Tag

đam mê

Browsing

Trong cuộc sống, mỗi người có một quan điểm nên sẽ có những cách lựa chọn công việc khác nhau. Thực tế cho thấy, nhiều bạn trẻ sau khi ra trường làm trái ngành, trái nghề hay phải bỏ công việc mình thích để tìm một công việc ổn định và mang lại thu nhập cao hơn. Chính thực trạng trên mà sau một vài năm đi làm, nhiều bạn sẽ đưa ra những lời khuyên cho đàn em như: “Tuổi trẻ nên làm việc vì tiền chứ đừng theo đuổi đam mê một cách mù quáng”. 

Nhiều tháng trước, trên mạng xã hội chia sẻ câu chuyện cô sinh viên năm 3 chuyên ngành An toàn thông tin, trường Học viện Kỹ thuật mật mã đặt câu hỏi với nhà tuyển dụng rằng: “Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng ở đây nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 đô la/ tháng?” 

Câu hỏi đã trở thành tâm điểm bàn tán xôn xao dư luận. Ngày hôm đó, một trong những nhà tuyển dụng đã trả lời: “Tôi tin rằng sau 10-15 năm nữa, ít nhất một nửa các bạn ngồi đây có mức lương như vậy. Nếu bạn giỏi hơn những người khác thì có thể bạn chỉ cần 5 năm thôi. Bạn nên kiên nhẫn một chút”. Kiên nhẫn – đó chính là lời khuyên mà nhà tuyển dụng dành cho cô gái. 

Ngày nay, nhiều bạn trẻ quá nôn nóng nghĩ đến chuyện mình sẽ kiếm được bao nhiêu tiền khi đi làm mà chưa nghĩ đến mình sẽ làm việc như thế nào để khẳng định bản thân trong mội trường mới. Các bạn lấy tiền làm mục tiêu để hướng đến chứ không phải là những kĩ năng mà công việc mang lại.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không ít các bạn trẻ đam mê với nghề, mong muốn được làm việc đúng sở thích, dù mức lương chưa cao với suy nghĩ: “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”. Những tranh luận về ý kiến trái chiều chưa bao giờ kết thúc, câu hỏi ấy vẫn bỏ ngỏ vì suy cho cùng mỗi người một hoàn cảnh sống, suy nghĩ khác nhau. 

Trả lời thật đi, bạn đi làm vì điều gì? Vì tiền hay vì đam mê? - Ảnh 1.

Giữa niềm đam mê và tiền, đó là ranh giới mỏng manh mà bất kì một ai cũng đều phải lựa chọn. Nhưng nếu chúng ta còn trẻ vậy tại sao chúng ta không thử sức theo đuổi đam mê mà không lo sợ bất cứ điều gì? Nếu phải lựa chọn các bạn trẻ mới ra trường nên lựa chọn theo đam mê vì nếu có đam mê sẽ có lòng nhiệt huyết, hăng hái, sáng tạo để làm công việc một cách tốt nhất. 

Còn nếu các bạn đặt mục tiêu kiếm tiền lên trên hết mà phải làm công việc mình không thích thì cơ hội thành công sẽ rất ít. Có thể trước mắt kiếm được nhiều tiền nhưng không có cơ hội phát triển năng lực bản thân.

“Nếu bạn được làm công việc mình thích thì cả đời này bạn sẽ không phải làm việc”. Chẳng phải ngẫu nhiên mà câu nói đó được rất nhiều người xem như quan điểm sống. Khi làm việc bạn thích, bạn sẽ làm việc có trách nhiệm chứ không phải làm cẩu thả, hời hợt chỉ mong đến ngày nhận lương. 

Thế hệ trẻ trong thời hiện đại mới phải là những người dám nghĩ, dám làm, dám theo đuổi niềm đam mê của bản thân để khẳng định mình chứ không phải bỏ rơi đam mê, làm công việc nhàm chán vì tiền.

Tất nhiên nếu không thể nuôi được bản thân mình khi đã đến tuổi trưởng thành là một điều hèn kém, vậy sao chúng ta không nghĩ đến chuyện hãy làm việc một cách đam mê để kiếm tiền với bất kì công việc nào. 

Tiền hết có thể tìm cách để kiếm lại nhưng một khi đam mê đã tắt thì chẳng thể nào lấy lại niềm đam mê. Dù trong hoàn cảnh nào, mỗi bạn trẻ cần có một suy nghĩ, thái độ sống và làm việc tích cực. Khi còn trẻ, chúng ta có thể chưa có nhiều tiền, có thể vấp ngã nhưng tuyệt đối chúng ta không thể không có đam mê.

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, được trích từ YBOX.VN |Youth Confession.



PV


Theo Trí Thức Trẻ/Youth Confessions

Trên thực tế, mỗi chúng ta đều cần một khoản tiền nhất định để duy trì các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của bản thân. Với số tiền kiếm được, có người sẽ vui vẻ vì có một cuộc sống đầy đủ, ấm no về vật chất; cũng sẽ có người buồn phiền vì một cuộc sống thiếu thốn đủ điều. Áp lực mang tên “cơm áo gạo tiền” ngày một lớn, khiến nhiều người dần tin rằng, có tiền là có hạnh phúc. Không ít người tự tin nói, đam mê của họ là tiền. Có người yêu nhiếp ảnh, nhưng rồi cuối cùng họ lại đi làm một công việc văn phòng, bởi nó sẽ đem lại một nguồn thu nhập ổn định. Có người thích hội họa, nhưng rồi họ lựa chọn trở thành người kinh doanh, đơn giản, bởi họ cần tiền.

