Gabriel García Márquez, tác giả nổi tiếng của kiệt tác “Trăm năm cô đơn” từng chia sẻ: “Tuổi của bạn không được đong đếm đơn thuần bằng các con số vô nghĩa. Thực ra, nó đến từ chính cảm giác mỗi con người về tuổi của mình.”
Hay hiểu theo một cách khác, chúng ta sẽ không già đi cho đến khi thực sự tin rằng mình đã già.
Thật ư?
Hóa ra, đằng sau niềm tin này lại có những cơ sở khoa học đảm bảo. Gần đây, các nhà nghiên cứu từ ĐH College London (Anh) đã chỉ ra rằng, những người luôn cảm thấy bản thân trẻ hơn tuổi thường sống lâu, có tỷ lệ tử vong thấp.
Tác giả nghiên cứu – giáo sư tâm lý Andrew Steptoe phát biểu rằng: “Việc tự nhận thức được tuổi tác của mình sẽ phản ánh đúng tình trạng sức khỏe, sự thiếu sót về thể chất và cải thiện hạnh phúc sau này.”
Những người lớn tuổi thường có xu hướng muốn được “hồi xuân”. Vì họ luôn tin tưởng khi có cảm giác “hồi xuân” thì sẽ giúp giảm đi khả năng tử vong.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát trên khoảng 6.489 người, với độ tuổi trung bình là 65,8 tuổi. Nhưng thật bất ngờ! Những người tham gia luôn nhận thức bản thân họ chỉ vừa mới 56 tuổi. Ngoài ra, hơn 70% số người tham gia cảm thấy trẻ hơn được 3 tuổi. Và chỉ có 4,8% số người cảm thấy mình già hơn một tuổi.
Để nghiên cứu được chính xác, các nhà khoa học phải đợi tới 8 năm sau để kiểm tra lại. Kết quả thì thật thú vị: tỷ lệ tỷ vong của những người cảm thấy trẻ hơn so với tuổi chỉ là 14,3%.
Trong khi đó, tỷ lệ tử của nhóm người luôn tin tưởng vào tuổi thật của bản thân là 18,5%. Đặc biệt, những người luôn mặc cảm, luôn nghĩ bản thân mình già hơn tuổi thật, con số ấy lên đến 24,6%.
Điều này có nghĩa việc tin mình trẻ hơn tuổi dường như có tác động đến tuổi thọ sau này.
Vì sao có sự nghịch lý này?
Các tác giả đã đưa ra giả thuyết rằng, những người cảm thấy mình trẻ hơn so với tuổi thật thường có lối sống lành mạnh, lạc quan hơn những người khác. Đặc biệt, họ sẵn sàng hòa nhập và tham gia các hoạt động với những người trẻ tuổi hơn.
Người muốn “hồi xuân” hi vọng rằng bất kỳ ai thấy tự ti, mặc cảm về tuổi tác nên thay đổi thái độ, suy nghĩ của mình để có sức khỏe và tuổi thọ tốt hơn.
Những người muốn hồi xuân thường có lối sống lành mạnh hơn
Giáo sư tâm lý học James Maddux, ĐH George Mason (Mỹ) chia sẻ: “Mặc dù sự lạc quan, bi quan có thể được di truyền trong gia đình. Nhưng chúng tôi nhận thấy sự lạc quan còn được bồi đắp bởi chính cuộc sống. Đây chính là một quy luật cuộc sống quý giá mà chúng ta nên học hỏi.”
Khi chúng ta càng già bao nhiêu thì chúng ta lại càng cảm thấy trẻ bấy nhiêu
Khi già đi, hầu hết chúng ta thường muốn níu kéo, khao khát quay về quá khứ. Chính tâm lý này sẽ giúp mọi người cảm thấy trẻ hơn tuổi thật của họ, theo nghiên cứu của ĐH Virginia (Mỹ). Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng 70% mọi người bắt đầu cảm thấy trẻ hơn khi bước vào độ tuổi 30 và cảm giác đó sẽ được bộc lộ rõ khi họ càng về tuổi “xế chiều”.
Chính suy nghĩ về những kỷ niệm ngây ngô thời thơ bé sẽ giúp cho bạn cảm thấy muốn “hồi xuân” hơn đấy.
Vì thế, đừng bi quan, đừng mặc cảm rằng mình sẽ già, sẽ xấu và sẽ chết vào một ngày nào đó nhé! Điều này sẽ giúp bạn sống lâu hơn, đầy khí lực hơn.
Tham khảo: MNN
HELINO