Khi vừa bước vào tuổi 13, bố mẹ cậu bé T.Đ lần lượt qua đời. Cậu lớn lên trong sự đùm bọc của họ hàng và những người hảo tâm, T.Đ học lên cấp 3 ở một trường trong thị trấn.
Hôm dó, T.Đ đang chạy bộ trong chợ, đột nhiên có một thứ gì đó từ chân cậu bé bay lên, cậu cảm thấy chân mình nhẹ bẫng. Hóa ra đôi giày quá cũ của T.Đ bị bong đế. Tuần sau, trường cậu mở cuộc thi thể dục thể thao, và cậu bé đã ghi tên tham gia môn chạy bền rồi. Giày lại hỏng mất rồi, cậu như ngồi trên đống lửa.
Sức bền của T.Đ rất tốt, cậu bé cũng thích chạy bộ. Bình thường, cậu luôn là người chạy nhanh nhất lớp trong môn thể dục. T.Đ kì vọng rất nhiều vào cuộc thi lần này, chẳng nhẽ lại bỏ cuộc vì đôi giày bị rách? Không còn cách nào khác, giờ chỉ có thể đi xin một đôi thôi.
T.Đ chạy đến hiệu giày duy nhất trong thị trấn. Chủ hiệu giày là một người đàn ông to béo. Cậu bé nói rõ ý đồ của mình với ông chủ. Ông chủ lạnh lùng nói: “Muốn xin không giày của ta á? Không có cửa đâu”. T.Đ đỏ mặt, tay vân vê tà áo, hận rằng không có lỗ nào mà chui xuống.
“Ông chủ à, cậu bé ấy đáng thương quá, ông cho cậu bé một đôi đi, coi như làm phúc”. Một vị khách hảo tâm lấy lời lẽ khuyên ông chủ hiệu giày. Cậu bé cảm động nước mắt rôi lã chã nhìn ông chủ với hi vọng ông ta có thể hồi tâm chuyển ý. Ông chủ hiệu giày chừng mắt quát: “Giày của ta phải có tiền mới mua được, dựa vào cái gì mà ta cho không cháu!”. Vị khách tức giận nói: “Đồ keo kiệt”, rồi bỏ đi.
T.Đ cúi đầu lặng lẽ bước ra ngoài, lúc đi đến cửa, ông chủ bỗng nói sau lưng cậu: “Muốn xin giày của ta không phải là không có cách”. Cậu bé đứng lại, ông chủ lại nói: “Chỉ cần cháu làm thêm ở đây 2 ngày, cháu sẽ nhận được một đôi giày”.
Hay quá! Ngày mai ngày kia đều được nghỉ, có thể đến làm thêm rồi, T.Đ nói nhanh: “Chú nói lời phải giữ lời nhé”.
Hôm sau, T.Đ đến làm việc. Cậu lau dọn kệ giày, lau từng đôi giày và sắp xếp gọn gàng lên giá. Cậu bé còn lễ phép đón tiếp từng vị khách. Thời gian đó, có một lô hàng được nhập về, cậu giúp dỡ hàng, mồ hôi nhễ nhại, lưng đau như sắp gãy, nhưng T.Đ lại cảm thấy chưa bao giờ vui vẻ đến vậy.
Thoáng chốc 2 ngày đã trôi qua. Buổi tối hôm ấy, trước khi đóng cửa hiệu, ông chủ cầm đôi giày thể thao mới tinh đưa cho T.Đ: “Của cháu đây. Cháu xứng đáng được nhận nó” .Cậu bé cầm đôi giày mà trong lòng vui không tả nổi.
Cuộc thi kết thúc, T.Đ giành được quán quân môn chạy bền. Cậu bé biết, nếu như không có đôi giày đó, cậu sẽ không thể giành được phần thưởng này. Đó chính là đôi giày tự tay cậu lao động mà có. Thật tuyệt biết bao!
Sau này, khi lên đại học, cậu bé T.Đ ngày xưa không còn nhận sự trợ giúp từ mọi người nữa, cũng không xin tiền trợ cấp học sinh nghèo từ nhà trường, mà tự mình đi làm thêm kiếm tiền chi tiêu. Cuộc sống tuy vất vả nhưng không đến nỗi thiếu thốn.
Sau khi tốt nghiệp đại học, T.Đ tìm được một việc làm tốt. Dù bận rộn với công việc nhưng cậu vẫn một lòng nhớ về cố hương. Hôm đó, tranh thủ thời gian rảnh, T.Đ bắt xe về thăm quê và thăm lại ông chủ hiệu giày xưa.
Hiệu giày vẫn còn đó, ông chủ cũng vẫn còn. T.Đ cầm trên tay đôi giày ngày xưa, dù nó đã cũ nhưng vẫn sạch sẽ, chứng tỏ T.Đ đã giữ gìn nó rất cẩn thận.
“Cháu vẫn giữ đôi giày này ư?”, ông chủ hỏi.
“Vâng ạ. Chú, cháu muốn hỏi chú một việc. Tại sao năm đó chú lại giúp đỡ cháu?”
“Ta đâu có giúp gì cho cháu?”, ông chủ nhoẻn miệng cười.
T.Đ nói: “Sau này cháu mới biết, đôi giày đó là hàng đắt tiền, ít nhất cũng phải 400.000. Cháu làm có 2 ngày làm gì được từng ấy tiền, hơn nữa chú cũng không cần đến cháu, chỉ là chú muốn giúp cháu mà thôi. Chú, chú nói đi! Tại sao chú lại làm thế?”.
Ông chủ im lặng một lúc lâu mới nói: “Được rồi, ta sẽ nói sự thật. Ngày này mấy năm trước, lúc cháu chạy vào quán xin giày, ta rất đau lòng. Ta biết, nếu cứ như vậy, cháu khó thành người. Bởi vì cháu đã quen với việc được người khác giúp đỡ. Thế là, ta giả vờ làm người xấu bắt cháu phải làm công hai ngày”.
T.Đ cảm động nói: “Cháu cảm ơn chú nhiều lắm. Chú đã dạy cháu biết tự lập”.
Ông chủ hiệu giày đã giúp T.Đ hiểu ra rằng: Trên thế giới này, chỉ có lao động mới gặt hái được thành công. Con người không thể dựa hoàn toàn vào sự chi viện, giúp đỡ của người khác; phải học cách tự lập bằng chính đôi tay của mình, như vậy mới nhận được sự tôn trọng của mọi người và thay đổi vận mệnh của chính mình.
Có người đã từng nói: Khi giúp đỡ những đứa trẻ nghèo, đừng để chúng cảm thấy rằng chúng đang nhận được sự bố thí, bởi vì nguyên tắc cao nhất của sự bố thí chính là giữ được giá trị của nhận.
Theo Trí Thức Trẻ