Tag

30 tuổi

Browsing

– 01 –

Đôi khi những suy nghĩ vu vơ về tương lai lại tràn vào tâm trí những lúc rảnh rang trong một ngày mưa gió. 25 tuổi, ở cái ngưỡng lưng chừng và nhiều khi là chơi vơi này, tương lai là điều gì đó thật khó khăn khi nghĩ tới. Với những người tầm tuổi tôi, những người trẻ 20, 25, 30 tuổi vẫn còn tràn trề sức sống với bao dự định và hoài bão thì cuộc đời lại không nghĩ vậy, nó luôn rình rập để “đâm sau lưng” ta bất cứ khi nào có thể.

Tôi còn nhớ những thằng bạn thời niên thiếu, chúng tôi thật tươi vui. Đứa muốn làm bác sĩ, đứa muốn làm kiến trúc sư, có đứa lại muốn làm hacker,.. rồi mỗi lần đi chơi lại oang oang kể về những cái hay ho mà chúng biết về con người, công việc mà chúng thích. Trong chúng tôi khi đó luôn là ngọn lửa khát khao cháy bỏng được chứng tỏ mình, trở thành đỉnh cao của những người giỏi nhất.

Giờ đây khi đã “lớn”, khi nhắc lại những chuyện xưa cũ, lũ chúng tôi chỉ dám cười trừ tặc lưỡi: “Ôi cái hồi ấy!”. Đứa học kiến trúc thì đi làm công nghệ thông tin, cậu bạn học công nghệ thông tin thì giờ lại đi kinh doanh; trái ngành trái nghề trái cả cái niềm yêu thích ban đầu. Phải chăng cuộc đời là vậy? Phần lớn chúng ta được thiết kế để tuân theo quy luật của nó?

Ước mơ của tôi bay đi đâu mất rồi?

Dường như khi càng già đi, chúng ta lại càng ghét nói về ước mơ của mình. Tại sao? Vì thật xấu hổ khi bạn nói mà không làm được. Bạn nhận ra rằng bạn chẳng quyết tâm như bạn nghĩ, bạn chẳng giỏi giang như bạn tưởng; rồi bạn bắt đầu hoài nghi bản thân – phải chăng ước mơ này là quá xa vời và không dành cho bạn? Động lực mất dần, nỗi sợ thất bại tràn ngập. Bạn còn chẳng dám nghĩ đến việc bạn sẽ làm những thứ bạn thích nữa. Đáng buồn thay, bạn đang dần học cách từ bỏ.

Nhưng bạn vẫn sống và tiếp tục lừa dối bản thân bạn.

30 tuổi: Quá nhiều người sống như thể họ đang ở vạch đích, còn tôi muốn chạy một cuộc marathon thứ thiệt - Ảnh 1.

– 02 – 

Với những người ở lại với niềm tin lung lay mãnh liệt của mình, tại sao họ vẫn tin? Là vì áp lực từ những điều họ đã nói ra, là vì họ cũng chẳng còn tin nữa nhưng họ vẫn phải bám trụ vào nó để kể những câu chuyện thần thoại về tương lai và ước mơ của họ. 

Như một diễn giả tài năng, một người bạn đã nói với tôi: “Tớ vẫn thích mở một công ty giải trí riêng. Tớ sẽ gây dựng nó trở lên thịnh vượng rồi thuê một thằng CEO về cho nó quản lý rồi mình đi nghỉ mát ngồi đếm tiền. Cơ mà tớ muốn từ từ đã, cậu biết mà.. tiền bạc làm con người ta suy đồi, nên tớ nghĩ vội vàng quá sẽ khiến mình cuốn vào vòng xoáy ấy. Có lẽ tớ nên bắt đầu từ những thứ nhỏ nhặt trước đã, làm quen rồi học từ mấy người trong ngành ấy chẳng hạn.”

Tôi chỉ dám nở một nụ cười ái ngại trước giấc mơ màu hồng của bạn tôi.

Tôi không nghĩ rằng sau này “tôi sẽ có gì?”. Tôi chỉ quan tâm duy nhất một điều “làm sao để có được thứ tôi muốn?”. Từng bước từng bước một từ A-Z, rủi ro là gì, tôi sẽ phải làm gì, thời gian tôi cần để thực hiện chúng và cuối cùng là một niềm tin bất diệt về cái tôi phải làm.

