“Ý điên” cụt chân trong bộ ảnh gây sốt của nữ nhiếp ảnh gia 9X
“Đến xã Đức Hòa ở Sóc Sơn, Hà Nội, hỏi Ý “điên” thì ai cũng biết. Ý thường cởi trần, mặc độc chiếc quần jean cắt ống, Ý chỉ còn một chân, sau vụ tai nạn giao thông, thường đi đất, di chuyển bằng cách nhảy lò cò nhiều hơn là mang nạng”.
Đỗ Vy (SN 1996) – nữ sinh tốt nghiệp thủ khoa ngành nhiếp ảnh, ĐH Sân khấu Điện ảnh (Hà Nội) đã mở đầu bài viết về nhân vật đặc biệt của mình như thế. Cách giới thiệu trần trụi, ngắn gọn và cô đọng về một người đàn ông tên Ý. Ông là tay hoạ sĩ già gân, trải qua bấy nhiêu năm cuộc đời, lại đọng một nỗi đau đầy da diết về tình yêu.
“Ông cũng đã yêu, một tình yêu không so đo tính toán. Mọi người bảo ông điên mới đi yêu một người con gái bệnh tật, đó là người vợ đầu của ông, và bà cũng nửa mê, nửa tỉnh như ông. Mặc, ông cứ nhẹ nhàng chấp nhận mọi may rủi mà số phận đem lại để rồi sau đó cũng không thể gặp nhau được nữa vì gia đình cấm cản. Và tượng của Ý cũng kì lạ, huyễn hoặc như chính sự tồn tại của ông. Ý còn vẽ cả tranh. Bức nào cũng vẽ cũng có đôi nam nữ xoắn xuýt bên nhau theo quan niệm âm dương giao hòa. Nhưng dường như ẩn chứa trong đó là nỗi khát vọng của ông về một mái ấm gia đình.
Đời Ý có hai người đàn bà, mà theo ông người đầu tiên thì có tình mà không có lý, còn người thứ hai thì có lý mà không có tình” – Vy chia sẻ.
Ý “điên” trở lại với nghệ thuật chính nhờ sự khích lệ của người thầy đã nhận ra tài năng của Ý – Nhà giáo Phan Cẩm Thượng, cộng với tình yêu thương của người anh ruột, ông Nguyễn Xuân Sơn, một người lính giải ngũ. Thế nhưng, ẩn sâu trong cái sự kiên cường đó, ẩn sâu sau cái sự ngưỡng mộ của người đời với tài năng của ông là những nỗi thống khổ mà chỉ có nghệ thuật cứu rỗi được.
Ý làm việc miệt mài, hối hả. Những bức tượng của ông lại xuất hiện với những gương mặt người, những số phận, những suy tư đọng trong những triết lý nhân sinh. Dường như tượng của ông cũng như cuộc đời ông, nằm trong cái hỗn độn của cái lí cái tình. Cái tình và lí đó làm mê hoặc con người.
Ý điên là lão chí phèo ngoài đời thực. Ảnh: Đỗ Vy
Dù là Ý điên trong mắt người đời, nhưng khi gặp ông, Vy không cảm thấy sợ hãi và xa lánh hay toát lên lòng thương xót cho số phận. Bởi như lời ông chia sẻ, ông tự thấy mãn nguyện: “Có hạnh phúc nào bằng khi sống mà được làm cái mình thích, được yêu cái mà mình yêu.”
Bộ ảnh đồ án tốt nghiệp của Vy đã xuất sắc giành được điểm 10 và gây ấn tượng mạnh với các thầy, cô giáo. Câu chuyện về một đời người đàn ông được Vy bóc trần qua từng lớp lang, góc cạnh. Nhờ Vy, Ý “điên” mới có dịp ôn lại cuộc đời mình một cách dung dị và an yên như thế!
“Người đời còn gọi Ý là gã Chí Phèo đời thật, bởi có được đồng nào, Ý chỉ dành để mua rượu. Có những ngày người ta tìm thấy Ý ngủ ở ven đường, có khi bên bờ ruộng, có khi ôm chai rượu chửi khắp xóm làng. Điều giống nhất là Chí Phèo đời thực cũng khao khát một tình yêu mãnh liệt”.
Người đàn ông “hóa điên” vì vợ đột ngột bỏ đi sau 12 năm chung sống
Chúng tôi tìm về xã Đức Hoà tìm gặp Ý “điên”. Vẫn bề ngoài phong trần như trong từng bức ảnh của Vy, Ý tiếp chúng tôi với vẻ thân tình và có chút gì đó bộc bạch. Ý “điên” tên thật là Nguyễn Như Ý (SN 1970, trú Sóc Sơn, Hà Nội). Anh vốn là một họa sỹ, một nhà điêu khắc nức tiếng một thời. Anh tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu (Đại học Mỹ thuật Việt Nam) năm 1995. Anh có một phong cách sáng tác rất độc, chẳng lẫn vào ai.
Họa sĩ, nhà điêu khắc Nguyễn Như Ý.
Tượng những người phụ nữ là đặc trưng sáng tác của Nguyễn Như Ý.
