Tham vọng! Nguồn gốc đầy uy lực của cả điều tốt đẹp và xấu xa

Bạn có phân biệt được khát vọng và tham vọng không? Có nhiều điều giữa cuộc sống chỉ cách nhau một màng ranh giới mỏng manh, rất dễ nhầm lẫn, khát vọng và tham vọng cũng thế. Khát vọng là những mong muốn của con người về những điều lớn lao, tốt đẹp với một sự thôi thúc mạnh mẽ. Tham vọng cũng giống khát vọng nhưng mức độ cao hơn. Những mong muốn của tham vọng rất lớn lao, vượt xa hiện thực và nếu không biết kiềm chế thì sẽ trở nên quá tham vọng và đánh mất nhiều điều tốt đẹp.

Một người quá tham vọng có thể sẽ suy nghĩ quá nhiều, luôn nghĩ mọi cách để đạt được tham vọng đó, dẫn đến mệt mỏi, hao tốn thời gian, thêm lo lắng và áp lực cho bản thân. Những bạn trẻ chưa đạt được thành công, thành tích hay công lao gì thường ôm tham vọng lớn. Nhưng, bạn nên biết giới hạn, nắm rõ khả năng của mình để không phải rượt đuổi theo những giá trị hư ảo ngoài tầm với. Đừng lấy câu nói “Không có gì là không thể” để ngụy biện, dễ dẫn tới tự phụ, tự tin thái quá. 

Quá tham vọng, quá cầu toàn sẽ chỉ đem đến tác dụng ngược, vậy bạn đã biết đường cố gắng đúng cách chưa? - Ảnh 1.

Tôi có quen biết một người đàn ông trung niên, ông ấy là trụ cột của gia đình mình, mọi chuyện trong nhà hầu như đều do ông ấy lo gánh. Tiền ông ấy kiếm được không ít nhưng cũng không phải quá nhiều để đủ mua những gì ông ấy muốn. Gia đình ông ấy đều thích mua sắm, hưởng thụ nên dù không có đủ tiền vẫn mua nào smartphone, xe hơi… bằng tiền vay mượn khắp nơi. Đến khi ra smartphone hay xe hiệu mới thì liền bán cũ chạy theo mốt mới cho “sành điệu”, “kịp với thời đại”.

Và đương nhiên, họ không đủ tiền trả nợ, ông ấy và vợ tiếp tục mượn tiền nơi khác rồi “lấy đầu này đắp đầu kia”, mãi lẩn quẩn trong vòng tròn tham vọng hưởng thụ xa hoa và nợ nần không dứt. Có lẽ đọc đến đây bạn sẽ thắc mắc vợ và con ông ấy đâu đúng không? Vợ ông ấy chỉ ở nhà làm nội trợ vì từ nhỏ đã nghỉ học, bà ấy cũng không có kiến thức gì nhiều, lại sợ vất vả. Bà ấy trông mong đứa con gái đang tuổi trưởng thành lớn lên sẽ được gả cho đại gia, nhà giàu để cùng hưởng thụ cuộc sống sung sướng nên đầu tư vẻ ngoài cho nó mà mặc cho nó lơ là việc học…

Thật ra tham vọng đúng hoàn cảnh có thể là động lực cố gắng, là một liều doping hữu hiệu. Nhưng nếu quá tham vọng, quá ham muốn những gì vượt xa tầm với, muốn sớm sở hữu được nó trong khi mình chưa đủ khả năng sẽ chỉ mang lại tác dụng ngược mà thôi.Như ví dụ trên thì chúng ta có thể thấy quá tham vọng đem lại quá nhiều tai hại: khiến ta mệt mỏi, khó hài lòng, không thỏa mãn và tất nhiên không thể hạnh phúc. Ta sẽ không kiềm chế được bản thân: che lấp lý trí và trái tim. Ngoài ra, nếu đã thực hiện nhiều lần mà không hoàn thành được mục tiêu đề ra thì người quá tham vọng sẽ gánh những hệ lụy như: bất lực, tự ti và chán nản, dần bị đánh gục bởi chính mình. 

