Tag

gia đình

Browsing

Xem gia cảnh, không phải là xem gia đình bên kia giàu hay nghèo, bố mẹ họ có địa vị trong xã hội hay không. Xem gia cảnh ở đây là xem cách gia đình người ta đối nhân xử thế, nếp sống sinh hoạt, không khí giữa các thành viên trong gia đình, bởi những điều này ít nhiều ảnh hưởng đến góc nhìn, cách sống của đối phương, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bạn sau này.

Cách bố mẹ làm ra tiền ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng kiếm tiền của người yêu bạn

Lúc mới yêu, chúng ta thi thoảng có thể dẫn người mình yêu ra nhà hàng, ăn những món ăn ngon, đắt tiền hơn một chút. Đến khi kết hôn rồi, ta và người ta yêu một ngày ăn với nhau ba bữa, ăn liên tục 7 ngày 1 tuần, 4 tuần 1 tháng, 12 tháng 1 năm….Các bữa ăn xa hoa sẽ ít lại, những bữa ăn có cân nhắc đến yếu tố tài chính trong gia đình sẽ nhiều hơn. Lúc này, để tình yêu luôn vững bền, khả năng kiếm tiền của 2 người sẽ đóng một vai trò lớn.

Trường hợp gia đình người yêu của bạn có xuất thân bình thường, không nghèo cũng không giàu, nhưng bố mẹ của họ là những người siêng năng, cần cù trong công việc, có học vấn và luôn cảm thấy hài lòng hạnh phúc với cuộc sống: Đừng chần chừ và hãy kết hôn với họ, bởi cách sống của bố mẹ họ sẽ giúp người này thực tế, lạc quan, người ấy sẽ biết cách vượt qua những khó khăn nghịch cảnh, kiếm tiền đủ để vun vén hạnh phúc của gia đình.

Trường hợp gia đình người yêu của bạn khá giả, nhưng bố mẹ họ là một người hoài nghi, có nhiều mưu mô, toan tính để sản sinh ra lợi nhuận: Cân nhắc thật kĩ trước khi kết hôn với người này, bởi họ có thể là người trọng vật chất, sẵn sàng phản bội bạn khi thấy một mối lợi lớn hơn.

Yêu là chuyện hai người, nhưng kết hôn là chuyện gia đình, muốn cưới, phải xem gia cảnh nhà người ta trước - Ảnh 1.

Cách bố mẹ người yêu bạn chung sống với nhau ảnh hưởng trực tiếp đến cách họ chung sống với bạn sau này

Một cuộc hôn nhân được gọi là như ý khi hai người có thể chung sống tới đầu bạc răng long, hạnh phúc một đời.

Một cuộc hôn nhân được gọi là thảm hoạ khi hai người luôn tranh cãi, gây hấn với nhau cho đến khi già.

Bạn nghĩ mình sẽ có được cuộc hôn nhân nào. Bạn nghĩ người yêu của bạn sẽ trở thành một người chồng, một người vợ tốt chứ? Muốn biết, bạn chỉ cần trông bố mẹ của họ.

Bạn đã nghe qua câu chuyện này chưa?

Tất cả mọi người đều nói anh ta không xứng với cô ấy. Một hôm, cô gái đến nhà gặp bố mẹ chàng trai. Khi ăn cơm cùng họ, cô để ý thấy bác trai đang bóc vỏ tôm cho bác gái. Khoảnh khắc ấy, cô đã quyết định mình sẽ gả cho gia đình này, bởi sự ngọt ngào trong cách đối xử của bố mẹ chàng trai cho cô vững tin vào cuộc sống vợ chồng của cô sau này.

Và còn câu chuyện này nữa!

Tất cả mọi người đều nói anh ta không phù hợp với cô ấy. Một hôm, cô gái đến nhà gặp bố mẹ chàng trai. Khi ăn cơm cùng họ, cô để ý bác trai uống rượu say bí tỉ, còn bác gái ăn vội ăn vàng rồi nhanh chóng thu xếp bát đũa đi làm việc khác. Ngay sau ấy, cô quyết định nói lời chia tay. Bởi sự lạnh nhạt của bố mẹ chàng trai làm cô chắc mẩm rằng nếu cưới anh chàng này, cô cũng sẽ không được tôn trọng.