“Quá nhiều người sống như thể họ đang ở vạch đích. Còn tôi muốn chạy một cuộc marathon”

Và 2 điều sẽ giúp tôi thực hiện điều đó: Lòng tự trọngTự nhận thức.

Đầu tiên, bạn phải có một niềm tin táo bạo rằng, bạn sẽ trở nên vĩ đại, bạn phải vĩ đại dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Nó không phải ước mơ, không phải DỰ ĐỊNH – nó là cuộc đời của bạn, nó là sinh mệnh của bạn, nó là điều giúp bạn trở nên ý nghĩa chứ không phải là một gã vật vờ chẳng làm gì ra hồn. 

Điều thứ hai, tự nhận thức khả năng của bạn. Đừng trở thành người mà bạn mong muốn mình trở thành, hãy trở thành người mà bạn có khả năng trở thành. Nhiều người sẽ nói: “Chúng ta phải theo đuổi giấc mơ của mình, bạn có thể làm được mọi thứ nếu bạn tin tưởng vào bản thân mình.”

30 tuổi: Quá nhiều người sống như thể họ đang ở vạch đích, còn tôi muốn chạy một cuộc marathon thứ thiệt - Ảnh 2.

 – 03 – 

Tôi đã từng muốn trở thành một game thủ, vì tôi cực kì mê game hồi còn bé; thế giới trong game thật đẹp biết bao, nơi tôi trở thành anh hùng trong cuộc đời của tôi, tôi chém quái vật tôi cứu thế giới, tôi có tiền mua đồ xịn để tôi bá đạo nhất. Nhưng rồi tôi nhận ra, có những game tôi không thể nào trở thành bá đạo được. 

Tôi đã băn khoăn suy nghĩ về điều này và rồi đi đến kết luận: Tôi không thể tập trung vào quá nhiều chi tiết, tôi không có khả năng phán đoán tình huống và căn thời gian, tôi cũng không thể trở thành một game thủ huyền thoại, dù đã bỏ quá nhiều thời gian, tâm sức nghiên cứu.

Rõ ràng, dù thời gian và công sức nghiên cứu mà tôi bỏ ra giúp tôi có thứ hạng cao nhưng điều đó không phải thứ tôi muốn, tôi muốn là người giỏi nhất hoặc chí ít là trong top 5% những người giỏi nhất.

Khi chưa tìm hiểu kĩ càng về bản thân mà lại có quá nhiều ước mơ thì đó là chiếc vé một chiều về vùng đất mơ mộng dành cho bạn.

Lòng tự trọng và Tự nhận thức? Xong! Giờ sao?

Một kế hoạch chi tiết đến đáng kinh ngạc. Hãy tưởng tượng rằng bạn đang lập kế hoạch để lên mặt trăng và chỉ sai 0,5 giây thôi là phi thuyền của bạn sẽ nổ tung – bạn ra đi mãi mãi. Vì vậy, trước khi nghĩ đến một mục tiêu, tôi luôn tự hỏi ba điều:

1. Bao nhiêu thời gian là phù hợp nhất để tôi có thể rèn luyện kĩ năng của mình mỗi ngày?

2. Nếu còn thừa thời gian, tôi sẽ tăng thêm thời gian rèn luyện hay sử dụng vào những việc gì?

3. Nếu thiếu thời gian, tôi phải bỏ điều gì để bổ sung? Nếu không thể làm thế, tôi sẽ mất bao lâu để có thể đạt được mục tiêu đó.

Và cuối cùng là cam kết với cả tính mạng của tôi để thực hiện nó MỖI NGÀY. Nhiều người sẽ nói điều này có vẻ điên cuồng nhưng không bạn tôi ơi, nếu bạn chọn làm người bình thường trong thế giới điên cuồng này thì bạn đã thua từ khi được sinh ra rồi. Và bạn biết gì không? Có duy nhất một thời điểm vàng dành cho bất kì mục tiêu nào, là BÂY GIỜ.

Dậy sớm và làm ngay đi. Không có lý do nào được quyền cản trở bạn. Vĩ đại và tầm thường là sự sống và cái chết.