Nhưng liệu, mỗi sáng thức dậy, mỗi ngày trên đường tới cơ quan, mỗi lần bắt tay vào công việc, liệu họ có vui vẻ không, khi công việc mà họ đang phải làm mỗi ngày không thể mang lại cho họ sự hứng khởi? Vì sao những ông trùm kinh tế lớn thường đưa ra những lời khuyên, kể những câu chuyện về đam mê? Lựa chọn công việc mà mình yêu thích – có nên chăng?

4 lí do dưới đây sẽ giúp bạn có được câu trả lời:

1. Công việc chiếm tới 1/3 thậm chí 1/2 thời gian mỗi ngày của chúng ta 

Hầu hết các công việc, bạn sẽ phải đi làm từ thứ 2 tới thứ 6 (nhiều nơi làm cả thứ 7), làm từ khoảng 8 giờ sáng tới 5 giờ chiều. Nghỉ trưa 1 tiếng, thường sẽ là 8 tiếng làm việc mỗi ngày.

Với một công việc không yêu thích, liệu bạn sẽ chịu được những áp lực từ công việc ấy trong khoảng bao lâu? Vì vậy, thay vì làm một công việc bản thân không hứng thú để rồi thường xuyên nhảy việc, chọn một công việc mình yêu thích và gắn bó với nó chẳng phải tốt hơn sao?

 Lương cao, vị trí tốt nhưng công việc lại chẳng phải đam mê của bạn: Chọn con tim hay là nghe theo lý trí? - Ảnh 1.

2. Đam mê công việc sẽ trở thành nguồn động lực để đi làm mỗi ngày

Rõ ràng, việc thức dậy mỗi sáng, sửa soạn và đi một quãng đường dài để tới cơ quan làm việc là một việc không hề dễ dàng với nhiều người. Nhưng nếu đó là một công việc bạn cực kì yêu thích, việc rời giường mỗi sáng sẽ không còn là vấn đề nữa.

Khi bạn làm việc với niềm hứng khởi, thời gian sẽ trôi nhanh hơn và ngày dường như ngắn lại. Còn khi bạn cảm thấy mệt mỏi, đếm dứng giây phút tới giờ về thì mỗi sáng mai thức dậy, khi giờ làm việc cận kề, sự chán nản, mất phương hướng sẽ lại ùa về. Cảm giác đó ắt hẳn chẳng mấy dễ chịu và sẽ thật tồi tệ, nếu chuỗi ngày đó cứ lặp đi lặp lại như một vòng xoay không có hồi kết.

3. Khả năng phát triển trong công việc

Đối với một công việc bạn không có hứng thú, hầu hết thái độ bạn dành cho nó sẽ chỉ là hời hợt, là tạm bợ. Đúng giờ đến công ty, đúng giờ về, hoàn thành những việc được giao. Tất cả chỉ có thế.

Trái lại, khi làm một công việc mà bạn đam mê, bạn sẽ dốc toàn lực cho nó. Sẵn sàng làm thêm giờ, có những ý kiến sáng tạo, có những đột phá bất ngờ, chịu được áp lực lớn từ cấp trên, không dễ dàng từ bỏ. Vì thích, bạn sẽ đầu tư nhiều thời gian hơn, nhiều sức lực hơn, nhiều trí tuệ hơn cho công việc. Và với một thái độ tích cực, cố gắng, kiên trì ấy, chắc chắn thành công sẽ đến với bạn.

4. Tận hưởng công việc, tận hưởng cuộc sống

Không thể phủ nhận rằng công việc sẽ chiếm phần lớn thời gian trong cuộc đời mỗi con người. Vậy nên, thay vì gượng ép bản thân làm những công việc không hứng thú một cách máy móc, lựa chọn làm một công việc yêu thích, “mỗi ngày đi làm là một ngày vui”, chẳng phải sẽ giúp bạn tận hưởng được cuộc sống này nhiều hơn hay sao?

“Nếu bạn được làm công việc mình thích thì cả đời này bạn sẽ không phải làm việc”. Chẳng phải ngẫu nhiên mà câu nói đó được rất nhiều người xem như quan điểm sống, trong đó có huyền thoại Steve Jobs. Trong một lễ phát bằng tốt nghiệp ở một trường đại học, cựu tổng giám đốc điều hành của hãng Apple đã gửi tới các bạn trẻ còn đang loay hoay trước những ngã rẽ sự nghiệp: “Các bạn phải tìm ra cái mà mình yêu thích. Cách duy nhất để làm những việc vĩ đại là yêu những gì bạn làm. Nếu bạn chưa tìm được điều đó, hãy tiếp tục tìm kiếm, đừng dừng lại”.

Tất nhiên, mỗi người sẽ có một hoàn cảnh, một suy nghĩ, một lựa chon riêng cho mình. Nhưng nếu bạn còn trẻ, hãy dũng cảm theo đuổi công việc mà bạn yêu thích, cố gắng hết mình vì nó và tin rằng, bạn rồi sẽ nhận lại những phần quà xứng đáng nhất.



