Tag

Google

Browsing

Vào năm cuối của đại học, tôi quyết định rằng mình không thể trở về nhà trong tình trạng thất nghiệp mà không có kế hoạch nào sau khi tốt nghiệp cả. Vì vậy, tôi đã tham gia thêm một khóa thực tập và nhiều hoạt động ngoại khóa khác để mở rộng mối quan hệ và dễ dàng tìm kiếm việc làm.

Trong khoảng thời gian đó, tôi cũng tranh thủ hoàn thiện và chỉnh sửa hồ sơ xin việc của mình một cách kĩ càng nhất.

Và cuối cùng, tôi cũng nhận được những thành quả tốt nhờ nỗ lực của chính mình, bản CV ấy đã mang lại cho tôi nhiều cơ hội quý giá khi tôi lần lượt nhận được lời mời phỏng vấn tại Google, BuzzFeed, Oscar và khoảng hai chục công ty khởi nghiệp hàng đầu khác.

Ngoài ra, tôi cũng được gọi đi phỏng vấn cho các công việc toàn thời gian tại một chiến dịch lớn liên quan tới chính trị hay một công ty có tiếng thuộc chính phủ và thậm chí là một tổ chức có trị giá hàng tỷ đô la.

Nhờ có bản CV này, tôi đã lọt vào vòng phỏng vấn của Google, BuzzFeed và 20 công ty khởi nghiệp hàng đầu khác - Ảnh 1.

Một bản CV không cần thiết phải quá cầu kì và nên gồm những thông tin sau: nơi học tập, kinh nghiệm làm việc, một vài thông tin bổ sung và cuối cùng, hãy lưu nó vào một tệp văn bản. Tuy nhiên, sau nhiều năm làm việc, tôi đã tìm thấy một phương pháp khác để có thể xử lí tốt bản CV có tính chất quan trọng này.

1. Hãy coi bản CV ấy như một bản phác thảo những điều bạn mong muốn có trong một cuộc phỏng vấn tuyển dụng việc làm. Bạn muốn những nhà tuyển dụng hỏi điều gì? Làm cách nào để gây ấn tượng với họ? Bạn muốn họ chú ý hay ít quan tâm vào những vấn đề nào? Và giả sử rằng chỉ có duy nhất trong tay bản CV ấy mà không có một nguồn thông tin nào khác về bạn thì liệu những nhà tuyển dụng có bị thuyết phục và bạn được lọt vào vòng tiếp theo hay không?

2. Bạn cần để ý là phải luôn thể hiện mục đích một cách rõ ràng. Nếu viết quá nhiều từ, dài dòng, bạn sẽ khiến mọi thứ trở nên lộn xộn và gây khó hiểu cho người đọc. Và đương nhiên, việc bạn bị từ chối là điều dễ hiểu. Nếu bạn không thể diễn tả mạch lạc những điều mình muốn thể hiện trong CV thì việc gây ấn tượng cũng sẽ trở nên vô nghĩa. 

Hãy loại bỏ những chi tiết thừa càng nhiều càng tốt, ví dụ như những khoảng thời gian bạn làm công việc không phù hợp hoặc không tương ứng với yêu cầu của công việc mới hay những từ ngữ chỉ dùng trong văn nói. Sau khi viết xong mỗi dòng, hãy tự hỏi: Liệu viết như vậy có giúp mình được nhìn nhận một cách tích cực hơn không?

3. Bạn cần chú ý tới hai từ: “Ngắn gọn”. Tất cả nên được trình bày vừa vặn trên một trang giấy. Đối với mỗi phần, bạn chỉ nên đưa ra nhiều nhất 3 hoặc 4 ý chính, với mỗi ý chính ấy thì chỉ cần không quá 3 dẫn chứng cụ thể (2 thường đã là nhiều rồi vì thêm dẫn chứng nữa chưa chắc đã tốt hơn). Mỗi dẫn chứng nên viết trong 1 dòng – điều này buộc bạn phải tập trung vào ý cơ bản mà bạn muốn thể hiện.

