Khi nói đến biểu tượng cho phái nữ, không khó để nghĩ ngay đến những đôi giày cao gót. Trong thực tế, biểu tượng đôi giày cao gót đã gắn liền với hình ảnh người phụ nữ từ rất lâu – từ những năm đầu của thế kỷ XVII. Nhưng, có một sự thật gây sốc hơn: Trước đó bảy thế kỷ, những đôi giày cao gót được làm ra CHỈ dành cho đàn ông.
Giày gót đỏ thế kỷ XVII
Trước khi những đôi giày cao gót trở thành must-have item đối với tầng lớp thượng lưu, chúng được du nhập từ một nguồn khá bất ngờ: một nhóm những nhà ngoại giao người Ba Tư. Vào năm 1599, những đặc phái viên này đã cưỡi ngựa đến Pháp để tìm kiếm đồng minh trong cuộc chiến chống Đế quốc Ottoman. Họ bắt đầu hành trình của mình từ Moscow và kết thúc tại Lisbon, đi đến đâu, họ cũng thu hút sự chú ý của đám đông.
Đặc biệt, mọi người bị thu hút bởi những đôi giày cao gót của họ – một sự cải tiến để giúp họ an toàn hơn khi cưỡi ngựa. Đến thời kỳ vua Louis XIV của Pháp (1643 – 1715), mọi người bắt đầu phát cuồng bởi những đồ vật đến từ Ba Tư.
Cho đến nay, danh tiếng của vua Louis XIV – ông hoàng cầm quyền lâu nhất nước Pháp – luôn được nhớ đến với chế độ quân chủ tuyệt đối với những cuộc chinh phạt vĩ đại. Tuy nhiên trái ngược hẳn với hình ảnh những cuộc chinh phạt vĩ đại đó, vóc người của vua Louis XIV khá khiêm tốn. Với chiều cao chỉ khoảng 1m6, vua Louis khá thấp bé so với người bình thường, vì vậy, ông ra lệnh cho người làm giày làm ra đôi giày có gót hơn 10cm.
Thời gian trôi qua, ông cảm thấy phải khiến đôi giày của mình đặc biệt hơn nữa. Trong bức chân dung năm 1701, mọi người có thể thấy hình ảnh ông với một đôi giày cao gót với gót giày được sơn màu đỏ. Chỉ những ai được vua Louis cho phù hợp mới có thể đi loại giày này. Hay nói cách khác, chỉ cần nhìn qua đôi chân của một người thời đó, bạn có thể biết được người đó có được vua Louis trọng dụng hay không.
Sự biến mất của những đôi giày cao gót nam
Chuyện gì đã xảy ra khi giày cao gót không còn được đàn ông đi nữa? Mọi thứ bắt đầu thay đổi khi những đôi giày cao gót bắt đầu phổ biến ở châu Âu. Cùng thời điểm làn sóng Ba Tư bắt đầu lan sang lục địa phía bắc, phụ nữ châu Âu bắt đầu khẳng định sự bình đẳng của mình bằng cách áp dụng phong cách ăn mặc truyền thống của nam giới, bao gồm cả giày cao gót.
Theo người phụ trách bảo tang giày Bata và tác giả của “Heights of Fashion” cho biết “Phụ nữ thời đó cũng cắt tóc, thêm chi tiết cầu vai vào trang phục của mình. Họ cũng hút thuốc, đội mũ mang phong cách nam tính,… Và đây cũng là lý do vì sao họ đi giày cao gót – một nỗ lực khiến họ trở nên bình đẳng hơn với nam giới.”
Cuối cùng, giày cao gót được chia làm hai loại: gót giày nam (dày) và gót giày nữ (mỏng) và xu hướng bắt đầu lan đến mọi thành phần trong xã hội. Tuy nhiên, vào khoảng đầu thế kỷ XIX, đàn ông đã không còn đi giày cao gót nữa khi làn sóng “Giác Ngộ” mang tới cái nhìn mới đối với đàn ông. Thời trang nam giới chuyển sang trang phục thực tế hơn. Ở Anh, quý tộc bắt đầu mặc quần áo đơn giản để phù hợp với công việc của họ.
Các học giả, chuyên gia thời trang gọi đây là “The Great Male Renunciation” (Sự từ bỏ vĩ đại của nam giới) và nó đánh dấu thời điểm trang phục nam giới đột ngột thay đổi từ những thứ sinh động với nhiều màu sắc và mang dấu ấn cá nhân cùng những bộ phụ kiện, trang sức đi kèm sang những bộ quần áo khá tẻ nhạt và thống nhất.
Những trang phục bằng chất liệu lụa xa xỉ, phô trương của vua Louis được thay bằng những bộ quần áo đơn điệu và tối màu; những đôi giày cao gót dành cho nam cũng từ đó biến mất gần như hoàn toàn. Ngoại trừ những người sử dụng nó đúng như mục đích ban đầu – giúp chân họ ghì chặt hơn vào bàn đạp khi cưỡi ngựa – những anh chàng cao bồi ngày nay vẫn còn sử dụng những đôi giày đế cao.
Theo Trí Thức Trẻ/Curiosity