Dũng Spiderum


Theo Trí Thức Trẻ

Thời gian trước trò chuyện với trưởng phòng dịch vụ khách hàng của một ngân hàng nọ, anh ấy nói với tôi rất nghiêm túc, anh ấy đã tính rồi, tiêu chuẩn tự do tài chính của các thành phố nhỏ, vừa và lớn lần lượt là x triệu, xx triệu và xxx triệu. Tôi thật sự không biết anh ấy đã tính toán như thế nào với những con số khô khan kia. 

Thật ra tự do tài chính chỉ đơn thuần là một loại cảm giác. Nó không phải đổi hiệu xe từ BYD thành BMW hay không còn cắn răng khi sắm những món thời trang xa xỉ, mà đó là cảm giác: “Khi có hứng thú, tôi sẽ không ngần ngại làm việc chăm chỉ suốt 3 giờ đồng hồ, còn nếu tôi không thích, trả 3 triệu một giờ tôi cũng không làm.” 

Tự do tài chính là cảm giác không bị tiền bạc ràng buộc. Một khi có tiền là người ta lại muốn chi tiêu. Cho dù đã được tự do ngồi tàu tốc độ cao, họ vẫn muốn tận hưởng cuộc sống thoải mái trên những chuyến bay; khi tự do đón chuyến xe bình thường, sẽ bắt đầu nghĩ đến một cuộc đời được thoải mái ngồi chuyến xe cao cấp. 

Nếu như phải dùng tiền để tính, ham muốn của con người sẽ không bao giờ thật sự có được tự do ở mức cao nhất. 

Sự tự do thật sự của một người, xuất phát từ việc tích lũy nguồn lực + sở trường không thể thay thế + khả năng nắm bắt cơ hội và thực hiện nó. 

Có những điều này, chúng ta mới có thêm động lực để tính đến việc “tự do về tài chính”. Vậy rốt cuộc chúng ta nên làm thế nào mới có thể tích lũy những điều quan trọng này? 

Đừng tin vào câu nói “chỉ cần bạn nỗ lực, bước đến đâu cũng là đỉnh cao cuộc đời”: Trước 30 tuổi nên làm gì để được tự do về tài chính? - Ảnh 1.

 1. Hãy tận dụng điểm xuất phát

Đừng tin vào câu “người có năng lực đến đâu cũng như nhau thôi” Rất nhiều người thường hay tin vào những câu nói mang mùi ngôn tình: chỉ cần bạn nỗ lực, đi đến đâu cũng có thể bước lên đỉnh cao của cuộc đời. 

Thông thường, đằng sau sẽ minh họa thêm câu chuyện của ông Z từ tài xế taxi trở thành chủ tịch hội đồng quản trị, hoặc anh Y hiện là người có tầm ảnh hưởng trong ngành giáo dục, tuy ban đầu anh đã từng rớt đại học. 

Về bản chất, điều này mang hiệu ứng “thành kiến người sống sót” nhất định. (Thành kiến sống sót – Survivorship bias là để nói tới hiện tượng mọi người thường tập trung quá nhiều vào lời nói/hành vi/thống kê từ những người thắng cuộc, những trường hợp thành công mà quên mất những người thua cuộc, những trường hợp thất bại. Nói cách khác, quá trình lấy ví dụ đưa ra kết luận bị sai lạc do xu hướng ưa thích các ví dụ thành công. Lúc đó, bức tranh chỉ có toàn màu hồng.) 

Có hàng ngàn người xuất thân bình thường, làm việc vất vả nhưng mức lương không lý tưởng vẫn phải miệt mài từ tuổi 20 đến 30 vì sao không được nhắc đến? Ông Z hay anh Y, họ đều có xuất phát điểm là những trường học có tiếng, nơi tập hợp những tài năng. Ngoài năng lực vượt trội, họ cũng có một nền tảng tốt. 

Lúc trước tôi làm đầu tư, đã từng tiếp xúc với rất nhiều người phụ trách ngân sách. Giám đốc đầu tư với nguồn quỹ nhỏ có kém hơn so với giám đốc quỹ lớn? Không nhất định. Họ đều là tiến sĩ đại học lớn, giỏi giao tiếp, am hiểu tài chính. Thậm chí giám đốc đầu tư với nguồn quỹ nhỏ sẽ có nhiều áp lực hơn nên càng phải nỗ lực hơn. 