4. Trước tiên, hãy nhấn mạnh vào các kết quả đạt được, sau đó mới nhắc đến các kỹ năng. Ví dụ, tôi đã viết “Tăng trưởng lượng người theo dõi Facebook lên 40% và lượng người tiếp cận là 60%” thay vì “Nhận chạy quảng cáo tài khoản Facebook và Twitter”. Khi cần thiết, hãy đưa ra các con số cụ thể. 

Nếu muốn nhấn mạnh vào các kỹ năng hoặc phương thức làm việc của mình, bạn vẫn nên nhắc đến trước những tác động của cách làm ấy, chẳng hạn như: “Tăng lượng truy cập trang web và chuyển đổi KPI bằng chiến lược SEO ” thay vì “Sử dụng chiến lược SEO để tăng lượng truy cập trang web”. Các công ty sẽ thuê những người có thể mang lại cho họ kết quả hơn là những kĩ năng mà chưa chắc đã tạo nên thành công.

5. Thêm các hoạt động ngoại khóa nếu có thể, kể cả đó là một lớp học kĩ năng mềm hay một blog cá nhân mà bạn được rất nhiều người dùng mạng xã hội theo dõi. 

Nhờ có bản CV này, tôi đã lọt vào vòng phỏng vấn của Google, BuzzFeed và 20 công ty khởi nghiệp hàng đầu khác - Ảnh 2.

Chân dung của Katie Simon, hiện là founder của “More money for me”, tác giả bài viết.

6. Hãy đưa cho nhà tuyển dụng thêm nhiều nguồn thông tin khác về bạn. Bạn không thể gói gọn mọi thứ về bản thân mình chỉ trên một tờ giấy. Khi viết hồ sơ, tôi đã ghi thêm các liên kết dẫn đến các trang portfolios online, trang web cá nhân, trang Github của tôi, hồ sơ LinkedIn, tài khoản Twitter, Instagram và blog ảnh. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng những thông tin bổ sung đó phải phù hợp với ngành nghề cụ thể mà bạn đang muốn được xét tuyển.

7. Xem xét và loại bỏ những kinh nghiệm làm việc lâu đời nhất. Nếu bạn đã từng làm việc cho hơn 3 công ty, hãy xem xét việc bỏ đi một hoặc hai công ty đầu tiên trên bản hồ sơ của mình. Trên thực tế, số công ty mà tôi từng làm việc phải nhiều hơn đến 2 lần số lượng mà tôi liệt kê trong hồ sơ của mình, nhưng tôi chỉ chọn viết ra những công ty mà tôi cảm thấy gắn bó và hiểu nhất. 

Ngay cả khi bạn không có nhiều kinh nghiệm chuyên môn, bạn vẫn có thể cân nhắc loại trừ những điểm ít ấn tượng hơn. Hãy nhớ rằng đây là một bản phác thảo cho cuộc phỏng vấn trong mơ của bạn. Liệu bạn muốn dành thời gian để nói về việc giao pizza của mình hay dành gấp đôi thời gian ấy để nói về việc làm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm vào mùa hè năm ngoái?

8. Yếu tố độc lạ cũng không kém phần quan trọng. Anh trai tôi đã nhận được bằng Thạc sĩ về “Ghế và chỗ ngồi”. Nó là kết quả của quá trình học hỏi, nghiên cứu, bộc lộ được sự sáng tạo cũng như sự cần cù và nó đã giúp anh ấy trở thành một ứng viên nổi bật. 

Bạn cũng có thể đang quản lí một kênh YouTube chuyên về việc nướng bánh, hoặc đã từng giành chiến thắng trong các cuộc thi lướt sóng, kể cả khi nó không có liên quan đặc biệt gì đến công việc, bạn vẫn nên cân nhắc bổ sung thêm thông tin “không liên quan” ấy vì nó có thể là minh chứng cho những khía cạnh tích cực của bản thân bạn như tinh thần khởi nghiệp, trí tưởng tượng hoặc khả năng chịu đựng áp lực.

