Tag

trà sữa

Browsing

Có thể với nhiều người, 5 triệu tiền lương không thể nuôi sống bản thân khi sống ở Thủ đô đắt đỏ, nhưng với tôi, có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít. Với một mức lương hạn chế như vậy, tôi thậm chí còn tiết kiệm được tiền để đi du học tự túc, mua nhà chung cư và đi du lịch nhiều nơi, kể cả nước ngoài.

Tôi đã sống sót với mức lương 5 triệu/tháng như thế nào?

Năm nay tôi 28 tuổi. Khi mới đi làm, cách đây tầm 5-6 năm, khoảng những năm 2012-2013, mức lương cơ bản mà tôi nhận được là 5 triệu/tháng. Tôi biết mức lương này là khá thấp, nuôi một mình nhiều khi còn không biết có đủ không. Vì thế, tôi đã phải tính toán rất chi li để tránh không lãng phí từng đồng một.

Nhưng cũng may cho tôi, thuê được nhà rẻ và lại ở chung với bạn nên cũng bớt được một khoản tiền. Mỗi tháng, tôi chỉ cần chi 1 triệu rưỡi cả tiền nhà đã bao gồm tiền điện nước. Hơn nữa, thỉnh thoảng các mẹ vẫn gửi thực phẩm sạch lên, mấy đứa tôi cũng chăm chỉ nấu cơm, buổi sáng chịu khó dậy sớm chuẩn bị đồ ăn trưa, tranh thủ ăn sáng luôn ở nhà nên cũng tiết kiệm được một khoản mà lại tốt cho sức khỏe.

Vì là con gái nên tôi ưu tiên cho mình hẳn một khoản tiền để đi shopping mỗi tháng, mua ít nhất là một món đồ mới. Tôi ước tính trung bình mỗi tháng tôi dành khoảng 1 triệu để làm đẹp cho bản thân và cũng là cách để xả stress mà không làm phiền đến ai. Bù lại, tôi ít đi chơi, rất hạn chế đi chơi nên vị chi mỗi tháng chỉ tốn có 500 nghìn để gặp bạn bè, ăn mấy bữa, tám chuyện mà thôi.

Lương 5 triệu/tháng: Tôi vẫn tiết kiệm được tiền để đi du học tự túc, mua nhà chung cư 1,5 tỷ và đi du lịch nhiều nơi - Ảnh 1.

Những khoản còn lại như xăng xe, tiền điện thoại, tiền đi ma chay hiểu hỉ, các khoản phát sinh khác, tôi khoanh vùng tầm 1 triệu. Tổng tiền chi tiêu một tháng đúng bằng số lương kiếm được, tôi luôn cố gắng không bị vượt hạn mức. Còn số tiền thưởng của công ty, tôi dành để tiết kiệm. Vì nhận được bài học của năm đi làm đầu tiên, không có tiền thưởng, lúc nào cũng “âm tiền” trong tài khoản nên tôi nhận ra đã đi làm là phải tiết kiệm.

Sau khi đi làm 2 năm, tôi quyết định đi du học học Thạc sĩ. Bố mẹ ở nhà cũng không dư tiền để cho tôi đi học mà số lượng học bổng khá cạnh tranh nên tôi xác định mình sẽ đi du học tự túc bằng chính tiền của mình. Tôi quyết tâm cắt hết các khoản chi tiêu không cần thiết như mua sắm quần áo, đi chơi với bạn bè. Ngoài ra, tôi cũng có khoản thu nhập khác bên ngoài, tôi tập tành bán hàng online, mỗi tháng kiếm thêm được từ 3-5 triệu, thâm niên làm việc nhiều hơn nên tiền thưởng cũng nhiều hơn. 

Tổng kết lại, tôi đã tiết kiệm được 150 triệu sau 1 năm rưỡi để đi du học.

Tất nhiên, số tiền 150 triệu này chẳng thấm tháp gì khi sang Tây Ban Nha du học cả, còn không đủ để tôi đóng tiền học phí nữa là tiền trang trải sinh hoạt. Tiền không có, người thân cũng không bên cạnh, nhiều lúc, tôi thực sự chỉ muốn bỏ dở chương trình rồi xách vali về với bố mẹ.

