Tôi ủng hộ việc phụ nữ làm tất cả công việc chân chính để kiếm tiền, để có thể tự lo cho mình, nuôi sống bản thân, độc lập về kinh tế. Cho nên, làm gì cũng được, miễn các bạn thấy công việc đó thú vị, bạn thích và đem lại thu nhập.
Bạn không cần phải ngại, thấy xấu hổ khi bắt đầu kiếm tiền bằng công việc gì đó miễn là chân chính!
– Bán hàng online là công việc khá nhàn (thật sự rất nhàn nếu mọi thứ thuận lợi) và ai cũng có thể làm, từ bà nội trợ cho đến nhân viên văn phòng, chị công nhân… Bạn cứ hình dung rằng bạn chỉ cần ngồi nhà, có người đưa hàng tới cho bạn, tới lấy hàng mang đi giao rồi chuyển tiền vào tài khoản cho bạn, cuối tháng bạn ngồi đếm tiền lời thôi, bạn không bị áp lực công việc, không phải dậy sớm, không phải chạy xe nắng nóng ngoài đường, không bị sếp phê bình, không chịu stress vì KPI hàng tháng…
Nhưng – luôn là nhưng – không phải ai cũng có thể dễ dàng thành công khi bán hàng online.
– Bạn có thể bán hàng như nghề tay trái, để mỗi tháng kiếm 1, 2 triệu tiền tiêu vặt cho vui nhưng để việc bán hàng online trở thành nguồn thu nhập chính, hơn nữa là nguồn thu nhập có thể giúp cuộc sống của bạn “xông xênh” thì đó là một con đường hết sức chông gai.
– Có nhiều bạn đã nhắn tin riêng hỏi tôi: “Tại sao mình rao hàng mà không một ai hỏi thăm, nhiều lần như vậy khiến mình nản rồi!”.
Vâng, chắc chắn là sẽ như vậy!
Vậy bây giờ phải làm sao đây?
Hãy bắt đầu tự vấn bản thân: Vì sao người ta phải mua hàng của mình? Hàng của mình có gì đặc biệt? Hàng tốt ư? Lấy gì để chứng minh? Niềm tin ư? Bạn là ai mà có thể khiến người khác phải tin bạn?
1. Chúng ta hãy bắt đầu bằng sản phẩm bạn bán: Có những bạn chọn bán tất cả mọi thứ, miễn có lời là bán. Tôi không ủng hộ cách buôn bán này. Vì sao? Vì không chuyên nghiệp. Bạn không thể là siêu thị được. Rõ ràng là bán kiểu này chỉ là bán cho vui và mang tính chất tạm thời, không hoạch định cho việc bạn sẽ phát triển, có tương lai…
2. Không biết bán gì: Giờ bạn định bán hàng online nhưng không biết sẽ bán cái gì, nguồn hàng lấy ở đâu? Hãy chọn bán nguồn hàng bạn dễ có, dễ tìm và bạn am hiểu. Đừng xem thường chị cả đời chỉ bán gạo hay đậu, nên nhớ, gạo có giá của gạo, đậu có giá của đậu, miễn bạn tóm được thị trường tiêu thụ, bạn sẽ là vua.
3. Bán cái phù hợp với bạn thì dễ thành công: Ví dụ, bạn ở biển hay quê ở biển thì bạn có thể tận dụng nguồn hàng từ biển. Bạn am hiểu về rau củ quả thì bán rau củ quả. Bạn đẹp thì nên bán các sản phẩm làm đẹp.
4. Nói sao để người ta tin tôi: Người nổi tiếng hay có chút địa vị xã hội thì nói người khác dễ tin hơn là người “hết sức bình thường”. Vì thế, nếu bạn “là người bình thường” thì nói làm sao để người khác tin đây? Hãy tạo cho người khác sự tin tưởng trước.
Nếu bạn không làm được như vậy hay làm như thế quá mất thời gian, hãy “đi tắt”. Đi tắt là chọn một thương hiệu sẵn có, thương hiệu đã được người khác tin dùng để bán. Bạn không là ai nên đừng mạo hiểm nghĩ mình có thể xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm lạ hoắc nào đó. Lâu lắm, khó lắm bạn ạ! Không ít người mất vài năm, thậm chí là hàng chục năm để làm thương hiệu, đầu tư rất nhiều công sức và tiền bạc.
5. Đừng nói quá, đừng phóng đại: Hãy thật thà! Mặc dù quảng cáo là cần thiết, nhưng bạn là một cá nhân bán hàng, bạn đừng nói phóng đại, nói quá xa sự thật chất lượng sản phẩm bạn bán.
6. Bán có duyên: Bạn bắt đầu bán hàng và sỗ sàng ‘tag’ tất cả bạn bè trên Facebook mỗi lần bạn rao sản phẩm mới. Tôi kịch liệt phản đối cách làm này. Hành vi này có thể làm phiền người khác, khiến người khác “nghỉ” chơi với bạn luôn. Nếu ‘tag’, hãy ‘tag’ người thân của mình và xin phép ‘tag’ đàng hoàng.
7. Tôi rao hàng suốt mà không ai mua: Facebook của bạn chẳng có gì để người khác xem ngoài những bài rao bán các mặt hàng, bạn tẻ nhạt, tại sao người khác phải kết nối với bạn? Có những bạn bán hàng chuyên đi kết bạn với người khác chỉ nhằm mục đích là có thêm khách hàng. Ai cần kết bạn với người chỉ đến với người khác bằng sự toan tính chứ?
8. Nản lòng: Đa số các bạn bán hàng online khi bắt đầu rất háo hức nhưng sau một thời gian thì nghỉ bán. Vì sao? Khó quá, bán không ai mua. Nếu bạn thấy khó thì đó là điều tất nhiên, chẳng có gì dễ dàng cả. Phải kiên trì theo đuổi (tất nhiên nếu bạn thấy thích và thấy nó xứng đáng để bạn theo).
9. Uy tín: Khi bắt đầu công việc này, bạn hãy tự thề với lòng rằng bạn bán bằng lương tâm và trách nhiệm, chịu đựng, giải quyết khó khăn và rủi ro, đừng “tất cả vì lợi nhuận”. Nếu tất cả mất hết, bạn vẫn còn uy tín, còn giá trị con người mình, hãy tin như vậy!
10. Chủ động nếu bạn muốn làm lớn: Nếu chỉ phụ thuộc vào một nhà cung cấp, sẽ có ngày bị “hỏng cẳng” ngay. Trong cuộc đời này hãy luôn luôn chuẩn bị phương án hai cho mình.
11. Sợ đầu tư, trục lợi sẵn: Nếu bạn định bán hàng mà không dám bỏ chỉ 1, 2 triệu để lấy hàng thì dừng công việc lại đi! Cái gì cũng sợ rủi ro, sợ mất tiền, tư tưởng đó khiến bạn không bao giờ khá nổi. Ngược lại, nếu bạn chịu đầu tư, bạn sẽ có thêm động lực để phấn đấu. Đầu tư không có nghĩa là liều lĩnh, là đổ tiền vào không mục đích, không biết lối ra.
12. Sau cùng là đam mê, là niềm tin: Làm việc mình thích, tin vào bản thân, theo đuổi đến tận cùng điều mình muốn sẽ tiếp thêm sức mạnh cho bạn. Làm gì cũng được, miễn là bạn thấy mình hạnh phúc.
*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.
Theo Trí Thức Trẻ