Tag

lãnh đạo giỏi

Browsing

Sau hơn 2 tuần trong hang sâu Tham Luang, miền bắc Thái Lan, toàn bộ 12 thành viên đội bóng Lợn Hoang và huấn luyện viên của các em đã được đưa ra ngoài an toàn. Có nhiều yếu tố tạo nên thành công của cuộc giải cứu vĩ đại, một trong số đó là khả năng điều phối tài tình của huấn luyện viên 25 tuổi Ekkapol Chantawong khi cả đội bị kẹt lại trong hang tối.

Có lẽ sẽ chẳng có ai trong chúng ta phải trải qua thử thách khó khăn như 12 cầu thủ trẻ của đội bóng đá Wild Boars ở Thái Lan trong những ngày qua. 18 ngày bị mắc kẹt là 18 ngày cả đội phải chịu đựng những cơn đói, khát và sự đe dọa tính mạng khi lũ nguồn dâng cao trong khu phức hợp hang động hoang vắng ở miền Bắc Thái Lan.

Trong khi hàng triệu người tỏ ra vui mừng và hân hoan khi chiến dịch giải cứu đầy phức tạp đã hoàn thành, nhiều người khác đã tỏ ra ngạc nhiên trước sự sống sót kì diệu của thầy trò huấn luyện viên Ekkapol Chantawong trong điều kiện hết sức ngặt nghèo của hang động. Phụ huynh của các thành viên đội bóng đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Ekkapol vì đã cố hết sức giữ vững tinh thần cho con em họ trong suốt thời gian chờ giải cứu. Theo các quan chức và những người trực tiếp tham gia chiến dịch, huấn luyện viên Ek đã thể hiện khả năng lãnh đạo tuyệt vời, giúp cả đội sống sót chờ viện trợ.

Không chỉ là câu chuyện về phép nhiệm mầu, nếu suy ngẫm một chút, chúng ta có thể học hỏi ở vị huấn luyện viên trẻ tuổi này rất nhiều về nghệ thuật lãnh đạo.

Muốn trở thành nhà lãnh đạo giỏi, hãy học cách huấn luyện viên người Thái dẫn dắt đội bóng vượt qua thảm họa - Ảnh 1.

Trong nhiều tình huống, người lãnh đạo không phải bao giờ cũng hoàn hảo. Họ có thể bị chùn bước và phạm sai lầm, thậm chí là những sai lầm phải trả giá đắt. Nhưng sau tất cả, nếu là một người lãnh đạo chân chính, họ sẽ sẵn sàng thừa nhận và học hỏi từ những sai lầm của mình, để trở nên hoàn thiện hơn.

Huấn luyện viên Ek có thể đã phạm sai lầm lớn nhất trong cuộc đời anh khi đưa những đứa trẻ vào hang. Nhưng anh cũng là người tạo ra sức mạnh, lòng can đảm khi đội bóng cần nhất. Và tất cả những điều đó cũng chính là tố chất hình thành nên năng lực lãnh đạo mà bất cứ ai cũng có thể học hỏi từ Ek.

Dưới đây là những tố chất lãnh đạo mà huấn luyện viên Ek đã vận dụng một cách thuyết phục trong những ngày qua.

1. Giữ bình tĩnh trước áp lực

Muốn trở thành nhà lãnh đạo giỏi, hãy học cách huấn luyện viên người Thái dẫn dắt đội bóng vượt qua thảm họa - Ảnh 2.

Giả sử nếu bị kẹt lại trong hang tối như Ek và đội bóng, bất cứ ai cũng có thể rơi vào tình trạng hoảng loạn. Nhưng khi mọi thứ trở nên căng thẳng, việc giữ cho tinh thần luôn tỉnh táo và bình tĩnh là điều quan trọng nhất, quyết định đến sự sống còn của cả đội.

Là một người từng tu hành và thường xuyên tập thiền, huấn luyện viên Ek đã giúp cho bản thân và các học trò của mình giữ được bình tĩnh trong suốt quá trình chờ viện trợ. Một số chuyên gia tham gia chiến dịch giải cứu cho biết: “Trong hang động, Ek dạy các chàng trai phương pháp thiền định để làm chủ thời gian mà không bị hoảng loạn. Chính điều đó đã cứu mạng họ”. Thật vậy, khi các thợ lặn hang động tìm thấy đội bóng sau 10 ngày mất tích, họ đang ngồi thiền với một tinh thần khá tốt, không hề có sự hoảng loạn hay sợ hãi.