Anh có triển lãm vài lần ở Hà Nội, cũng hợp tác triển lãm đôi ba lần khác ở trời Âu. Ra trường, anh được gia đình mai mối với một người con gái trong làng. Cô ấy bị nhiễm chất độc màu da cam. Sau 12 năm chung sống êm ấm,bỗng một ngày vợ đột ngột bỏ đi không lời từ biệt. Gia đình nhà vợ trách Ý nhiều lắm, vì anh không đủ khả năng chăm sóc cho cô nữa nên đưa cô về. Kể từ đó, Ý trở thành người đàn ông cô độc, phải chăng là nhất trần gian luôn!
Một bức tượng vợ chồng mà anh đang đẽo dở.
Không còn người phụ nữ bên cạnh, anh Nguyễn Như Ý đắm mình trong công việc đẽo tượng.
Tuyệt vọng, quay về nhà ôm nỗi nhớ thương, anh nhấn chìm mình trong rượu. Rồi anh điên cuồng sáng tác, những khúc gỗ lớn có, bé có cứ qua tay anh lại thành một hình thù gì đó rất có hồn và rất độc. Hầu hết tác phẩm của Ý đều lấy đề tài yêu đương trai gái, hình ảnh vợ chồng hay gia đình đoàn viên hạnh phúc.
Những khúc gỗ tạc ra như hình mấy bức tượng trên đảo Phục Sinh, lại có dáng phong trần, khỏe khoắn, hoang dại như những tượng nhà mồ Tây Nguyên, nhưng cũng mang một điều gì đó rất “điên” của riêng Ý.
Từng gác đam mê điêu khắc, đạp xích lô nuôi vợ bệnh
Nói chuyện với chúng tôi, anh chia sẻ: “Anh quen cô ấy hồi mới ra trường, sống với nhau 12 năm, yêu thương nhau còn hơn cả bản thân mình, thế mà đùng một cái cô ấy bỏ đi không lời từ biệt. Hồi đó cô ấy sức khỏe yếu lắm. Sống với nhau ngần ấy năm, non nửa thời gian cô ấy nằm trong bệnh viện Bạch Mai vì bệnh tật. Cũng vì thế anh chả có tâm trí nào vẽ vời đục đẽo”.
Hồi đó, anh đạp xích lô trước cổng bệnh viện, vừa để có tiền vừa để có thời gian chăm vợ. Già nửa năm còn lại, anh đưa vợ về nhà chăm sóc và thực hiện công việc điêu khắc của mình. Anh khoe rằng “nuôi chừng ấy năm cô ấy cũng lớn thêm một chút, từ 25 ký lên gần 30 ký”. Nói rồi anh cười, nhưng điệu cười chỉ chực chờ cho nước mắt trào ra.
Một tác phẩm từng được triển lãm năm 2012 tại Hà Nội
Tượng la liệt khắp nơi
Một tác phẩm vẽ bằng sơn của Nguyễn Như Ý.
Thời trước, gia đình Ý đủ điều kiện để con trai học và theo nghề hoạ sĩ, thậm chí Ý nhận được cả học bổng. Nhưng anh bỏ tất cả, chọn cuộc sống như bây giờ. Tự hạnh phúc và thoả mãn vì làm được những điều mình yêu thích, Ý chưa bao giờ hối hận về sự lựa chọn này.
Giờ đây không còn vướng bận ai, một mình anh thích đi đâu cũng mặc, làm gì cũng kệ, thế nhưng anh chọn cuộc đời “ẩn dật”, sáng mò cua bắt cá như một nông phu, chiều cầm cọ vẽ tranh như một nghệ sỹ.
Mặt một người phụ nữ cách điệu.
Mấy năm trước, anh bị một tai nạn, cụt mất một chân, đi đâu cũng chỉ nhảy lò cò, có lẽ đó là một lý do khiến anh chọn đời ẩn dật. Nhưng còn lý do lớn hơn nữa chắc hẳn vì anh chưa quên được hình bóng người vợ bé nhỏ của mình. Khi được hỏi rằng anh có định lập gia đình không, anh trả lời một câu rất phó mặc “có chứ, chờ ai đến yêu mình thì mình lấy”.
Hình bóng người vợ in hằn vào từng suy nghĩ, từng điệu cười, giọng nói của anh. Hình bóng đó cũng in hằn lên những khối gỗ mà anh đục đẽo. Anh kể rằng bức tượng đắt nhất cũng có vài mươi triệu, bức rẻ nhất thì cũng đủ đãi một bữa rượu cho ai ngồi xem anh khắc. Có bức to cao hơn 6m, cũng có bức chỉ bằng ngón tay. Anh đục tượng rồi để đó, la liệt khắp nhà. Tượng anh không bán, ai ưng thì lấy, trả anh bao nhiêu tiền cũng được.
Đau vì vợ bỏ đi, anh còn phải đối mặt với phần đời chỉ còn 1 chân sau tai nạn. Chính vì thế anh đã chọn sống ẩn dật…
Số tác phẩm vô vàn nhưng vẫn có một điểm chung là khắc họa những nét mặt, ánh nhìn của hai người khác giới. Những người gỗ kia nhìn anh có phải bằng ánh nhìn của người đã bỏ anh đi không, điều đó khó ai biết, chỉ biết anh nhìn tác phẩm của mình với một ánh mắt tiếc nuối, đớn đau như nhìn cái gì đó đã từng của mình nhưng giờ không còn nữa.
Những khi không điêu khắc, anh lại nhận mình trong rượu khiến ai nhìn thấy cũng ái ngại, xót xa.
Trí thức trẻ