Yêu là chuyện hai người, nhưng kết hôn là chuyện gia đình, muốn cưới, phải xem gia cảnh nhà người ta trước - Ảnh 2.

Cách bố mẹ đối nhân xử thế ảnh hưởng đến tính cách người yêu của bạn

Tại sao hai người yêu nhau? Bởi họ bị thu hút trước những ưu điểm của đối phương. Khi kết hôn, những nhược điểm của đối phương dần dần lộ diện, phải học cách chung sống với nó, mới mong có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Một cuộc hôn nhân hạnh phúc, không phải nguyện vì tình yêu mà sẵn lòng thay đổi, mà là cam tâm tình nguyện chấp nhận những gì đối phương có, cả mặt tốt lẫn mặt xấu.

Bạn có thể chấp nhận 100% con người của người yêu bạn chứ? Muốn đưa ra câu trả lời chính xác, hãy xem bố mẹ của họ.

Nếu như bố mẹ người yêu của bạn là những người thật thà, trung hậu, vậy gần như chắc chắn người yêu bạn cũng là một người hiền lành, tốt bụng, có tấm lòng bao dung.

Nếu bố mẹ người yêu của bạn là những người có tấm lòng hẹp hòi, nhỏ mọn, vậy khả năng cao người yêu bạn là những người mưu mô xảo quyệt, có nhiều toan tính.

Nếu bố mẹ người yêu của bạn là những người quảng giao, người yêu của bạn có khả năng là những người hướng ngoại, thích giao du với người khác, mở rộng mối quan hệ.

Nếu bố mẹ người yêu của bạn là những người tự ti, người yêu của bạn rất có thể sẽ là người sống khép kín, không tự tin, thoải mái khi nói chuyện với người lạ.

Yêu là chuyện hai người, nhưng kết hôn là chuyện gia đình, muốn cưới, phải xem gia cảnh nhà người ta trước - Ảnh 3.

Môi trường gia đình tạo nên cách sống của người yêu bạn

Yêu là chuyện của hai người, còn cưới là mối bận tâm của hai gia đình. Khi kết hôn, bạn không chỉ kết hôn với người yêu của bạn, mà bạn còn kết hôn với toàn bộ gia đình, họ hàng người yêu của bạn và phải làm quen với nếp sống của họ.

Nếu như, bố mẹ họ là những người có tư tưởng tiến bộ, không muốn can thiệp nhiều vào cuộc sống vợ chồng của con cái, cho con của mình nhiều không gian thoải mái, tự do.

Nếu như, anh chị em của họ là những người có học, không thoái thác trách nhiệm, tương trợ, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau những lúc khó khăn.

Nếu như, họ được sống trong tình thương của bố mẹ, anh chị em họ.

Khi ấy, đừng chần chừ, đừng bỏ lỡ mà hãy cưới ngay đi!

Gia đình là nguồn gốc của mọi hạnh phúc. Nếu gia đình người yêu của bạn tốt, bạn chắc chắn sẽ có một cuộc sống vui vẻ khi cưới họ.

Những cuộc hôn nhân bền vững, lâu bền không chỉ dựa vào tình yêu của hai người, mà còn dựa nhiều vào gia đình của hai bên. Vì vậy, khi quyết định cưới một ai, trước hết phải xem gia cảnh của họ như thế nào.

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả



Đình Trọng


Theo Trí Thức Trẻ

Những nguyên tắc ứng xử mà bố mẹ và người lớn trong nhà tập cho trẻ chính là cơ sở để nuôi dưỡng những phẩm chất lẫn thói quen tích cực khi trẻ trưởng thành.

Tuy vậy, những quy tắc sống và cách ứng xử còn phải căn cứ theo độ tuổi của trẻ. Nếu bạn áp đặt tùy tiện không những không đạt hiệu quả mà còn có thể phản tác dụng, khiến trẻ khó tiếp thu và sinh ra tâm lý phản kháng.

 Dạy gì thì dạy, trước 10 tuổi cha mẹ nhất định phải dạy con 5 nguyên tắc ứng xử này - Ảnh 1.

