè ở khu vực châu Á trong suốt thiên niên kỷ qua.
Nghiên cứu đã cho thấy một cái nhìn toàn diện nhất về những tác động và ảnh hưởng rõ rệt của biến đổi khí hậu trong hơn 1.000 năm qua tại khu vực châu Á, bằng cách thu thập và phân tích các dữ liệu đa dạng từ trầm tích hồ, quần thể cây cối ở Mông Cổ và nhiều nơi khác.
Đại quân Mông Cổ thực hiện nhiều cuộc chinh phạt trên phạm vi rộng lớn trải rộng khắp Á-Âu. Ảnh minh họa
Đế chế Mông Cổ được thiết lập sau khi nhà quân sự tài ba Thành Cát Tư Hãn (1162-1227) hợp nhất các bộ lạc ở vùng đông bắc châu Á vào năm 1206. Tồn tại xuyên suốt thế kỷ 13, đại quân Mông Cổ hùng mạng của Thành Cát Tư Hãn đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới khi tiến hành kéo quân thực hiện nhiều cuộc chinh phạt.
Dưới thời trị vì của ông và các người kế vị sau đó, lãnh thổ của Mông Cổ trải rộng từ Á sang Âu, tới tận phía Tây xa xôi, trong đó có cả Ba Lan vào năm 1259.
Tuy nhiên, không thuận lợi như khu vực phía tây, việc mở rộng và bành trướng lãnh thổ của đại quân Mông Cổ về phía Nam được cho là chậm hơn nhiều.
Trên thực tế, mặc dù nhiều lần kéo quân tấn công để đánh chiếm phía Nam nhưng phải mất tới 4 thập kỷ thì hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn mới đánh bại được Nam Tống và tiến hành thống nhất, chinh phục hoàn toàn Trung Quốc vào năm 1279.
Một số sử gia cho rằng nhà Nam Tống cuối cùng cũng bị đánh bại bởi vì chính những suy yếu trong hệ thống kinh tế, nạn tham nhũng, lạm phát, quan liêu, hơn là sự kiên trì và tham vọng chinh phạt của đại quân có khả năng cưỡi ngựa và bắn cung thiện xạ như Mông Cổ.
Công cuộc chinh phạt nhà Nam Tống của đại quân Mông Cổ phải chờ tới 4 thập kỷ sau đó mới hoàn thành. Ảnh: Internet
Tuy nhiên, theo Giáo sư Dong Guanghui nhận định: “Từng có nhiều thời kỳ khí hậu ấm lên trong lịch sử, nhưng chỉ có duy nhất một Thành Cát Tư Hãn. Dù vậy, lịch sử đầy tính ngẫu nhiên và biến đổi khí hậu không quyết định mọi thứ“.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, các quốc gia, vùng lãnh thổ hay đế quốc lớn mạnh đều có thể được hưởng lợi ích hoặc chịu thương tổn trước những thay đổi của khí hậu.
Có vẻ như biến đổi khí hậu đã vô tình trở thành “vũ khí” uy lực cản phá bước tiến bành trướng của đại quân Thành Cát Tư Hãn về khu vực phía Nam Trung Quốc, và là nguyên nhân sâu xa giúp nhà Nam Tống giữ vững lãnh thổ ít nhất là trong khoảng 4 thập kỷ.
Thành Cát Tư Hãn (1162-1227) là người sáng lập ra Đế chế Mông Cổ sau khi hợp nhất các bộ lạc ở vùng đông bắc châu Á năm 1206.
Vị Khả hãn Mông Cổ này được coi là một trong những nhà lãnh đạo, nhà quân sự lỗi lạc và có vai trò rất quan trọng trong lịch sử thế giới.
Ông luôn được người Mông Cổ dành cho sự tôn trọng cao nhất. Lãnh thổ Mông Cổ dưới thời Thành Cát Tư Hãn trị vì trải rộng từ Á sang Âu, bao gồm nhiều khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Hungary, Đông Âu,…
Tham khảo nguồn: Ibtimes, SCMP
HELINO