Theo Nguyễn Nguyễn


Nhịp sống kinh tế

Tuyển nhân viên cho mình, tuyển nhân viên cho bạn, tuyển nhân viên cho đối tác và nói chuyện với không dưới 500 sếp, lớn có nhỏ có trong gần 5 năm, cuối cùng tôi cũng hiểu được tại sao giới trẻ thất nghiệp nhiều. Chúng ta sẽ bắt đầu từ nguyên nhân đầu tiên:

1. Không thực sự biết mình muốn gì

Khi đặt câu hỏi “Em muốn gì bây giờ và 2 năm tới ?”, rất nhiều em ú ớ không trả lời được hoặc bắt chước câu trả lời rập khuôn từ mấy tài liệu hay các khoá học vượt qua phỏng vấn, thường thì “Em muốn trở thành nhân viên giỏi, sau đó là manager”. 

Câu trả lời này rất chung chung, chẳng thể hiện được gì và đã được các anh/chị dùng cách đây chục năm rồi nên gần như không có tác dụng như cây đũa thần nữa. Thế là bị ‘out’ mà không hiểu tại sao. Việc ú ớ không trả lời được hoặc trả lời theo sách vở chứng minh rằng các em bị mất định hướng trầm trọng và đang đi xin việc để chống thất nghiệp, thế là bị mất lợi thế khi phỏng vấn và đàm phán lương ngay. 

Các em bị nhà tuyển dụng “bắt thóp” rồi, các em có biết không? Ai có tâm và thương thì nhiệt tình chỉ dẫn để các em hình dung rõ hơn các em cần làm gì tiếp theo, nhưng đa phần chẳng ai kịp nói vì quá bận.

Khi hỏi sâu hơn, tôi phát hiện ra phần lớn các em bị mất định hướng là do cha mẹ chứ bản thân các em có lỗi rất ít trong chuyện này. Cha mẹ Việt Nam bắt các em sống với đam mê của họ chứ không phải của các em. Những gì họ làm không được, họ bắt các em thực hiện thay. Dang dở giấc mơ làm bác sĩ, các bậc phụ huynh bắt con mình phải học ngành Y và dập tắt ước mơ làm hoạ sĩ, vì kiếm không được nhiều tiền nên họ bắt con phải theo học Kinh tế thay vì để đứa nhỏ theo ngành Thú y như nó muốn… 

Một số bậc phụ huynh không rơi vào trường hợp này thì lại nói đến chuyện sĩ diện. Vừa nghe đứa con nói thích làm đầu bếp thì “bóp cổ chặn họng” ngay: “Nghĩ cái gì mà chọn nghề đó, ăn học 12 năm rồi phải làm kỹ sư, bác sĩ mới được chứ”. Thế là xong, các em phải học cái mình không thích tí nào, đâm ra chán ghét bất mãn. 

Người trẻ thất nghiệp nhiều: Làm việc lẹt đẹt, 6 năm ra trường lương chỉ 10 triệu, tại sao không nghỉ để chạy theo đam mê và sở trường? - Ảnh 1.

Với thái độ như vậy, các em học cho xong để ra trường, hoàn toàn không có mục tiêu thì lấy gì làm được việc. Chưa kể vì lỡ học ngành đó rồi nên rơi vào cái bẫy tư duy là “Học gì phải làm đó” nếu không uổng công mấy năm trời.

Khi không có định hướng, hàng loạt hệ luỵ sẽ theo phía sau. Hoặc là các em sẽ không học gì hết, làm loạn khi được “sổ lồng”, ăn chơi xả láng nên ra trường không được hoặc ra trường mà không biết gì, thế là thất nghiệp. Hoặc là các em cố học, học một cách không có định hướng chỉ để lấy điểm thay vì học một cách tập trung vào những môn có thể ứng dụng được. 

Các em thuộc nhóm này bị cuốn vào suy nghĩ “Có bằng đỏ sẽ có việc làm lương cao” thế là ra trường với tư duy là mình “ngon” lắm, phải là ông này bà kia, kết quả là không ai nhận. Tỉnh lại đi các em, nhà tuyển dụng không quan tâm cái bằng, họ trả lương cho người làm được việc.

Các em thuộc nhóm này thường bị “ru ngủ” rằng “Học đi, không bổ dọc cũng bổ ngang”, “Không ứng dụng được nhưng giúp nâng cao khả năng phân tích”… Trong khi đó thực tế không phải vậy. Kiến thức không dùng được thì nên vứt đi để dành cái đầu cho kiến thức dùng được. Các em hình dung thế này, đầu các em chỉ chứa được 10 kg kiến thức. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu so sánh một cái đầu chứa 9 kg kiến thức không dùng được + 1 kg kiến thức dùng được, còn 1 cái đầu chứa 10 kiến thức dùng được ngay? 

9/10 các em nhân viên mới ra trường không có khả năng phân tích, cái gì không biết là chạy vào hỏi sếp ngay “Cái này làm sao anh?”, “Em chờ ý kiến của chị mới dám làm” thay vì động não cho ra giải pháp trước là một bằng chứng rất rõ ràng.

Người trẻ thất nghiệp nhiều: Làm việc lẹt đẹt, 6 năm ra trường lương chỉ 10 triệu, tại sao không nghỉ để chạy theo đam mê và sở trường? - Ảnh 2.

Vậy nên hãy xác định mình thật sự muốn cái gì, các em sẽ biết mình nên học cái gì một cách tập trung để bổ sung kiến thức. Đảm bảo khi tập trung học đúng kiến thức thực tiễn sau 3 tháng các em sẽ rất khác và không thất nghiệp nữa vì đã hoàn toàn đủ năng lực cơ bản để tìm việc.Ví dụ, nếu muốn làm sales thì học kỹ năng giao tiếp và trình bày, học cách xây dựng mạng lưới mối quan hệ, học quy trình bán hàng, học cách lập kế hoạch, học viết lách, học cách ăn mặc cho đẹp và chuyên nghiệp. Muốn làm kế toán thì phải giỏi excel, phân tích tài chính. Giỏi các môn dùng được ngay trong nghề nghiệp mình muốn làm thì ai mà không tuyển.

