Tag

hàng hiệu

Browsing

Thế giới người ta chia ra thành Cha giàu – Cha nghèo, mẹ Hổ mẹ Gấu, mẹ Nhật mẹ Hàn… còn trong thế giới tư duy giản đơn của tôi, tất cả phụ huynh trên thế giới đều có thể được chia thành hai nhóm: phụ huynh Boomerang và phụ huynh Mũi Tên, không phải dựa trên điều kiện kinh tế hay học vấn, mà dựa trên bạn muốn con bạn trở thành cái gì.

– Nếu bạn là phụ huynh Boomerang, không có nghĩa là bạn đang nuôi dạy con kiểu Úc, mà là cách giáo dục của bạn đang khiến các con trở thành những cái boomerang như của thổ dân Úc. 

Tức là dù bạn có dành cả tuổi thanh xuân, tiền bạc và của cải, thời gian và tâm huyết để “phóng” con vào đời, thì dù có gắng sức đến mấy, phóng sang Âu hay sang Mỹ, những đứa trẻ vẫn sẽ quay trở lại đúng điểm xuất phát: vòng tay bao bọc của bố mẹ và không mang gì về ngoài những nỗi thất vọng – thậm chí là sụp đổ niềm tin cho các bậc phụ huynh. Điều mà không ít người đã và đang gặp phải.

Một cô bạn của tôi, sau khi “đốt” đôi ba tỷ cho cậu con trai đi học trời Tây, là điển hình cho các phụ huynh Boomerang. Chàng trai 22 tuổi trở về, điều khác biệt duy nhất là chuyển từ ‘rich kid’ thành ‘big kid’ đúng nghĩa. Vẫn thức đêm ngủ ngày, cày ‘game’ cả tuần và không kiên nhẫn làm được việc gì ngoài chờ cơm mẹ nấu rồi gọi xuống ăn. 

Cả năm trời sau khi về nước, “niềm kỳ vọng” to lớn vẫn không hề tính đến chuyện ra khỏi nhà và làm một công việc gì đó để sống. Việc thì chê ít tiền, việc thì chê không xứng tầm, việc thì kêu quá sức… thế nên bạn ấy chỉ làm một việc vừa sức nhất đó là ở nhà: ăn và ngủ. 

Cười không được, khóc không xong, cô bạn tôi không biết phải ứng xử thế nào với cái boomerang mang tên “con nhà mình”, được bao bọc trong quần mấy chục “củ”, áo mấy trăm “chai”, còn giá trị cống hiến đối với xã hội thì đến nay vẫn còn là đáp án sai trong mọi phép tính. 

Chuyện rich kid mặc quần áo chục triệu: Là phụ huynh, nên yêu con vừa đủ, đừng yêu con vô điều kiện! - Ảnh 1.

Yêu con hơn cả yêu mình, thương con hơn cả thương mình… thường vẽ đường chỉ lối cho những đứa con nhanh tiến đến cái thái độ sống vô ơn – bất cần và sống mòn ngay cả khi còn trẻ. Tôi nghĩ câu chuyện trên đây là tất yếu khi mà mặt bằng nhu cầu cuộc sống trung bình chỉ cần 1 đồng, con chưa kêu thiếu, bố mẹ đã cấp sẵn 2 đồng vì sợ con thiếu thốn. 

Và dần dần, đứa con sớm hay muộn cũng nghiễm nhiên đòi hỏi phải có được 3 đồng đơn giản chỉ vì nó là con của bố mẹ nó, chứ chẳng vì lý do gì khác. Khi bé không cần phải ra sức thực học, vì chưa thi bố mẹ đã lót sẵn đầu ra, khi lớn không phải lo thực làm vì bố mẹ đã trải sẵn ghế cho ngồi… và sốt sắng sống thay luôn mảnh đời con trẻ. Thậm chí đóng vai ông bà kiêm luôn bố mẹ của cháu nếu các con đã lớn mà chưa chịu khôn.

– Phụ huynh Mũi tên họ chọn khác. Họ cũng vất vả nuôi dạy con suốt cả thời tuổi trẻ như một cánh cung căng hết mình để bắn mũi tên phóng nhanh về phía trước – về tương lai. Mũi tên bắn ra không bao giờ quay lại được, và bọn trẻ “mũi tên” cũng vậy, hiếm khi nào làm phiền đến cha mẹ, sống tự trọng và trách nhiệm hơn hẳn thế hệ boomerang. 

Đơn giản là vì bố mẹ cung tên luôn chân thành với con, làm cho con nhận thức rõ hoàn cảnh và điều kiện thực tế của gia đình, giúp con xây dựng “hồng tâm” – tầm nhìn về cuộc sống tương lai dựa trên năng lực bản thân, và cổ vũ nhiệt thành cho sự cố gắng của con chứ không phải nài ép. 