3 tháng đầu khổ quá, học khó mà lại còn phải đi làm thêm kiếm tiền nữa, những ngày tháng ấy nghĩ lại thấy vẫn nghẹn lòng. Nhưng, 2 năm ở Tây Ban Nha là thời gian đẹp nhất của cuộc đời tôi và tôi không bao giờ hối hận về lực chọn có chút “táo bạo” của mình. Tôi đã sử dụng 2 năm ấy để thực sự sống, để trải nghiệm, và cũng nhờ vậy, 2 năm ấy đem lại cho tôi nhiều cơ hội sau này. Đi du học quả thật là một trải nghiệm nên có của mỗi người trẻ.

Tiền học phí năm 2015 của trường tôi đăng kí là tầm 220 triệu dành cho sinh viên không thuộc châu Âu. Ăn ở, chi tiêu một tháng, tôi cho phép mình chỉ được tiêu trong khoảng 500 €, tức là 15 triệu. Mặc dù vậy, tôi cảm thấy việc chi tiêu vẫn thoải mái, tôi cũng không bỏ lỡ quá nhiều ‘party’ sinh viên. Cũng nhờ việc bán hàng online thuận lợi nên tôi luôn dành ra được một khoản, khi về còn biếu bố mẹ và “dắt túi” một số vốn. 

Trong thời gian đi du học, tôi và bạn bè cũng tranh thủ đi du lịch một vài nước châu Âu: Ý, Hy Lạp, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển. Chúng tôi vẫn còn là sinh viên nên tính toán khá kĩ lưỡng trước mỗi chuyến đi sao cho tiết kiệm, chúng tôi đặt nhà qua Airbnb, chúng tôi mua đồ về nhà nấu chứ không đi ăn hàng. 

Lương 5 triệu/tháng: Tôi vẫn tiết kiệm được tiền để đi du học tự túc, mua nhà chung cư 1,5 tỷ và đi du lịch nhiều nơi - Ảnh 2.

Tôi quyết định “thắt lưng buộc bụng” thêm lần nữa để mua chung cư.

Đầu năm 2017, tôi trở về Việt Nam, kết thúc những ngày tháng tự do ở nước ngoài và lại bắt đầu lao vào công cuộc kiếm tiền và tiết kiệm tiền cho cuộc sống độc thân. Tôi quyết định mua nhà vào tháng 10 nhờ có chút vốn tích cóp được khi đi du học và tiền bán hàng là khoảng 300 triệu. Tội chọn một căn chung cư khá ổn, giá 1,5 tỷ, tôi vay ngân hàng 1,2 tỷ.

Và tôi lại tiếp tục tiết kiệm. Mức lương ở công ty cũ của tôi vẫn không thay đổi 5 triệu/tháng. Ăn sáng ở nhà, buổi trưa mang cơm theo, hạn chế ăn hàng, đi chơi với bạn bè, không đi mua sắm khi không cần thiết. Với một quy định nghiêm ngặt như vậy cho bản thân, mỗi tháng tôi để dành được khoảng 15 triệu để trả nợ.

Số tiền dư dả, tôi dành để đi du lịch nghỉ dưỡng. Hiện tại, tôi đã nghỉ ở công ty cũ và có một công việc mới thu nhập tốt hơn, thời gian cũng không ràng buộc nhiều nên tháng nào cũng đi du lịch kể cả trong nước và nước ngoài, ít là 3-4 ngày, nhiều là 2-3 tuần. Thỉnh thoảng, tôi vẫn gửi tiền biếu bố mẹ. 

Tôi độc thân nên bản thân không đặt nặng vấn đề nợ nần vì nếu khổ quá hoặc không có khả năng thì bán nhà đi trả nợ là xong. 

Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi khuyên các bạn nên tìm nguồn thu ngoài lương, quản lý tài chính tốt và bỏ uống trà sữa thì tiết kiệm tiền là điều chắc chắn có thể.

