Tag

du học tự túc

Browsing

Hòa cùng xu thế toàn cầu hóa, những cơ hội du học cho học sinh, sinh viên Việt Nam ngày càng rộng mở. Bên cạnh du học học bổng, nhiều bạn trẻ lựa chọn con đường du học tự túc với mong muốn được tiếp cận với những nền giáo dục tiên tiến, mở rộng tầm nhìn, học hỏi từ những chuyên gia hàng đầu thế giới. Nhưng liệu có đúng du học tự túc chỉ dành cho con nhà giàu lắm tiền và những ai không xin được học bổng không?

Du học tự túc chỉ dành cho hội con nhà giàu và những ai kém cỏi không săn được học bổng? - Ảnh 1.

Du học tự túc không chỉ dành cho hội rich kids

Quá trình xét duyệt hồ sơ, phỏng vấn gắt gao

Để trải qua quá trình xét duyệt hồ sơ và phỏng vấn du học, đặc biệt ở các nước có nền giáo dục tiên tiến như Hoa Kỳ, Anh Quốc, Thụy Sĩ, Nhật Bản,… không phải điều dễ dàng. Trước hết phải đầu tư khoảng thời gian khá dài để thi các kì thi chứng tỏ năng lực như IELTS, SAT,… đồng thời phải đảm bảo việc học tập trên lớp đạt kết quả khá giỏi (điểm GPA). Bên cạnh đó, bạn còn phải tập trung viết bài luận và thư tiến cử một cách thật khéo léo nhằm khoe được năng lực học tập của bản thân, chứng tỏ cho người xét duyệt thấy rằng bạn hoàn toàn đủ khả năng để trở thành một du học sinh.

Du học tự túc chỉ dành cho hội con nhà giàu và những ai kém cỏi không săn được học bổng? - Ảnh 2.

Dù đã chuẩn bị rất kĩ càng, nhưng quá trình xét duyệt và phỏng vấn vẫn diễn ra rất gắt gao và đầy áp lực. Thứ nhất đến từ phía các quốc gia cấp học bổng, họ không chỉ yêu câu năng lực học tập, mà còn yêu cầu chứng nhận tham gia các hoạt động tình nguyện, đóng góp xã hội, công tác cộng đồng. Trong quá trình phỏng vấn thí sinh vừa phải chứng tỏ khả năng giao tiếp, khả năng thuyết phục , vừa phải cho thấy quyết tâm đạt được học bổng đó. Áp lực thứ hai đến từ số lượng học sinh-sinh viên cũng tham gia xin học bổng luôn ở mức cao và có xu hướng tăng mạnh, từ vài trăm đến vài trăm nghìn người/năm.

Em Nguyễn Thúy Quỳnh (chủ tịch CLB Du học, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong-Nam Định) cho biết: “Hội đồng tuyển sinh trước khi quyết định cung cấp cho học sinh nhận một khoản học bổng hoặc hỗ trợ tài chính lớn, hay đơn giản là xét duyệt đủ khả năng du học họ đều xem xét rất kĩ hồ sơ học tập, điểm số, các hoạt động xã hội của học sinh đó để có được những đánh giá chính xác về năng lực của học sinh và xem học sinh có thực sự phù hợp với trường hay không.”

Du học tự túc chỉ dành cho hội con nhà giàu và những ai kém cỏi không săn được học bổng? - Ảnh 3.

Nguyễn Thúy Quỳnh- chủ tịch CLB Du học, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong-Nam Định

Chính vì vậy, khi vượt qua quá trình xét duyệt hồ sơ và phỏng vấn trực tiếp, các thí sinh đã chứng tỏ được năng lực thực sự của mình, cho dù là du học tự túc hay du học học bổng.

Không phải ngành nào, trường nào, nước nào cũng cấp học bổng du học hoặc hỗ trợ tài chính cho du học sinh. Do đó những học sinh du học tự túc không hẳn là những người kém cỏi.

Trên thế giới, mỗi trường đại học, mỗi quốc gia đều có thế mạnh về một ngành khác nhau. Một trường đại học có thể cấp rất nhiều học bổng về ngành kinh tế nhưng lại không có học bổng nào dành cho du học sinh ngành kĩ thuật và ngược lại. Có rất nhiều trường hơp dù các bạn có kết quả học tập tốt nhưng do trường và quốc gia sở tại không có chính sách cấp học bổng cho các ngành học nhất định nên các bạn phải du học tự túc.