Họ tập thành thục cho con kỹ năng nguyên thuỷ nhất của mọi loài động vật: lên kế hoạch và tổ chức cuộc sống, và sẵn sàng cho đời sống độc lập khi trưởng thành. Họ cũng sắt đá vượt qua chính mình, vượt qua tình cảm tự nhiên để chặt đứt mọi cơ hội – mầm mống của sự ỷ lại; không bao giờ lấy đời mình làm phương án dự phòng cho tương lai con trẻ. 

Họ hiểu rõ sự hữu hạn của thời gian, và sự cần thiết sống còn của tinh thần tự lực. Họ rạch ròi giữa tình cảm yêu thương và trách nhiệm giáo dục; để rồi những đứa trẻ “mũi tên” không dễ kiếm tìm được một điểm bấu víu dư thừa, buộc phải sống đời mình sao cho “chất” nhất, nỗ lực nhất, và đáng sống nhất. 

Chuyện rich kid mặc quần áo chục triệu: Là phụ huynh, nên yêu con vừa đủ, đừng yêu con vô điều kiện! - Ảnh 2.

“Yêu thương vừa đủ” bao giờ cũng bền vững hơn hẳn “yêu thương vô điều kiện.”

Có lần tôi hỏi thử bố: “Bố ơi nhà mình có giàu không?”. Bố trả lời: “Bố thì có, nhưng con thì chưa.” 

Tôi lại hỏi cố thêm câu nữa: “Bố có kỳ vọng gì ở con không?”. Bố nói: “Không, bố không có bất kỳ kỳ vọng nào hết, con chỉ cần sống cho tử tế”. 

Tôi tinh nghịch hỏi lại: “Thế nếu con không sống tử tế thì sao?”. 

Bố đáp lại: “Cũng không sao, con sẽ phải tự chịu trách nhiệm với cuộc sống về sự thiếu tử tế của mình. Đời con mà, bố có phải sống thay chịu thay đâu mà lo”. 

Sau câu nói đấy, tự nhiên tôi thấy mình tỉnh ngủ hẳn sau mười mấy năm ngủ quên và mơ màng về sự bao bọc sau này của bố, và tỉnh đến tận bây giờ luôn.

Boomerang hay mũi tên? Hãy dũng cảm lựa chọn vì một tuổi già được nghỉ ngơi.

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.



Hoàng Huy


Theo Trí Thức Trẻ

Clip gây tranh cãi nhất cộng đồng mạng ngày hôm nay chắc chắn là màn phỏng vấn các bạn trẻ “bóc”giá set đồ của mình tại Sneaker Fest 2018, một sự kiện văn hóa đường phố chiếm rất nhiều cảm tình của các yêu thích giày đế bằng cũng như thời trang street-style tại Việt Nam. Những bộ quần áo trông có vẻ rất bình thường nhưng lại có giá chục triệu, thậm chí có bộ lên tới trăm triệu.

Chắc hẳn không ít người khi xem xong clip này đều rất ngạc nhiên tột độ rằng không hiểu tại sao lại có những bạn bằng tuổi mình lại giàu đến thế, tại sao cả thế giới giàu đến như vậy mà chỉ còn sót lại mỗi mình nghèo thế này… Trăm nghìn câu hỏi tại sao cần được giải đáp thắc mắc. 

Những chủ đề liên quan đến kiếm tiền, chi tiêu tiền như thế nào, đến chênh lệch giàu – nghèo, đồ hàng hiệu – đồ bình dân vốn luôn là những chủ đề gây tranh cãi trên mạng xã hội. Khi clip này xuất hiện, tất nhiên, đã nổ ra những ý kiến trái chiều, thậm chí có cả những ý kiến rất gay gắt và mỉa mai.

Không hiếm những bình luận chỉ trích “kịch liệt” việc lãng phí tiền của các bạn trẻ, chẳng khác gì “ném tiền qua cửa sổ”, độ tuổi còn trẻ chắc chắn chưa biết làm ra tiền, chỉ biết ỷ lại, dùng tiền của bố mẹ để làm thú vui cho mình, dát cả cây hàng hiệu lên người, không để mình kém sành điệu so với bạn bè. Nhiều ý kiến khác bày tỏ sự thương cảm với phụ huynh các bạn trẻ này vì có khi bố mẹ chỉ dám ăn mặc bình thường, chi tiêu tiết kiệm còn con cái thì tiêu hoang, vung tiền như nước.

Thậm chí có người nâng tầm quan điểm cho rằng tiền để mua đồ hiệu như trong clip trên thì nên để quyên góp cho xã hội còn có ích hơn, hay không biết những bạn trẻ này sống sẽ mang lại lợi ích hay đóng góp gì cho xã hội, khi chỉ chăm chăm vào việc mua hàng hiệu và “khoe mẽ”. Có bình luận cho rằng những bạn này đều là người “sinh ra đã ở vạch đích” như thế này thì làm sao biết đến giá trị của sự cố gắng… Chừng ấy những bình luận đã đủ khiến cuộc tranh cãi này không có hồi kết.

Cộng đồng mạng mà, làm sao có tránh khỏi những ý kiến trái chiều. Một cộng đồng, tức là gồm nhiều người, mỗi người là một cá thể khác nhau, nên mỗi người một ý, nhiều người nhiều ý khác nhau. Vậy nên, một chủ đề hot như vậy vấp phải những phản pháo là lẽ thường tình. 

