Tag

sợ bị bỏ lại

Browsing

Những năm tháng đại học cứ mãi ám ảnh lấy tôi. Bốn năm “mài đít” ở ghế giảng đường, nếu trường tôi theo học có danh hiệu “sinh viên có đóng góp to lớn cho trường”, chắc tôi sẽ ôm ngay giải danh giá nhất. Bởi một lẽ, số môn tôi rớt còn nhiều hơn cả… số buổi tôi đi học!

Tôi đã luôn nghĩ bản thân thật thất bại. Khi bọn trong lớp đua nhau giựt học bổng, đi làm thêm, học thêm một ngoại ngữ khác,… thì tôi đang dán mắt vào chồng sách to đùng, dày cộm và đánh một giấc thật ngon. Tỉnh dậy, tôi tự trách mình vì đã ngủ quá lố giờ ra chơi. Tôi luôn tự dằn vặt bản thân sau đó, nhưng sau đó của sau đó thì mọi thứ lại đâu vào đấy.

Chưa đủ tệ đâu, tôi như một tay lướt sóng kém cỏi, rê tay đến đâu thì lại gặp những người trẻ thành công đến đó. Nào là Mark Zuckerberg thành công với dự án Facebook, nào là anh chàng Shark Đăng Khoa trở thành một doanh nhân đầy quyền lực và giỏi giang, hay lại là cô nhà văn trẻ Tuệ Nghi với những quyển sách đầy tinh tế và sâu lắng,… Những con người thành công ở độ tuổi như thế khiến tôi cảm giác như mình đang bị sóng đánh ngộp từng cơn, vừa ngoi đầu dậy đã bị đợt sóng tiếp theo dập cho vùi xuống vực biển.

Sau những đợt “được” sóng táp thẳng vào bản mặt, tôi nghĩ mình tỉnh ra vài phần. Tôi lao đầu đăng kí dăm ba khóa học, túi bụi đi làm thêm, quần quật học thêm thứ ngôn ngữ mới chỉ để bản thân cảm thấy không còn lãng phí thời gian. Ừ, đúng là tôi chẳng còn rảnh rỗi để nghĩ về chuyện mình kém cỏi thế nào nữa, nhưng đồng với lúc ấy, tôi rã người vì kiệt sức.

Lao nhanh như chớp về phía trước vì sợ bị bỏ lại phía sau? Buông ga, phanh chậm chuyến tàu tốc hành của bạn một tí đi nào! - Ảnh 1.

“Quý trọng thời gian” và “thiếu kiên nhẫn” – Hai khái niệm rất dễ bị đánh tráo

Câu nói muôn thuở trên đời, “Thời gian là vàng là bạc”. Chẳng sai chút nào, thời gian qua đi thì chẳng bao giờ lấy lại được, chẳng ai có thể đủ dư dả để mua được thời gian. Thế nên, thời gian hoàn toàn quý báu và chúng ta nên trân trọng quỹ thời gian mà mình đang có được. Nói cách khác, đừng lãng phí thời gian của mình. Nhưng này, xin hãy đừng thiếu kiên nhẫn!

Charles Darwin đã từng nói: “Một người mà dám lãng phí một giờ đồng hồ thì chẳng thể nào khám phá ra được giá trị của cuộc đời”.

Đồng ý cả hai tay hai chân. Nhưng cũng đồng thời lúc đó, chúng ta bị ám ảnh với thời gian. Dần dần, thời gian – từ một thứ quý giá trở thành “con quỷ” áp lực bám lấy ta từng phút từng giây. Điều này thể hiện rõ rệt nhất ở những người muốn tận dụng mọi thứ họ có trong đời để đạt được điều mình khát khao.

Đối với họ, mọi thứ xảy ra phải thật nhanh, nhanh hơn, nhanh hơn nữa. Cứ như một tay lái xe mô-tô khát tốc độ, họ cứ lao thẳng về phía trước, hung hãn xé toạc những thứ dám cản phá đoạn đường mà họ đang đi. Đạt được những mục tiêu và kì vọng của bản thân đúng là niềm hạnh phúc tuyệt trần, nhưng có nhất thiết mọi thứ phải diễn ra “trong gang tấc” hay không?