Du học tự túc chỉ dành cho hội con nhà giàu và những ai kém cỏi không săn được học bổng? - Ảnh 4.

Du học tự túc thường được đánh đồng rằng sang đó chỉ để ăn chơi

Đỗ Hoàng Linh (du học sinh Hà Lan) cho biết: “Một trong những trường hợp mình biết về việc hạn chế học bổng du học sinh là các trường quản trị khách sạn ở Thụy Sỹ. Các trường này thường ít cấp học bổng căn cứ theo kết quả học tập mà chỉ miễn giảm học phí cho học sinh có gia đình làm trong ngành khách sạn.”

Đỗ Hoàng Linh-du học sinh Việt Nam tại Hà Lan cho rằng: “Không thể nhanh chóng kết luận những người du học tự túc, tức không có học bổng là những người không có các kĩ năng liên quan đến việc học tập để xin được học bổng”.

Đừng tưởng cứ có tiền là được du học tự túc

Nhiều người thường nghĩ rất đơn giản rằng cứ có thật nhiều tiền là có thể tự do đi du học bất cứ nước nào, bất cứ ngành nào mình thích. Như đã nói ở trên việc xét duyệt hồ sơ và phỏng vấn rất gắt gao, đó là quá trình lâu dài, phức tạp, nhiều khó khăn đòi hỏi các thí sinh phải có nền tảng ngoại ngữ cực kì chắc chắn, đầy đủ các chứng chỉ theo yêu cầu, và hơn hết là bản lĩnh khi đối mặt với nhưng giám khảo khó tính. Càng những quốc gia phát triển, giáo dục tiên tiến như Hoa Kỳ, Anh Quốc, Thụy Sĩ thì vòng phỏng vấn càng khó khăn và nhiều thử thách hơn. Thử hỏi nếu là những học sinh yếu kém, những người có kết quả học tập không ra gì có đủ tài năng để vượt qua hay không?

Du học tự túc chỉ dành cho hội con nhà giàu và những ai kém cỏi không săn được học bổng? - Ảnh 5.

Chưa kể, khi học tập ở nước ngoài, các du học sinh còn phải đối mặt với rất nhiều những khó khăn, thử thách. Từ sự khác biệt về văn hóa, nỗi nhớ gia đình cho đến áp lực học tập, áp lực thi cử, khó khăn tài chính, gần đây còn xuất hiện thêm nhiều những nguy cơ khác như nạn khủng bố, người nhập cư, bệnh dịch,…chính vì vậy du học tự túc hay du học học bổng vẫn là những học sinh bản lĩnh, tài năng và đáng được trân trọng.

Cho dù du học học bổng, hay du học bằng nguồn hỗ trợ từ gia đình thì những du học sinh luôn là niềm hi vọng to lớn không chỉ của những người thân mà còn của cả đất nước, cả cộng đồng. Hi vọng càng nhiều, áp lực càng lớn, dẫu biết cuộc sống du học không hề dễ dàng nhưng các du học sinh hãy tin rằng luôn có những người thân, bạn bèm gia đình bên cạnh ủng hộ, cổ vũ, động viên, mong chờ ngày các bạn trưởng thành, đóng góp trí lực xây dựng quê hương.



Theo Tiến Minh


HELINO

Mới đây, tôi thấy các bạn trẻ tranh cãi gay gắt về chia sẻ của một bạn Trang Nguyễn có nội dung: “Với lương cứng 5 triệu/tháng, tôi vẫn tiết kiệm được tiền để đi du học tự túc, mua nhà chung cư 1,5 tỷ và đi du lịch nhiều nơi”.

Trên các diễn đàn đưa bài viết lên để mổ xẻ, thậm chí có bạn còn “rảnh rỗi” tới mức lập hẳn bảng excel, phân tích và “cáo buộc” cô gái nói dối, hoặc có những nguồn thu bất minh khác. Còn tôi, đã đọc đi đọc lại bài báo này, 2 dòng cảm xúc trái ngược dội lên trong đầu: thực sự nể phục cô gái trong bài viết – một cô gái có khả năng quản lý tài chính tuyệt vời, biết tiết kiệm nhưng cũng rất biết hưởng thụ cuộc sống. Đồng thời, tôi cũng thấy một bộ phận bạn trẻ (trong đó có cả cháu trai tôi) thật “kì lạ” tới đáng thương!