Tuy nhiên, sau vài năm gặp lại họ, tôi phát hiện ra rằng giám đốc đầu tư quỹ lớn có một mô hình lớn mạnh hơn, còn giám đốc đầu tư quỹ nhỏ, vì ít dự án, khả năng kiểm soát rủi ro kém, mạng lưới quan hệ hẹp, sau cùng chỉ có thể loay hoay bên trong vòng tròn tương đối nhỏ của một dự án. 

Hầu hết các kết quả mà tôi biết là: những người có ngân sách lớn, cho dù họ bình thường hơn đi nữa, cũng có thể tự hào viết vào hồ sơ của mình hàng chục dự án đầu tư nổi tiếng. Mọi người vừa nhìn vào: “Ồ! Thật không thể tin được! Thì ra anh/chị là nhà đầu tư của công ty A, còn chiếm nhiều cổ phần đến vậy!” Còn giám đốc đầu tư của một công ty quỹ nhỏ, chỉ có thể bận rộn từ đầu năm đến cuối năm với các dự án mà quỹ lớn không mấy bận tâm đến. 

Đây chính là sức mạnh của nền tảng. Một nền tảng khởi đầu tốt, trên con đường phát triển sự nghiệp, có thể trở thành một tên lửa để đưa bạn lên tầm cao

Có lẽ một người có năng lực thì đi đến đâu cũng như nhau là thật, nhưng thành tài hay không vẫn là vấn đề thời gian. Khác biệt chủ yếu nhất là sự tập hợp các nguồn lực. Nền tảng lớn có quá nhiều nhân sự, quy trình lại phức tạp, nhưng lợi thế không thể thay thế đó chính là cung cấp cho bạn nguồn lực dồi dào. 

Tôi đã từng đọc một bài viết có tên “Sau ba năm làm việc, tôi chọn rời khỏi Tencent”. Tác giả nhiều lần chỉ trích cách tuyển dụng, quản lý của nền tảng lớn, anh ấy không nhìn thấy có nhiều người bước ra từ Tencent, họ chưa từ chức thì đã được các nhà đầu tư săn đón. 

Ở đây cái gọi là “nguồn lực”, ngoại trừ các mối quan hệ, kỹ thuật, kiến ​​thức, quan trọng hơn đó là “bằng chứng nhận” mà nền tảng lớn mang đến cho bạn. 

Vì vậy, nếu như trước tuổi 30 bạn nắm bắt được cơ hội bước chân vào một nền tảng lớn, xin đừng từ bỏ. Được tự do tài chính hay không, có lẽ nằm trong quyết định này. 

Đừng tin vào câu nói “chỉ cần bạn nỗ lực, bước đến đâu cũng là đỉnh cao cuộc đời”: Trước 30 tuổi nên làm gì để được tự do về tài chính? - Ảnh 2.

2. Dám đối mặt với khó khăn tài chính, thời cơ đến thì quyết chí tiến lên 

Một tác giả chuyên viết về tài chính, một trong những tác phẩm của ông trở thành quyển sách “gối đầu giường” của giới lãnh đạo, đã từng kể câu chuyện: Có một biên tập viên nữ, du học Anh về nước sau khi tốt nghiệp, các khoản tiết kiệm cộng lại chưa đến 3 triệu, nhưng lại mua được một chung cư trị giá trăm triệu! Hơn nữa, nó đã tăng giá gấp đôi trong vòng vài năm! Cô ấy đã làm được như thế nào? 

Hóa ra công việc hàng ngày của cô gái biên tập viên là duyệt bản thảo, cô đọc được tin tức giá nhà của các thành phố loại vừa tăng lên hết đợt này đến đợt khác, vả lại khi tan làm trở về khu nhỏ vào ban đêm, còn thấy những người mặc đồ tây lái xe điện ở khắp nơi, đó là những người môi giới bất động sản. 

Cô liền cảm thấy: “Hừm, đã đến mùa tăng giá nhà đất của thành phố.” Nhưng cô ấy vẫn không có tiền. Vì vậy, cô đã “mặt dày” đi mượn tiền từ bạn bè. Cô ấy một lòng tin tưởng, chỉ cần tuân theo nguyên tắc “có lãi sẽ trả đúng hạn” thì sẽ không tổn hại đến tình cảm bạn bè. 

