Hình như chúng ta đều đang hiểu sai về cụm từ “thay đổi bản thân”!
Mỗi ngày, nhiều người trong số chúng ta luôn tự vấn rằng ta đã thay đổi bản thân rất nhiều. Và ta cứ luyên thuyên với những người khác rằng họ cũng nên làm điều tương tự đi. Nhưng liệu điều đó là cần thiết không? Để trả lời được những câu hỏi đó, chúng ta cần xác định rõ: thế nào gọi là thay đổi bản thân?
Không phải cứ lật vài trang từ điển hay gõ vài keyword trên mạng là có thể hiểu tất tần tật về việc thay đổi bản thân. Thực chất, chúng ta chẳng thể nào tìm được một định nghĩa sát nhất để trả lời cho câu hỏi này.
Vì mỗi chúng ta là những cá thể độc nhất với những đặc điểm, suy nghĩ khác nhau và cũng đồng thời có những cách nhìn nhận khác nhau, việc định nghĩa về sự thay đổi sẽ phụ thuộc vào mỗi chúng ta – những cá thể riêng biệt của tạo hóa.
Sự thay đổi bản thân luôn liên quan mật thiết với bản chất của mỗi cá thể khi quyết định rằng bản thân cần phải thay đổi. Khi chúng ta quyết định rẽ hướng bản thân vào một cung đường mới, điều này sẽ tạo cho ta những suy nghĩ về việc ta sẽ cảm thấy thế nào sau khi mình “lột xác”.
Nói đơn giản hơn, sự thay đổi bản thân thường là việc chúng ta muốn thay đổi chính mình để hướng tới một điều gì đó. Nếu thành công, chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái cho đến khi chúng ta nhận ra rằng bản thân lại phải tiếp tục thay đổi vì một việc gì đó mới mẻ hơn, “xu hướng” hơn. Hay nếu thất bại, bạn sẽ cảm thấy như bản thân đang mất dần hy vọng cùng vô số những điều tiêu cực khác về sự vô dụng của chính mình.
Cốt lõi của sự thay đổi là gì vậy?
Nếu chỉ xem cuộc sống chỉ đơn thuần là một chuỗi dài của những hành động, những quyết định, thì việc thay đổi bản thân cốt yếu nằm ở chỗ chúng ta muốn tối ưu hóa những hành động và quyết định đó ra sao.
Chúng ta thường lầm tưởng rằng, thay đổi bản thân là quá trình “lột xác” thành một con người mới, bằng cách đào thải tất cả những điều cũ. Thế nhưng, sự thật lại khá phũ phàng khi bản chất thực sự của việc thay đổi sẽ thông qua những thay đổi nhỏ nhặt trong từ hành động và quyết định. Từ đó, ta đặt mình lên một giai đoạn phát triển mới, một cấp bậc cao hơn và hoàn thiện hơn.
Để làm được điều này, ta nên bớt đòi hỏi rằng những thay đổi đó sẽ bào mòn con người cũ của mình. Thay vào đó, hãy nghĩ liệu những thay đổi đó sẽ cải thiện bản thân ta ra sao? Nếu đó là những quyết định đúng đắn, hãy tiếp tục cố gắng duy trì chúng. Nhưng nếu đến một mức độ nào đó, ta không còn cảm thấy sự đúng đắn đó nữa, thì đó cũng là lúc ta cần phải dừng lại.
Đừng thay đổi bản thân làm chi, lo mà thay đổi từng hành động nhỏ đi!
Như đã đề cập ở trên, thay đổi chính là việc phát triển bản thân bằng cách thay đổi các hành động và các quyết định. Chúng ta thường hay gán ghép những hành động của mình với một cái tôi cá nhân to bự và luôn cho rằng chính những hành động đó, những việc làm đó, những thói quen đó là một phần bản chất của mình.
Nhưng buồn ghê, không phải vậy đâu! Chính chúng ta mới là người chọn lấy những hành động, những quyết định ấy. Bởi vậy, khi muốn “thay đổi bản thân”, cái ta cần chính là thay đổi những hành động, những quyết định của mình.
Và sự thay đổi cũng chẳng hề khó nhọc như ta vẫn tưởng. Hãy dừng lại việc đặt cái tôi vào những hành động. Đừng quên rằng, ta cần phát triển chính mình là vì bản thân mình, chứ chẳng phải vì những ánh nhìn hay những suy nghĩ của ai đó.
Nguồn: Markmanson
Theo Trí Thức Trẻ