“EM VẪN CHƯA BIẾT MÌNH MUỐN GÌ?”

Vậy thì đừng nằm nhà nữa, ra ngoài làm tùm lum tùm la đi, không lương cũng được. Làm cỡ chục món là biết ngay bản thân mình thật sự thích cái gì. Đằng nào cũng đang thất nghiệp, đằng nào cũng không có lương thì cớ gì ngồi đó trả treo “Không lương thì không làm, bị bóc lột”. 

Các em làm để khám phá xem mình thật sự thích cái gì, làm một cách có kế hoạch và làm cho các em. Nếu vẫn còn tư duy đó thì thất nghiệp dài dài. Hãy xem những ngày làm không công là đầu tư cho tương lai chứ không phải chi phí thì mới đúng. Nếu muốn làm kỹ sư xây dựng, hãy thử đi phụ hồ; nếu muốn làm kinh doanh thì thử đi làm nhân viên bán hàng; nếu muốn làm đầu bếp hãy xin một chân phục vụ. Đừng coi công việc nào là thấp kém, đừng sĩ diện nữa, lớn đầu mà thất nghiệp và ăn bám thì mới đáng trách.

2. Không biết mình là ai

Người trẻ thất nghiệp nhiều: Làm việc lẹt đẹt, 6 năm ra trường lương chỉ 10 triệu, tại sao không nghỉ để chạy theo đam mê và sở trường? - Ảnh 3.

Biết mình muốn cái gì là một chuyện, nhưng bản thân có tố chất phù hợp hay không lại là câu chuyện khác. Các em muốn làm ca sĩ nhưng lại không có khả năng cảm âm, luôn cất giọng với nốt nhạc thứ 8 (nhạc lý chỉ có 7 nốt nhạc), hát không bao giờ đúng tông thì thôi đừng cố chấp với cái sở thích của mình nữa; không ai “lăng xê” nổi đâu.

Các em là người không dám mạo hiểm, rất cẩn thận và cầu toàn vượt mong đợi thì đừng chọn nghề bán hàng. Các em sẽ thất bại rồi lại tự ti hơn, nghề của các em là kế toán, tài chính, kỹ sư đo lường chất lượng… và những nghề đòi hỏi đúng những tố chất các em đang có. Khi các em làm những công việc này, các em trở thành “siêu sao” ngay. 

Đừng cố chấp và miễn cưỡng ép mình làm cái không có khả năng vì con khỉ không thể bơi nhanh như con cá và con cá sẽ không thể leo trèo như con khỉ. Đặt bản thân sai vị trí và sở trường thì chính các em đang phí phạm tài năng của mình rồi. Và cũng chẳng có nhà tuyển dụng nào mạo hiểm tuyển người không có năng lực dù thái độ có tốt mấy.

“NHƯNG EM THÍCH ÂM NHẠC VÀ THỂ THAO, KHÔNG LẼ BẮT EM BỎ, SAO MÂU THUẪN VỚI NGUYÊN NHÂN MỘT VẬY?”

Nếu có chất giọng không tốt thì các em có thể chọn tham gia các nhóm bè hoặc chuyển sang chơi nhạc cụ chứ đâu bảo các em bỏ nghề hoàn toàn. Nếu các em không khéo léo mà đam mê thể thao thì đừng chơi mấy môn quá cần sự khéo léo, chọn tập gym và trở thành vận động viên thể hình, há chẳng tốt hơn sao. Khi cái các em muốn “khớp” với những tố chất các em có, các em sẽ trở nên vụt sáng.

3. Biết bản thân muốn gì, biết mình là ai nhưng không dám hành động vì tiếc và sợ

Người trẻ thất nghiệp nhiều: Làm việc lẹt đẹt, 6 năm ra trường lương chỉ 10 triệu, tại sao không nghỉ để chạy theo đam mê và sở trường? - Ảnh 4.

Các em tiếc cái bằng, các em tiếc công sức học và đi làm mấy năm cộng lại cũng gần được một chục năm, các em tiếc tiền học phí, nhưng các em không biết quý tiếc tương lai. Cái các em mất trong mấy chục năm sắp tới sẽ lớn gấp nhiều lần so với các em đang tiếc hiện tại. 

Tôi sẽ quy ra tiền cho dễ hình dung. Các em làm không đúng sở trường, các em làm cái mình không thích nên hiệu suất thấp và các em làm nhân viên lẹt đẹt sau khi ra trường 6 năm với mức lương tối đa là 10 triệu (không ai sẵn sàng trả cho đứa làm việc lẹt đẹt hơn 10 triệu đâu). Mỗi năm tăng lương 10%, 5 năm sau lương các em chưa tới 15 triệu. 

Các em chấp nhận bỏ và làm lại từ đầu với mức lương 6 triệu, làm đúng đam mê và sở trường, 5 năm sau vị trí tối thiểu là quản lý cấp trung với mức lương ít nhất là 20 triệu và sẽ tăng theo cấp số nhân. Giờ thì cái nào mới đáng tiếc hơn? Nhìn xa hơn đi, các em sẽ lựa chọn đúng.