Vay được tiền, cô ấy đã làm thế nào để trả? Cô đã tự hỏi mình ba câu hỏi: Ngành nghề của tôi có phải là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao? Công ty của tôi có phải là một trong những công ty tốt nhất trong ngành? Tôi có phải là một trong những người giỏi nhất trong công ty không? 

Thật trùng hợp, cô ấy có thể trả lời cả ba câu hỏi này là: Phải. 

Thế là chung cư này đã được cô ấy mua về một cách tự tin. 

Câu chuyện cho chúng ta biết rằng, những người “tự do tài chính” sớm đều có những đặc điểm sau: Không sợ khó khăn tài chính, xem nó như một đòn bẩy để tăng thêm sự giàu có; Quan sát tỉ mỉ, luôn nhận ra giá trị ở xung quanh; Có năng lực, có tự tin, dám vỗ ngực với khả năng kiếm tiền của mình. 

Nói một cách thẳng thắn, làm những việc có độ khó, bạn mới có thể tiến bộ nhanh hơn. Những người dám gò ép chính mình, mới đủ tư cách có được sự dư dả mà vận mệnh ban tặng. 

Đừng tin vào câu nói “chỉ cần bạn nỗ lực, bước đến đâu cũng là đỉnh cao cuộc đời”: Trước 30 tuổi nên làm gì để được tự do về tài chính? - Ảnh 3.

3. Còn quan trọng hơn có tiền, đó là có quyền lựa chọn

Cách đây không lâu tôi từng tham dự một sự kiện, sau khi lắng nghe chia sẻ của cựu phó chủ tịch một tổ chức giáo dục, tôi thật sự đã cảm nhận được rất nhiều điều. Lúc bà vừa tốt nghiệp đã đặt ra hai tiêu chuẩn tìm việc làm: 

Đầu tiên, không làm những gì bản thân không thích; 

Thứ hai, nhất định phải gần với trung tâm quyền lực. Chỉ ở trung tâm quyền lực, bà mới có cơ hội được trò chuyện trực tiếp với các lãnh đạo hàng đầu, mới có cơ hội học hỏi những người giỏi nhất. Công việc tài vụ tuyệt đối sẽ không làm, bởi bà biết sau bốn năm đại học, bà hiểu rất rõ bản thân không thích nó đến mức nào; Công ty lớn tuyệt đối sẽ không vào, nhận công việc vì để lấp chỗ trống chắc chắn bà sẽ không được gần trung tâm quyền lực. 

Trong khi hầu hết mọi người bối rối về những gì họ nên làm trong tương lai, bà ấy đã có chọn lựa quyết đoán cho sau này. Chính vì lựa chọn này, bà bắt đầu từ vị trí trợ lý nhỏ cho giám đốc, sau này trưởng thành cùng tổ chức giáo dục, trở thành trụ cột thứ hai của công ty. 

Tiềm năng giàu có của một người, đầu tiên là ở việc dám lựa chọn. Bởi vì lựa chọn có nghĩa là bạn đã đích thân nghiên cứu, tìm hiểu bản chất của sự vật. 

Rất nhiều người vào lúc vừa tốt nghiệp, thậm chí bằng lòng chi một khoản phí để tham khảo ý kiến ​​của “chuyên gia tư vấn”, giải quyết sự mờ mịt và những khó khăn khi phải đối mặt với các lựa chọn. 

Cũng có không ít người học quản lý tài chính, sau khi học một thời gian dài, họ vẫn không ngừng hỏi: “Thưa thầy, thầy có thể gợi ý cho em một ngân sách không? Thấy cảm thấy sản phẩm quản lý tài chính này có ổn không?” Về bản chất, những việc này đều là trao quyền lựa chọn vào tay người khác. Nếu như ngay cả việc lựa chọn liên quan đến tương lai và con đường tiền tài của chính mình cũng không làm được, vậy tại sao còn muốn nhanh chóng trở thành một người tự do về tài chính? 

 Xin nói một cách chân thành, những người có thể đạt được tự do tài chính trước tuổi 30, ngoại trừ việc đầu thai kiếp khác và may mắn ra, phụ thuộc nhiều hơn vào sự “nhạy cảm” – cảm giác nhạy bén với cơ hội, sau đó đưa ra lựa chọn một cách nhanh chóng.



Tu An


Theo Trí Thức Trẻ