“Trái tim thật nhỏ, nhưng lại khao khát những điều to lớn. Nó chẳng đủ để làm bữa tối của một chú diều hâu, thế nhưng toàn bộ thế giới đều không đủ đối với nó” – Francis Quarles

Quá tham vọng, quá cầu toàn sẽ chỉ đem đến tác dụng ngược, vậy bạn đã biết đường cố gắng đúng cách chưa? - Ảnh 3.

Đừng bao giờ chờ đợi một thứ gì đó thật hoàn hảo

Người theo chủ nghĩa hoàn hảo, hay người cầu toàn (perfectionist) là người có xu hướng muốn mọi thứ liên quan tới họ đều phải hoàn hảo, từ công việc, gia đình đến bạn bè, quan hệ xã hội. 

Trên đời không có gì hoàn mỹ nếu không muốn nói là có rất nhiều nghịch lý và bất công, nên con người ai cũng phải chấp nhận những khiếm khuyết, thiếu sót mà đi tiếp chứ không thể vì một việc không vẹn tròn mà dừng lại.

Những người cầu toàn sẽ hoàn thành đầy đủ những mục tiêu đề ra một cách hoàn mỹ nhất, điều đó cũng có lợi trong hoàn cảnh nhất định nhưng nhìn chung toàn diện thì hại nhiều hơn lợi. Quá cầu toàn sẽ khiến ta không thể thích ứng, khó chấp nhận hiện thực, hoàn cảnh rồi khiến ta mệt mỏi và “đuối nước” giữa dòng chảy của thời gian và cuộc đời, dần cũng sẽ chán nản, thụt lùi và bỏ cuộc như quá tham vọng, để rồi thua cả một người tầm thường. Chẳng những thế, quá cầu toàn còn gây khó chịu cho mọi người xung quanh, khiến các mối quan hệ dần mờ nhạt.

Nói như vậy không phải cổ vũ những người không hề có ý chí cầu tiến, không hề có ham muốn gì để thành động lực phấn đấu hay cho phép mình sơ suất, cẩu thả vì nghĩ không cần hoàn mỹ, mà chúng ta phải biết chừng mực và giới hạn. Hai đặc tính trên xuất phát từ nhận thức nên có thể từ từ điều chỉnh được. Đừng để sau thật nhiều thất bại mới khiến bạn thay đổi. Hãy nhớ: “Đừng bao giờ chờ đợi một thứ gì đó thật hoàn hảo, vì rằng, không có ai hoàn hảo cả và vì rằng chỉ khi bạn yêu chúng, chúng mới trở nên hoàn hảo mà thôi!”

Vậy, làm thế nào để cố gắng đúng cách? Có nhiều loại cố gắng và quan trọng nhất không thể thiếu là cố gắng nâng cao cấp độ tư duy, nhận thức của bạn để tránh và kéo mình ra trong hai trường hợp trên.

Dưới đây là trình tự để việc cố gắng mang lại hiệu quả:

1.Nghĩ xa rộng về lợi ích lâu dài và xác định rõ mục tiêu

2.Tìm động lực, vật xúc tiến để xem thành động lực duy trì cố gắng

3.Chỉ suy nghĩ và nói thì không đem lại kết quả cuối cùng, hãy bắt tay vào hành động và cố gắng từng chút một để đạt được mục đích to lớn và lâu dài, đừng cố gắng ngay đến bán mạng. Hãy thực hiện một cách đều đặn, xuyên suốt chứ đừng “cố quá” để rồi hai chữ ấy bị lật ngược.

Và… khi đã cảm thấy bản thân đã cố gắng hết mức rồi nhưng không đạt được cố gắng như mong muốn thì đừng buồn. Điều thực sự đáng buồn là khi bạn không thực sự cố gắng để biết được kết quả là thành công hay thất bại mà thôi. Dù cố gắng hết mức mà vẫn thất bại thì vẫn thu nạp về trải nghiệm, bài học và hoài niệm sau này.  

“Ai chờ đợi để làm nhiều điều tốt đẹp cùng một lúc sẽ chẳng bao giờ làm gì cả” – Samuel Johnson



An Sinh


Theo Trí Thức Trẻ

Write A Comment