Các em sợ thay đổi ư? Ai cũng sợ. Không sao, có vài lần quyết định phải sợ hãi nhưng hãy can đảm bước đi sau đó để gặt được trái ngọt. Thế giới thuộc về những người can đảm. Tôi có một người bạn đã 35 tuổi nhưng thu nhập mỗi tháng không đến 5 triệu chỉ vì SỢ. Sợ người này nói, sợ người kia nói, sợ không làm nổi và phải trả giá bằng cuộc sống chật vật. Các em mà cứ sợ, cứ không dám vượt qua dư luận thì bức tranh tương lai u ám đang chờ các em đó. Đọc bài này rồi mà vẫn không hành động rồi bị như vậy thì thật uổng công đọc.

Người trẻ thất nghiệp nhiều: Làm việc lẹt đẹt, 6 năm ra trường lương chỉ 10 triệu, tại sao không nghỉ để chạy theo đam mê và sở trường? - Ảnh 5.

Công thức chống thất nghiệp tóm lại là: Phải biết mình muốn gì, đối chiếu xem bản thân có phù hợp không, chọn được công việc phù hợp nhất, học thật tập trung vào kiến thức sẽ ứng dụng được cho công việc đã chọn, trở thành siêu sao và ai cũng muốn tuyển.

Để ứng dụng tốt công thức này cần có thái độ can đảm, quyết đoán, dám vượt qua dư luận, dám làm.

Tâm lý nhà tuyển dụng: Thuê người làm được chứ không thuê cái bằng và mấy đứa “ngập ngụa” kiến thức không dùng được, chỉ dành để “chém gió”.

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, được trích từ YBOX.VN |Youth Confession.



PV


Theo Trí Thức Trẻ/Youth Confessions

Xếp thứ tự ưu tiên dựa trên những niềm đam mê

Những người có đam mê nhưng lại thiếu trọng điểm cũng giống như những người ở một túp lều gỗ trong rừng sâu vào một đêm mưa tuyết giá lạnh và đang thắp các ngọn nến. Những ngọn nến không đủ ánh sáng để họ có thể nhìn rõ, và cũng không phát đủ nhiệt để họ sưởi ấm. Cùng lắm thì, chúng cũng chỉ khiến căn phòng trông bớt lạnh lẽo.

 Trái lại, những người có ưu tiên nhưng lại không có đam mê thì giống như những người chỉ biết chất củi lại một chỗ trong căn phòng lạnh lẽo, nhưng không thể nào nhóm được lửa. Chỉ những người có đam mê và biết dành ưu tiên mới giống những người có thể chất củi một chỗ, nhóm lửa lên để thưởng thức ánh sáng và hơi ấm.

Đầu những năm 1970, tác giả nổi tiếng John C.Maxwell nhận ra rằng tài năng chỉ có thể phát huy cao nhất và tiềm năng chỉ có thể được khám phá khi biết kết hợp đam mê và những mối ưu tiên. Khi ấy, ông đã dành quá nhiều thời gian để làm những việc mình không có khả năng cũng như đam mê. Ông phải thay đổi ‒ bằng cách sắp xếp những việc mình cảm thấy hứng thú và những việc mình đang làm.

 Điều này đã thay đổi cuộc đời John C.Maxwell. Nó không xua tan những khó khăn hay xóa bỏ được những trở ngại, nhưng nó tiếp cho ông sức mạnh để đối diện với khó khăn, trở ngại bằng năng lượng và lòng nhiệt tình. Hơn 30 năm qua, tác giả này vẫn nỗ lực duy trì sự liên kết giữa những mối ưu tiên và niềm đam mê. Ông luôn tâm niệm câu nói của nhà báo Tim Redmond để giúp mình khỏi chệch đường: “Có nhiều thứ thu hút ánh mắt của tôi, nhưng chỉ có một vài điều chinh phục được trái tim tôi. Đó là những điều tôi sẽ theo đuổi.”

Sức mạnh của những giấc mơ

Mỗi chúng ta đều có giấc mơ cho riêng mình. Đó là những mơ ước sâu thẳm trong mỗi tâm hồn. Đó là những điều bẩm sinh. Nó dẫn dắt ta đến với tài năng. Nó khơi gợi những ý tưởng ưu việt nhất. Nó phát động những suy nghĩ về định mệnh. Và nó không thể tách rời khỏi những mục tiêu trong cuộc sống mỗi người. Mơ ước thúc giục ta bắt đầu con đường tới thành công của riêng mình.

Chỉ cần đam mê thì sẽ thành công: Nhầm lẫn trói chân nhiều người tới đích mà không hề hay biết - Ảnh 1.

Mơ ước có thể mang lại cho ta nhiều điều:

– Mơ ước cho ta phương hướng

– Mơ ước giúp ta phát huy năng lực tiềm ẩn

– Mơ ước giúp ta chọn lựa những mối ưu tiên

– Mơ ước làm tăng giá trị công việc của ta

– Mơ ước phỏng đoán tương lai ta

Oliver Wendell Holmes từng lưu ý: “Điều quan trọng nhất trên cuộc đời này không phải là chúng ta đang ở đâu mà là chúng ta đang đi hướng nào.” Đây là một trong những điều tuyệt vời nhất khi ta có mơ ước. Bạn có thể theo đuổi mơ ước của mình ở bất cứ nơi đâu. Những gì đã xảy ra trong quá khứ không quan trọng bằng những gì đang ở phía trước. 

Tận dụng tài năng và cơ hội

Huấn luyện viên của đội UCLA, John Wooden từng nói nói: “Hãy biến mỗi ngày trong cuộc sống của mình thành một kiệt tác.” Nếu lúc nào cũng cố gắng hết sức, bạn có thể khiến cuộc sống của mình trở nên đặc biệt. Điều này cũng truyền sang cuộc sống của những người khác.