Giai đoạn trước 10 tuổi, bạn nhất định phải tập cho trẻ 5 nguyên tắc ứng xử này để tạo nền tảng tốt cho sự phát triển về sau (Ảnh minh họa).

Chọn độ tuổi thích hợp để tạo cho trẻ thói quen tốt là một trong những cách giáo dục gia đình khôn ngoan nhất.

Đối với giai đoạn khi trẻ dưới 10 tuổi, bạn nên tập cho trẻ 5 nguyên tắc ứng xử sau đây, bởi vì chúng vừa phù hợp, vừa giúp ích không nhỏ đối với sự trưởng thành và phát triển của trẻ về sau.

1. Dạy trẻ gặp ai cũng phải biết chào hỏi

 Dạy gì thì dạy, trước 10 tuổi cha mẹ nhất định phải dạy con 5 nguyên tắc ứng xử này - Ảnh 2.

Chỉ cần mỗi khi đưa trẻ ra ngoài hay gặp ai đó, bạn làm gương chào hỏi trước, sau đó nhẹ nhàng khuyến khích trẻ cũng chào hỏi đối phương như bạn (Ảnh minh họa).

Không ít phụ huynh đều có thói quen nhắc nhở con mình phải chào hỏi khi gặp người khác.

Nhưng có điều, đôi khi bạn chỉ tập cho trẻ thói quen chào người lạ mà cảm thấy không cần thiết với những người đã quá thân quen. Điều này là một thiếu sót không nhỏ.

Khi bạn không để trẻ tập được thói quen chào hỏi khi gặp người quen, dần dần khi lớn lên có thể khiến trẻ thiếu sự tôn trọng với họ.

Trẻ sẽ có tâm lý người đó đã quá quen thuộc rồi thì muốn làm sao cũng được. Chính vì vậy, bạn nên giúp trẻ hình thành phép lịch sự chào hỏi bất cứ ai mà trẻ gặp.

Hãy nói với trẻ hành động đó là sự lễ phép và trẻ sẽ được hoan hô, khen ngợi.

Nếu con của bạn bình thường ở nhà đã khá nhút nhát và có phần hướng nội thì bạn đừng quá vội ép trẻ phải vào nề nếp.

Chỉ cần mỗi khi đưa trẻ ra ngoài hay gặp ai đó, bạn làm gương chào hỏi trước, sau đó nhẹ nhàng khuyến khích trẻ cũng chào hỏi đối phương như bạn.

Dần dần tự nhiên trẻ sẽ biết phải làm thế nào dù trong tình huống trẻ gặp người khác mà không hề có mặt bạn.

2. Dạy trẻ chú ý lời nói và hành động ở nơi công cộng

 Dạy gì thì dạy, trước 10 tuổi cha mẹ nhất định phải dạy con 5 nguyên tắc ứng xử này - Ảnh 3.

Nên bắt đầu rèn cho trẻ cách cư xử văn minh khi ở nơi công cộng từ sớm (Ảnh minh họa).

Nhiều phụ huynh, đặc biệt là các bà mẹ với tâm lý cưng chiều con mà để trẻ vô tư có những hành động thái quá, ảnh hưởng đến người xung quanh ở nơi công cộng.

Bạn cho rằng trẻ con thì được phép nghịch ngợm và đáng được bao dung? Đừng để cách nghĩ này khiến con bạn trở thành kẻ tự cao, tự đại và thiếu tôn trọng mọi người khi trưởng thành!

Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, thậm chí là chưa đến 10 tuổi, bạn đã nên bắt đầu rèn cho trẻ cách cư xử văn minh khi ở nơi công cộng.

Khi thấy trẻ có lời nói hay hành động không đúng đắn, thậm chí gây phiền hà cho người khác, bạn nên giữ trẻ bên mình và nhẹ nhàng giải thích với trẻ rằng điều đó là không tốt, là không ngoan và sẽ bị chê cười.

Những chú ý và răn dạy kịp thời, kiên nhẫn của bạn sẽ giúp trẻ ngày càng nhận thức được lời ăn tiếng nói và cử chỉ của mình. Trẻ sẽ biết điều gì nên làm để trở thành một đứa trẻ ngoan và được khen ngợi.