Từ phong thái bình tĩnh của huấn luyện viên Ek, các nhà lãnh đạo của chúng ta có thể học tập để vận dụng vào các vấn đề cụ thể. Trong thời đại mà khủng hoảng tài chính và khủng hoảng PR diễn ra với tần suất nhiều như hiện nay, các doanh nhân dễ dàng trở nên bối rối và mất phương hướng. Nhưng nếu nhà lãnh đạo giữ được sự tỉnh táo và bình tĩnh (như huấn luyện viên người Thái) thì họ có thể lèo lái con thuyền kinh doanh vượt qua mọi khó khăn, đồng thời truyền cảm hứng cho chính nhân viên của mình.

2. Luôn có trách nhiệm với những sai lầm của bản thân

Khi phạm sai lầm, thông thường các nhà lãnh đạo mạnh mẽ và sáng suốt sẽ dũng cảm nhận lỗi và tìm cách sửa sai bằng những điều đúng đắn. Họ là người có trách nhiệm với những hành động của mình và có trách nhiệm với những người xung quanh.

Dù sự cố hang động là ngoài ý muốn, nhưng huấn luyện viên vẫn luôn bày tỏ sự hối hận vô cùng khi là người dẫn đội lạc vào hang tối. Khi các thợ lặn Hải quân Thái Lan tiếp cận được với anh và đội bóng, Ek đã gửi đến phụ huynh của các cầu thủ nhí lời xin lỗi cũng như lời hứa sẽ chăm sóc tốt cho các em.

Muốn trở thành nhà lãnh đạo giỏi, hãy học cách huấn luyện viên người Thái dẫn dắt đội bóng vượt qua thảm họa - Ảnh 3.

Bức thư HLV Ek gửi các phụ huynh.

Trong một tờ giấy note gửi ra bên ngoài, anh viết: “Tôi muốn cảm ơn tất cả sự hỗ trợ và tôi muốn xin lỗi cha mẹ các em. Tôi hứa sẽ chăm sóc cho những đứa trẻ tốt nhất có thể”. Và trên thực tế, Ek đã giữ đúng lời hứa của mình khi anh đã giữ cho cả đội được an toàn trong thời gian chờ giải cứu.

3. Là người ở lại sau cùng

Câu chuyện 18 ngày đêm của đội bóng Lợn Hoang kết thúc hôm thứ ba khi các thợ lặn từ Hải quân Thái Lan đưa được thành viên cuối cùng ra khỏi hang động. Và người cuối cùng rời hang không ai khác chính là huấn luyện viên Ekkapol Chantawong.

Muốn trở thành nhà lãnh đạo giỏi, hãy học cách huấn luyện viên người Thái dẫn dắt đội bóng vượt qua thảm họa - Ảnh 4.

Theo một số thợ lặn tham gia giải cứu, huấn luyện viên Ek đã nhường phần thức ăn của mình cho các học trò. Anh cũng giúp các em uống nước nhỏ từ trên hang xuống thay vì dùng nước bẩn dưới lòng hang. Nopparat Khanthawong, huấn luyện viên trưởng của đội trong một bài phỏng vấn trên tờ New York Times đã nói rằng: “Ek thương bọn trẻ hơn chính bản thân mình. Anh thà chết chứ không để những chàng trai của chúng ta chịu đói khát”.

Muốn trở thành nhà lãnh đạo giỏi, hãy học cách huấn luyện viên người Thái dẫn dắt đội bóng vượt qua thảm họa - Ảnh 5.

Sự quan tâm thật lòng đối với những người xung quanh cũng chính là tố chất cần thiết của một người lãnh đạo giỏi. Simon Sinek, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Leaders Eat Last (Lãnh đạo ăn sau cùng), nói rằng các nhà lãnh đạo nên đặt mình vào vị trí ngang hàng với nhân viên của họ bởi vì “nó tạo ra một môi trường tin tưởng và hợp tác”. Có lẽ đó là lí do vì sao mà vị huấn luyện viên trẻ tuổi này luôn nhận được sự tin tưởng và tôn trọng tuyết đối, không chỉ từ các học trò của mình mà còn từ phía phụ huynh các em.



Theo Hoài Thu


Trí thức trẻ/INC

Thành công của mỗi người không chỉ dựa vào năng lực bản thân mà còn phải dựa vào nhiều yếu tố khách quan khác. Một công việc tốt, đúng chuyên môn, sở trường cũng sẽ không thể khiến chúng ta thành công nếu như gặp phải một người lãnh đạo tồi.