Từ clip người trẻ bóc giá quần áo chục triệu: Nhà người ta có điều kiện hay tiêu tiền ra sao cũng không phải việc của bạn! - Ảnh 1.

Về ý kiến cá nhân, tôi cảm thấy không nên áp đặt hoàn cảnh hay ý kiến của mình vào những người khác. Bạn ở hoàn cảnh của bạn quen rồi nên làm sao mà biết người ta sống như thế nào, kiếm tiền ra sao và hưởng thụ những cái gì. Bạn và người ta, chỉ là những người cùng sử dụng mạng xã hội, biết nhau qua mạng xã hội chứ chưa chắc đã hiểu cuộc sống thật ra sao.

Có thể nhà người ta có điều kiện, bố mẹ cho con tiền tiêu vặt “thoáng” hơn những nhà khác nên con tiêu tiền cũng “thoáng” hơn. Vì thế, chọn một đôi giày hay một chiếc áo có chục triệu cũng là một lựa chọn mà thôi. Nhưng, bạn ơi, đấy là chuyện của người ta mà. Nếu bạn chưa có đủ khả năng để tiêu tiền như vậy, hãy lấy đó là mục tiêu phấn đấu để kiếm ra nhiều tiền, sống hưởng thụ, rồi cũng cho con mình một cuộc sống không thiếu vật chất. Bạn đã từng nghe câu: “Giàu chưa chắc đã vui nhưng nghèo chắc chắn là buồn” chưa?

Có thể nhà người ta cũng không phải là gia đình có điều kiện, nhưng các bạn trẻ ấy đã biết cách kiếm tiền từ sớm. Kiếm được tiền nên tiêu tiền, liệu có phải là một lỗi lầm đáng “lên án” không? Hơn nữa, biết kiếm tiền càng sớm, lại càng biết trân trọng đồng tiền, biết yêu bản thân và chắc chắn đồng tiền tiêu ra sẽ xứng đáng với công sức của người làm ra. Vậy nên, quần áo có đắt đến thế nào thì cũng là tiền của người ta làm ra, bạn à.

Bạn có thấy rằng mình đã quá vội vàng khi bản thân đưa ra những lời phán xét, chỉ trích quá gay gắt không khi mà chưa tìm hiểu rõ ngọn ngành? Bạn có công nhận với tôi rằng, giới trẻ ngày nay rất giỏi không? Chẳng thiếu những bạn ở tuổi đời rất trẻ đã thành công và kiếm được rất nhiều tiền, đến người lớn còn phải ngỡ ngàng đấy! 

Từ clip người trẻ bóc giá quần áo chục triệu: Nhà người ta có điều kiện hay tiêu tiền ra sao cũng không phải việc của bạn! - Ảnh 2.

Hãy tự vấn mình xem, năm nay mình bao nhiêu tuổi và mình đã làm được những gì, mình đã hưởng thụ cuộc đời mình ra sao. Cuộc sống này vốn dĩ không bao giờ công bằng dù bạn có muốn thế nào đi chăng nữa, vì thế hãy chấp nhận sự thật này đi. Đừng lấy mức sống của mình để làm tiêu chuẩn cho người khác và ép buộc họ phải sống như mình. 

Tôi biết nhiều người bạn của mình, cũng có “công ăn việc làm”, cũng có một khoản thu nhập, nhưng họ ra sức tiết kiệm tiền. Tôi biết tiết kiệm chẳng có gì sai, họ tiết kiệm sớm cho tương lai là tốt, nhưng có một điều tôi không hiểu là một bữa ăn ngon ngày nhận lương mà họ hằng mong ước, họ cũng chẳng dám bỏ tiền ra. Tại sao lại từ chối bữa ăn ấy trong khi đó là công sức cả một tháng mình miệt mài làm?

Vậy đấy, mỗi người có một suy nghĩ khác nhau, mỗi người ở một hoàn cảnh khác nhau. Bạn chẳng thể nào “suy bụng ta ra bụng người” được, sống tiêu cực sẽ chỉ khiến bạn thêm xấu xí, già nua và nhỏ nhen thôi. Tất nhiên, tôi hiểu được cảm giác “mình không bằng người ta” khi xem clip khoe đồ hàng hiệu. Nhưng hãy để những suy nghĩ của mình dừng lại ở một mức độ nào đó thôi, đừng cực đoan lên quá. 

Còn nếu xem xong clip đó, bạn tự so sánh với bản thân hiện tại rồi nhìn nhận rằng cần phải cố gắng hơn nữa hoặc cảm thấy “cứ như bây giờ” là hài lòng, thì đó là một điều đáng hoan nghênh. Thú vui, sở thích của mỗi người không giống nhau, hãy tôn trọng người khác. Và xin hãy ngừng phán xét. Cuộc đời chúng ta là những mảnh ghép khác nhau, không trùng lặp.

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.



V.D


Theo Trí Thức Trẻ