Có một câu chuyện về Tổng thống Dwight Eisenhower mà được rất nhiều người Mỹ ưa thích. Tổng thống từng nói với Hiệp hội Báo chí Quốc gia rằng ông rất tiếc vì không có một nền tảng chính trị tốt hơn để có thể trở thành một nhà hùng biện giỏi. Chính việc thiếu kỹ năng diễn thuyết này khiến ông nhớ lại những ngày thơ ấu ở Kanas khi một ông lão nông dân đem bò đi bán. 

Người mua hỏi ông lão về nòi của con bò, chất lượng bơ và sản lượng sữa hàng tháng. Người nông dân trả lời: “Tôi không biết nòi là gì và cũng chẳng hiểu chất lượng bơ là như thế nào nhưng tôi biết nó là một con bò tốt và nó sẽ cho ông tất cả sữa mà nó có.” Ai trong chúng ta cũng có thể làm được điều đó – cho đi tất cả những gì mình có. Như vậy là đủ.

Tiếp lửa đam mê

Đam mê có phải là một đặc trưng trong cuộc sống của bạn không? Mỗi sáng bạn có thức giấc với cảm giác phấn chấn về một ngày sắp tới không? Ngày đầu tiên của một tuần có phải là ngày bạn yêu thích, hay bạn chỉ thật sự “sống” vào ngày cuối tuần? Đã bao lâu rồi kể từ lần cuối bạn mất ngủ vì quá phấn chấn với một ý tưởng nào đó? Bạn sẽ không thể lãnh đạo nếu không có niềm đam mê. Bạn không thể nhóm lửa nhiệt tình trong công ty nếu trong bạn lửa không cháy. 

Để tiếp lửa đam mê, hãy làm những việc sau:

Tự đo nhiệt độ. Bạn sôi nổi nhiệt tình với cuộc sống và công việc đến đâu? Điều này có thể hiện ra bên ngoài không? Hãy đánh giá khách quan bằng cách hỏi một vài đồng sự hay bạn đời về mức độ nhiệt tình của bạn.

Tìm lại những đam mê trước đây. Hãy nghĩ về thời gian khi bạn mới bắt đầu lập nghiệp – thậm chí xa hơn nữa, khi bạn chỉ là một đứa trẻ. Điều gì khiến bạn có những hành động ngớ ngẩn? Bạn có thể dành hàng giờ để làm việc gì? Hãy lấy lại những sôi nổi nhiệt tình trong quá khứ. Sau đó, hãy đánh giá cuộc sống và công việc của bạn trên cơ sở những tình cảm xưa cũ đó.

Kết giao với những người sôi nổi. Những người giống nhau thường kết giao với nhau. Nếu bạn đánh mất ngọn lửa nhiệt tình, hãy đi tìm những người mang lửa. Nhiệt tình dễ lan truyền. Hãy lên kế hoạch, dành thời gian với những người có thể truyền đam mê cho bạn.



Thảo Nguyên


Theo Trí Thức Trẻ

Bạn tôi Hà vừa nghỉ việc, đây là lần thứ 3 trong năm, lí do cũng giống 2 lần trước: nhàm chán, không hứng thú.

Hà tốt nghiệp năm ngoái, mới tốt nghiệp đã xin được vào một công ty lớn, tuy lương không cao nhưng có môi trường làm việc rất tốt, nhưng cô vẫn chưa thấy hài lòng, làm vài tháng thì nghỉ vì cảm thấy nhàm chán.

Ban đầu cô cho rằng đó là vấn đề thuộc về phía công ty, nên đã xin sang một công ty khác mới thành lập, vẫn là vị trí đó, và sự nhàm chán lại tiếp tục tái diễn…

Và cô kết luận: cô không phù hợp với công việc này, phải đổi việc khác.

Chúng tôi đều khuyên cô, nửa năm mà nhảy việc những 2 lần, có vẻ nhanh quá, nên làm thêm một thời gian nữa hãy quyết định.

Thái độ của cô vô cùng kiên quyết: “Cần phải làm những việc bản thân cảm thấy hứng thú, mình không thích công việc này, vì vậy không thể làm tốt, mọi người khuyên can cũng không có tác dụng”

Nói là làm, cô thấy nhân viên kinh doanh năng động, lương cũng cao, vậy là cô ứng tuyển làm nhân viên kinh doanh.

Kết quả, cô làm được một tháng, không kí được bất cứ hợp đồng nào, cô lại phán đây không phải công việc cô “thích”, vậy là lại tiếp tục xin nghỉ, tiếp tục tìm công việc tiếp theo mà cô “thực sự có hứng thú”.

Cứ thế, cho đến giờ vẫn ở nhà ăn bám bố mẹ…

Từ trước đến nay, chúng tôi đều tin vào câu nói: “Đam mê chính là thầy giáo tốt nhất”. Không ít người xem đây là lời nói vàng ngọc, bất kể chọn hướng đi, ngành nghề, công việc, bắt buộc phải là “bản thân yêu thích”, “có hứng thú”.

Nhưng có một câu nói khác thế này: “Hứng thú cũng như việc uống Coca, ngay lúc đó sẽ khiến bạn thấy sảng khoái, nhưng cũng rất nhanh mà bạn cảm thấy ngấy, không thể uống mỗi ngày”.