Này nhé, cô gái đã nói rõ, vì lương cứng 5 triệu đồng/tháng, một mức lương cơ bản có vẻ thấp trong thời buổi sểnh ra là phải tiêu đến tiền như hiện nay, nên cô ấy chấp nhận chia sẻ phòng trọ giá trung bình với bạn để cùng gồng gánh, chia sẻ tiền điện, nước, sinh hoạt phí; Cô ấy nhận được sự hậu thuẫn, chăm sóc của gia đình, bằng chứng là nguồn thực phẩm sạch cha mẹ hàng tuần gửi từ quê lên; Cô ít tụ tập, bù khú với bạn bè… nên đương nhiên các khoản chi không cần thiết này đã được hạn chế tối đa. Điểm thú vị nhất, cô ấy không sống và chỉ trông chờ vào 1 “nguồn thu nhập tĩnh” – thu nhập cố định (lương cơ bản 5 triệu), mà còn kiến tạo một “nguồn thu nhập động” khác nhờ nghề tay trái là bán hàng online. Đó chính là bí quyết để cô bạn này có thể sống ổn, thậm chí sống tốt trong thời buổi “người khôn của khó”.

Lương cứng 5 triệu/tháng vẫn đủ tiền du học tự túc, mua chung cư 1,5 tỷ: Chẳng có gì hoang đường, trừ khi bạn ôm lòng đố kị và nỗi mặc cảm không biết quản lý tiền - Ảnh 1.

Không chỉ “đam mê” kiếm tiền, cô gái này còn dám mang ước mơ lớn, liên tục bồi dưỡng tri thức, mở mang kiến thức, vốn sống, tầm nhìn. Thử hỏi, mấy người có gan dùng mức lương vỏn vẹn 5 triệu, cật lực bán hàng online… để nuôi dưỡng, thực hiện và hoàn thành giấc mơ du học ở xứ sở Tây Ban Nha? Suốt cả bài chia sẻ, tôi không đọc được bất cứ một lời than vãn kêu ca, mệt mỏi nào của bạn Trang Nguyễn. Thứ duy nhất tôi nhìn thấy một nguồn năng lượng tích cực, tư duy mạch lạc, các “gạch đầu dòng” về hạng mục thực hiện trong đời, một cách chi tiết, cẩn trọng.

Rõ ràng, cô ấy không cần phải kể lể việc phải nỗ lực ra  sao, làm thêm đầu tắt mặt tối như thế nào, chi tiêu “thắt lưng buộc bụng” vất vả ra sao… để có đủ tiền chi trả học phí, ăn ở trong những năm xa xứ. Tất cả những khó khăn, thiếu thốn đó không đồng nghĩa với việc cô bạn này phải chấm dứt, buông bỏ giấc mơ du học của mình? Thực tế, bạn Trang đã làm được. 

Bạn thấy đó, chỉ cần có mục tiêu, có ý chí và quyết tâm tiến về phía trước, bạn có thể biến những điều viển vông, vô lý trong mắt người khác thành kỳ tích của chính mình.

Sống và học tập ở trời Âu, cô bạn này vẫn tiếp tục làm thêm và không ngừng khám phá thế giới. Cô tranh thủ cùng bạn bè đi du lịch vài nước châu Âu: Ý, Hy Lạp, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển. Ý thức được việc là sinh viên nên những người bạn này tính toán khá kĩ lưỡng trước mỗi chuyến đi sao cho tiết kiệm, đặt nhà qua Airbnb, mua đồ về nhà nấu chứ không đi ăn hàng… Bài học tiết kiệm, quản lý chặt chẽ tài chính luôn được thực hiện nghiêm cẩn, không phút lơi là, buông thả, thậm chí còn có tích cóp được khoản tiền đầu tư cho tương lai và báo hiếu cha mẹ. “Cũng nhờ việc bán hàng online thuận lợi nên tôi luôn dành ra được một khoản, khi về còn biếu bố mẹ và “dắt túi” một số vốn”, Trang chia sẻ.

