Nguồn ảnh: Lao động.

Bức xúc là cảm xúc của dư luận. Nỗi niềm này cũng từng được tiến sĩ Đặng Hoàng Giang mổ xẻ tỉ mỉ trong cuốn sách Bức xúc không làm ta vô can năm 2015.

Thêm một cái cớ để than phiền

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang nhận định, tin tức về những “tệ nạn” hay “bất cập” trong xã hội cung cấp cho chúng ta những cái cớ để than phiền và kêu ca.

Ông viết: Phàn nàn, bực dọc, cáu kỉnh, chê bai đang trở thành những trạng thái thường trực trong dư luận. Các trạng thái này được gói ghém một cách tài chính trong từ “bức xúc”. Không từ tiếng Việt nào lại có sự nghiệp thăng tiến ngoạn mục như vậy. Từ chỗ vô danh cách đây bảy, tám năm, bây giờ gõ từ “bức xúc” vào Google, ta sẽ được 29 triệu kết quả, gấp gần mười lần “Ngọc Trinh”, một con số ấn tượng cho một từ có làn da xấu xí như vậy.

Thời điểm hiện tại con số kết quả khi tìm kiếm từ khóa này đã là 31,5 triệu kết quả trong vòng 0,31 giây. Và ngay kết quả tìm kiếm đầu tiên của Google chính là những video về sự việc gian lận điểm thi của Hà Giang. Tương tự nếu gõ từ khóa Hà Giang cho ra 88 triệu kết quả và trang đầu tiên chỉ về sự kiện này.

Sai phạm sửa điểm thi ở Hà Giang: Bức xúc, chê bai nhưng bạn có chắc mình là người ngoài cuộc cũng như chưa từng gian dối? - Ảnh 1.

“Vì sao chúng ta lại ưu tiên tin xấu, đắm đuối với chúng, thay vì chú ý tới những điều tốt lành? Vì sao chúng ta muốn kêu ca, phàn nàn thay vì vui tươi chuyền nhau những tin vui, những câu chuyện đẹp?”, tác giả Đặng Hoàng Giang đặt câu hỏi. Theo ông, hội chứng “bức xúc” mới nghe thoạt tưởng vô lý, nhưng nó có những lý do tâm lý đằng sau.

Chúng ta không phải “họ”

Lý do đầu tiên theo tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, khi lên tiếng phê bình hay than phiền về một điều gì đó, chúng ta chứng tỏ cho người khác và cho bản thân là chúng ta không thờ ơ, vô cảm, mà còn quan tâm, lo lắng.

Ông còn viết thêm: Hơn nữa, khi chê trách người khác, chúng ta cảm thấy ưu việt về mặt đạo đức, và tự hài lòng vì thấy mình tốt đẹp hơn. Càng có nhiều vụ cướp tiệm vàng, bác sĩ vứt xác bệnh nhân, bảo mẫu đánh trẻ, hôi của, bẻ hoa, chúng ta càng có cơ hội tự nhủ là chúng ta không phải “họ”, chúng ta chỉ không may chung sống cùng “họ”, nhưng thực chất chúng ta ưu tú hơn “họ” nhiều.

Một điểm lý do quan trọng khác theo tác giả chính là khi bức xúc, chúng ta phát ra tín hiệu là chúng ta vô can và vô tội. Khi bày tỏ bức xúc, một cách khéo léo, chúng ta tuyên bố là mình không thể thuộc về bên “thủ phạm” được, mà mình đứng về phía bị thiệt thòi, mình cũng là nạn nhân.

Dần dần, chúng ta đâm ra nghiện những cái lắc đầu, những cái chép miệng, lúc thì ta phẫn nộ, khi thì chỉ cười buồn. Cảm giác mình tốt đẹp, đầy sự quan tâm, cộng với sự vô can, không liên đới, không chịu trách nhiệm, là một cảm giác êm ái. Nó cũng giúp xoa dịu những bứt rứt lương tâm thi thoảng nổi lên, khi chúng ta lờ mờ cảm nhận mình không đủ dũng cảm để làm hết những gì có thể làm được những sai trái trong xã hội.

Tuy nhiên Đặng Hoàng Giang khẳng định chúng ta không vô can. Cuộc sống của mỗi cá nhân chúng ta đang đặt trên nền của bao nhiêu bất công và phi lý. Có thể chúng ta không phải là những kẻ trực tiếp tạo ra bất công, nhưng cuộc sống của chúng ta đang phụ thuộc vào những kẻ đó, chúng ta ngồi cùng bàn tiệc với họ.