9. Sự linh hoạt là yếu tố cuối cùng giúp bạn có một bộ hồ sơ sao cho phù hợp với từng nhà tuyển dụng. Việc chỉnh sửa để phù hợp sẽ khiến bạn mất kha khá thời gian. Tuy nhiên, việc rút ngắn thời gian là không khó nếu bạn có sẵn trong tay một loạt những thông tin quan trọng và chỉ cần lọc ra rồi đưa vào bản hồ sơ khi cần thiết. 

Thực tế, tôi chỉ dùng một nửa số dẫn chứng mình đã liệt kê ra ban đầu để đưa vào hồ sơ. Bằng cách này, tôi luôn có sẵn những thông tin cá nhân cần thiết bất kể khi tôi muốn xin vào một vị trí đòi hỏi cao về kĩ thuật hay một công việc nặng về viết lách. Cách này còn đặc biệt hữu ích khi bạn đang nộp đơn xin việc cho nhiều lĩnh vực hoặc cho nhiều vị trí khác nhau.



Công Hoàng


Theo Trí Thức Trẻ

Nhiều người trong chúng ta thường nghĩ rằng chìa khóa để đạt được thành công là phải vượt qua những căng thẳng , stress trong cuộc sống cũng như trong công việc. Tuy nhiên, để thành công không nhất thiết bạn phải chịu đựng sự căng thẳng, bận rộn. Điều này đã được rất nhiều nhà lãnh đạo chứng minh, trong đó có CEO Sundar Pichai của Google .

Là người quản lí của hơn 85.000 nhân viên trên khắp năm châu lục đồng thời là người trực tiếp tạo ra các chiến lược kinh doanh dài hạn của một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới nhưng Sundar vẫn giữ được nhiều thói quen giản đơn, lành mạnh, giúp anh tránh xa mọi căng thẳng. Mặc dù nhiều giám đốc điều hành hàng đầu thường có thói quen thức dậy trước lúc bình minh để giải quyết hàng tá các email, Pichai lại thích một khởi đầu đơn giản hơn. Đó là một thói quen rất đáng để học hỏi.

Theo một nghiên cứu của Trường Kinh doanh Wharton, những người bắt đầu buổi sáng của họ trong một tâm trạng bình tĩnh thường có khả năng duy trì năng suất làm việc ở mức cao trong suốt cả ngày. Một buổi sáng thư giãn thực sự có ích đối với tất cả mọi người, đặc biệt là những người trẻ bận rộn.

Áp lực thành công khiến cho chúng ta có xu hướng làm việc quá sức. Tuy nhiên khi đó, bạn sẽ có nhiều khả năng phạm sai lầm trong công việc hơn, đồng thời sẽ luôn cảm thấy tức giận đối với các đồng nghiệp khác. Những người làm việc quá sức cũng thường xuyên gặp các vấn đề liên quan đến cuộc sống hàng ngày.

Dưới đây là 5 cách mà CEO Sundar Pichai của Google đã thực hiện mỗi ngày để luôn giữ tâm thế bình tĩnh, tránh xa mọi căng thẳng, mệt mỏi.

1. Thức dậy sớm – nhưng không quá sớm

Thói quen buổi sáng rất bình tĩnh, thư thái CEO của Google: Bắt đầu ngày mới giản đơn là duy trì hiệu suất làm việc cao, tránh xa căng thẳng - Ảnh 1.

Trong khi một số doanh nhân nổi tiếng như Kevin O’Leary hay Tim Cook thường thức dậy từ rất sớm, 4 giờ 30 sáng hoặc sớm hơn, Pichai lại khác hẳn. Trong một cuộc phỏng vấn với Recode, Pichai thừa nhận: “Tôi không thuộc tuýp người có khả năng dậy sớm”. Vị giám đốc điều hành của Google có thói quen đón bình minh vào khoảng 6:30 đến 7 giờ sáng mỗi ngày.