Chưa hết, khi trở về Việt Nam làm việc, Trang vẫn tiếp tục giữ kỷ luật thói quen chi tiêu tài chính như trước đây. Thậm chí, cô còn mạnh dạn vay ngân hàng với gói vay ưu đãi để mua một căn hộ chung cư xinh xẻo với giá 1,5 tỷ, chấp nhận trả lãi hàng tháng, và có suy nghĩ vô cùng phóng khoáng: “Tôi độc thân nên bản thân không đặt nặng vấn đề nợ nần vì nếu khổ quá hoặc không có khả năng thì bán nhà đi trả nợ là xong”. 

Lương cứng 5 triệu/tháng vẫn đủ tiền du học tự túc, mua chung cư 1,5 tỷ: Chẳng có gì hoang đường, trừ khi bạn ôm lòng đố kị và nỗi mặc cảm không biết quản lý tiền - Ảnh 2.

Tôi đoán không ít bạn giống như cháu trai tôi, tỏ ra hoài nghi về các khoản thu – chi của cô bạn Trang Nguyễn. Đồng ý – chúng ta hoàn toàn có quyền hoài nghi. Nhưng, tôi tự hỏi, phải chăng ẩn sau những hoài nghi đó là sự đố kị, là nỗi sợ hãi của kẻ yếu thế khi nhìn ngắm cuộc sống sinh động của người khác? Là bởi, cháu tôi hay chính bạn CHƯA TỪNG dám sống cuộc đời rực rỡ, quyết liệt như cô gái ấy nên những gì nhìn thấy trở nên quá phi lý và viển vông? Và nữa, bạn quản lý tài chính kém, bạn không có khả năng tiết kiệm, bạn chi tiêu bừa phứa không có hoạch định rõ ràng – không có nghĩa, những người khác, cụ thể là bạn Trang Nguyễn cũng chung lối sống ấy. 

Tôi nhớ tới chia sẻ của Suze Orman – nữ chuyên gia tài chính hàng đầu nước Mỹ, đại ý, con người là chủ nhân của tiền bạc, tiền bạc là nô lệ của bạn. Vì thế, bạn cần phải có những chiến lược quan trọng cho việc bảo vệ của mình. Đừng dùng tiền vào bất cứ việc làm vô nghĩa nào chỉ để thỏa mãn cảm giác tò mò hay một thú vui. Quan trọng, bạn đừng sử dụng phương pháp bầy đàn để quyết định tài chính của mình.

Các bạn ạ, tôi – một người đã bước qua tuổi 60, đi qua không ít thăng trầm của đời sống, chỉ muốn nhắn gửi tới cháu trai tôi và các bạn trẻ đôi điều: 

Lòng đố kị vô tình biến chúng ta trở thành nạn nhân của chính mình. Châm biếm, kinh miệt, cay nghiệt… với ảo tưởng những điều đó sẽ đẩy bản thân chúng ta lên, giảm thiểu mối đe dọa tồn tại bởi ưu thế của người khác đi. Bạn vô tình trở nên xấu xí mà không hề hay biết. Nhà văn Balzac từng nói: “Người có tính ghen tị đau khổ hơn bất cứ một người bất hạnh nào, bởi hạnh phúc của người khác cộng với sự bất hạnh của mình làm cho ta đau khổ gấp nhiều lần”. Việc chúng ta có thể đón nhận, chúc mừng, chia vui với thành công của người khác – lấy đó làm bài học, là nguồn cảm hứng để phấn đấu, nỗ lực chắc chắn tuyệt vời hơn nỗi u mê hoài nghi bế tắc. 

Thứ nữa, bạn ôm khát vọng thành công, muốn tạo nên những điều khác biệt, chiếm lĩnh đỉnh cao… hãy bắt đầu thực hiện trọn vẹn từ những việc nhỏ, ghi chép lại tình hình chi tiêu tài chính của mình, ngay từ hôm nay, thật cẩn thận, chi tiết theo từng ngày, từng tuần. Với những cuộc tụ tập không cần thiết, hãy biết lắc đầu từ chối; Với những khoản chi không cần thiết, các sở thích rườm rà, phung phí (trà sữa, tụ tập trà đá chém gió…) hãy cắt giảm nghiêm khắc. Đừng quên, tương lai của bạn là kết quả của sự đầu tư ngay từ hôm nay. 

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)



Trần Anh


Theo Trí Thức Trẻ