Trong đó, anh thú nhận đã từng bị mẹ tát và có những thời gian thất nghiệp, phải đi bán hàng cho mẹ vợ ở chợ Đồng Xuân.
Tôi tuy lớn tuổi, nhưng đến giờ vẫn thích ồn ào
Cách đây 5 năm, tôi đến nhà bạn tôi nhân dịp đầu năm mới. Đến nơi, tôi thấy một cặp vợ chồng rất trẻ. Bạn tôi có giới thiệu đó là những người viết thư pháp, và họ tặng tôi một chữ TĨNH.
Lúc đó, tôi có hỏi: “Tôi làm nghề này phải đi vận động suốt mà bạn tặng tôi một chữ tĩnh thì làm ăn gì”.
Bạn ấy liền giải thích một câu mà mãi sau này ngẫm lại tôi mới thấy đúng. Bạn ấy nói: “Anh có thấy lúc con quay nó quay tít nhất cũng là lúc ta nhìn thấy nó đứng im không? Đỉnh cao của động chính là tĩnh”.
Chữ TĨNH đó, đến giờ tôi vẫn treo ở nhà, và càng ngẫm lại càng thấy đúng.
Tôi tuy lớn tuổi, nhưng đến giờ vẫn thích ồn ào. Khi chúng ta đi xem một chương trình ca nhạc, ở trên là âm thanh còn bên dưới tất cả ngồi im phăng phắc. Đến khi tiết mục đó diễn ra thành công, người diễn viên đã cháy hết mình mà khán giả cũng vẫn im lặng thì họ sẽ rất buồn.
Nếu chúng ta cứ lặng im, dùng lí trí để dồn nén cảm xúc của mình thì chẳng còn gì thú vị nữa. Nếu tôi thấy hay, tôi sẽ hưởng ứng.
Không nên triệt tiêu tiếng ồn, nếu không thì sẽ rất buồn. Trong một gia đình thì cũng có ồn ào và im lặng. Đôi khi con trẻ đùa nghịch, ồn ào một chút thì bố mẹ sẽ cảm thấy khó chịu.
Tát xong, mẹ tôi kéo tôi xuống bếp và nói: “Mất dạy!”
Bố mẹ tôi là những người rất yêu thương nhau, hầu như không bao giờ có những chuyện cãi vã nào xảy ra hết.
Bố tôi hồi đó làm thẩm phán ở thị xã Phú Thọ. Vào một ngày, có một người bị tuyên án 18 tháng tù vì ăn cắp một thứ gì đó. Bố tôi xin giảm án cho người đó xuống còn 9 tháng.
Bà vợ người đó thấy vậy mới đem biếu nhà tôi 10 quả trứng và 10 con gà con để cảm ơn vì chồng bà ấy được giảm án. Mẹ tôi có nhận.
Lúc đó, lần đầu tiên tôi thấy bố tôi nặng lời với mẹ tôi. Ông nói: “Bà làm như thế là dã man. Người ta đã mắc tù tội như thế rồi, mình giúp người ta một tí mà lại nhận thế này là nhận hối lộ. Như thế là không được!”.
Bố tôi nói xong thì mẹ tôi khóc. Tôi nghĩ bà bị tổn thương nhiều lắm, không chịu được mới nói: “Bố sai rồi! Mợ đâu có đòi hỏi người ta mang đến. Người ta tự nguyện mang đến, nếu không nhận thì trả lại họ, sao lại phải nói như thế”.
Tôi vừa nói xong, mẹ tôi liền tát tôi một cái. Đó là lần đầu tiên tôi bị mẹ tôi tát. Tát xong, mẹ tôi kéo tôi xuống bếp và nói: “Mất dạy!”. Đó là câu chuyện thật của tôi.
Tôi đã không sai. Sau cú tát nhớ đời ấy, tôi vẫn không mảy may giận bố giận mẹ chút nào. Đến tận bây giờ, tôi vẫn nghĩ bố tôi đúng, mẹ tôi đúng. Bố tôi nói mẹ tôi như thế là đúng, còn mẹ tôi tát tôi cũng là đúng.
Sau chừng ấy năm, gia đình tôi tuy nghèo, nhưng rất hạnh phúc.
Thất nghiệp, tôi đành ra phụ mẹ vợ bán hàng tại chợ Đồng Xuân
Sau 12 năm học tại Liên Xô, tôi về nước với tấm bằng đỏ về nghiên cứu tiếng Hindi. Tuy vậy, bản thân tôi khá vất vả trong việc tìm kiếm một công việc thích hợp.
Thất nghiệp, tôi đành ra phụ mẹ vợ bán hàng tại chợ Đồng Xuân. Tôi cứ đứng ở đó, lúc nào có khách ngoại quốc vào, tôi phiên dịch cho bà và bà cho mình tiền đi uống cà phê, đi ăn sáng… Bà nuôi mình.
Sau đó, khi biết ban Thể thao của VTV đang cần người, tôi xin vào thử việc. Tôi được giao dịch một bản tin thể thao (dài 30 phút) từ đài Hoa Sen của Liên Xô sang tiếng Việt.
Sản phẩm đầu tiên của tôi ở Đài bị đánh giá là hơi Tây. Đây là bài học quý giá giúp tôi thay đổi cách thức đưa tin để tiếp cận với công chúng trong nước.
Sau đó, tôi được giao biên tập và bình luận các chương trình thể thao của Liên Xô. Nhưng chỉ sau vài tháng, tôi cảm thấy chán và bỏ việc, quay trở lại giúp mẹ vợ bán hàng ở chợ Đồng Xuân.
Năm 1988, tôi quay trở lại Đài và được giao nhiệm vụ tường thuật trực tiếp các trận đấu của Olympic Seoul.
Tiếp đến, tôi nhận thêm công việc dịch kịch bản phim, thuyết minh phim. Sau đó, tôi làm chương trình VKT thuộc ban chuyên đề của Đài truyền hình Việt Nam.
Vào năm 1995, Phó tổng giám đốc của Đài VTV đưa ra lời đề nghị với tôi rằng: Một là ở lại ban chuyên đề và được cân nhắc làm lãnh đạo, hai là chuyển sang kênh mới thành lập là VTV3 nhưng chỉ được làm nghề thôi.
Cuối cùng, tôi chọn sang kênh VTV3 và gắn bó từ đó tới năm 2017.
Trí thức trẻ