Nếu bạn chưa có thói quen thức dậy sớm, một số nghiên cứu sau đây có thể làm thay đổi suy nghĩ của bạn. Các nhà sinh học đã phát hiện ra rằng trong kinh doanh, những người dậy sớm thường đạt được vị trí tốt hơn người bình thường bởi vì họ chủ động và thói quen của họ đồng bộ với lịch trình chung của công ty.

Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học lại nhận thấy những người ra khỏi giường từ lúc 7 giờ sáng sẽ làm việc tốt hơn và có ít nguy cơ bị trầm cảm, căng thẳng hay thừa cân.

2. Đọc sách hoặc báo

Thói quen buổi sáng rất bình tĩnh, thư thái CEO của Google: Bắt đầu ngày mới giản đơn là duy trì hiệu suất làm việc cao, tránh xa căng thẳng - Ảnh 2.

Việc đọc đối với não bộ cũng có tác dụng tương tự như việc tập thể dục đối với cơ thể nói chung – nó giúp cho bạn trở nên mạnh mẽ hơn.Vì vậy, thay vì nằm trên giường để lướt web hoặc các trang mạng xã hội khi thức dậy, hãy thử dành thời gian cho một cuốn sách hoặc một tờ báo.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hành vi đọc có thể nâng cao tổng thể chức năng của não bộ, tăng cường trí nhớ và cải thiện tính linh hoạt. Đọc sách cũng có thể làm giảm mức độ căng thẳng do công việc gây nên.

Đối với Pichai, anh luôn luôn dành thời gian đọc một vài trang sách hoặc báo giấy mỗi buổi sáng.

3. Ăn bữa sáng bổ dưỡng

Thói quen buổi sáng rất bình tĩnh, thư thái CEO của Google: Bắt đầu ngày mới giản đơn là duy trì hiệu suất làm việc cao, tránh xa căng thẳng - Ảnh 3.

Pichai chia sẻ: “Là một người ăn chay, tôi luôn chú ý cung cấp đầy đủ lượng protein cần thiết cho cơ thể. Vì thế tôi chọn món trứng tráng ăn kèm với bánh mì nướng vào buổi sáng.”

Là bữa ăn đầu tiên trong ngày, chất lượng của bữa sáng đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng cho cả ngày dài làm việc. Ăn một bữa sáng không đủ chất hoặc bỏ qua bữa sáng có thể dẫn đến sự suy giảm trí nhớ, sự tập trung, hiệu suất làm việc và các chức năng nhận thức khác của não bộ.

4. Uống trà

Thói quen buổi sáng rất bình tĩnh, thư thái CEO của Google: Bắt đầu ngày mới giản đơn là duy trì hiệu suất làm việc cao, tránh xa căng thẳng - Ảnh 4.

Xuất thân là một người gốc Ấn, Pichai cho biết anh rất thích có một cốc trà nóng trong bữa sáng của mình. Cũng theo anh, uống trà đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe và có thể là một lựa chọn thay thế tuyệt vời cho người uống cà phê.

Theo MayoClinic, trà đen có một phần nhỏ caffein – chất được tìm thấy trong cà phê. Có nghĩa là uống trà cũng đem lại sự tỉnh táo và tập trung tương tự như khi sử dụng cà phê nhưng không gây ra các tác dụng phụ như triệu chứng căng thẳng, bồn chồn.

5. Suy nghĩ về tổng thể

Thói quen buổi sáng rất bình tĩnh, thư thái CEO của Google: Bắt đầu ngày mới giản đơn là duy trì hiệu suất làm việc cao, tránh xa căng thẳng - Ảnh 5.

Pichai nói rằng anh không xem xét công việc của Google như một “trò chơi có tổng bằng không” mà thay vào đó, anh luôn suy nghĩ về những giới hạn lớn hơn. Việc tập trung suy nghĩ về bức tranh tổng thể trước khi đến công ty giúp cho Pichai bao quát công việc quản lí tốt hơn và nhờ đó anh có thể điều phối hoạt động của các bộ phận khác nhau trong suốt cả ngày làm việc.



Theo Hoài Thu


Trí Thức Trẻ/CNBC