*Bài viết dựa theo chia sẻ chi tiêu của chị Trang Nguyễn.



PV (Ghi lại)


Theo Trí Thức Trẻ

“Ai rồi cũng sẽ rơi vào cảnh nghèo nàn, nhưng cuộc sống của bạn sẽ không vì vậy mà trở nên tẻ nhạt, hãy chấp nhận nó”

Khái niệm “nghèo” của người trẻ thời đại ngày nay không còn là khái niệm nghèo mà ăn không đủ no, quần áo không đủ mặc trong truyền thống nữa. Nhiều người cho rằng nếu tiền trong thẻ ngân hàng chỉ còn 6 con số thì họ chính là người nghèo, nhưng làm ơn bởi cái khái niệm “cuộc sống khốn khó” của các bạn trẻ bây giờ vẫn còn sướng hơn cha mẹ chúng ta thời trẻ hàng trăm lần.

Ngày xưa, chỉ cần không gọi taxi mà chăm chỉ ngồi xe bus, bớt mua một hai bộ quần áo, ít đi ăn hàng quán bên ngoài, tiết kiệm chút tiền là có thể giải quyết được vấn đề “nghèo”. Còn nghèo trong mắt giới trẻ ngày nay chính là không đủ tiền để duy trì mức sinh hoạt cơ bản. Chúng ta luôn miệng nói không tiết kiệm được tiền, vẫn chưa đủ tiền để mua nhà, hay phải nơm nớp lo lắng những lúc ốm đau bệnh tật, nhưng khi có được chút tiền thì lại lập tức mang đi mua trả góp cho chiếc xe mà mình “khá thích”, đi du lịch thì phải ở khách sạn 4, 5 sao, quần áo mặc cũng phải là đồ hiệu…

Vì sao chúng ta lại “nghèo” như vậy?

“Nghèo” dường như đang dần trở thành một cái “mác”, nói cho cùng thì chúng ta nghèo không phải vì chúng ta không kiếm được tiền mà là vì chúng ta càng ngày càng biết cách tiêu tiền. Nhà xã hội học nổi tiếng người Mỹ Daniel Bell trong cuốn sách “The cultural contradictions of capitalism” (tạm dịch: “Mâu thuẫn trong văn hóa chủ nghĩa tư bản”) của mình từng nhắc đến tầm quan trọng của việc “tiêu tiền” trong xã hội đương đại: “Văn hóa của chủ nghĩa hậu hiện đại sẽ không còn liên quan tới việc làm sao để đạt được thành tựu nữa, mà thay vào đó nó sẽ liên quan tới việc làm sao để tiêu tiền, làm sao để hưởng thụ”.

Kiếm 6 triệu tiêu hết 5 triệu: Người trẻ bây giờ nghèo vì không biết kiếm tiền hay vì ngày càng biết tiêu vì lợi ích cá nhân? - Ảnh 1.

Tháng 11 năm 2017, báo cáo điều tra của Mckinsey về người tiêu dùng của Trung Quốc Double-clicking on Chinese Consumer có đề cập đến rằng từ nay đến năm 2030, nhóm thế hệ 9X, nhóm chiếm 16% dân số Trung Quốc sẽ đóng góp hơn 20% vào tổng lượng tiêu dùng của nước này, cao hơn bất kì nhóm người thuộc thế hệ ngoài 9X. 

Hơn nữa, nhóm người này dường như không có ý niệm về tiết kiệm tiền (nói đúng hơn là không thể tiết kiệm tiền), số tiền mà họ kiếm được đều được tiêu vào quần áo, mỹ phẩm hay những cuộc du lịch nói đi là đi, họ vô cùng coi trọng ngoại hình, cũng rất quan tâm đến các hoạt động chăm sóc vóc dáng. Theo thống kê, có đến 35% số người thuộc thế hệ 9X đồng ý chi trả những khoản phí đắt đỏ để chăm chút cho vóc dáng của mình.

