Trung bình hai đến ba tháng, các doanh nghiệp lại bước vào một đợt khủng hoảng mới. Nếu những khủng hoảng này không được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả, nó có thể đe dọa đến sự tồn vong của doanh nghiệp đó. Tương tự như vậy, mỗi cá nhân cũng luôn phải đối diện với những khủng hoảng về tài chính, gia đình hay sức khỏe có thể khiến bạn lao đao theo chu kỳ trên.
Tuy nhiên, khi bạn càng cảm thấy khó khăn, vấn đề càng trở nên hóc búa. Đối diện với thử thách khi khủng hoảng cận kề là cách duy nhất giúp bạn chứng minh với bản thân và mọi người bạn thực sự là ai.
Kiểm soát tức thì
Xu hướng tự nhiên khi mọi thứ tệ đi là phản ứng tiêu cực một cách thái quá; bạn có thể trở nên tức giận, buồn rầu, thất vọng hay lo lắng. Những suy nghĩ đầy áp lực và cảm xúc tiêu cực sẽ ngay lập tức làm tê liệt phần lớn bộ não của bạn, bao gồm cả vùng áo não mới, nơi giúp bạn phân tích, xử lý vấn đề và đưa ra quyết định.
Nếu không nhanh chóng và tỉnh táo ý thức được việc kiểm soát tinh thần và cảm xúc khi gặp khủng hoảng, ngay lập tức, bạn sẽ rơi vào trạng thái phản ứng “chống trả hoặc chạy trốn”. Khi mọi thứ trở nên tệ đi, bạn thường sẽ không muốn đối diện hay xử lý, nhưng chính những phản ứng đó lại chẳng thể giúp bạn thoát khỏi trạng thái khủng hoảng.
Hít một hơi thật sâu
Để giữ bình tĩnh trước khủng hoảng, việc đầu tiên bạn cần tránh là phản ứng ngay một cách không suy nghĩ. Thay vào đó, hãy hít một hơi thật sâu để tâm trí bạn bình tĩnh lại rồi nghĩ kỹ về những gì bạn sẽ nói và làm.
Hãy hình dung rằng tất cả mọi người đều đang dõi theo bạn. Hãy coi đó chỉ là một bài kiểm tra để tìm ra bạn thực sự là ai. Hãy nhìn nhận bản thân như một nhà lãnh đạo có thể gây ảnh hưởng đến những người đang noi theo bạn. Hãy tự nhủ rằng mọi người đều đang chờ xem bạn ứng phó với khủng hoảng ra sao.
Nguyên nhân chính của những cảm xúc tiêu cực là kỳ vọng bị sụp đổ; bạn mong đợi một đằng, mọi việc lại diễn ra một nẻo. Ngay lập tức, bạn sẽ phản ứng một cách tiêu cực. Điều này không có gì là lạ. Tuy nhiên, bạn cần phải tránh xu hướng tự nhiên này.
Nhận ra hai kẻ thù lớn nhất
Hai biểu hiện cảm xúc tiêu cực nhất khi gặp khủng hoảng hay thất bại là nỗi sợ thất bại và nỗi sợ bị từ chối. Cả hai trạng thái trên đều có thể gây tức giận, trầm cảm hoặc tê liệt.
Bạn trải qua nỗi sợ thất bại khi gặp nguy cơ mất tiền, khách hàng, vị trí, danh dự hay cuộc sống hoặc hạnh phúc của người khác. Đây cũng có thể gọi là nỗi sợ mất mát, đặc biệt là khi liên quan đến tài chính, nó tạo ra trạng thái lo lắng, áp lực hay thậm chí hoảng loạn.
Nỗi sợ bị từ chối thường liên quan đến việc sợ bị chỉ trích, bị đánh trượt, hay không đáp ứng được kỳ vọng của người khác. Khi một vài thứ trở nên tồi tệ, bạn thường cảm thấy mình bất tài vô dụng. Bạn cảm thấy xấu hổ, ngu dốt và mất mặt; cái tôi trong bạn bị tổn thương. Đây là những phản ứng bình thường và tự nhiên. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở cách bạn xử lý những nỗi sợ đó.
