Ông Mario Sepulveda “ăn mừng” với các nhân viên cứu hộ sau khi là người thứ hai được giải cứu khỏi lòng đất vào ngày 13/10/2010. (Ảnh: Reuters)

Sự sống sót của những người thợ mỏ Chile sau tai nạn hầm mỏ vào năm 2010 từng là câu chuyện về tình yêu sự sống và niềm hy vọng nhưng ít ai biết rằng cho đến nay, nhiều người trong số họ đang sống trong tuyệt vọng vì những chấn thương tâm lý đeo đẳng nhiều năm ròng.

Ông Mario Sepulveda – một trong 13 người thợ mỏ Chile bị mắc kẹt 69 ngày dưới lòng đất chia sẻ rằng: “Tôi vẫn từng ngày phải chịu đựng những ảnh hưởng tâm lý và điều này thật không dễ dàng gì”.

Đến nay, người thợ mỏ này vẫn gặp vấn đề về thị lực nên ông thường phải đeo kính râm và không thể nào ngủ ngon.

“Khi chứng kiến các cầu thủ nhí Thái Lan cũng bị mắc kẹt như chúng tôi, tôi cảm thấy vừa lo lắng vừa đau lòng bởi điều này gợi lại tất cả những điều đã từng xảy ra với chúng tôi”, ông chia sẻ.

Vài ngày trước đó, Sepulveda với biệt danh là “siêu thợ mỏ Mario” cùng những đồng nghiệp từng bị mắc kẹt dưới lòng đất đã đăng tải một video gửi những tin nhắn động viên tới các cầu thủ nhí Thái Lan.

“Tôi luôn theo sát tin tức về đội bóng từ ngày đầu tiên cho đến ngày cuối cùng. Tôi rất quan tâm đến diễn biến của sự kiện này”, ông cho biết thêm.

Cũng giống như câu chuyện về đội bóng Thái Lan, những nỗ lực nhằm cứu ông Sepulveda và những người thợ mỏ khác từng trở thành tâm điểm của thế giới sau khi họ bị mắc kẹt dưới lòng đất do hầm mỏ bị sập vào ngày 5/8/2010.

Mặc dù thời gian các cầu thủ nhí Thái Lan phải ở lại trong hang động ngắn hơn nhiều so với những người thợ mỏ Chile nhưng các nhà tâm lý học cho rằng các cậu bé có thể sẽ trải qua những ám ảnh tâm lý kéo dài.

Luis Urzua là người thợ mỏ cuối cùng được cứu ra ngoài đã có những chia sẻ với trang CBC News: “Trong những người đồng nghiệp của tôi, có rất nhiều người không muốn nói về vụ sập hầm mỏ bởi đến nay, họ vẫn còn cảm thấy kinh hoàng về những điều đã xảy ra”.

Thợ mỏ Chile cảnh báo đội bóng Thái Lan về những ám ảnh hậu giải cứu - Ảnh 1.

Người thợ mỏ Luis Urzua hét lên “Chile muôn năm” khi ông được giải cứu và đưa đến bệnh viện ở Copiapo, Chile vào ngày 14/10/2010. (Ảnh: AP)

Urzua chính là thủ lĩnh đã giúp những người thợ mỏ khác trụ được trong 17 ngày đầu sau khi hầm mỏ bị sập và họ không có bất kỳ liên lạc nào với bên ngoài.

Ông cho biết một vài người trong số họ vẫn tiếp tục làm việc ở hầm mỏ nhưng họ phải “tỏ ra thật mạnh mẽ” bởi những người này sợ sẽ mất việc nếu họ có bất kỳ biểu hiện không tốt nào về sức khỏe.

“Đây là một trong những vấn đề lớn mà những người thợ mỏ này gặp phải. Vài người trong số họ đến giờ vẫn không tìm được việc do những ảnh hưởng tâm lý”.

Urzua cho rằng các cầu thủ nhí sẽ cần dựa vào bạn bè và gia đình để đối mặt với những vấn đề tâm lý mà họ có thể sẽ gặp phải sau những gì đã trải qua.

“Tôi nghĩ về mặt tinh thần, những đứa trẻ vẫn còn rất yếu. Các cậu bé còn quá nhỏ khi trải qua nỗi ám ảnh này. Đây là lúc gia đình của các em cần sát cánh, động viên và yêu thương các em nhiều nhất có thể.”

Còn với Sepulveda, ông tin rằng đội bóng đang hồi phục tốt bởi chính quyền và những nhân viên y tế vẫn luôn chăm sóc cũng như giúp các em vượt qua những vấn đề về tâm lý và sức khỏe sau khi được cứu khỏi hang động.

“Họ biết cách chăm sóc cho những đứa trẻ. Vì thế, tôi không có gì phải nghi ngờ việc các cậu bé sẽ hồi phục tốt, tốt hơn nhiều so với chúng tôi”.

Ông Urzua cũng tin tưởng chính quyền Thái Lan đang bảo vệ tốt cho những cậu bé khi không để các em xuất hiện trước truyền thông.

“Bây giờ không phải là thời điểm để trò chuyện với các cậu bé vì các em chỉ vừa mới được cứu ra ngoài”.

Urzua còn nói về việc đội bóng có thể bị lợi dụng vì những gì đã trải qua. Đến giờ, ông vẫn còn cảm thấy cay đắng khi nghĩ về những người đã lợi dụng câu chuyện của họ để viết sách, làm phim nhưng cuối cùng những người thợ mỏ vẫn không được đền bù xứng đáng.

“Chúng tôi không biết phải đối mặt với những điều này như thế nào. Không có ai hướng dẫn chúng tôi hay cho chúng tôi biết chúng tôi phải làm gì và rốt cuộc thì chúng tôi đều bị họ lừa. Nếu những đứa trẻ muốn kể câu chuyện của chúng, chúng không nên đưa câu chuyện ấy cho ai đó bất kỳ, nhất là những kẻ chỉ biết lợi dụng”, ông Urzua bày tỏ.



THEO CTV KIỀU ANH


NGƯỜI LAO ĐỘNG

Write A Comment