Vì vậy, đôi khi đam mê không phải thầy giáo tốt nhất, nếu chỉ dựa vào sở thích để tìm việc thì vô cùng lãng phí sự nghiệp, tuổi trẻ của bản thân.

Nhàm chán, nhảy việc liên tục: Bạn có thấy mình bị câu nói hãy làm công việc mà bạn đam mê lừa dối? - Ảnh 1.

1. Khi chúng ta bàn đến hứng thú, chúng ta thực sự đang nói tới điều gì?

Rất nhiều người yêu cầu khi tìm việc là bản thân cảm thấy có hứng thứ, hay là thích công việc đó. Nhưng vấn đề là, đối với rất nhiều người sự hứng thú đó chỉ là hứng thú đối với hào quang mà công việc đó đem lại.

Muốn làm diễn viên, người nổi tiếng vì như vậy sẽ nhiều người biết đến, kiếm được nhiều tiền; muốn trở thành nhà thiết kế, vì cảm thấy công việc đó “chất”, mới mẻ và sáng tạo…

Tôi có một người bạn, 35 tuổi, là giám đốc khu vực của một công ty đa quốc gia trong top đầu của cả nước, tiền tài danh vọng đều không thiếu, nhưng lại nghỉ việc để mở quán café.

Mở quán café của riêng mình là ước mơ ấp ủ từ lâu. Trong mắt cô, quán café không chỉ nhàn nhã còn có thể kiếm nhiều tiền. Mỗi ngày có thể tự mình pha café, làm bánh ngọt cho khách, trò chuyện cùng khách, rảnh hơn một chút, có thể vừa ôm chú mèo nhỏ, vừa nhâm nhi tách café và đọc sách, cuộc sống tự do tự tại…

Và rồi, thực tại như giáng cho cô một đòn: tiền thuê nhà, tiền đặt cọc, sửa chữa trang trí cửa hàng, làm đủ mọi giấy tờ thủ tục, chưa kể tuyển nhân viên, trả lương… Và cuối cùng, sau gần nửa năm, quán của cô chính thức khai trương, tưởng rằng có thể thở phào nhẹ nhõm, hóa ra khó khăn còn ở đằng sau.

Địa điểm quán của cô gần khu văn phòng, ngày thường khách ra vào liên tục, nhưng đến cuối tuần là không một bóng người, vì vậy cô phải kiếm tiền cho tất cả các chi phí cho 30 ngày trong 22 ngày.

Thời gian đó, mỗi ngày mở mắt là lại lo lắng về doanh thu.

Tròn một năm, không có đêm nào cô ngủ trước 1h sáng, tóc rụng ngày một nhiều, nếp nhăm cũng nhiều thêm, cuối cùng không cầm cự được nữa, phải nhượng lại quán với giá rẻ. Cô nói: “Mất quán và mất cả giấc mơ của chính mình.”

Không chỉ quán café, mà rất nhiều công việc khác cũng mang theo những hào quang riêng như bác sỹ, luật sư, phóng viên…

Nếu sở thích của bạn là những công việc như trên, trước khi cần lựa chọn chúng, xin hãy tự hỏi bản thân: Bạn thực sự thích công việc đó, hay đang thích ánh hào quang mà nó phát ra.

Nhàm chán, nhảy việc liên tục: Bạn có thấy mình bị câu nói hãy làm công việc mà bạn đam mê lừa dối? - Ảnh 2.

2. Đam mê không đáng sợ, đáng sợ là bạn chỉ có đam mê

“Đam mê là người thầy tốt nhất”, câu nói này chưa hợp lý ở chỗ, nó quá khuếch đại mong muốn chủ quan cá nhân, từ đó xem nhẹ những nhân tố khác.

Kiến thức về quản lý nguồn lực cho chúng ta biết, sắp xếp một vị trí công việc cần xem xét 3 nhân tố:

1. Năng lực

2. Sở thích đam mê

3. Yếu tố nội tại

Nhân tố năng lực, chính là bạn có thể làm được gì, sở thích chính là bạn thích làm gì, và cuối cùng yếu tố nội tại chính là bản thân bạn có tính cách thế nào.

Cũng có thể nói, lựa chọn công việc phù hợp, ngoài đam mê, sở thích, bạn còn cần cân nhắc năng lực và tính cách của bản thân.

Cho dù bạn có thích bóng rổ, nhưng bạn chỉ cao 1m50, vận động viên bóng rổ có chiều cao trung bình 1m70, như vậy bạn có cố gắng đến đâu, tỷ lệ thất bại cũng sẽ cao hơn.

Cho dù công việc nhân viên kinh doanh có kiếm được nhiều tiền đến đâu, nhưng bạn là người hướng nội, cứ gặp người lạ là không muốn nói chuyện, thì công việc này cũng không hợp với bạn.

Niềm đam mê không phải vạn năng, bạn đam mê không đồng nghĩa với việc bạn thích hợp, bạn có thể làm tốt  nó.

Đam mê, chỉ như xuất phát điểm, kích thích tò mò cũng như sự quan tâm của bạn trong lĩnh vực nào đó, nếu chỉ dừng lại ở đó, bạn chỉ có thể khiến cho bản thân thỏa mãn lúc đó, chứ không thể phát triển thành sự nghiệp.

Từ sở thích cho đến sự nghiệp, ở giữa cần trải qua cả quá trình gian khổ và lâu dài.

Nhàm chán, nhảy việc liên tục: Bạn có thấy mình bị câu nói hãy làm công việc mà bạn đam mê lừa dối? - Ảnh 3.