Hãy nhớ rằng phản ứng của bạn trước khủng hoảng sẽ quyết định tất cả. Đây chỉ là một bài kiểm tra. Thay vì hành động thái quá, hãy hít thật sâu, thư giãn và giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh và hiệu quả.
Suy nghĩ quyết định cảm xúc
95% cảm xúc của bạn dù tích cực hay tiêu cực đều được quyết định bởi cách bạn diễn giải mọi thứ đang diễn ra, qua cách bạn tự nhủ với bản thân. Nếu bạn tự giải thích một thất bại nằm ngoài mong đợi theo hướng xây dựng, bạn sẽ bình tĩnh và có khả năng kiểm soát hơn.
Cho dù trong đầu bạn có vô vàn dòng suy nghĩ, bộ não của bạn chỉ có thể xử lý từng thứ một, còn bạn thì luôn có quyền lựa chọn ưu tiên nghĩ điều gì trước. Bất kỳ lựa chọn nào của bạn cũng sẽ quyết định việc bạn có trở nên tức giận và bối rối hoặc bình tĩnh và tự chủ được hay không.
Hãy nhớ rằng hầu hết mọi việc trong cuộc sống không diễn ra như ý muốn hay chí ít ban đầu sẽ là như vậy. Luôn tự nhắc nhở bản thân rằng những vấn đề và khó khăn là một phần tự nhiên của cuộc sống mà bạn không thể tránh khỏi. Việc duy nhất bạn có thể kiểm soát được là cách ứng phó với chúng.
Giữ trạng thái bình tĩnh để tránh việc bi kịch hóa cuộc sống. Tránh diễn giải vấn đề theo cách tiêu cực thái quá. Không phải bất cứ thứ gì trông cũng tệ như lúc đầu. Bốn từ quan trọng nhất để vượt qua khủng hoảng là: “Kiểu gì cũng qua”.
Tìm hiểu kỹ vấn đề trước khi ứng phó
Thay vì hành động thái quá, hãy giữ bình tĩnh bằng cách đặt câu hỏi cho những người có liên quan, kiên nhẫn lắng nghe ý kiến của họ. Nếu giải pháp tồn tại, việc của bạn là tìm ra nó bằng tất cả những gì bạn biết trước khi ứng phó.
Thi thoảng, việc nói chuyện với những người mà bạn đủ tin tưởng về các vấn đề bạn gặp phải cũng sẽ giúp bạn nhanh chóng bình tĩnh trở lại và kiểm soát được tình hình. Đi dạo thật lâu và nhìn nhận lại vấn đề, xem xét nó dưới mọi khía cạnh, tìm kiếm mọi giải pháp khả quan. Luôn suy nghĩ tích cực dù có chuyện gì xảy ra, tìm ra điểm sáng trong mọi vấn đề hay tình huống. Đằng sau mỗi thất bại luôn ẩn chứa một cơ hội.
Tìm kiếm bài học giá trị
Dù có chuyện gì xảy ra, hãy luôn tìm kiếm bài học giá trị từ những khó khăn và thất bại. Trong mỗi vấn đề bạn đối mặt sẽ luôn tồn tại mầm mống của một khởi nguồn mới mang lại lợi ích ngang bằng hoặc lớn hơn. Khi tự ép mình tìm ra điểm tích cực và bài học đáng giá trong mọi tình huống hay trong khủng hoảng, bạn sẽ có thể giữ được bình tĩnh, sự tích cực và lạc quan. Bằng cách đó, năng lượng bộ não của bạn sẽ luôn ở trạng thái ổn định để giải quyết vấn đề và xử lý khủng hoảng.
Khi đối diện với khủng hoảng, hãy dành ra vài phút để nhắm mắt lại, hít thở sâu, hình dung rằng bạn đang bình tĩnh, tự tin, thư giãn và trong trạng thái hoàn toàn kiểm soát. Giữ thái độ tích cực, lạc quan với mọi người; phát ngôn từ tốn, lịch sự. Cư xử như thể bạn không quan tâm đến cả thế giới và dù có chuyện gì xảy ra cũng chẳng ảnh hưởng gì đến bạn.
Theo Trí Thức Trẻ