Tag

nhận lương

Browsing

Mòn mỏi chờ cả tháng cuối cùng ngày lĩnh lương cũng đến rồi. Cái váy tuần trước mình ước ao chắc vẫn còn nằm trong cửa hàng nên chiều nay phải phi vội tới đó mới được; cuộc hẹn với đám bạn thân vài ngày trước cũng phải thực hiện thôi; và còn khoản nợ cô bạn chuyên bán đồ ăn online cứ mỗi ngày vài chục nghìn gom lại cũng cả triệu bạc thì cũng phải trả chứ…

Đấy, lĩnh lương xong là bao nhiêu thứ đột ngột dồn hết cả lên đầu và chắc chắn chỉ trong vòng 2 ngày ngắn ngủi, một khoản tiền nhất định nào đó rồi cũng đội nón ra đi mà thôi. Sau đó sẽ tiếp tục là chuỗi ngày tiêu tiền không phải lo nghĩ, sẵn sàng chi trả cho bất cứ thứ gì cần mua và muốn mua. Cuối cùng, khủng hoảng tài chính sẽ quay trở lại vào khoảng 10 ngày cuối tháng.

Quỹ đạo trên đây dường như là vòng tuần hoàn khó có thể tránh khỏi đối với những ai đi làm công ăn lương đều đặn. Nhưng tình cảnh này không hẳn là không có “thuốc chữa” mà mọi người chỉ cần đưa mình vào khuôn khổ một chút thôi là sẽ không bị xảy ra tình trạng “thủng ví” vào cuối tháng nữa đâu.

Có lương thì sướng, nhưng hãy bỏ túi ngay trọn bộ bí kíp chi tiêu này để không bị cạn tiền trước cuối tháng - Ảnh 1.

Nhận lương xong, lập tức để ra một khoản dành dụm

Hãy thiết lập thói quen này ngay sau lần nhận lương mới nhất nhé bởi vì nó thực sự cần thiết cho tài chính của bạn đấy. Thông thường giờ đây mọi người sẽ nhận tiền lương qua thẻ và mọi người cứ nghĩ sẽ tiêu một số tiền nhất định và để lại một khoản cũng nhất định. Nhưng ý nghĩ đó sẽ không thành hiện thực đâu bởi vì có tiền trong tay là chúng ta sẽ chi tiêu rất dễ dàng, sẽ tặc lưỡi thôi thì cứ tiêu đi, mình còn nhiều tiền mà… Và thế là khi kỳ lương tới chưa kịp về thì tài khoản đã trống rỗng từ bao giờ rồi cũng nên.

Vì lý do đó, hãy tận dụng lúc tiền còn dồi dào mà để dành ra một khoản tiền, có thể không nhiều, chỉ 10% số lương thôi, hoặc nếu ai đặt mục tiêu tiết kiệm thì có thể hơn. Thói quen này sẽ giúp cho chúng ta trong nhiều trường hợp không phải khốn khổ vì thiếu tiền.

Liệt kê ra các loại chi phí và đặc biệt chú ý tới chi phí quan trọng

Tiền điện, tiền nước, tiền mạng, tiền ăn ước tính… Tất cả những thứ đó chắc hẳn đều đã có khoảng định sẵn cho nên chúng ta hãy liệt kê ra xem chúng ngốn hết bao nhiêu và để ra vừa đủ hoặc nhiều hơn chút ít phòng trường hợp phát sinh. Đây được coi là bước quan trọng để đảm bảo những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.

Đặc biệt là với gia đình nào có con nhỏ thì việc định sẵn chi phí này lại càng quan trọng bởi vì trẻ con sẽ có nhiều thứ đi kèm như bỉm sữa, tiền ăn vặt… Quan trọng, trước khi bắt đầu liệt kê, bạn nên kiểm tra tình trạng đồ dùng cần thiết của con xem có đủ dùng hay không để phân bổ chi tiêu phù hợp.

Có lương thì sướng, nhưng hãy bỏ túi ngay trọn bộ bí kíp chi tiêu này để không bị cạn tiền trước cuối tháng - Ảnh 2.

Rút tiền mặt để tiêu thay vì đi đâu cũng quẹt thẻ

Thời buổi công nghệ cho phép chúng ta có được sự tiện lợi là không phải dắt túi tiền mặt trong tay mà vẫn có thể chi tiêu. Nhưng đó chỉ là với những người dư dả và chẳng phải lo về tiền, còn với những ai vẫn đang phải nghĩ cách tiết kiệm từng ngày thì nên xem xét lại.

Lấy lương xong, hãy mạnh dạn rút hết tiền ra và phân bổ vào các khoản cần tiêu mỗi thứ một chiếc phong bì. Bằng cách này, chúng ta có thể kiểm soát được tiền đã tiêu và dễ dàng đếm được số tiền còn lại. Trước khi mua sắm, chúng ta cũng có thể đếm xem mình còn bao nhiêu tiền để biết được khả năng đáp ứng với món đồ đó.

