“Ai rồi cũng sẽ rơi vào cảnh nghèo nàn, nhưng cuộc sống của bạn sẽ không vì vậy mà trở nên tẻ nhạt, hãy chấp nhận nó”

Khái niệm “nghèo” của người trẻ thời đại ngày nay không còn là khái niệm nghèo mà ăn không đủ no, quần áo không đủ mặc trong truyền thống nữa. Nhiều người cho rằng nếu tiền trong thẻ ngân hàng chỉ còn 6 con số thì họ chính là người nghèo, nhưng làm ơn bởi cái khái niệm “cuộc sống khốn khó” của các bạn trẻ bây giờ vẫn còn sướng hơn cha mẹ chúng ta thời trẻ hàng trăm lần.

Ngày xưa, chỉ cần không gọi taxi mà chăm chỉ ngồi xe bus, bớt mua một hai bộ quần áo, ít đi ăn hàng quán bên ngoài, tiết kiệm chút tiền là có thể giải quyết được vấn đề “nghèo”. Còn nghèo trong mắt giới trẻ ngày nay chính là không đủ tiền để duy trì mức sinh hoạt cơ bản. Chúng ta luôn miệng nói không tiết kiệm được tiền, vẫn chưa đủ tiền để mua nhà, hay phải nơm nớp lo lắng những lúc ốm đau bệnh tật, nhưng khi có được chút tiền thì lại lập tức mang đi mua trả góp cho chiếc xe mà mình “khá thích”, đi du lịch thì phải ở khách sạn 4, 5 sao, quần áo mặc cũng phải là đồ hiệu…

Vì sao chúng ta lại “nghèo” như vậy?

“Nghèo” dường như đang dần trở thành một cái “mác”, nói cho cùng thì chúng ta nghèo không phải vì chúng ta không kiếm được tiền mà là vì chúng ta càng ngày càng biết cách tiêu tiền. Nhà xã hội học nổi tiếng người Mỹ Daniel Bell trong cuốn sách “The cultural contradictions of capitalism” (tạm dịch: “Mâu thuẫn trong văn hóa chủ nghĩa tư bản”) của mình từng nhắc đến tầm quan trọng của việc “tiêu tiền” trong xã hội đương đại: “Văn hóa của chủ nghĩa hậu hiện đại sẽ không còn liên quan tới việc làm sao để đạt được thành tựu nữa, mà thay vào đó nó sẽ liên quan tới việc làm sao để tiêu tiền, làm sao để hưởng thụ”.

Kiếm 6 triệu tiêu hết 5 triệu: Người trẻ bây giờ nghèo vì không biết kiếm tiền hay vì ngày càng biết tiêu vì lợi ích cá nhân? - Ảnh 1.

Tháng 11 năm 2017, báo cáo điều tra của Mckinsey về người tiêu dùng của Trung Quốc Double-clicking on Chinese Consumer có đề cập đến rằng từ nay đến năm 2030, nhóm thế hệ 9X, nhóm chiếm 16% dân số Trung Quốc sẽ đóng góp hơn 20% vào tổng lượng tiêu dùng của nước này, cao hơn bất kì nhóm người thuộc thế hệ ngoài 9X. 

Hơn nữa, nhóm người này dường như không có ý niệm về tiết kiệm tiền (nói đúng hơn là không thể tiết kiệm tiền), số tiền mà họ kiếm được đều được tiêu vào quần áo, mỹ phẩm hay những cuộc du lịch nói đi là đi, họ vô cùng coi trọng ngoại hình, cũng rất quan tâm đến các hoạt động chăm sóc vóc dáng. Theo thống kê, có đến 35% số người thuộc thế hệ 9X đồng ý chi trả những khoản phí đắt đỏ để chăm chút cho vóc dáng của mình.