Lao nhanh như chớp về phía trước vì sợ bị bỏ lại phía sau? Buông ga, phanh chậm chuyến tàu tốc hành của bạn một tí đi nào! - Ảnh 2.

Buông ga, phanh chậm lại một chút đi

Nhảy ngành, học vấn, cơm áo gạo tiền,… tất cả mọi thứ đang xoay bạn đến chóng mặt lắm, phải không? Đó đều là những quyết định đầy khó khăn và mang tính bước ngoặt. Nhưng ở một mức độ nào đấy, bạn đang lùi lại một bước. Nhưng đừng quá hoảng loạn, bạn sẽ lại lấy được nhịp ga vốn dĩ của mình đấy thôi.

Thử cân nhắc lời đề nghị này của tôi nhé:

– Chân bước chậm lại một chút, đừng cứ mãi chạy như thế.

– Tay buông lỏng một xíu, đừng “đa tác vụ” mãi như thế.

– Mắt nhìn lơi ra phía bầu trời xanh kia một tẹo thôi, đừng mãi dán mắt vào màn hình máy tính hay tập hồ sơ như thế.

– Tâm tịnh lại trong một khoảnh khắc ngắn, và tự hỏi xem, mình đang làm gì với mình thế này?

Tự dưng, tôi nhớ đến quãng thời gian đại học của mình, giáo sư Marketing của tôi đã từng là một nhà vật lí học. Phải đấy, ông ấy đã dành ròng rã 10 năm trời của tuổi trẻ để trở thành một bác sĩ đa khoa và theo đuổi công việc này cả một thập kỉ. Thế rồi, ông ấy bỏ ngang xương và nhảy qua một lĩnh vực chẳng mấy liên quan – Marketing.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như lúc ấy không đang ở độ tuổi bốn mươi. Niềm đam mê với Marketing luôn rực cháy trong trái tim ông. Thế rồi, ông quyết định học thạc sĩ về quản trị kinh doanh và sau đó là tiến sĩ Marketing. Hai tấm bằng này lấy đi của ông thêm 6 đến 7 năm nữa.

Khi là giáo sư dạy Marketing, ông đã ngót nghét ở độ tuổi 60. Tuy vậy, ông ấy hoàn toàn yêu quý công việc của mình, lúc nào cũng tràn trề năng lượng và tiếng cười. Đến kẻ ngớ ngẩn nhất trên đời này cũng biết ông ấy đang rất hạnh phúc khi ở cương vị của một giáo sư Marketing.

Lao nhanh như chớp về phía trước vì sợ bị bỏ lại phía sau? Buông ga, phanh chậm chuyến tàu tốc hành của bạn một tí đi nào! - Ảnh 3.

Chậm một chút cũng chẳng thua kém ai đâu: vì bước thế nào là do bạn, chẳng phải do đời định đoạt

Hẳn chẳng có gì xa lạ với những bạn trẻ ở độ tuổi 20 luôn loay hoay và nơm nớp cuống cuồng lên khi cuộc sống không diễn ra theo cách mà họ kì vọng. Thậm chí có nhiều người ở độ tuổi 30 – 40 cũng như thế đấy!

Như đã nói ở khúc trên, họ đang “thiếu kiên nhẫn” mà tưởng rằng mình đang “quý trọng thời gian”. Bạn có thực sự cần một căn nhà? Một gia đình hạnh phúc? Một vị trí cao chót vót trong công ty? Hàng trăm hàng ngàn câu hỏi bủa vây lấy những quyết định của họ. Nhưng này, đừng dốc toàn sức toàn lực những điều mình muốn chỉ vì khao khát sở hữu một điều gì đó. Cũng tương tự như việc bạn sợ rằng nếu không làm thế này thì sẽ chẳng còn cách khác, và dần dần bạn sẽ tụt lại ở phía sau.

Gạt những chiếc tàu tốc hành lớn khỏi đầu đi. Bước lên con xe yêu thích của bạn và chuẩn bị thật kĩ càng, thận trọng cho chuyến đi của mình. Cuộc đời là của bạn, đừng biến mình thành tấm bia để cuộc đời xuyên tạc.

Còn một điều nhớ nằm lòng này: Đi chầm chậm thôi, đừng vội vàng quá.



Gya Rados Spiderum


Theo Trí Thức Trẻ