Ngày hôm qua, thí sinh cả nước đều đã biết điểm thi trong đợt THPT Quốc gia vừa rồi. Sau những cảm giác hồi hộp, lo lắng không biết mình đạt bao nhiêu điểm là sự vui mừng, hạnh phúc xen lẫn với cảm giác thất vọng, hốt hoảng khi nhìn vào điểm số.
Không phải ai cũng có tài năng trong học tập và gặp may mắn trong việc thi cử. Chắc hẳn có không ít bạn trẻ đang cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến “tương lai gần” của mình. Với số điểm như thế này, liệu có đi học đại học được không hay sẽ chọn một trường để học nghề hay lựa chọn ‘gap year’, năm sau thi lại…
Những suy nghĩ ấy cứ xoay vòng trong tâm trí, không thể biết câu trả lời là gì và ai sẽ là người trả lời những câu hỏi ấy. Tác giả Huyền Chip đã có chia sẻ những suy nghĩ của cô quanh vấn đề này. Hi vọng các bạn trẻ sẽ có được câu trả lời của riêng mình sau kì thi cam go này.
“Rất nhiều phụ huynh và học sinh đã hỏi mình: “Nếu trượt đại học thì em phải làm sao?”, câu trả lời của mình: chẳng làm sao cả.
1. Đại học không phải con đường duy nhất, càng không phải là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công. Không cần phải mượn đến hình ảnh những tỉ phú trên thế giới không học đại học, ở Việt Nam thôi, mình biết rất nhiều người có cuộc sống êm ấm mà chưa từng vào đại học.
Mở cửa hàng, học nghề đều có thể cho bạn một cuộc sống ổn định. Những nghề như công nghệ thông tin, thiết kế đồ hoạ trả lương rất cao và không yêu cầu bằng cấp. Những nghề này có thể học được dễ dàng qua mạng. Ngược lại, mình biết nhiều bạn học đại học ra vẫn thất nghiệp hay phải nhờ bố mẹ xin việc.
2. Trượt đại học không biến bạn thành tội đồ. Bạn thi đại học vì bản thân bạn, không phải vì bố mẹ bạn hay bất cứ ai, nên không ai được quyền yêu cầu bạn phải đỗ đại học vì họ. Nếu bạn đã cố gắng hết sức mà gia đình bạn vẫn thất vọng vì bạn, bạn có thể thất vọng vì họ đã không yêu thương bạn một cách không điều kiện.
3. Đỗ trượt đại học không làm thay đổi giá trị con người bạn. Bạn trước và sau khi biết điểm thi vẫn chỉ là bản thân bạn. Bạn không thua kém bạn của bạn chỉ vì nó đậu, bạn trượt. Bạn là một con người đầy đủ và hoàn thiện, bao nhiêu điểm số cũng không thể thay thế được bạn.
4. Nhiều bạn băn khoăn có nên thi lại hay không. Suy nghĩ của mình là: nếu bạn thực sự muốn làm một điều gì đó, thất bại một hay hai lần sẽ không làm bạn bỏ cuộc. Nếu bạn thực sự muốn học đại học, trượt năm nay thì thi lại năm tiếp theo. Nếu bạn không đủ động lực thi lại, rất có thể trong thâm tâm bạn chưa thực sự muốn học đại học, và như vậy, trượt đại học thì có làm sao?
5. Có bạn bảo với mình: nếu em trượt đại học em chẳng thiết sống nữa. Con người chúng ta mạnh mẽ hơn mình nghĩ, và những người thành công là những người có đủ tự tin sử dụng sức mạnh đó. Bạn đã vượt qua chọn lọc tự nhiên hàng triệu năm nay để có mặt trên cõi đời, bạn có thể vượt qua cái thất bại cỏn con mang tên trượt đại học này để tiếp tục tồn tại.
Nếu bạn trượt đại học, bạn có thể dành một vài ngày, hay một tuần, để buồn, để suy nghĩ về những điều bạn có thể làm tốt hơn, để lên kế hoạch cho tương lai. Có rất nhiều lựa chọn cho bạn vào năm tới:
– Thi lại năm tới
– Học một nghề
– Học các khoá học trực tuyến
– Tìm việc và đi làm
– Xách ba lô lên và đi
– Theo đuổi một dự án cá nhân
– Tham gia một câu lạc bộ
– Đọc thật nhiều sách
– Viết một cuốn sách
– Học một ngôn ngữ mới
– Đi tình nguyện
– Viết một ứng dụng trên điện thoại
Biết đâu, mười năm nữa nhìn lại, rất có thể bạn sẽ cảm ơn cuộc đời đã cho bạn cơ hội trượt đại học để bạn có thời gian phát triển đam mê thực sự của bản thân.
Chúc các bạn may mắn!”
Theo Trí Thức Trẻ