Trước mắt thì có lẽ không có việc gì đơn giản hơn việc tiêu tiền cả. Công việc bận rộn cùng với việc bị vây quanh bởi cái gọi là chủ nghĩa tiêu dùng hiện nay đã góp phần khiến cuộc sống trở nên bí bức, ngột ngạt, càng bận rộn thì lại càng muốn tiêu tiền để “giải sầu”, trà sữa, thú cưng, hàng xách tay, du lịch, club… Mua sắm giờ đây dường như đã trở thành một hành vi xã hội cơ bản của người trẻ hiện nay.

Chúng ta ai mà chưa từng nghèo qua?

Có lẽ ngoài tổ tiên nguyên thủy của chúng ta ra thì dù là thời đại nào, dù là ai đi chăng nữa thì cũng đều đã và đang phải gồng mình với guồng quay của cuộc sống.

Khi chúng ta còn trẻ thì nghèo là chuyện bình thường. Còn nhớ khoảng thời gian khi tôi còn du học ở Anh, vì để tiết kiệm chút tiền mà chỉ dám ăn đồ ăn đóng hộp trong siêu thị, không bao giờ nghĩ đến chuyện ngồi taxi, đi làm thêm ở quán ăn thì sẽ mang thức ăn còn thừa lại ở đó về nhà ăn.

Kiếm 6 triệu tiêu hết 5 triệu: Người trẻ bây giờ nghèo vì không biết kiếm tiền hay vì ngày càng biết tiêu vì lợi ích cá nhân? - Ảnh 2.

Tôi cũng từng gặp một họa sĩ trẻ tuổi người Châu Âu, cậu ta có thể duy trì cuộc sống qua ngày là nhờ lòng hảo tâm của cư dân mạng đối với tác phẩm của mình và nhờ trợ cấp từ chính phủ. Cứ bán được tác phẩm này lại phải tiếp tục tích góp để đầu tư cho tác phẩm sau. “Chúng ta nghèo quá!”, tôi vẫn còn nhớ câu nói đó của cậu ta, thế nhưng giọng nói đó không hề có ý gì là trách móc hay phảng phất chút tham vọng đổi đời, dẫu sao thì giàu có cũng không phải mục tiêu suốt đời của cậu ta.

Trong thời đại cách mạng công nghệ bùng nổ như hiện nay, ngày càng có nhiều cách để tiêu tiền, vậy tại sao con đường khẳng định giá trị bản thân không vì vậy mà trở nên phong phú đa dạng hơn? Nếu như thời đại công nghệ thông tin khiến chúng ta ngụp lặn, theo đuổi cái thứ gọi là “giấc mộng giàu sang” thì thiết nghĩ trước khi cái giấc mơ đó thành sự thật thì chúng ta ai cũng sẽ phải “nghèo” một lần trong đời.

Định nghĩa “nghèo” phụ thuộc vào cách hiểu của mỗi người, đặc biệt đối với giới trẻ hiện nay, không khó để bắt gặp những câu nói như: “còn trẻ là phải hưởng thụ”, “tiết kiệm làm gì, hết tiền lại kiếm tiếp”, “chúng ta chỉ có một tuổi trẻ, sống là phải hưởng thụ”… Đúng! Những suy nghĩ như vậy không sai, bạn hoàn toàn có thể sử dụng tuổi trẻ của mình theo cách mình muốn nhưng cũng cần phải nghĩ đến “trách nhiệm” mà bạn phải gánh vác trong tương lai. 

Chúng ta còn trẻ nhưng chúng ta đồng thời cũng là người lớn, và người lớn thì cần phải biết chịu trách nhiệm với bản thân và những người thân xung quanh mình. Tiêu tiền không hề sai nhưng hãy tiêu đúng cách, hãy “hoang đúng cách”. Đừng để thế hệ trẻ là thế hệ nghèo vì hoang phí mà hãy là một thế hệ “nghèo” nhưng nghèo vì tiêu tiền đúng chỗ, đúng mực.



Như Quỳnh


Theo Trí Thức Trẻ

Write A Comment