William Raduchel – đạo diễn, nhà đầu tư và chuyên gia tư vấn chiến lược đã từng khuyên “Đừng chỉ chọn công việc. Hãy chọn sếp. Người sếp đầu tiên sẽ là nhân tố có ảnh hưởng lớn tới thành công sự nghiệp của bạn. Sếp không tin tưởng vào bạn sẽ không cho bạn cho cơ hội phát triển.” Đây sẽ là lời khuyên rất hữu dụng cho những ai đang muốn tìm con đường đi cho sự nghiệp của mình.

Tuy nhiên điều này không dễ thực hiện bởi quy trình tuyển dụng lại diễn ra theo hướng ngược lại: sếp chọn bạn chứ không phải bạn chọn sếp. Thông báo tuyển dụng không hề đưa ra thông tin như “mức độ khó chịu của sếp” hay bất cứ yếu tố nào liên quan. Thường thì bạn chỉ có thể khai thác phần nào những yêu tố đó thông qua buổi phỏng vấn xin việc và quãng thời gian ít ỏi này dường như cũng không đủ để giúp bạn phán đoán chính xác về con người sếp. 

Thế nhưng thay vì tập trung vào những tiêu chí đánh giá thông thường khác (như địa điểm làm việc, mức lương, trách nhiệm công việc, cơ hội thăng tiến…) con đường theo đuổi sự nghiệp của bạn sẽ thay đổi khi tìm được đúng người kéo cả đoàn tàu để mình cống hiến. 

Không chỉ công việc mà lựa chọn sếp cũng có tầm quan trọng nhiều hơn bạn nghĩ, nhất định bạn phải ghi nhớ 3 điều:

– Một vị sếp tốt trong một công ty bình thường có thể bảo vệ và hỗ trợ bạn.

– Một vị sếp tồi trong một công ty tốt sẽ khiến bạn phát điên và còn hủy hoại bạn.

– Một vị sếp tốt trong một công ty tốt sẽ mở khóa mọi tiềm năng mà bạn có.

Muốn thành công, bạn phải chọn đúng nghề, đúng việc và đặc biệt Hãy chọn sếp đúng - Ảnh 1.

Vậy làm thế nào để tìm được lãnh đạo tốt? 

Đầu tiên và quan trọng nhất, hãy hiểu chính mình. Bạn đã lập kế hoạch cho mình chưa? Nếu có, tham vọng của mình là gì (những gì bạn cần đạt được trong 3 – 5 năm tới)? Bằng cách xác định một lộ trình rõ ràng cho những gì bạn muốn đạt được, bạn có thể tiến hành phân tích những kỹ năng bạn có khi đó bạn sẽ xác định được cần tìm Sếp thế nào để huấn luyện và cố vấn cho mục tiêu của bạn.

Thứ hai, lựa chọn được 1 vị sếp tốt cũng đòi hỏi phải có mạng lưới quan hệ rộng lớn. Qua bạn bè, qua việc chia sẻ bạn sẽ biết được trong ngành của mình vị lãnh đạo nào bạn có thể gửi gắm. Việc này sẽ mất thời gian nhưng cũng rất đáng để đánh đổi bởi có được một vị sếp tốt đồng nghĩa với việc bạn có được tài sản quý nhất cho sự nghệp lâu dài của mình.  Nếu đã nghĩ tới một hay hai công ty thì hãy thử tìm hiểu xem có vị sếp nào thuộc chức năng công việc của bạn hay không.

Cuối cùng, hãy tìm cơ hội để có thể ngồi với những người mà có thể trong tương lai sẽ là sếp của bạn. Bạn có thể cùng họ đi ăn trưa, đi cà phê để tìm hiểu thêm về con người cũng như cuộc sống của họ. Ngoài ra bạn cũng thể tìm hiểu cách người đó có thể hỗ trợ bạn để đạt được mục tiêu công việc cũng như cuộc sống của bạn.

Một vị sếp tốt có thể nhận ra tài năng của bạn và phát triển chúng nhưng một vị sếp tồi sẽ chẳng bao giờ nhận ra những gì bạn có thể làm hay trao cơ hội để bạn tự phát triển mình.

Khi nói nghĩ về sự nghiệp của mình, cho dù tiềm năng phát triển của bạn đến đâu, bạn có hạnh phúc hay không và mức thưởng của bạn là bao nhiêu thì yếu tố quyết định chính là ông chủ của bạn tại thời điểm đó. Như Jim Rohn đã từng nói, “Bạn là tổng hòa của năm người bạn dành nhiều thời gian nhất.” Hãy tìm kiếm công việc với mục tiêu rõ ràng và ưu tiên chọn sếp trước khi chọn chức vụ hay tên công ty. Sự nghiệp hay giấc mơ của bạn sẽ bắt đầu từ đó.



An Chi


Theo Trí Thức Trẻ