Có thể bạn đang bức xúc với việc gian lận điểm thi Hà Giang. Đúng, đây là điều quá bất công với những bạn ở những vùng quê nghèo nỗ lực học tập với mong muốn cháy bỏng đổi đời khi bước chân vào cánh cửa đại học. Tuy nhiên bạn có thẳng thắn nhìn lại bản thân chưa một lần gian lận ở mức độ nhẹ hơn?

Bạn có dám nhận mình chưa từng chép văn mẫu trong giờ kiểm tra khi còn đi học phổ thông? Bạn có dám nhận mình chưa từng đi đến chơi thầy cô trong những dịp làm tiểu luận với “phong bì” chung của cả lớp? Bạn có dám nhận mình chưa từng hối lộ nho nhỏ để công việc hành chính hanh thông nhanh chóng hay những lần không tuân thủ luật giao thông?

 Nhà văn Lưu Quang Vũ cũng đã nhìn thấy hiện tượng bức xúc từ hàng chục năm trước khi viết:

“Nịnh đời dễ, chửi đời cũng dễ

Chỉ dựng xây đời là khó khăn thôi

Cả xã hội muốn làm thầy hơn là làm thợ

Số liệu thống kê năm 2016 về thu nhập từ việc làm bình quân/tháng của lao động làm công ăn lương chia theo nghề nghiệp có sự chênh lệch đáng kể về ngành nghề. Nghề lãnh đạo có mức thu nhập với nữ là 7,5 triệu đồng, với nam là 8,53 triệu đồng. Tiếp theo những người làm chuyên môn kỹ thuật bậc cao có thu nhập 6,51 triệu đồng với nữ, 8,07 với nam.

 Những người làm nhân viên có mức thu nhập từ 4,92 đến 5,05 triệu đồng. Trong khi đó thợ thủ công và các thợ liên quan có mức thu nhập từ 4,10 triệu đồng đến 4,84 triệu đồng. Những người làm nghề đơn giản có mức thấp nhất từ 3,11 đến 3,69 triệu đồng.

Tuy khá khập khiễng khi so sánh nhưng cùng dao động thu nhập thì công việc của nhân viên sẽ dễ chịu hơn so với thợ thủ công. Và không khó để đoán phần đông những than phiền, bức xúc trên mạng xã hội đến từ những người ngồi văn phòng điều hòa, trước mặt là máy tính nối mạng hơn là những người thợ đang đổ mồ hôi trong phân xưởng hay trên công trình.

Một xã hội muốn làm thầy hơn làm thợ còn bộc lộ rõ hơn ở độ vênh giữa ngành nghề đào tạo và thị trường lao động. Theo thống kê của tạp chí Forbes tháng 9 năm ngoái, năm 2016 cả nước có hơn 1,1 triệu lao động thất nghiệp từ 15 tuổi trở lên. Trong đó 46,1% lao động thất nghiệp cư trú ở khu vực thành thị (tương đương 526,3 nghìn người). Tỉ lệ thanh niên thất nghiệp (từ 15-24 tuổi ) chiếm 48,9% tổng số lao động thất nghiệp cả nước.

Một số liệu thống kê khác cho thấy tỷ lệ thất nghiệp với lao động đào tạo nghề/ chuyên nghiệp chiếm 38,1% những người thất nghiệp. Cụ thể trong nhóm này có 17,5% là đại học trở lên, 9,7% cao đẳng chuyên nghiệp, 0,9% cao đẳng nghề, 5,6% trung cấp chuyên nghiệp, 1,4% trung cấp nghề, 3% sơ cấp. Tỷ lệ thất nghiệp của những người theo đuổi đại học cao nhất trong nhóm này.

Tâm lý xã hội muốn làm thầy hơn làm thợ khiến cho cuộc đua vào giảng đường đại học trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Và mong muốn chiến thắng trong cuộc đua nhưng năng lực hạn chế buộc họ phải gian dối.

Đúng như tác giả Đặng Hoàng Giang đã nhận xét chúng ta không vô can. Ý thức về điều đó là việc tối thiểu mà ta có thể làm. Hay mỗi người ý thức nói không với gian lận dù ở mức nhỏ nhất cũng góp phần giúp xã hội trở nên tốt đẹp hơn thay vì lắc đầu thở dài than rằng sống chung với lũ. 

Thậm chí nhỏ nhặt hơn hãy tôn trọng bất cứ ai làm nghề gì từ người quét rác, công nhân trên công trình hay trong xưởng may, có như thế những kỳ thi vào đại học sẽ bớt đi những áp lực định kiến vốn có.

* Nội dung bài viết tham khảo cuốn sách Bức xúc không làm ta vô can- Đặng Hoàng Giang.



Thảo Nguyên


Theo Trí Thức Trẻ

Write A Comment