Tag

CV

Browsing

Đi làm thêm, vừa giúp có một khoản thu nhập nhỏ để trang trải cuộc sống, vừa là cơ hội để các bạn trẻ cọ sát với môi trường xã hội, do đó, part-time là lựa chọn của rất nhiều bạn trẻ hiện nay. Chưa k, công việc part-time hiện tại vô cùng phong phú, đa dạng, từ nhân viên bán quần áo tại shop thời trang, phục vụ bàn tại quán cà phê, đồ ăn nhanh, nhiếp ảnh, model lookbook, telesale… nên chỉ cần lăn xả, tìm kiếm thì ai cũng có thể tìm được công việc bán thời gian phù hợp.

Tuy nhiên, có vẻ vì làm part-time chỉ mang tính thời điểm chứ không ràng buộc gắn bó lâu dài, mang tâm lý “không làm việc này thì làm việc khác, có ti tỉ việc part -time khác” nên nhiều bạn trẻ chưa thực sự có thái độ nghiêm túc, thậm chí còn cư xử hời hợt với nó. Thái độ hời hợt này thể hiện đầu tiên ở CV xin việc “không thể hiểu nổi” của các bạn trẻ. 

Mới đây anh L.S., chủ một thương hiệu thời trang khá nổi tiếng ở Sài Gòn đã chia sẻ về những chiếc CV cộc lốc, không đầu không cuối của rất nhiều bạn. Theo lời anh S., cách đây không lâu, shop L.S đã đăng tuyển 2 nhân viên bán hàng với yêu cầu khá đơn giản: Tuổi từ 18-25, trách nhiệm, ngoại hình ưa nhìn, nhanh nhẹn, giao tiếp tốt. 

Ngay sau khi thông tin tuyển dụng được đăng tải, rất nhiều bạn đã gửi mail ứng tuyển vị trí trên. Điều đáng nói là ngoài những hồ sơ ổn, thể hiện sư đầu tư nghiêm túc, còn có không ít những CV khiến nhà tuyển dụng phải đặt dấu chấm hỏi vì không hiểu các bạn trẻ đã nghĩ gì. 

Coi thường công việc part-time, không viết nổi một cái CV xin việc tử tế, soạn email hời hợt: Bạn trẻ ơi, thất nghiệp chớ kêu oan! - Ảnh 1.

Anh L.S chia sẻ: “Nội dung cơ bản của một email luôn phải có tiêu đề, phần chào hỏi, giới thiệu bản thân và chia sẻ mục đích gửi đến. Tuy nhiên, khá nhiều bạn đã quên mất 1 trong những phần trên, hoặc thậm chí là… quên sạch sành sanh không nhớ phần nào.

Một email xin việc với vỏn vẹn 5 dòng thông tin và.. hết!. Có bạn “táo bạo” hơn khi gửi luôn file CV đính kèm, link facebook, instagram, cũng không một lời nào! Có bạn còn bận đến mức gửi link CV sang cho người tuyển dụng… tự tải về, không thèm đính kèm luôn.

Dở khóc dở cười nhất là trường hợp của những bạn trẻ xin việc ở nhiều nơi khác nhau, khi không nhận được việc ở nơi này thì copy-paste toàn bộ nội dung xin việc kia sang một nơi tuyển dụng khác, vội vàng đến mức không thay cả tên đơn vị ứng tuyển nữa”.

Theo anh S., rất nhiều lần anh nhận được những CV xin việc “kì cục” như vậy, nhưng lần này do quá bức xúc trước thái độ thiếu nghiêm túc của các bạn trẻ nên đã quyết định chia sẻ những ví dụ này lên Instagram để tránh những trường hợp xin việc như thế này về sau.

Nói thêm về cảm xúc của mình khi nhận được những lá thư xin việc trên, anh S. cho biết: “Một email chỉn chu, nắn nót chưa thể đảm bảo bạn sẽ nhận được công việc mong muốn, nhưng ít ra nó cũng thể hiện sự tôn trọng đối với nơi mà bạn đang xin việc. 

Với bức thư đó, phía công ty/ đơn vị đang tuyển người sẽ đọc qua và cân nhắc việc mời bạn tới phỏng vấn. Bản thân mình khi nhận được vài trăm đơn xin việc cho một vài vị trí thì cách lọc nhanh nhất, hiệu quả nhất và loại được nhiều người không phù hợp nhất đó chính là xem qua email các bạn gửi tới. Bởi vì đến cái email xin việc các bạn soạn còn hời hợt thì khi đi làm các bạn cũng sẽ đem thái độ hời hợt đó theo mà thôi.” 

Ca sĩ Phùng Khánh Linh, hiện kinh doanh phụ kiện thời trang tại Sài Gòn cũng từng gặp phải vấn đề tương tự. Cô cho hay sẽ từ chối tiếp nhận hay trả lời tất cả các đơn xin việc thiếu tiêu đề, thiếu phần giới thiệu bản thân. Các bạn trẻ cần tích lũy kinh nghiệm cũng như học hỏi nhiều hơn để tránh lãng phí cơ hội ngay từ bước đầu như vậy. 

Coi thường công việc part-time, không viết nổi một cái CV xin việc tử tế, soạn email hời hợt: Bạn trẻ ơi, thất nghiệp chớ kêu oan! - Ảnh 2.

CV, mail xin việc là những thứ cơ bản, đầu tiên kết nối bạn – người đi xin việc với nhà tuyển dụng, là ánh xạ phản chiếu con người bạn. Cho dù chỉ là công việc bán thời gian, bạn vẫn nên có cái nhìn nghiêm túc về nó. 

Nếu bạn nghĩ một công việc part – time chỉ làm cho vui và kiếm tiền đi chơi trong ngày một ngày hai thì quả thực là một sai lầm. Và chắc chắn chẳng một ai muốn có bạn trong đội ngũ nhân viên nếu bạn chỉ xem việc làm thêm như một cuộc vui để kiếm vài đồng tiền tiêu vặt. Đừng quên, suy nghĩ của bạn về công việc mình đang làm sẽ quyết định thái độ làm việc của bạn. 

Hãy suy ngẫm một chút, bạn đi làm và bạn làm tốt công việc hơn mức được giao thì bạn hoàn toàn có thể được thăng tiến lên một vị trí tốt hơn mà chẳng cần phải đi tìm bất cứ một công việc nào khác. Chưa kể, những công việc part time sẽ cho phép bạn có cơ hội cọ xát nhiều hơn với cuộc sống đời thường cùng vô vàn kiểu người khác nhau. Biết mình đang ở đâu và luôn cố gắng hết mình để hoàn thiện bản thân. 

Tôi có một người bạn hiện là sinh viên năm cuối nhưng đã làm quản lý của một cửa hàng. Mặc dù bạn ấy cũng không hẳn quá là tài năng hay giỏi giang nhưng bạn ấy đã gắn bó tại cửa hàng ấy suốt 3,4 năm trời và cấp trên nhìn thấy, ghi nhận những nỗ lực từ bạn. 

Cơ hội thực sự luôn có, chỉ là liệu bạn có mở những cánh của ấy không mà thôi. Mọi thứ đều được quyết định bởi năng lực và sự cố gắng, cầu tiến không ngừng của chính bạn. Tất cả những cố gắng ấy, bắt đầu từ việc học viết một cái mail, gửi 1 cái CV tử tế, đàng hoàng và chuyên nghiệp. 



PV


Theo Trí Thức Trẻ