3. Không trả giá cho “đam mê” cả chính mình, đa phần đều không đáng tin

Vì vậy để đánh giá xem có thể khiến sở thích trở thành sự nghiệp của bạn, có một câu hỏi đơn giản để đánh giá: “Vì niềm đam mê của bạn thân, bạn đã trả giá qua những gì?”

Có một người bạn, là biên tập viên cuả một tòa soạn có tiếng, tự mình mở thêm một trang cá nhân, thu nhập từ việc làm thêm hàng năm lên đến tiền tỉ. Cô thường xuyên nhận được không ít mail của sinh viên đại học, nói muốn đến thực tập tại công ty của cô.

Nhưng lí do của họ luôn là: “Em rất thích những bài viết của chị, hãy cho em một cơ hội”, “Em rất thích viết lách, nhất định sẽ làm tốt”…

Nếu nhận được những mail tương tự thế này, cô trước nay đều chưa từng để ý mà lập tức xóa. Cho đến một lần, cô nhận được mail của một sinh viên nữ với nội dung:

“Em muốn viết được những tác phẩm như chị, mỗi một tác phẩm mới của chị em đều đọc rất kỹ, phân tích cách viết, kết cấu bố cục và hướng chọn đề tài; mỗi tuần em đều luyện viết 2 bài và đăng trên trang cá nhân của mình, cho đến nay đã viết được hơn 50 bài. File đính kèm là một số những bài em viết. Mong có cơ hội được thực tập tại công ty chị”.

Cô đọc xong mail liền xem những bài viết gửi kèm, sau đó lập tức báo nhân sự liên hệ với cô bé thông báo ngày đi làm.

Về sau cô có nói: “Chỉ nói miệng mình thích có tác dụng gì? Không bỏ ra một chút nỗ lực hay đưa ra chút thành tích nào. Kiểu “thích” này thường thì đều không đáng tin, tốt nhất đừng nói với tôi! Tôi muốn trở thành tác giả, liền đi mua một chồng sách báo, đăng kí vài khóa học viết lách – tiêu tiền, có ai là không biết.”

Bạn đam mê cái gì, không phải điều quan trọng nhất. Bạn vì niềm đam mê của mình bỏ ra những gì, mới là điều quan trọng nhất.

Cái cần bỏ ra, không chỉ là những khoản tiền, mà cần bỏ thời gian và công sức, từng chút từng chút mài giũa hoàn thiện bản thân, cho dù có thất bại thì cũng không dễ dàng bỏ cuộc.

Thời gian, công sức, nhẫn nại, mệt mỏi, mồ hôi, thậm chí là cả nước mắt…, đây mới chính là vốn liếng để bạn có thể nói ra câu “Đây là công việc mà tôi đam mê”.

Giống như tác giả trẻ Li Gang có nói: “Nếu trong đầu bạn đã ấp ủ một nguyện vọng gì đó đã vài năm, nhưng cũng chưa từng thực sự bỏ ra một chút nỗ lực hay đầu tư vì nó, thì đó không phải là đam mê, đó chỉ là một loại cảm giác “bản thân đang ấp ủ một sở thích đam mê” mà thôi”.

Nhàm chán, nhảy việc liên tục: Bạn có thấy mình bị câu nói hãy làm công việc mà bạn đam mê lừa dối? - Ảnh 4.

4. Không phải vì đam mê mới có thể làm tốt mà là làm tốt sẽ khiến cho bạn đam mê

Một sự thật rất tàn nhẫn đó là: cái “không đam mê” mà nhiều người nói đến, thực ra chỉ là để trốn tránh cảm giác nhàm chán trong công việc.

Không ít người không chịu được cảm giác này, và rồi lại trốn chạy, nhưng lại không biết làm thế nào, chỉ có thể ôm hi vọng tìm được công việc khác “có hứng thú”, dường như làm như vậy thì sẽ thoát khỏi nhạt nhẽo vậy.

Sau đó, họ sẽ không ngừng nhảy việc, hi vọng công việc tiếp theo, chính là “công việc yêu thích” mà họ đang tìm kiếm.

Thực ra, làm như vậy là đang che đi gốc rễ vấn đề, khiến chúng ta càng mất đi phương hướng.

Bởi vì, không có bất kì công việc nào là hoàn mỹ cả, cho dù công việc có mới mẻ đến đâu, bạn có rất thích đi chăng nữa thì công việc lặp lại theo năm tháng, sớm muộn cũng sẽ lấy đi nhiệt huyết ban đầu của bạn.

Nếu chỉ dựa vào đam mê, sẽ không thể vượt qua được những khó khăn trong mười mấy năm, bởi vì những công việc bắt đầu từ đam mê, cũng cần xem các yếu tố khác như đãi ngộ, thành tích bản thân, gía trị bản thân, sự kiên trì của cá nhân.

Tác dụng của đam mê, không quan trọng như chúng ta thường nghĩ, bởi rất nhiều người thành công trong một lĩnh vực, không chỉ bởi họ thích, mà còn bởi họ có đủ năng lực để làm tốt công việc đó.

Nếu như đến nay bạn vẫn không biết bạn thích làm gì, vậy hãy tập trung tinh thần, làm tôt những công việc bạn đang làm.

Không phải cứ đam mê là sẽ làm tốt, mà là làm tốt rồi mới cảm thấy yêu thích, đam mê.

Đến một ngày bạn sẽ nhận ra, cái gọi là xuất sắc, ngoài việc lựa chọn thì năng lực và thói quen mới là mấu chốt quyết định.



Vũ Đình


Theo Trí Thức Trẻ