Nếu trong trường hợp tiền trong phong bì không đủ thì cũng hãy cứ ngậm ngùi chờ đến tháng sau thay vì lạm dụng sang chiếc phong bì khác bởi vì nếu không làm như vậy, đến cuối tháng ta sẽ lại “chông chênh” vì tiền cho mà xem.

Có lương thì sướng, nhưng hãy bỏ túi ngay trọn bộ bí kíp chi tiêu này để không bị cạn tiền trước cuối tháng - Ảnh 3.

Nếu dùng tiền mặt, hãy giữ tiền to trong ví

Rất nhiều bà nội trợ đã sử dụng cách này để tiết kiệm chi tiêu sinh hoạt hằng ngày. Ví dụ bạn đang muốn mua một món đồ không quan trọng lắm với giá 10.000VNĐ nhưng trong túi chỉ có tờ tiền mệnh giá 500.000VNĐ. Chắc chắn, bạn sẽ cân nhắc liệu món đồ đó có đáng để mình phá số tiền này không. Cách này không phải cách hiệu quả nhất để tiết kiệm chi tiêu nhưng chắn hẳn sẽ giúp bạn trước khi mua gì sẽ suy nghĩ lại một lần nữa có nên hay không. Rõ ràng đây là một đòn tâm lý quan trọng đối với bất cứ ai đúng không nào?

Cùng với đó, những đồng tiền lẻ nếu vào những ngày dư dả sẽ là thứ chẳng có giá trị gì nhưng nếu là cuối tháng thì chúng có thể sẽ là vị cứu tinh đấy. Vì vậy, thay vì bỏ bê, thậm chí không lấy lại tiền lẻ thừa khi đi mua sắm thì bạn hãy cứ cầm chúng về, nhét vào một góc ngăn kéo hay chiếc phong bì nào đó thì chắc chắn đến cuối tháng bạn sẽ có một khoản đấy. Khoản này ít nhất sẽ thanh toán cho bạn tiền rau, tiền gia vị hay thậm chí cứu đói cho bạn vài bữa cũng nên.

Có lương thì sướng, nhưng hãy bỏ túi ngay trọn bộ bí kíp chi tiêu này để không bị cạn tiền trước cuối tháng - Ảnh 4.

Xem xét lại thời gian rảnh rỗi của bản thân

Người Việt thường có câu “rảnh rỗi sinh nông nổi” cũng là một cách để miêu tả cho việc nếu rảnh rỗi quá thì sẽ tiêu hết nhiều tiền. Khi có thời gian rảnh, chúng ta sẽ nghĩ đến việc thư giãn, đi xem phim và tận hưởng vài thứ xa xỉ. Nếu ít thì không sao nhưng nếu nhiều thì đã đến lúc chúng ta phải đánh giá lại.

Hãy làm cho mình bận rộn hơn bằng cách tham gia các chương trình từ thiện giúp đỡ người khác. Hoặc không với các bà nội trợ thì có thể chế biến đồ ăn cho vài ngày rồi cất trong tủ lạnh là cũng có thể tiêu tốn hết cả một ngày nghỉ rồi. Tất nhiên vui chơi cũng rất cần thiết nhưng nếu đang ở trong ngưỡng cần tiết kiệm tối đa chi tiêu thì việc xem xét lại thời gian rảnh cũng là điều vô cùng cần thiết.

Có lương thì sướng, nhưng hãy bỏ túi ngay trọn bộ bí kíp chi tiêu này để không bị cạn tiền trước cuối tháng - Ảnh 5.

Ít online trên mạng xã hội

Người trẻ bây giờ thường có thói quen mua hàng qua mạng bởi có quá nhiều những lời chào mời hấp dẫn từ các nhóm bán hàng. Dù đã dặn lòng sẽ chẳng mua thêm thứ gì nữa nhưng chẳng hiểu sao khi nhìn thấy là vẫn cứ click chuột vào để đặt hàng. Và điều đó thì vô tình dẫn tới việc “thủng ví” nhanh hơn cả chớp.

Vì lẽ đó, lời khuyên trong trường hợp này là chúng ta hãy hạn chế online ít nhất có thể, dành thời gian cho những thú vui lành mạnh hơn để vừa khỏe người lại tiết kiệm được hẳn một khoản tiền kha khá mỗi tháng đó. Thêm vào đó, nếu trong trường hợp công việc bắt buộc phải online thường xuyên, hãy cho danh sách những người bán hàng tiềm năng kia vào khu vực hạn chế để tránh nhìn thấy thứ “mồi nhử” tốn tiền.

Có lương thì sướng, nhưng hãy bỏ túi ngay trọn bộ bí kíp chi tiêu này để không bị cạn tiền trước cuối tháng - Ảnh 6.



Theo Nhân Mã


Helino