3. Dạy trẻ khi đến nhà người khác không được nghịch ngợm và tùy tiện lấy đồ

 Dạy gì thì dạy, trước 10 tuổi cha mẹ nhất định phải dạy con 5 nguyên tắc ứng xử này - Ảnh 4.

Nên ngăn hành động của trẻ lại, và giải thích cho trẻ biết đồ vật đó là của ai, và trẻ cần xin phép khi muốn làm bất cứ điều gì (Ảnh minh họa).

Trẻ con vốn rất nghịch ngợm và hiếu kỳ đối với mọi đồ vật hay sự việc xung quanh. Nhưng không vì thế mà bạn để trẻ vô tư chạy lung tung hay sờ nắm, thậm chí làm hỏng đồ đạc nhà người khác, bất kể đó là nhà người lạ hay người thân quen.

Trong giai đoạn trước 10 tuổi, có thể ý thức về quyền sở hữu ở trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Trẻ thường cảm thấy rằng đồ của người khác đều là của nhà mình, mình thích thì mình lấy và chơi thôi.

Những lúc này, bạn nên ngăn hành động của trẻ lại, và giải thích cho trẻ biết đồ vật đó là của ai, và trẻ cần xin phép khi muốn làm bất cứ điều gì.

Không chỉ là ở nhà người khác, ngay cả trong gia đình, bạn cũng nên thường xuyên nhắc nhở trẻ có thói quen “hỏi” người lớn trước khi muốn lấy thứ gì.

4. Dạy trẻ không nên chỉ nhìn vào khuyết điểm của người khác

 Dạy gì thì dạy, trước 10 tuổi cha mẹ nhất định phải dạy con 5 nguyên tắc ứng xử này - Ảnh 5.

Khuyến khích trẻ tìm thấy những ưu điểm của người khác, lấy đó làm gương học tập (Ảnh minh họa).

Nói xấu sau lưng người khác hoặc kể lể khiếm khuyết hay bí mật của ai đó có thể khiến trẻ thành thói quen.

Sau khi trưởng thành, trẻ sẽ trở thành người chỉ biết nhìn vào khuyết điểm của người xung quanh, thậm chí có tư tưởng khinh khi, đố kỵ.

Vì vậy, ngay khi trẻ còn nhỏ, bạn nên nhẫn nại giảng giải để trẻ hiểu hành động đó là không tốt. Bạn có thể khuyến khích trẻ tìm thấy những ưu điểm của người khác, lấy đó làm gương học tập.

Đặc biệt, bố mẹ và người trong nhà phải làm gương trước, không nên cãi vã, đả kích nhau hoặc xúm lại nói điều không hay về ai đó trước mặt con trẻ.

Khi bạn còn làm chưa tốt thói quen này thì rất khó để trẻ nghe theo lời dạy của bạn.

5. Dạy trẻ làm sai phải xin lỗi, hoặc nếu bị phạm lỗi cũng có quyền yêu cầu người khác xin lỗi mình

 Dạy gì thì dạy, trước 10 tuổi cha mẹ nhất định phải dạy con 5 nguyên tắc ứng xử này - Ảnh 6.

Phải cho trẻ hiểu rằng trẻ cũng có quyền được người khác xin lỗi nếu trẻ bị ức hiếp hay ngược đãi (Ảnh minh họa).

Người lớn còn không tránh khỏi lúc phạm sai lầm, huống chi là con trẻ. Cho nên, khi trẻ phạm lỗi, bạn cần dạy trẻ thói quen dũng cảm nhận lỗi và thành khẩn cải thiện.

Ngược lại, bạn cũng phải cho trẻ hiểu rằng trẻ cũng có quyền được người khác xin lỗi nếu trẻ bị ức hiếp hay ngược đãi.

Muốn tập cho trẻ nguyên tắc ứng xử lành mạnh này, trước hết bạn phải là người làm gương thật tốt.

Cho dù bạn là người trưởng bối nhưng nếu bạn trách lầm trẻ hoặc làm gì không đúng, bạn vẫn phải xin trẻ một cách nghiêm túc, chân thành.



Theo Lạc Tâm


Helino