Trước mắt thì có lẽ không có việc gì đơn giản hơn việc tiêu tiền cả. Công việc bận rộn cùng với việc bị vây quanh bởi cái gọi là chủ nghĩa tiêu dùng hiện nay đã góp phần khiến cuộc sống trở nên bí bức, ngột ngạt, càng bận rộn thì lại càng muốn tiêu tiền để “giải sầu”, trà sữa, thú cưng, hàng xách tay, du lịch, club… Mua sắm giờ đây dường như đã trở thành một hành vi xã hội cơ bản của người trẻ hiện nay.

Chúng ta ai mà chưa từng nghèo qua?

Có lẽ ngoài tổ tiên nguyên thủy của chúng ta ra thì dù là thời đại nào, dù là ai đi chăng nữa thì cũng đều đã và đang phải gồng mình với guồng quay của cuộc sống.

Khi chúng ta còn trẻ thì nghèo là chuyện bình thường. Còn nhớ khoảng thời gian khi tôi còn du học ở Anh, vì để tiết kiệm chút tiền mà chỉ dám ăn đồ ăn đóng hộp trong siêu thị, không bao giờ nghĩ đến chuyện ngồi taxi, đi làm thêm ở quán ăn thì sẽ mang thức ăn còn thừa lại ở đó về nhà ăn.

Kiếm 6 triệu tiêu hết 5 triệu: Người trẻ bây giờ nghèo vì không biết kiếm tiền hay vì ngày càng biết tiêu vì lợi ích cá nhân? - Ảnh 2.

Tôi cũng từng gặp một họa sĩ trẻ tuổi người Châu Âu, cậu ta có thể duy trì cuộc sống qua ngày là nhờ lòng hảo tâm của cư dân mạng đối với tác phẩm của mình và nhờ trợ cấp từ chính phủ. Cứ bán được tác phẩm này lại phải tiếp tục tích góp để đầu tư cho tác phẩm sau. “Chúng ta nghèo quá!”, tôi vẫn còn nhớ câu nói đó của cậu ta, thế nhưng giọng nói đó không hề có ý gì là trách móc hay phảng phất chút tham vọng đổi đời, dẫu sao thì giàu có cũng không phải mục tiêu suốt đời của cậu ta.

Trong thời đại cách mạng công nghệ bùng nổ như hiện nay, ngày càng có nhiều cách để tiêu tiền, vậy tại sao con đường khẳng định giá trị bản thân không vì vậy mà trở nên phong phú đa dạng hơn? Nếu như thời đại công nghệ thông tin khiến chúng ta ngụp lặn, theo đuổi cái thứ gọi là “giấc mộng giàu sang” thì thiết nghĩ trước khi cái giấc mơ đó thành sự thật thì chúng ta ai cũng sẽ phải “nghèo” một lần trong đời.

Định nghĩa “nghèo” phụ thuộc vào cách hiểu của mỗi người, đặc biệt đối với giới trẻ hiện nay, không khó để bắt gặp những câu nói như: “còn trẻ là phải hưởng thụ”, “tiết kiệm làm gì, hết tiền lại kiếm tiếp”, “chúng ta chỉ có một tuổi trẻ, sống là phải hưởng thụ”… Đúng! Những suy nghĩ như vậy không sai, bạn hoàn toàn có thể sử dụng tuổi trẻ của mình theo cách mình muốn nhưng cũng cần phải nghĩ đến “trách nhiệm” mà bạn phải gánh vác trong tương lai. 

Chúng ta còn trẻ nhưng chúng ta đồng thời cũng là người lớn, và người lớn thì cần phải biết chịu trách nhiệm với bản thân và những người thân xung quanh mình. Tiêu tiền không hề sai nhưng hãy tiêu đúng cách, hãy “hoang đúng cách”. Đừng để thế hệ trẻ là thế hệ nghèo vì hoang phí mà hãy là một thế hệ “nghèo” nhưng nghèo vì tiêu tiền đúng chỗ, đúng mực.



Như Quỳnh


Theo Trí Thức Trẻ